Saturday, September 1, 2012

Hãy cùng chúng tôi nói KHÔNG với tình trạng công an đánh chết dân - “STOP POLICE KILLING CIVILIANS”



Trịnh Kim Tiến - "... Công lý phải được thực thi cho dù rất gian nan.
Nếu chỉ có một người mơ ước chạm tay vào công lý thì đó chỉ là một giấc mơ, nhưng nếu đó là giấc mơ của nhiều người thì nhất định nó sẽ trở thành hiện thực. Hãy cùng chúng tôi nói KHÔNG với tình trạng công an đánh chết dân - “Stop Police killing civilians”..."


*
Đọc được bài trên báo, biết được kết luận của cơ quan điều tra VKS Nhân dân Tối cao anh Nhựt chết là do tự tử và “anh Nhựt tự tử” là do “ân hận”, tôi thấy xót xa, thương chị Tuyền vô cùng.
Uất ức và căm phẫn mà trào ứa nước mắt.
Dù đã đoán biết trước được kết quả này nhưng tôi vẫn không ngăn được cảm xúc trong lòng mình, không biết phải làm gì để chia sẻ cùng chị lúc này. Tôi hiểu chị Tuyền đang sốc thế nào khi đọc được những lời kết luận ấy. Cảm giác của chị bây giờ cũng chính là thứ cảm giác mà tôi từng trải nghiệm qua nhiều lần trong những tháng ngày chật vật đi tìm công lý cho bố mình và cho đến tận bây giờ.
Mọi thứ đều có thể đổi trắng thay đen, màu của công lý đang là một mớ màu hỗn độn, xám xịt và u ám. Muốn nói sao thì nói, muốn phán sao thì phán, nhấp cây viết, một mạng người chết oan. Sinh mạng con người trở nên quá rẻ mạt qua sự dối trá và độc ác.
Nhưng tôi tin rằng công lý là lương tâm, không phải lương tâm cá nhân mà là lương tâm của toàn bộ nhân loại.
Những ai còn nhận thức rõ ràng giọng nói của lương tâm chính mình thường sẽ nhận ra tiếng nói của công lý.
Chị Tuyền không hề cô đơn. Tất cả mọi người có trái tim, hướng về công lý đều ủng hộ chị.
“Quan tòa sẽ bị kết án khi tội nhân được xóa tội”. Tất cả những kẻ gây ra tội ác và những kẻ đang bao che, lấp liếm cho tội ác đó, họ sẽ bị kết án bởi chính tòa án của lương tâm.
Không ai muốn chết, thậm chí đến cả những người muốn tới thiên đường cũng không muốn phải chết để được lên đó. Theo bản Nhận xét và Kết luận của VKS Nhân dân tối cao: “Ban chuyên án nêu lý do: Việc lưu giữ anh Nguyễn Công Nhựt ở lại Ca huyện Bến Cát nhằm bảo vệ người tố giác tội phạm và thuận lợi cho quá trình điều tra của chuyên án...” để rồi anh Nhựt tự tử chết sau khi có “bản cam kết hợp tác với Cơ quan CSĐT cung cấp thông tin để điều tra tội phạm, tự nguyện hợp tác và ở lại Công an huyện Bến Cát”.
Chẳng lẽ anh có thể đành lòng ra đi bỏ lại người vợ trẻ với bao ước mơ và dự tính cho tương lai? Chẳng lẽ anh đành lòng ra đi khi chưa được chào đón tiếng khóc của trẻ thơ, khi anh là anh hai của một bầy em nhỏ? Chẳng lẽ anh đành lòng để lại cha mẹ già không người lo lắng chỉ vì“ân hận” sao?
Đến con kiến còn ham sống, huống chi là con người.
Cho dù kết luận của VKS Nhân dân tối cao có như thế nào thì đến giờ phút này anh Nhựt vẫn là một công dân trong sạch.
Quy định của Hiến pháp đã khẳng định: “Không ai bị coi là có tội khi không có bản án hay quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.” Họ không có bất cứ một quyền hạn nào để định anh là người có tội. Anh không có tội và cũng chẳng có lý do gì để anh phải tự tử. Anh đã bị bắt giam trái pháp luật, đánh đập, tra tấn đến chết trong đồn.
