Thursday, August 9, 2012

“Bác” xây dựng quyền toàn trị [Phần 3]



GS Nguyễn Hữu Chi - Trước hết, chúng ta đều biết trong bất cứ một thể chế nào, đại đa số công dân đều không ít thì nhiều phải tuân hành theo ý muốn người lãnh đạo, vì người lãnh đạo thường nắm trong tay ba loại quyền lực để ép dân phải theo lệnh của mình: uy quyền, quyền tưởng thưởng, và quyền trừng phạt [1]. Trong phần đầu, tôi sẽ dựa vào vài thí dụ điển hình trong lịch sử để phân tách ba loại quyền lực này. Sau đó, tôi sẽ theo dõi con đường “Bác” đã đi, từ con số không tới chỗ tuyệt đỉnh của quyền lực, để rồi sau này các “cháu ngoan” của “Bác” đã bi đát đưa chế độ toàn trị vào trong thế kẹt.

1. Ba yếu tố của quyền lực 
(a) Uy quyền 
Thông thường, người lãnh đạo nắm được uy quyền vì có sẵn uy tín nên được toàn dân mến phục (charisma), hoặc tạo ra uy tín, như đã có công lập quốc (như Georges Washington ở Mỹ), hoặc cứu quốc (như Mustafa Kemal ở Thổ Nhĩ Kỳ, Gandhi ở Ấn Độ, v.v.), hoặc dựa vào truyền thống hay luật pháp có uy tín lâu đời (“Thiên Mệnh” ở Trung Hoa dưới thời phong kiến, Hiến Pháp Mỹ, v.v.).
Tuy nhiên, uy quyền của người lãnh đạo sẽ mai một dần dần nếu người lãnh đạo không biết thích ứng với thời cuộc để giải quyết những khủng hoảng trầm trọng cho đất nước. Thí dụ như các vua chúa Nhà Nguyễn, các vị này không biết tìm cách đương đầu với sức mạnh Âu Tây nên đã mất hết uy quyền, và làm cho truyền thống quân chủ cũng mất hết uy tín luôn. Trái lại, vua Chu-La-Long-Quốc ở Thái-Lan, cũng như Minh-Trị-Thiên-Hoàng ở Nhật, đã biết thực hiện những chương trình cải cách cần thiết, nên không làm tổn thương đến truyền thống quân chủ, vì thế con cháu vẫn còn giữ được ngai vàng của mình cho tới ngày nay.
(b) Quyền tưởng thưởngNgười lãnh đạo nắm được quyền tưởng thưởng khi có công tạo ra một đời sống trù phú cho mọi giới, như hạ thấp chỉ số thất nghiệp, gia tăng lợi tức cho toàn dân, v.v. Ta cũng nên biết quyền tưởng thưởng không làm cho người dân sợ hãi hay mến phục bằng uy quyền. Vì lý do đó, quyền này có tính cách đoản kỳ và sẽ mất hiệu lực khi người lãnh đạo không duy trì được tình trạng thịnh vượng như trước. Lúc đó, dân có thể nổi lên lật đổ người lãnh đạo, bằng lá phiếu hoặc bằng những cuộc biểu tình bạo động.“Bạc như dân” là vậy.
Ta cũng nên biết, trong các nước tự do dân chủ, người lãnh đạo và đảng năm chính quyền chỉ tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, chứ không trực tiếp “nuôi dân”. Trái lại, trong các chế độ toàn trị (totalitarian regime) người lãnh đạo tìm đủ mọi cách cướp quyền tự lực cánh sinh của dân để nắm độc quyền nuôi dân với mục đích làm cho dân hoàn toàn tùy thuộc vào chế độ. Cuối cùng, “nồi cơm là Bác và Bác là nồi cơm”. Nói một cách thực tiễn hơn, “theo Bác thì ấm no, không theo Bác thì đói rách”. Người Việt Nam nào sống qua “thời bao cấp” cũng đều thấy nỗi đau tê tái trong lòng!
