Lê Phan -Tại Thế Vận Hội Luân Ðôn 2012, trong cuộc đua thể dục dụng cụ nhảy ngựa gỗ có một thanh niên với mái tóc rất điệu tên là Louis Smith. Mẹ Smith, năm nay 47 tuổi, một mình nuôi hai đứa con trai sau khi ly dị người chồng năm Smith mới có ba tuổi.
Bà bảo với các nhà báo là cậu con trai Louis của mình lúc nào cũng thích chạy. Năm bảy tuổi, nó bị định bệnh ADHD, một căn bệnh của những cậu bé quá nhiều năng lực, không tập trung chú ý được. Bác sĩ cho cậu uống Ritalin nhưng bà bảo bà không thích cho con uống thuốc vì bà nghĩ cậu con trai của mình có thể sử dụng năng lực vô biên đó vào một cái gì tốt đẹp hơn nếu có một hoàn cảnh tốt hơn. Anh Louis tập thể dục dụng cụ và Louis cũng muốn theo anh. Bà kể, “Họ cho nó bắt đầu năm mới có lên bốn. Có thể thấy tiềm năng của nó. Nó cứ chạy tối ngày như gà mắc đẻ nhưng nó dẻo người lắm.”
Bà kể tiếp, “Năm bảy tuổi, Louis được chọn để theo học một huấn luyện viên hàng đầu ở Huntingdon Gym, như vậy có nghĩa là phải đi mỗi ngày và cả weekend nữa. Tôi đón nó ở trường, nó thay quần áo và ăn tối trong xe. Ðến khuya chúng tôi mới về đến nhà. Nhưng tôi không coi đó là một sự hy sinh. Tôi biết đó là chỗ tốt nhất cho con tôi. Có điều tôi phải tính toán rất kỹ bởi gym tốn tiền lắm, quần áo, dụng cụ rồi tiền xăng nữa. Mẹ tôi, nay đã qua đời vẫn phải phụ thêm tiền cho chúng tôi. Ðến năm 11 tuổi, Louis không cần Ritalin nữa bởi nó quá bận rộn với thể dục. Nó hết sức tập trung và kỷ luật. Năm 14 tuổi, nó lãnh huy chương vàng ở Giải Vô Ðịch Thiếu Niên Âu Châu. Năm 16 tuổi, nó được huy chương vàng ở Vận Ðộng Hội Khối Thịnh Vượng Chung Anh. Năm 17 tuổi, nó không học lên nữa mà trở thành vận động viên toàn thời gian. Khi nó được chọn sang thi đấu ở Bắc Kinh, mẹ tôi và dì tôi cho tôi tiền đi theo nó. Tôi ước gì tôi không phải xem nó biểu diễn, nhưng khi nó được huy chương đồng tôi khóc. Tôi thật tự hào. Biết rằng suốt những năm tháng đó đã đạt được kết quả với tấm huy chương làm tôi đờ đẫn. Ðến ngày nay, Louis đã ra ở riêng, gần nhà tôi, và tôi vẫn giặt giũ, nấu ăn cho nó bởi nó bận tập dợt, điều duy nhất tôi ao ước là nó được vui hưởng mùa Hè năm nay.”
Tạp chí Foreign Policy, vào cuối tháng 7 có một bài tiên đoán về ai sẽ đạt được nhiều huy chương nhất ở Thế Vận Hội Luân Ðôn 2012, trong đó tạp chí cho là một quốc gia muốn đạt được vinh quang ở thế vận hội, khẩu hiệu không phải là Citius, Altius, Fortius (nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn) mà phải là Maior, Ditiores, Communistarum (lớn hơn, giàu hơn, cộng sản).
Dựa trên hai nghiên cứu được đưa ra để tiên đoán số huy chương tại Thế Vận Hội Sydney 2000, Foreign Policy giải thích: Vận động viên cũng giống như những bộ máy phức tạp. Càng có nhiều người thì càng có nhiều máy. Càng có nhiều tài nguyên so với người thì càng nhiều bộ máy được đầu tư vào để tạo thành vận động viên thế vận, và cộng sản là vì công thức đã được Liên Xô sáng chế đã rất thành công.
Công thức này hiện nay vẫn được Trung Quốc theo đuổi. Như thông tín viên Bắc Kinh của đài NPR đã tả, sở dĩ Trung Quốc đạt được nhiều huy chương thế vận đến thế là vì họ đã tổ chức một guồng máy để huấn luyện vận động viên.
Phóng viên kể lại, “Ở sân tập, một cô bé la lớn ‘bảy phút’, trong khi những giọt mồ hôi nhỏ từ trán của em xuống cái đồng hồ được đặt dưới đất trong khi em đang giữ thế đứng bằng tay. Em có nhiệm vụ giữ giờ và đang đếm để cho các bạn tập đứng bằng tay trong 10 phút. Xung quanh, những em nhỏ, trạc cỡ năm sáu tuổi đang cố gắng hết sức, đỏ cả mặt vì mệt, có em bắt đầu rên lên vì mệt. Ông huấn luyện viên thản nhiên đứng xem.”
