HÀ NỘI (Tổng Hợp) -- Sau vụ Bầu Kiên bị bắt người ta phát hiện ra một điều lạ là có một trang blog đã đưa tin này sớm và chính xác hơn tất cả các trang mạng theo lề phải. Đó là trang blog Quanlambao. Và từ đó dẫn đến nhiều bình luận, phân tích để có người cho rằng người chủ đứng đằng sau trang blog đó phải là tình báo Trung Quốc.
Bản tin trên đài Á Châu Tự Do (RFA) hôm Thứ Ba, 28-8-2012, có đăng bài “Ai Đứng Phía Sau Quan Làm Báo” của tác giả Mặc Lâm, đề cập đến chuyện này rất tỉ mỉ.
RFA viết rằng, “Sau vụ bầu Kiên bị bắt, người ta tự hỏi ai là người chủ trương trang blog QuanLamBao, mà lại có thể thoát ra ngoài tầm kiểm soát của an ninh Việt Nam? Trang blog Quanlambao hiện đang được nhiều người truy cập bởi những thông tin xuất hiện trên trang blog này được xem là phơi bày những bí mật nhất của chế độ hiện nay.”
RFA cũng đưa ra nhận định như sau: “Nếu ai từng có một trang blog tại Việt Nam thì đều biết rằng đưa những bài viết có tính nhạy cảm là chấp nhận công an làm khó dễ và trang blog không sớm thì muộn sẽ bị đóng cửa theo những quy định mà nhà nước có sẵn nhằm đối phó với thông tin đi ngược lại với những gì mà chính quyền không muốn phơi bày. Hai trang mạng nổi tiếng hiện nay là Basam và Dân Làm Báo sở dĩ không đóng cửa được vì có IP ở nước ngoài, thế nhưng chúng vẫn không tránh khỏi hacker nhiều lần tấn công. Thêm vào đó tường lửa được tạo ra dày đặc trong nước làm nản lòng những người muốn theo dõi tin tức nơi báo lề trái.... Thế nhưng những nỗ lực của công an mạng lại không thể thành công đối với trang blog mang tên Quanlambao. Từ khi xuất hiện tới nay trang blog này không những chỉ chuyên tâm đưa các bài viết vượt qua rất xa sự nhạy cảm mà nó còn tấn công trực diện Thủ tướng đương nhiệm cùng tất cả những người thân hay thuộc hạ của ông mà Quanlambao gọi chung là tập đoàn Nguyễn Tấn Dũng.”
Từ những nhận định đó, RFA tiến dần đến trọng điểm chính, khi viết rằng, “Vụ bắt giữ bầu Kiên đưa tiếng tăm của Quanlambao vượt xa các trang mạng nổi tiếng khác nhưng nó đồng thời cũng mang lại lắm câu hỏi về nhân thân của những ai đang điều hành trang mạng này. Cách đưa thông tin của Quanlambao gây cho những người theo dõi tin rằng đây là sự hợp tác của đương kim Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để đối phó với thế lực ngày một lớn và bao trùm tất cả các ngõ ngách chính trị, kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.”
Và RFA trích lời nhà bất đồng chính kiến Hà Sĩ Phu cho rằng trang blog nhất định có liên hệ tới Trung Quốc. RFA viết như sau: “TS Hà Sĩ Phu, một nhân vật tranh đấu cho dân chủ nhân quyền nhiều năm qua phân tích điều này: “Quan Làm Báo đứng về phe ông Trọng và ông Sang và tất nhiên phe này thân Tàu hơn phe ông Dũng rồi vì vậy người ta nghi rằng Trung Quốc có một cái liên kết gì đấy. Quan Làm Báo chủ yếu đánh vào tham nhũng và kinh tế, ngân hàng chứ còn mặt chống Trung Quốc thì Quan Làm Báo chỉ đưa những bài có tính chất tượng trưng để giảm bớt tính cực đoan của một phía chứ không nằm trong trọng tâm. Tóm lại đánh Trung Quốc để bảo vệ đất nước không phải là trọng tâm của Quan Làm Báo. Đó là điều mà nhân dân phải cảnh giác.” Đối với nhiều nhà bất đồng chính kiến trong nước thì Quanlambao được hình thành và hoạt động mạnh mẽ như vậy chỉ có thề do bàn tay của tình báo Bắc Kinh giúp đỡ, điều hành từ bên ngoài. Nhìn dưới góc độ chuyên môn những tin tức bí mật mà Quanlambao loan tải không thể che dấu được tình báo Việt Nam địa chỉ nguồn tin được tung ra.”
Liên quan tới Trung Quốc và Việt Nam, một bản tin khác của Đài phát thanh quốc tế Pháp ban Tiếng Việt hôm Thứ Ba, 28-8, cho biết rằng Trung Quốc lại mời các công ty ngoại quốc đấu thầu 26 lô dầu khí ở Biển Đông.
RFI viết như sau: “Theo hãng tin Reuters vào hôm nay, 28/08/2012, Tập đoàn dầu khí hàng đầu Trung Quốc CNOOC, đang tìm đối tác ngoại quốc để thăm dò dầu khí tại 26 lô ngoài khơi, trong đó có 22 nằm trong vùng Biển Đông. Tuy nhiên, trái với lần gọi thầu vào tháng Sáu, một chuyên gia phân tích cho biết là không có lô nào nằm trong khu vực tranh chấp với các nước Đông Nam Á.
Theo thông tin trên trang web của CNOOC, một trong các lô mời thầu nằm ở phía bắc Vịnh Bột Hải, ba lô khác nằm trong vùng biển Hoa Đông, 18 lô ở khu vực phía Đông của Biển Đông) và 4 lô còn lại ở phía tây Biển Đông. Tổng diện tích các lô lên đến khoảng 73.754 km vuông, với ba lô ở phía đông Biển Đông nằm ở độ sâu từ 700 đến 3.000 mét. Cũng theo nguồn tin trên, các công ty nước ngoài quan tâm đến thông báo gọi thầu này có thể tham khảo các dữ liệu liên quan từ nay cho đến ngày 30/11.”
No comments:
Post a Comment