Ta cũng nên biết quyền tưởng thưởng thường tạo ra cảnh phân bì, và có thể đưa đến chia rẽ trong xã hội nếu người lãnh đạo không biết quản trị hệ thống “chia chác”. Lý do chính là vì tài sản quốc gia không bao giờ đủ để chia đồng đều cho tất cả mọi người dân. Do đó, quyền tưởng thưởng luôn luôn tạo ra một thể chế “đặc quyền, đặc lợi” cho một thiểu số độc quyền hưởng thụ. Từ đó, sớm muộn cũng đưa đến một hệ thống thối nát, một môi sinh thuận tiện cho “bầy sâu” nhung nhúc phát triển. Chế độ thối nát và bất công này sẽ sụp đổ nếu tập đoàn lãnh đạo không đủ uy tín để giải thích sự chia chác không đều, và nhất là không đủ sức mạnh để đàn áp những cuộc nổi loạn đòi hỏi một chính sách công bằng và minh bạch hơn.
(c) Quyền trừng phạt
Người lãnh đạo dùng võ lực trừng phạt những hành động “bất tuân thượng lệnh” để bắt người dân phục tòng vì sợ hãi. Trong các chế độ tự do pháp trị, quyền trừng phạt của Nhà Nước bị hạn chế bởi luật pháp, vì thế người dân bình thường chỉ biết phục tòng luật pháp chứ không cần phục tòng tất cả sở thích của người lãnh đạo. Hơn nữa, sở thích của người lãnh đạo nào đi ngược với luật pháp cũng có thể bị tòa án trừng trị.
Trái lại, trong các chế độ toàn trị, ý muốn của người lãnh tụ có sức mạnh ngang hàng với “Ý Trời”. Dưới chế độ này, luật pháp rất mơ hồ, và thay đổi hàng ngày tùy theo ý thích của người lãnh tụ. Ta cũng nên biết, luật pháp càng mơ hồ bao nhiêu, quyền tự do trừng phạt của người lãnh tụ càng gia tăng lên bấy nhiêu. Như Phạm Văn Đồng đã tuyên bố một câu bất hủ (mà tôi không nhớ đọc trong sách nào): “Làm luật làm gì, để tự trói tay mình hay sao!”
Nhiều người không hiểu rõ đặc tính toàn trị của chế độ, nên thường coi luật pháp mơ hồ là một loại “luật rừng”. Trường hợp điển hình là vụ cưỡng chế ruộng đất của nông dân. Nạn nhân đã tưởng nhầm nên kéo nhau đi biểu tình van xin “Nhà Nước” áp dụng luật pháp nghiêm chỉnh. Nhưng “Nhà Nước” viện lẽ là đã làm “theo đúng luật pháp”, nên không ngần ngại phái công an tới hiện trường, trừng phạt tàn bạo những người “vi phạm luật pháp”. Thực ra, luật ruộng đất rất ư là giản dị, tôi xin tóm tắt 3 phần bộ luật đó sau đây để thấy nhân dân ta vì mãi nghe “phe thù địch xúi dục” nên nhất định “không chịu hiểu”.
(1) Đất đai thuộc toàn dân;
(2) Nhà Nước đại diện dân quản trị tất cả đất đai trong nước;
(3) Nhà Nước quản trị theo kiểu nào là quyền của Nhà Nước mà dân đã giao phó.
“Luật lệ rõ ràng như ban ngày, còn đòi hỏi gì nữa? Bị đánh đòn là phải rồi, còn kêu ca gì nữa”. Dân ta quả là đã bị đẩy vào đường cùng!!!
