Nguyễn Trọng Vĩnh - Cách mạng tháng Tám thành công, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chính phủ gồm nhiều bộ, trong đó có Bộ Công an và lực lượng công an. Nhiệm vụ chủ yếu của công an là bảo vệ chính quyền, giữ gìn trật tự xã hội, trấn áp tội phạm để bảo vệ cuộc sống yên bình của nhân dân, giúp đỡ dân khi cần thiết. Khi ấy tôi từng được thấy những hành động rất đẹp của người công an: dẫn cụ già qua đường, vào can đám đánh nhau, dỗ dành em bé lạc mẹ và giúp em tìm mẹ, bênh vực một người dân lương thiện bị côn đồ bắt nạt... Thật đúng “công an là bạn dân” như Bác Hồ dạy.
Ngày nay, nhìn đâu tôi cũng thấy nhiều điều ngược lại: công an tùy tiện bắt dân, muốn bắt ai thì bắt dù không có lệnh của Viện Kiểm sát, dù họ không phạm pháp quả tang; hàng nghìn công an viên đánh đập nông dân một cách tàn bạo, cưỡng chế lấy đất của nông dân để làm giàu cho các nhà đầu tư và người có chức quyền; đàn áp những người biểu tình yêu nước, gán ghép cho họ nào là “bị nước ngoài xúi giục”, “bị kẻ xấu kích động”, “gây rối trật trật tự cộng”, v.v.
Những người biểu tình là những người yêu nước chân chính có tư duy độc lập, thấy chủ quyền đất nước bị xâm phạm thì họ phản đối, nước ngoài nào xúi được họ? Họ là những thanh niên yêu nước, những lão thành cách mạng, là những cựu chiến binh, là những trí thức tên tuổi, là nông dân chân lấm tay bùn... Họ có phải là trẻ con đâu mà “kẻ xấu” nào kích động được? Họ đi có trật tự chung quanh Hồ Gươm, lên đường Điện Biên Phủ, họ có làm ách tắc giao thông, có cãi nhau đánh nhau đâu mà bịa ra là “gây rối trật tự công cộng”? Họ không hô khẩu hiệu chống Đảng Cộng sản, chống Nhà nước, chỉ hô khẩu hiệu và mang biểu ngữ phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc xâm lược, cướp biển đảo của Việt Nam, sao lại đàn áp bắt bớ họ?
Đàn áp người yêu nước biểu tình hòa bình là phi đạo lý.
Đàn áp người biểu tình yêu nước thì những người đàn áp họ có còn lòng yêu nước nữa không?
Đàn áp người biểu tình là vi phạm Hiến pháp nếu không muốn nói là đứng trên Hiến pháp, bộ luật cơ bản và cao nhất của Nhà nước.
Đàn áp nông dân để lấy đất, đàn áp dân yêu nước biểu tình chống xâm lăng là coi dân thuộc lực lượng đối lập; lại còn nói: “việc bảo vệ chủ quyền biển đảo đã có Đảng và Nhà nước lo”. Thế là đã bỏ ngoài tai lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, và không biết đến câu “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” sao?
Các vị nắm quyền của ta “khôn khéo”, luôn khẳng định trung thành với “16 chữ”, nín nhịn, mơn trớn, làm mọi việc để lấy lòng những người lãnh đạo Trung Quốc, nhưng có ngăn chặn được họ tiếp tục lấn tới đâu: họ lập huyện Tam Sa, gọi thầu 9 lô trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của ta, đưa 23.000 tàu cá có nhiều tàu “hải giám” hộ vệ xuống đánh bắt cá trong vùng Trường Sa của ta, đuổi, đâm chìm tàu cá của ngư dân ta. Họ vẫn luôn đe dọa đánh ta, láo xược và hung hăng nhất là câu đăng trên báo mạng của Trung Quốc “phải diệt hết bọn Việt Nam “xâm lược” để làm lễ tế cờ cho trận chiến thu hồi Nam Sa (Trường Sa)”.