Khi chị Tuyền đưa cho tôi xem bức hình chụp thi thể anh tôi đã không cầm nổi nước mắt, nhớ đến hình ảnh của bố mình trước khi chết, cảm xúc muốn vỡ òa ra. Từ một con người bằng xương bằng thịt, trở thành một thân xác nguội lạnh với những vết thương, bầm dập vì bị tra tấn. Lời kể của bác Lượm mẹ của anh Nhựt còn đau xót hơn nữa “Trước khi pháp y mổ, tôi có vào nhìn mặt con tôi thì thấy dưới đáy quần của nó loang đỏ máu. Hai bên đùi có rất nhiều vết bầm tím từ trên xuống.Hai bên hông và hai bên đít cũng bầm tím. Môi trên bị dập, hai bàn tay thì co rút lại, lúc đó tôi cố gỡ ra nhưng không được. Chúng tôi hoàn toàn không tin là con mình tự sát” (theo báo Thanh Niên).
Nhìn vào “bức thư tuyệt mệnh” mà họ đưa ra nói là do anh Nhựt viết, nhìn mắt thường cũng biết đó không phải là của anh Nhựt khi đối chiếu với nét chữ lúc anh còn sống. Thế mà phòng giám định Kỹ thuật hình sự Bộ Quốc phòng lại phân tích được bức thư giả mạo ra thành là nét chữ của anh Nhựt. Phải nói là kỹ thuật phân tích này thuộc đẳng cấp đặc biệt. Họ đang ngồi xổm lên pháp luật, đang chà đạp và xỉ vả vào sự thật.
Từ những hành vi cửa quyền, đến những câu nói lố bịch của những người được gọi là chiến sĩ công an nhân dân, cuối cùng VKSND Tối cao cũng đã cho ra một kết luận bất chấp luật pháp, dung túng, tiếp tay cho tội ác sau hơn 18 tháng.
Chắc chắn những người quan tâm đến vụ án không thể quên được sự việc Thiếu tá công an Nguyễn Thành Phú (phụ trách vụ điều tra vụ mất trộm lốp xe Kumho) đã gạ tình, đề nghị đi khách sạn, và đe dọa chị Tuyền bán đất đi để “chạy án” cho chồng qua cuốn băng ghi âm chị Tuyền thu lại được.
Công an tỉnh Bình Dương trả lời báo chí, anh Nhựt tự tử bằng sợi dây sạc điện thoại, sau một vài ngày vì dư luận bức xúc thì được đổi lại thành dây cáp điện thoại.
Sự chịu đựng luôn có giới hạn của nó.
Một năm rưỡi qua chị Tuyền miệt mài chạy đuổi tìm công lý, mà đến giờ công lý vẫn lặn tăm, công lý bị bóp méo, đáp án của VKSND Tối cao giống như cái kết của một vở diễn hài.
Sự việc của anh Nguyễn Quốc Bảo bị đánh chết tại đồn công an quận Hai Bà Trưng chóng bị quên đi, dù bác Phục, bố của anh đã cố gắng bằng mọi cách để làm rõ cái chết của con trai mình.
Không chỉ riêng tôi, riêng chị Tuyền hay riêng bác Phục, còn rất nhiều những gia đình khác cũng đang phải chịu những bất công, oan ức tương tự.
Tình trạng công an đánh chết dân đã và đang tiếp diễn một cách ngang nhiên và bình thường mà không phải chịu bất cứ sự chế tài nào của luật pháp. 
Những lúc chịu bất công, o ép, tôi cũng từng nghĩ vậy đấy, “công lý chỉ là một diễn viên hài”! Và chính chúng ta đang là những diễn viên, những khán giả trong vở kịch hài hước đầy nước mắt và đau đớn của những nỗi oan khiên. Chúng ta ngồi để xem, để chứng kiến vở hài kịch đó diễn ra một cách suôn sẻ và thành công. Không, không thể như vậy, sự im lặng và chấp nhận là đồng lõa với cái ác, chúng ta phải lên tiếng, phải đấu tranh để tìm lại công lý và phải lột trần sự bưng bít, dối trá đó ra để tìm ra sự thật đang bị phủ lấp bởi những thế lực của bóng tối và tội lỗi. Cho dù những người dám đứng ra để đòi lại công lý chỉ là thiểu số đi chăng nữa thì chân lý và sự thật vẫn tồn tại.
Công lý phải được thực thi cho dù rất gian nan.
Nếu chỉ có một người mơ ước chạm tay vào công lý thì đó chỉ là một giấc mơ, nhưng nếu đó là giấc mơ của nhiều người thì nhất định nó sẽ trở thành hiện thực. Hãy cùng chúng tôi nói KHÔNG với tình trạng công an đánh chết dân - “Stop Police killing civilians”

No comments:

Post a Comment