2. “Bác” gây dựng quyền toàn trị
Làm cho “toàn dân trăm người như một” đều sợ hãi mình và làm theo ý muốn của mình là một công tác đại quy mô, đòi hỏi những gian kế quỷ quyệt. Ông Hồ không thiếu khả năng này, nên đã thành công trên con đường tiến thủ, vì ông biết đi từng giai đoạn, và dùng phương pháp “chia để trị” để tiêu diệt đối phương, rồi bành trướng quyền lực thành quyền toàn trị.
(a) Lôi cuốn thành thị bằng chiêu bài “Yêu Nước”
Khi mới bước chân về nước, ông Hồ không có một lực lượng gì đáng kể. Trong hai năm đầu (1945-46), ông không đặt trọng tâm vào nông thôn, vì các đảng “Quốc Gia” không có lực lượng chống đối ông trong các thôn xã hẻo lánh. Hơn nữa, đại đa số nông dân lúc đó rất thờ ơ với thời cuộc, tuy bao nhiêu năm họ đã bị thực dân và phong kiến bóc lột nên phải sống trong cảnh đói khổ cùng cực. Lại còn vụ đói kinh hồn năm Ất Dậu đã làm cho thôn quê miền Bắc hoàn toàn kiệt quệ về tinh thần cũng như thể xác, nên không còn bụng dạ nào nghĩ đến ủng hộ hay chống đối bất cứ một phong trào chính trị nào.
Vì thế, ông Hồ chỉ cần lôi cuốn một số trí thức, và tiểu tư sản sinh trưởng nơi thành thị bằng lá bài “Cứu Quốc”. Ta cũng nên biết, giai cấp tiểu tư sản thành thị (nhất là trí thức trong Miền Nam) là thành phần biết rất nhiều về chính sách thực dân của Pháp, nên hồ hởi chui vào bẫy của ông Hồ. Trong khi đó, ông Hồ dùng phương pháp Lê-Nin-Nít (agitprop) vừa tuyên truyền vừa tiêu diệt thành phần đối lập trong các thành phố lớn. Không lâu ông Hồ trở thành “Bác”, một hình ảnh “cha già dân tộc”. Chương trình tuyên truyền này quả là siêu việt, vì theo tiếng ta, “bác” còn có uy quyền hơn “cha” một bậc, dù sao “bác” là người anh của cha. Nhờ đó, “Bác” đã nắm trong tay một chút uy quyền, nhất là trong đám người yêu nước một cách rất ư là lãng mạn — quả là “chỉ biết yêu thôi, mà chẳng biết gì”.
Sau khi tiêu diệt các đảng phái “Quốc Gia” ở các thành phố một cách dễ dàng vì các đảng này thiếu lãnh đạo, thiếu tổ chức, thiếu đoàn kết, thiếu sự ủng hộ quần chúng, “Bác” trở thành lãnh tụ tối cao, và “Đảng” trở thành một tổ chức độc nhất nắm “độc quyền chống thực dân”. Nhờ độc quyền này mà ông Hồ tự gán cho mình, nên uy tín của ông nổi như diều khi chiến tranh bùng nổ. Vì thế, thành phần tiểu tư sản thành thị, sau khi tản cư về nông thôn, tiếp tục hồ hởi giúp “Bác” tổ chức công cuộc chiến đấu dành độc lập.
(b) Tiếp thu và đàn áp nông dân
Về nông thôn, “Bác” phải cạnh tranh uy quyền với giới địa chủ vì nhóm người này có uy tín truyền thống trong đám nông dân đã bao nhiêu thế kỷ nay (tuy rằng giới địa chủ và phú nông thẳng tay lợi dụng cổ tục phong kiến để bóc lột các nông dân nghèo đói). Vì không đủ hậu thuẫn, “Bác” đành phải dựa vào giới tiểu tư sản thành thị đã tản cư về làng để thực hiện chương trình đánh đổ lực lượng “cường hào ác bá”. Các cô, các cậu từ tỉnh về sống nơi bùn lầy nước đọng, tự nhiên cảm thấy có bổn phận phải theo “Bác” để giải quyết nạn “Lý Toét” và “Xã Xệ” mà nhóm Tự Lực Văn đoàn đã nhiều năm bôi nhọ trong báo Phong Hóa và Ngày Nay trước hồi 1945.
