Monday, August 29, 2011

Vài suy nghĩ về thành công của các cuộc biểu tình chống Trung quốc

Kami -  Kết quả thành công lớn nhất của 11 cuộc biểu tình chống Trung quốc liên tiếp vừa qua là vấn đề mọi người Việt nam nói chung và Hà nội nói riêng đã làm được, đó là dám sử dụng quyền công dân của mình, xuống đường biểu tình để thể hiện ý chí và nguyện vọng cái đã được ghi nhận trong Hiến pháp nước CH XHCN Việt nam. Đó là những sự kiện và kết quả mang tính thần kỳ, mà chỉ cách đây 4-5 tháng không ai dám nghĩ tới chứ đừng nói rằng đã thực hiện được. Chắc chắn nó sẽ được ghi vào trong lịch sử Việt Nam.

*

Thế là sau gần ba tháng, tôi và chắc cũng có nhiều người nữa lại có những ngày nghỉ cuối tuần thoải mái trong nhiều niềm vui. Nói là thoải mái, vì chuyện biểu tình chống Trung quốc ở Hà nội đã đến hồi kết của một thời gian quá dài với 11 cuộc biểu tình ôn hòa chống Trung quốc ở thủ đô Hà nội diễn ra triền miên. Nói về niềm vui không chỉ vì tất cả những người tham gia biểu tình lần thứ 11 bị trấn áp, bắt giữ và được trả tự do, mà đặc biệt hơn là sáng nay 27.82011, lãnh đạo UBND thành phố Hà nội bằng một thái độ được mô tả là hết sức trọng thị khác thường, đã có cuộc đối thoại kéo dài gần 3 giờ đồng hồ với những người tham gia ký bản Kiến nghị về thông báo cấm biểu tình, tại trụ sở UBND TP. Hà nội.

Được biết, tại cuộc gặp mặt về phía chính quyền Hà nội có sự tham gia của các quan chức cao cấp nhất, như Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị, Chủ tịch UBND TPHN Nguyễn Thế Thảo, Phó CT Vũ Hồng Khanh, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hồ Quang Lợi, Giám đốc Công an TP Nguyễn Đức Nhanh, Chủ tịch UBMTTQVN TP HN Đào Văn Bình... Về phía đại diện những người tham gia ký bản Kiến nghị có sự có mặt của các vị Nguyễn Trọng Vĩnh, Nguyễn Quang A, Nguyễn Xuân Diện, Chu Hảo và đáng tiếc đã có một số vị không tham dự được, như GS. Nguyễn Huệ Chi do không được khỏe, TS Lê Đăng Doanh hiện ở Hải Phòng, Nhà văn Nguyên Ngọc đang ở Đà Nẵng không ra kịp. Tại cuộc gặp gỡ này, những người phát biểu tham dự đã nêu ý kiến của cá nhân mình, có cả những ý kiến trái ngược nhau, nhưng nhìn chung các ý kiến phát biểu đều tỏ rõ sự thiện chí, xây dựng và thẳng thắn giữa chủ và khách ở mức cao. Và thông tin cũng cho biết có thể còn có các cuộc gặp gỡ tiếp xúc nữa trong tương lai. Nếu như vậy đó là những chỉ dấu đáng mừng và đáng khích lệ.

Các nhân sĩ trí thức trong một cuộc biểu tình tại Hà nội ngày 14.8.2011

Trong đời sống xã hội, vấn đề những mâu thuẫn ở các cấp độ khác nhau luôn phát sinh ở các mức độ khác nhau là quy luật tất yếu không thể tránh khỏi, bởi nó chính là động lực thúc đẩy cho sự phát triển của xã hội. Việc giải quyết các mâu thuẫn đó cũng có vô vàn cách thức không giống nhau, nhưng thực tế của lịch sử loài người đã chứng minh cho thấy việc giải quyết các mâu thuẫn hay các bất đồng giữa cá nhân với cá nhân, tổ chức với tổ chức hay ở mức cao như giữa các quốc gia với quốc gia, thì việc ngồi xuốn để đối thoại, đàm phán là cách thức có hiệu quả nhất, ít hao tổn vật chất và sinh mạng nhất so với chính sách đối đầu trực tiếp bằng bạo lực giữa các bên.

