Từ sự ra đời của Yao Ming cho tới những trại tập thể thao, người Trung Quốc đã làm tất cả để có được những phút huy hoàng ở các kỳ Thế vận hội. ( Rùng rợn cảnh hàng nghìn em nhỏ Trung Quốc bị cưỡng ép tập thể thao )
Operation Yao Ming - Ép kết hôn để "sản xuất" nhà vô địch
Ngày 26/6/2002.
29 đội bóng rổ chuyên nghiệp của giải nhà nghề Mỹ NBA có mặt tại nhà thi đấu huyền thoại Madison Square Garden để chuẩn bị lựa chọn ra những cầu thủ trung học & đại học xuất sắc nhất thi đấu cho mình.
Houston Rockets trúng cuộc xổ số để giành quyền lựa chọn đầu tiên, và họ đã chọn Yao Ming, trung phong người Trung Quốc cao 2m29 đến từ Thượng Hải. Anh trở thành người Trung Quốc đầu tiên được lựa chọn tại NBA Draft, và được chọn ở vị trí số 1. Trước Yao, Wang Zhizhi đã từng đến NBA, và Wang chính là đối thủ lớn của Yao khi hai người chưa sang Mỹ.
Có một điểm chung giữa Yao và Wang, đó là họ cùng có chung một hoàn cảnh ra đời. Không phải hoàn cảnh kinh tế, mà là hoàn cảnh xã hội: cha mẹ họ đã bị ép buộc phải kết hôn, để tạo ra những VĐV cao lớn của Trung Quốc.
Định mệnh của Yao Ming đã được các quan chức Thượng Hải chọn: cuộc đời của một VĐV bóng rổ
Trong cuốn sách “Operation Yao Ming” của Brook Larmer, một cựu nhà báo của tạp chí NewsWeek, mẹ của Yao Ming đã được tiết lộ là một cựu Hồng vệ binh của cuộc Cách mạng Văn hóa. Khi giai đoạn đầy đen tối trong lịch sử Trung Quốc này kết thúc, mẹ Yao Ming đã bị bắt làm người giúp việc như một hình phạt cho những “tội lỗi” của bà, bất chấp gia đình bà có truyền thống thể thao lâu năm.
Thế rồi cho đến một ngày, những quan chức Thượng Hải đặt chân đến nhà bà và đưa ra một đề nghị, hay đúng hơn là mệnh lệnh: hãy kết hôn với một người đàn ông được chỉ định. Kết hợp cả sức ép đó lẫn sự thuyết phục của những người khác, bà Fang Fengdi chấp nhận. Và thế là Yao Ming - một đứa trẻ sơ sinh khác thường với đôi chân và bàn tay lớn - ra đời ngày 12/9/1980 tại Thượng Hải, với cha là ông Yao Zhiyuan, người cao 2m08.
Và ngay lập tức, khi Yao Ming lớn lên, cậu bé bị buộc phải tham gia tập luyện bóng rổ, dù ước mơ của cậu là được làm phi hành gia. Sau đó là những gì chúng ta đã biết, Yao trở thành một ngôi sao của Trung Quốc, đặt chân tới nước Mỹ và biến thành một siêu sao quốc tế.
Nhưng điều đó đã tạo nên một ấn tượng xấu với bà Fengdi, người trở nên cáu bẳn, khắt khe với con trai mình. Khi Yao đến Houston, anh quyết định tách ra ở riêng ở trung tâm thành phố, thay vì ở cùng mẹ mình ở một căn nhà ngoại ô.
Khởi đầu của cơn khát vinh quang
Bắt đầu thập niên 1980, chính phủ Trung Quốc quyết định rằng họ cần phải chấm dứt hàng chục năm bị bẽ mặt trong các đại hội thể thao quốc tế bằng cách đầu tư một thế hệ những nhà vô địch tương lai. Và để làm điều đó, cách mà họ thực hiện là đi tìm những em bé có tố chất làm VĐV, và đưa các em vào những chương trình huấn luyện khắt khe, dù có phải buộc các em bỏ học ngay từ mẫu giáo.