Sau khi đập tan nền móng quyền lực cổ truyền ở nông thôn, “Bác” dùng quyền tưởng thưởng để lôi cuốn đám bần cố nông. “Bác” tịch thu ruộng đất và nhà cửa của các địa chủ và phú nông, rồi mang ra chia cho đám nông dân nghèo đói. Thế lực của “Bác” càng ngày càng mạnh, thì chương trình Cải Cách Ruộng Đất ở nông thôn bắt đầu đi vào giai đoạn quyết liệt sau khi Mao Trạch Đông nắm quyền thống trị ở Trung Quốc (1949-1954).
Một số trí thức phản đối một cách tích cực thì bị “Bác” thủ tiêu (cho đi “mò tôm”, hoặc đày ải vào trại giam Đầm Đùn). Còn một số phản đối tiêu cực thì bỏ nông thôn chạy vào “thành”, theo Bảo Đại, hoặc đóng vai “trùm chăn”. Thế là “Bác” nắm toàn quyền thống trị ở nông thôn, vì lúc này nông thôn không còn một lực lượng nào chống đối “Bác”, trừ một số bần cố nông còn nuôi hoài bão tư sản nông nghiệp — tức là lòng ham muốn tự lực cánh sinh bằng cách tự mình canh tác mảnh đất đã được nhà nước cấp phát.
Sau khi “Bác” được Mao Trạch Đông tiếp sức để toàn trị Miền Bắc, “Bác” bèn thẳng tay bắt giới bần cố nông vào khuôn phép trong chương trình “hợp tác xã” dập theo kiểu mẫu bên Trung Quốc (1954-1956). Thế là nông dân trở thành một thứ phu đồn điền, tận lực kéo cày nuôi dưỡng các tổ chức quyền lực của “Bác”. Nói tóm lại, nông dân phải buộc bụng nhịn đói để “Bác” có phương tiện tạo ra quyền tưởng thưởng các “cháu ngoan của Bác”.
Nói tóm lại, “Bác” dùng phương pháp tuyên truyền đại quy mô để tạo ra uy quyền, rồi dựa vào đó phát triển quyền trừng phạt một cách tàn bạo để tước đoạt quyền “tự lực cánh sinh” của nông dân. Nhờ vậy, “Bác” tạo ra được “độc quyền nuôi dân”, và dùng quyền này để tưởng thưởng các “cháu ngoan của Bác”. Đến giai đoạn này, nông thôn hoàn toàn bị đặt dưới quyền toàn trị của “Bác”![2]
(c) Nông thôn hóa thành thị
Sau khi thành thị rơi vào tay của “Bác” (1954), “Bác” bèn thực hiện chương trình “nông thôn hóa” thành thị, bằng cách dùng quyền trừng phạt và độc quyền nuôi dân để cải hóa dân thành thị thành một đám người nhẫn nhục và sợ hãi. Chế độ “hộ khẩu” và “bao cấp” giúp “Bác” tổ chức dân thành thị thành một đàn cừu ngoan ngoãn dưới sự dẫn dắt của “Bác”, không khác gì đám bần cố nông mà “Bác” đã lùa về sống trong các hợp tác xã nông nghiệp.
Đa số văn nghệ sĩ trước kia theo “Bác” vì yêu nước, chứ không phải vì muốn duy trì quyền toàn trị của “Bác”. Vì thế một số chưa biết sợ “Bác”, nên không chịu dùng khả năng của mình để ca tụng “Bác”. Thế là “Bác” thẳng tay hành hạ một cách vô nhân đạo những người đã hy sinh cho “Bác” hơn 10 năm trời: người thì bị tù đầy, người thì mất hết nguồn sinh sống (vụ “Nhân Văn-Giai Phẩm”) [3]. Ngoài ra, một số cận thần liều lĩnh manh nha muốn “Bác” về hưu để họ lên thay thế, thì bị “Bác” thanh lọc hoặc trừng trị một cách rất là khắc nghiệt (vụ án “Xét Lại”) [4].