Tuy nhiên họ mới chỉ dọa thôi, chưa phải thời điểm họ có thể phát động chiến tranh đánh Việt Nam hoặc Philippines, vì trong bối cảnh quốc tế, họ đương bị cô lập trong thế bao vây của Mỹ, đương bị dư luận thế giới phản đối thái độ hung hăng của họ ở biển Đông và đương phản đối dùng vũ lực, yêu cầu duy trì hòa bình trên đường hàng hải quốc tế biển Đông. Họ gây chiến thì cái mặt nạ “trỗi dậy hòa bình” của họ sẽ rơi xuống, sẽ bị thế giới lên án.
Về nội bộ, họ sắp họp Đại hội lần thứ 18 cũng không ít phức tạp, không khí bất mãn gay gắt giữa quần chúng với chính quyền tràn đầy khắp đất nước; thái độ chống đối ở Nội Mông, Tây Tạng, Tân Cương tiềm ẩn sự bùng nổ bất cứ lúc nào.
Vì những lý do nêu trên nên họ chưa đánh ta, chứ không phải vì lãnh đạo của ta “khôn khéo”, chịu nín nhịn, khéo lấy lòng họ mà ngăn cản được họ. Một khi giới hiếu chiến Trung Quốc bất chấp mọi tình hình, bất chấp lợi hại, điên cuồng quyết đánh, thì có quỳ gối van xin họ, họ cũng vẫn đánh.
Để ngăn cản biểu tình yêu nước, người ta còn đưa ra luận điệu là “biểu tình làm mất ổn định xã hội dễ bị kẻ địch lợi dụng”! Kẻ địch nào? Kẻ địch chính là những người đã huy động 600.000 quân vào nước ta, tàn sát đồng bào ta, phá hoại triệt để các tỉnh biên giới của ta vào tháng Hai năm 1979; chính là những người đã mua rừng đầu nguồn và rừng phòng hộ dọc biên giới của ta; chiếm lĩnh Tây Nguyên chiến lược của ta; vào do thám, nghiên cứu quân cảng Cam Ranh – một vị trí chiến lược tốt nhất Đông Nam Á của ta –, đưa hàng vạn người Trung Quốc rải khắp nước ta, vừa là thủ đoạn di dân vừa là rải gián điệp, là “đội quân thứ 5” ngay trong lòng nước ta, chiếm lĩnh thị trường nước ta, bóp chết công nghiệp của ta. Kẻ địch chính là những kẻ chiếm biển đảo của ta, đâm chìm tàu cá, cướp ngư cụ, cướp cá, bắn giết ngư dân của ta, mặc sức hoành hành ngang ngược coi như ao nhà của họ. Tình hình vô cùng nguy hiểm bởi mưu đồ của những người lãnh đạo bành trướng bá quyền Trung Quốc.
Trước nguy cơ đó, thiết nghĩ lãnh đạo ta cần thay đổi: trước hết, không đẩy dân ra xa thành đối lập mà cần gắn bó với dân, tạo nên khối đoàn kết toàn dân thật sự để tạo thành sức mạnh; thực hiện dân chủ; trọng dụng nhân tài; lắng nghe những ý kiến phản biện đúng, những lời thẳng thắn, tâm huyết. Đồng thời tuyên truyền rộng rãi chính nghĩa của ta để tranh thủ sự ủng hộ của thế giới, tăng cường quan hệ với các nước lớn, kể cả Mỹ để tạo thế cân bằng. Một mặt vẫn duy trì tình hữu nghị với nhân dân Trung Quốc, mặt khác phải dũng cảm đấu tranh với những thủ đoạn cường quyền và âm mưu xảo trá của giới lãnh đạo bành trướng bá quyền của họ.
Cần cố gắng tăng cường lực lượng quốc phòng đồng thời đề cao cảnh giác, luôn sẵn sàng chiến đấu, đề phòng mọi bất trắc.
Có như thế mới bảo vệ được chủ quyền, độc lập để tiến lên.
N.T.V.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
No comments:
Post a Comment