Việc chính quyền Hà nội gửi giấy mời tới những người đặt bút ký vào Bản kiến nghị về Thông báo cấm biểu tình, để trao đổi đối thoại là một động thái mới, rất thông minh chưa từng có của những người lãnh đạo cộng sản trong lịch sử Việt nam từ nhiều chục năm nay nhằm để tránh sự đối đầu không cần thiết, đồng thời cũng nhằm giảm thiểu các áp lực xã hội đã và đang tồn tại trong xã hội Việt nam nói chung và Hà nội nói riêng đang đè nặng lên chính quyền. Đó là, về đối ngoại thì chịu sức ép của Trung quốc trong vấn đề lãnh hải, những diễn biến sự sụp đổ hàng loạt của các chế độ độc tài ở Bắc Phi và Trung Đông, mà ở đó các cuộc cách mạng Hoa Nhài ban đầu cũng khởi phát như ở Hà nội vừa qua. Về đối nội thì Kinh tế thì suy thoái, lạm phát thì phi mã, nội bộ lãnh đạo lục đục lo sợ, không ai dám chịu trách nhiệm, nạn tham nhũng tràn lan, bất công trong xã hội và khoảng cách giàu ngheo giữa các nhóm người ngày một lớn. Vậy mà nay thêm các cuộc biểu tình ôn hòa chống Trung quốc diễn ra liên miên, đó là các đòn cân não đe dọa quyền lực và lợi ích các lãnh đạo chính quyền và các đại gia tư bản đỏ, trong một bối cảnh phức tạp chưa từng có như hiện nay.


Những người biểu tình này bị CQ coi là phản động?

Một điều dám khẳng định chắc chắn, đó là lãnh đạo và chính quyền không chỉ riêng Hà nội đã bắt đầu biết sợ dư luận và ý chí của quần chúng nhân dân qua các cuộc biểu tình chống Trung quốc vừa qua, mà bằng chứng là chỉ một vài ngày trước đây, các phương tiện truyền thông của chính quyền Hà nội đã có các bài viết trên Báo Hà nội mới, An ninh Thủ đô và các phóng sự trên truyền hình Hà nội, qui chụp họ (các nhân sĩ trí thức và người biểu tình) bị các thế lực khác giựt dây, thậm chí còn gọi họ phản động. Xin hỏi nếu họ là phản động thì tại sao chính quyền Hà nội không kiên quyết dùng pháp luật để xử lý mà quay ra đối thoại với bọn phản động?

Trong bối cảnh ấy, cuộc gặp gỡ mang tính trao đổi đối thoại của UBND TP. Hà nội là kết quả bởi nhiều yếu tố mang tính áp lực mạnh mẽ khác nhau như đã kể trên, nhưng cũng cần phải kể đến sức ép của phía Hoa kỳ khi yêu cầu phía Việt nam phải thả vô điều kiện những người biểu tình ngày 21.8.2011 còn bị giam giữ, đồng thời cũng là do sự đoàn kết những người tham gia 11 cuộc biểu tình từ ngày 05.6 - 21.8.2011 và phản ứng quyết liệt của các nhân sĩ trí thức yêu nước khi ra văn bản Kiến nghị về thông báo cấm biểu tình gửi UBND TP. Hà nội và một yếu tố không thể nhắc tới là sự thành công của cuộc nổi dậy của dân chúng ở Libya mấy ngày vừa qua mang lại.

Thiết nghĩ cũng phải nhắc lại câu chuyện nhỏ và đã cũ từ năm 2009 ở Mỹ, hẳn các bạn đọc còn nhớ sự kiện mang tên “Beer Summit” liên quan đến ông tổng thống da màu Obama, câu chuyện này có lẽ sẽ giúp cho các vị lãnh đạo ở Việt nam nên lấy làm bài học. Câu chuyện ban đầu rất đơn giản chỉ là việc thi hành công vụ giữa một nhân viên cảnh sát và một công dân da màu (giáo sư Gates), nhưng trở đã trở nên phức tạp và tạo nên phản ứng dư luận xã hội dữ dội khi ông Obama đã vô ý miêu tả hành động của trung sĩ Crowley bắt giáo sư Gates tại nhà riêng của ông về tội làm mất trật tự là một hành động ngu xuẩn (the police acted stupidly) và do có hàm ý có áp lực muốn trung sĩ Crowley xin lỗi giáo sư Gates, nhưng ông trung sĩ nói ông chỉ làm nhiệm vụ và không có gì để xin lỗi ai. Và lập tức lãnh đạo các hội cựu nhân viên cảnh sát của thành phố Cambridge đã tổ chức họp báo lên tiếng ủng hộ trung sĩ Crowley và yêu cầu tổng thống Obama xin lỗi (vì đã dùng từ nặng) đối với tất cả nhân viên công lực toàn quốc.

Thế là chỉ mấy giờ sau khi các hội cựu nhân viên cảnh sát lên tiếng, tổng thống Obama đã phải vội tổ chức họp báo tại tòa Bạch Ốc và nói rằng có thể ông đã không cân nhắc ngôn từ chính xác khi miêu tả vụ cảnh sát còng tay giáo sư Gates mấy ngày trước, ông cũng nói cả hai người đều đã phản ứng quá mức cần thiết. Không chỉ thế, ông Tổng thống Obama đã điện thoại khuyên giải cả hai người và mời họ nếu đồng ý thì đến tòa Bạch Ốc uống bia để thông cảm nhau, mà theo ông cuộc gặp gỡ giữa ông và hai nhân vật chính trong vụ gây sôi nổi về da màu gần đây chỉ là “một cơ hội lắng nghe với nhau”.