Tuy vậy, “Bác” vẫn còn sợ những công thần có uy tín và có khả năng cướp quyền toàn trị của “Bác”. “Bác” không dám giết những người có danh tiếng, nhưng “Bác” không cho họ có dịp nắm thực quyền lãnh đạo. Những kẻ bất tài hoặc “vô danh tiểu tốt” (như Lê Duẩn) thì được “Bác” cất nhắc lên nắm quyền điều hành công việc đảng và nhà nước.
Kỹ thuật lãnh đạo của “Bác” là luôn luôn ngồi đằng sau giật dây, nếu thành công thì “Bác” có thêm uy tín (thêm uy quyền), nếu thất bại thì tên thi hành ý muốn của “Bác” trở thành vật hy sinh để “Bác” chạy tội và giữ nguyên vẹn uy tín của “Bác” (thí dụ như Trường Chinh sau vụ Cải Cách Ruộng Đất và đấu tố đẫm máu và nước mắt).
(d) Phát triển thêm uy quyền
Đến giai đoạn này thì toàn dân miền Bắc đều sợ “Bác”. Tuy vậy, “Bác” vẫn còn sợ, vì cảm thấy mình chưa có đủ uy tín (chưa đủ uy quyền) đối với toàn dân. “Bác” thấy truyền thống Việt Nam trọng thơ văn, “Bác” bèn làm thơ với hy vọng lợi dụng uy tín của truyền thống này để nâng cao uy tín của mình. Lẽ dĩ nhiên những câu vè của “Bác” không ai dám phê bình hoặc ngợi khen một cách quá lộ liễu. Biết vậy, “Bác” đành đạo văn, tức là tự gắn cho mình là tác giả cuốn “Ngục Trung Nhật Ký” — một tập thơ rất hay do một thi sĩ người Hoa sáng tác [5]. Thế là đám văn nô có dịp ca tụng tài thơ phú của “Bác” mà không sợ ngượng mồm.
Tuy thế, “Bác” vẫn còn sợ, và cảm thấy là mình chưa có đủ uy tín. “Bác” sợ ít người biết đến công trình đi tìm đường cứu quốc của “Bác”. “Bác” bèn tạo ra một cán bộ tưởng tượng, và kể chuyện đời của “Bác” cho người tưởng tượng này viết và in thành sách làm tài liệu cho toàn dân học tập [6]. Lẽ dĩ nhiên, tác giả tưởng tượng chỉ có thể viết những chuyện “Phong Thần”, nên trong cuốn tiểu sử của “Bác”, người ta thấy chi tiết thần thoại thì nhiều, mà sự thật thì chẳng có bao nhiêu! Những cận thần của “Bác” đều biết tác giả cuốn này chính là “Bác”, mãi sau này mới lộ ra rằng “Bác” dùng tên một “cán bộ ma” để tự mình nâng bốc uy tín của mình. Nhờ những tiểu xảo này, “Bác” nắm được quyền toàn trị cho đến lúc chết.