Các giáo viên trường tiểu học và trung học được giao nhiệm vụ thăm dò và tìm kiếm những em nhỏ có triển vọng thể thao để từ đó đưa các em vào khoảng 3.000 trại huấn luyện do nhà nước mở ra.
Ye Shiwen phá kỷ lục thế giới bơi 400m hỗn hợp. Cô ngay từ khi lên 7 đã bị bắt bỏ học để tập luyện
Ye Shiwen là một trong số đó. Từ khi sinh ra, cô đã sở hữu một sức mạnh thể chất khá lạ thường, giống như thể chất của một người đàn ông với đôi bàn tay lớn và sải tay rộng. Lên 7 tuổi, Ye được đưa vào huấn luyện điền kinh, trước khi người ta quyết định rằng cô sẽ được đào tạo làm VĐV bơi lội. Và ở tuổi đó, cô bé Ye đã làm được 20 lần ba-rơ-phích (hai tay bám xà và nâng người lên cho tới khi cằm vượt xà - hay còn gọi là pull-up).
Ở những nơi huấn luyện thế này, bên cạnh vấn đề kỷ luật cực kỳ nghiêm khắc, thậm chí gần như là tàn nhẫn, thì luôn có một tấm biển được treo trên tường để nhắc nhở các em nhỏ rằng các em được đào tạo để làm gì. Tấm biển khi vẻn vẹn một chữ, nhưng đủ để nói lên cơn khát vinh quang của những người Trung Quốc: “Vàng”.
Một em nhỏ Trung Quốc đang tập luyện thể thao.
Các huấn luyện viên thậm chí còn “huấn luyện” luôn cả khâu trả lời phỏng vấn truyền thông cho các VĐV, để biến họ thành những biểu tượng có sức hút trong mắt công chúng. Dù vậy, nhiều VĐV sau này, một phần bị ảnh hưởng bởi sự lan rộng của mạng xã hội, đã bày tỏ dấu hiệu nổi loạn.
Di chứng
Gương mặt của các VĐV Trung Quốc cũng là một thứ được huấn luyện: nó phải trở nên vô cảm trước mặt giám khảo, không một vẻ gì đau đớn hay yếu ớt.
Và sự vô cảm xúc ấy đôi khi còn trở thành cuộc đời sau thể thao của họ. Bị lập trình chỉ để làm cái việc là giành Huy chương, họ kết thúc sự nghiệp và đối mặt với khó khăn về việc làm, và thậm chí còn không biết cách bắt chuyện với những người xung quanh.
Một bé trai được đào tạo để trở thành VĐV Thể dục dụng cụ.
Ye Shiwen tự an ủi rằng dù cô không được thoải mái với đời sống thể thao của mình, cô có được một chế độ ăn uống đầy đủ và khoa học. Có điều, ai mà biết được bên trong những thứ cô ăn có cái gì?
Ở Á vận hội 1994, đoàn Trung Quốc có 23 huy chương vàng cho môn bơi, nhưng mang về chỉ được 14. 9 chiếc huy chương Vàng bị tước vì BTC phát hiện ra 11 VĐV bơi có phản ứng dương tính với doping.
Trong những trại tập luyện này, mục đích ra đời của các VĐV là đoạt "Vàng"
Năm 1998, cảnh sát phát hiện 13 lọ đựng hormone sinh trưởng - đủ cho cả một đội - trong túi xách của một VĐV bơi Trung Quốc tại một sân bay ở Sydney, tức sự kiện diễn ra chỉ 2 năm trước Olympic Sydney 2000.
Và mới cách đây 6 tuần, Li Zhesi - một VĐV bơi mới 16 tuổi - bị đuổi khỏi đội vì bị bắt quả tang dùng chất kích thích EPO, một thứ thuốc làm tăng khả năng hấp thu oxy.
Đừng ngạc nhiên nếu một ngày nào đó bạn thấy trên truyền hình một nữ VĐV Trung Quốc có vẻ ngoài giống đàn ông, bởi chỉ cần dùng chất kích thích thường xuyên, người đó có thể bị chứng trái cổ (sụn tuyến giáp ở thanh quản) và phát triển một cái yết hầu nhô ra như của nam giới.
Trần Long (tổng hợp)
No comments:
Post a Comment