Và công việc lọc lựa tìm người để huấn luyện bắt đầu rất sớm. Cô vận động viên 16 tuổi đã đạt huy chương vàng trong giải 400m bơi hỗn hợp giải thích cô được lựa chọn vào môn bơi lội từ năm lên 6 bởi “thầy em thấy em có cánh tay thật dài.”
Việc huấn luyện cũng rất cam khổ. Thời khóa biểu tám giờ một ngày, sáu ngày một tuần với việc học cũng như gia đình bị bỏ quên. Hơn thế một khi đã vào hệ thống rồi, bỏ cuộc không phải dễ vì nhà nước đã đầu tư hơn 4.5 tỷ đô la để tạo nên những huy chương vàng tương lai.
Chương trình huấn luyện mà một viên chức trong Tổng Cục Thể Dục nhà nước Trung Quốc đã diễn tả như là một kim tự tháp, với những trung tâm huấn luyện nội trú ở các tỉnh như trung tâm ở tỉnh Hồ Bắc mà phóng viên của đài NPR đã đến viếng chỉ là cái đáy. Những em nhỏ được đưa vào đó, và từ từ tiến lên nếu đủ khả năng, để sau cùng là những vận động viên tuyệt hảo.
So với cái hệ thống đó, kinh nghiệm của Louis và bà mẹ thật khác hẳn. Nhưng ở đa số những quốc gia dân chủ, đó chính là kinh nghiệm của các vận động viên.
Cũng có những sự giúp đỡ của chính phủ. Ở Hoa Kỳ, hệ thống các trường đại học là lò huấn luyện cho tương lai. Một khi được học bổng hay được nhận vào một trường đại học với học bổng thể dục thể thao, sinh viên đó sẽ được giúp đỡ, từ huấn luyện viên đến dụng cụ đến cơ hội thi đấu. Những trường này, đa số là đại học công, được trợ cấp của chính phủ.
Ở Anh Quốc cũng vậy. Năm 1996, tại Thế Vận Hội Atlanta, toàn thể đội tuyển quốc gia Anh chỉ đạt được có mỗi một huy chương vàng và tổng cộng chỉ có 15 huy chương. Trước sự việc được coi như là nhục quốc thể đó, năm sau, chính phủ đã quyết định trao một số tiền từ xổ số quốc gia để giúp đỡ những môn thể thao thế vận. Chẳng mấy lâu sau, ở Thế Vận Hội Sydney năm 2000, Anh đạt 11 huy chương, lần đầu tiên Anh đạt được trên 10 huy chương vàng kể từ Antwerp 1920, và tổng cộng 28 huy chương đủ loại. Athens 2004 cũng vậy. Ðó là thế vận hội cuối cùng trước khi Anh được trao cho tổ chức Thế Vận Hội 2012.
Ðể chuẩn bị cho thế vận hội, ngân sách dành cho thể thao tăng vọt. Khi Anh đến dự Bắc Kinh 2008, đội tuyển quốc gia đã được đầu tư 235 triệu bảng Anh cho những chương trình huấn luyện cho đến thế vận hội, một sự gia tăng gấp bốn lần so với Athens 2004. Khoảng 60 phần trăm ngân sách huấn luyện đến từ tiền xổ số. Khoảng 40 phần trăm là trích thẳng từ ngân sách quốc gia. Còn khoảng 7 triệu đến từ cố gắng xin tài trợ của đội tuyển 2012. Tổng cộng như vậy mỗi người dân đóng thuế phải chi ra 80 xu một năm.
So với ngân sách 4.5 tỷ đô la một năm của Trung Quốc thì ngân sách khoảng 370 triệu đô la cho suốt bốn năm chuẩn bị cho thế vận là quá rẻ.
Ðiều quan trọng hơn là những huy chương vàng của Anh đa số là từ những bà mẹ như bà mẹ của Louis Smith, hay mẹ của Michael Phelps, mà câu chuyện cũng không khác chuyện của Smith bao nhiêu.
Cái công thức Maior, Ditiores, Communistarum, như vậy có vẻ không đúng. Anh Quốc không lớn, không có nhiều tiền và không phải cộng sản nhưng nếu tính theo dân số, đứng thứ nhì trong bảng huy chương thế vận trong khi Trung Quốc đứng thứ 10. Nhất là so sánh số phận của Smith với số phận của những em bé được huấn luyện ở Trung Quốc thì khuôn mẫu Anh Quốc tử tế hơn và nhân đạo hơn.
Nguồn: Diễn Đàn Thế Kỷ
No comments:
Post a Comment