3. Thời “Tư Bản Đỏ”
Sau khi ướp xác “Bác”, đám đàn em của “Bác” tiếp tục dùng quyền toàn trị mà “Bác” đã tạo ra để huy động toàn dân chiến đấu chống Mỹ “cho đến giọt máu cuối cùng”. Tiếc thay, nhóm lãnh đạo mới lên nắm chính quyền không có đủ uy tín, nên phải dựa vào uy tín của “Bác” (rêu rao là theo đúng “di chúc của Bác”). Đám thừa kế “Bác” tưởng rằng “Bác” càng “vĩ đại” bao nhiêu, thì “các cháu ngoan của Bác” càng có uy quyền nhiều bấy nhiêu. Vì vậy, một chương trình tuyên truyền nhằm tăng uy tín xác chết của “Bác” được phát động rất ư là trọng thể, ngay từ ngày “Bác” nằm xuống và kéo dài cho đến tận bây giờ. Cuối cùng, “Bác” đã chết rồi mà toàn dân vẫn còn sợ “Bác”, nên không ai dám “chối bỏ công lao của Bác”. Đồng thời, “các cháu ngoan của Bác” có công ướp xác “Bác” nên cũng được một chút “thơm” lây.
Nhóm lãnh đạo “Đảng” đâu có biết rằng: Càng thổi phồng uy tín “Bác” lên cao bao nhiêu, thì càng khó phát triển uy tín cho chính mình bấy nhiêu. Thật vậy, ai có thể tạo ra được công quả vô lường của một “Đấng Bồ Tát”? Vi thế, khi chiếm được Miền Nam, tập đoàn lãnh đạo Hà Nội chắc cũng thấy “dựa hơi” vào uy quyền của “Bác” cũng không làm Miền Nam mến phục. Ngay đến vong linh “Bác”, dân Cần Thơ cũng khinh khi với hai câu ca dao mà người đân đã truyền khẩu cho nhau nghe từ năm 1975 đến tận bây giờ:
Chiều chiều ra bến Ninh Kiều,
Sau lưng tượng “Bác” đĩ nhiều hơn dân!
Trong một chế độ thiếu “đạo đức cách mạng” như vậy, lãnh đạo đảng từ Hà Nội chỉ còn cách dùng quyền trừng phạt và độc quyền nuôi dân để bắt dân Miền Nam vào khuôn phép. Vì vậy, Miền Nam đã phải sống trong tình trạng “bao cấp” kinh hoàng gần một thập niên. Thế là đất nước đã bị “thống nhất” trong vòng sợ hãi.
Tuy vậy, nhóm lãnh đạo Hà Nội vẫn còn quá lo sợ mất quyền toàn trị, nên làm những hành động điên khùng không ai hiểu nổi. Việc gì phải đàn áp các tôn giáo để mang tiếng với thế giới? Phải chăng vì quá sợ mất quyền cai trị nên tưởng rằng vài vị tu sĩ Hòa Hảo, vài mục sư Tin Lành, vài linh mục Công giáo có đủ khả năng lật đổ chế độ công an trị. Việc gì phải triệt hạ đài tưởng niệm các thuyền nhân xấu số ở ngoài mấy hoang đảo? Phải chăng vì quá mê sảng nên nghĩ rằng hành động bất nhân này sẽ làm cho chế độ vẻ vang hơn, vững vàng hơn, và Việt Kiều sẽ gửi về nước nhiều tiền hơn.
Ngoài ra, những hành động “cường hào, ác bá” mà “Đảng” đã dùng để dung túng hành vi thối nát từ cấp trung ương tới thôn xóm chỉ làm “Đảng” mất hết uy quyền trong xã hội! Thật vậy, ai mà có thể phục tòng “đám cướp vô liêm sỉ”! Hàng ngày, cán bộ tuyên truyền mang những “thành tích oai hùng” ra khoe, cũng không cứu vãn được “hào khí” (?) khi xưa. Cái bánh dày, cái bánh chưng “to nhất thế giới” mà một đàn cán bộ đã công phu làm rồi khuân từ Bác vào Nam để khoe, nhưng dân Nam lại “tỉnh bơ như người Hà Nội”. Những hành động lố bịch kiểu này đâu có thể làm tăng uy tín “Đảng” được chút nào đâu?