Câu chuyện cũ từ nước Mỹ cũng cho chúng ta hiểu nhiều điều, nhưng bài học lớn nhất là sự biết lắng nghe và tạo cơ hội cho các bên để đối thoại, giải quyết những vấn đề còn bất đồng. Đó chính là hệ quả của một xã hội dân chủ mà nhiều người trong chúng ta đang mong mỏi và hướng tới.

Trong tương lai gần, có lẽ các cuộc biểu tình chống Trung quốc có lẽ sẽ tạm thời ngừng lại một thời gian để rồi sẽ tiếp tục hay không thì chưa ai rõ, nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng với 11 cuộc biểu tình vừa qua cũng giúp cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm, để phần nào giảm thiểu các thiệt hại không đáng có. Đó là những người vốn được coi là lãnh tụ tinh thần của các cuộc biểu tình phải biết khôn khéo, khi cần cương phải biết cương, khi cần nhu thì cũng phải biết nhu, phải biết mềm dẻo trong tranh đấu và đừng quá sợ hãi khi ta đang làm những việc hết sức chính nghĩa đó là bầy tỏ lòng yêu nước và phản đối quân xâm lược. Và cũng phải có tầm nhìn chiến lược, chứ đừng có kiểu suy nghĩ bao biện rằng "Một nguy hiểm khác nữa, đó là ở những khái niệm “tổ chức khéo léo”, “thiếu tổ chức” (biểu tình) được lặp đi lặp lại, rồi chính quyền phải “công nhận và đối thoại” với các vị trí thức", suy nghĩ kiểu này cũng như đứa trẻ tự bịt mắt mình rồi nghĩ người khác không nhìn thấy nó.

Hôm nay, qua việc chính quyền Hà nội gửi giấy mời tới những người đặt bút ký vào Bản kiến nghị về thông báo cấm biểu tình, đến để trao đổi đối thoại đó đã rõ như ban ngày rồi, có lẽ không cần phải bàn cài gì thêm nữa nhỉ ?

Về những người tham gia 11 cuộc biểu tình vừa qua, dẫu cho họ không phải người ruột thịt, bà con họ hàng thân thích gì của tôi, nhưng bản thân tôi cũng có nỗi đau, thông cảm và pha chút thương cảm với họ - những người tham gia biểu tình. Đó là các chị, các anh như Bùi Thị Minh Hằng, Đặng Bích Phượng (Phương Bích), Nguyễn Văn Dũng (Dũng Aduka), Vũ Quốc Ngữ, Nguyễn Quang Thạch hay Nguyễn Chí Đức v.v... khi họ bị bắt bớ hành hạ. Đặc biệt tôi cảm phục, trân trọng với sự nhiệt tình và dũng cảm của TS. Blogger Nguyễn Xuân Diện. Với tôi luôn coi họ là những con người tràn đầy lòng nhiệt tình yêu nước, đầy nhiệt huyết, sự dũng cảm có thừa, họ sẵn sàng đối đầu với những nguy hiểm mà ai cũng biết trong một xã hội như Việt nam hiện nay, luật pháp không được coi trọng, với người dân mọi thứ chỉ là sự phục tùng vô điều kiện. Không phục tùng hay có biểu hiện của sự phản kháng là phản động, là chống đảng, chống lại cái (nhãn hiệu) chính quyền nhân dân.

Kết quả thành công lớn nhất của 11 cuộc biểu tình chống Trung quốc liên tiếp vừa qua là vấn đề mọi người Việt nam nói chung và Hà nội nói riêng đã làm được, đó là dám sử dụng quyền công dân của mình, xuống đường biểu tình để thể hiện ý chí và nguyện vọng cái đã được ghi nhận trong Hiến pháp nước CH XHCN Việt nam. Đó là những sự kiện và kết quả mang tính thần kỳ, mà chỉ cách đây 4-5 tháng không ai dám nghĩ tới chứ đừng nói rằng đã thực hiện được. Chắc chắn nó sẽ được ghi vào trong lịch sử Việt nam.

Con đường tiến tới phía trước còn dài và còn không ít gian nan, nếu mỗi chúng ta cùng ý thức được để xiết chặt tay nhau cùng tiến bước hướng về phía trước để giành lại quyền công dân của mình. Chắc chắn đêm tối sẽ qua đi, bình minh sẽ xuất hiện cho một ngày mới với những hy vọng một đất nước Việt nam mới Dân chủ và thịnh vượng. Việc chúng ta làm hôm nay không chỉ vì quyền lợi cá nhân của mỗi chúng ta, của gia đình mình mà còn vì tương lai của đồng bào mình và của cả con cháu mỗi người chúng ta trong tương lai nữa.

Đây chỉ là thời khắc nghỉ ngơi dưỡng sức, rút kinh nghiệm cho các sự kiện mới sẽ xảy ra trong tương lai gần không chỉ ở Hà nội mà còn cả trên bình diện toàn quốc .

Hà nội, chiều ngày 27 tháng 8 năm 2011

No comments:

Post a Comment