Uy quyền không còn, quyền tưởng thưởng cũng bị hao mòn. Chính sách “kinh tế thị trường” giải hóa chính sách “độc quyền nuôi dân”. Cuộc đổi mới này làm cho người dân “dễ thở” hơn trước, vì không cần nhà nước để sống hàng ngày. Tuy vậy, quyền tưởng thưởng vẫn được duy trì để “đám sâu” có dịp phát triển theo “định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa”. Vì thế nhiều công ty quốc doanh được lập ra, để lỗ cả hàng tỷ dollars (phí tổn công tác nuôi “bày sâu”). Vì thế, kinh tế đình trệ, lạm phát tăng gia. Đồ ăn, áo mặc đều nằm ngoài tầm tay đa số dân lành. Trong khi đó, mọi bước tiến triển kinh tế giả tạo chỉ làm giàu cho một thiểu số “con ông cháu cha”. Nói tóm lại, sau khi chấm dứt chế độ bao cập và thay vào đó bằng chế độ “kinh tế thị trường”, chỉ các “đại gia” được “tưởng thưởng”, làm cho người nghèo càng nghèo hơn, và người giàu (thiểu số) càng giàu hơn. Cảnh bất công này thật là lộ liễu, nên đã được người dân cảm nhận trong mấy câu ca dao sau:
Nhà ai giàu bằng nhà cán bộ
Hộ nào sang bằng hộ đảng viên
Dân tình thất đảo bát điên
Đảng viên mặc sức vung tiền vui chơi.
Nếu tóm lại, hiện nay đại đa số nhân dân bắt đầu bất mãn và không tin vào khả năng của “Đảng”. Tập đoàn lãnh đạo chỉ còn một cách duy trì chế độ bằng cách dùng quyền trừng phạt. Muốn giữ được quyền này, “Đảng” phải hoàn toàn dựa vào lực lượng đàn áp. Vì thế, công an quân đội cần phải được nuôi dưỡng đầy đủ bằng mọi phương pháp bất chính. Tuy nhiên, trong lịch sử nhân loại, không một chế độ nào hoàn toàn dựa vào quyền trừng phạt có thể tồn tại lâu dài được.
GS Nguyễn Hữu Chi - Tiến Sĩ Tâm Lý Chính Trị Học

www.vietthuc.org
Chú Thích:
[1] Amitai Etzioni, A Comparative Analysis of Complex Organizations; On power, Involvement, and Their Correlates. (New York: Free Press of Glenco, 1971).
[2] Trần Gia Phụng, Án Tích Cộng Sản Việt Nam, (Toronto: Non Nước, 2001), tr. 109-148
[3] Hoàng Văn Chí, Trăm Hoa Đua Nở Trên Miền Bắc (Sài-gòn: Mặt Trặn Bảo Vệ Tự Do Văn Hóa, 1959); Trần Gia Phụng, Án Tích Cộng Sản Việt Nam, op. cit. tr. 149-216.
[4] Trần Gia Phụng, Án Tích Cộng Sản Việt Nam, op. cit. 217-270.
[5] Học giả Lê Hữu Mục (trước đây là giáo sư tiếng Việt và Chữ Nôm kiêm trưởng ban Việt Hán tại Đại Học Văn Khoa) đã dựa vào sử liệu để phanh phui hành động gian trá của Hồ Chí Minh trong cuốn Hồ Chí Minh Không Phải Là Tác Giả “Ngục Trung Nhật Ký” (Toronto: Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, 1990).
[6] Trần Dân Tiên hết mình ca tụng lòng hy sinh và tài siêu việt của “Bác” trong cuốn Những mẩu Chuyện Về Đời Hoạt Động của Hồ Chủ Tịch. Sau này mọi người mới được biết cán bộ “ma” Trần Dân Tiên chính lại là “Bác”. Muốn biết “văn chương… loạng quạng” và tài khoác lác không mạch lạc của “Bác”, xin đọc cuốn sách phê bình của Kiều Phong, tựa đề là Chân Dung “Bác” Hồ (San Diego, Calif.: 1989).

No comments:

Post a Comment