Ngày chủ nhật 1 tháng 7, tuổi trẻ Việt Nam đã biểu tình tại Hà Nội và Sài Gòn để phản đối Trung Quốc lấn chiếm Biển Ðông và ủng hộ Luật biển Việt Nam vừa được ban hành. Hai cuộc biểu tình này tuy khiêm nhượng về tầm vóc - khoảng 300 tại Hà Nội và 700 người tại Sài Gòn - nhưng ý nghĩa rất lớn.
Ðây là lần đầu tiên có một cuộc biểu tình chính trị không do nhà nước cộng sản chủ xướng hay khuyến khích. Thanh niên đã tự kêu gọi nhau đi biểu tình không phải vì một phẫn nộ nhất thời, như thanh niên Bắc Giang năm 2009 sau khi công an đánh chết một thanh niên không đội mũ bảo hiểm, hay như những người dân oan bị cướp đất. Họ biểu tình vì chủ quyền đất nước và động viên nhau chủ yếu bằng Facebook và Twitter. Blog của ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau đó đã đăng một bài nói rằng chính quyền đã "bật đèn xanh" cho hai cuộc biểu tình này. Nhưng không đàn áp thẳng tay không có nghĩa là bật đèn xanh, sáng kiến đã không đến từ chính quyền mà là của thanh niên. Ðèn xanh, nếu có, là đối với cuộc biểu tình sau đó, ngày 8 tháng 7, chỉ diễn ra ở Hà Nội và kém về khí thế dù đông người hơn vì không bị ngăn cản.
Cũng không phải là chính quyền cộng sản đã không đàn áp hai cuộc biểu tình ngày 1 tháng 7. Ðã có đàn áp khá thô bạo trước và sau cuộc biểu tình, nhất là tại Sài Gòn.
Những người được coi là thuộc thành phần phản kháng đã bị bám chặt và bị ngăn cản không cho tham gia biểu tình, đôi khi bị bắt giữ, thậm chí bị đánh đập. Tuy vậy, hai cuộc biểu tình vẫn diễn ra và diễn ra một cách không thuận lợi cho chính quyền cộng sản. Các phần tử của chính quyền trà trộn trong hai cuộc biểu tình đã không thay đổi được tinh thần chung là lên án thái độ khôn nhà dại chợ của đảng cộng sản, hung bạo với nhân dân Việt Nam nhưng lại khiếp nhược trước Trung Quốc.
Chắc chắn là chính quyền cộng sản muốn có những cuộc biểu tình chống sự lộng hành của Trung Quốc và ủng hộ luật biển mà họ vừa ban hành. Họ cần chứng tỏ với Trung Quốc là họ không thể nhân nhượng thêm nữa trước sự phẫn nộ đã lên quá cao của nhân dân Việt Nam. Mặt khác, họ cũng không thể đàn thẳng tay những cuộc biểu tình vì sự toàn vẹn lãnh thổ mà chính đại đa số đảng viên cộng sản cũng đồng tình. Ðàn áp thẳng tay sẽ gây đổ vỡ lớn ngay trong nội bộ đảng. Cuối cùng họ đã chọn giải pháp dở nhất, vừa chọc giận Trung Quốc vừa xúc phạm người Việt Nam, là không đàn áp nhưng ngăn cản và sách nhiễu những người mà họ cho là có khả năng lôi kéo quần chúng và thanh niên.
Sự kiện một chính quyền phải ngăn chặn một cuộc biểu tình mà chính mình cũng muốn có tự nó đã có ý nghĩa: nó nói lên sự cô lập hoàn toàn của chính quyền cộng sản đối với nhân dân. Ý nghĩa hơn nữa là sự kiện lần đầu tiên thanh niên đã có thể tổ chức một cuộc biểu tình không xin phép dù chính quyền đã cố sức ngăn cản. Nó báo hiệu một giai đoạn mới với những hành động quần chúng xuất phát từ thế hệ trẻ. Thế hệ này gặp nhau, kết hợp với nhau và động viên nhau trên mạng, rồi từ mạng dắt tay nhau tràn ra xã hội thực và tranh đấu thay đổi xã hội thực. Ðây mới chỉ mới là cuộc tập trận đầu tiên. Thanh niên sẽ rút kinh nghiệm để động viên và tổ chức một cách hiệu lực hơn, tập hợp đông đảo hơn, với những đòi hỏi dân chủ rõ rệt và mạnh mẽ hơn.
Một thực tại mới và quan trọng cần được nhận thức là Việt Nam ngày nay đã có hai xã hội. Bên cạnh một xã hội thực còn chịu sự khống chế của chính quyền cộng sản đã xuất hiện một xã hội mạng trong đó người dân, nhất là thanh niên, trao đổi và kết bạn một cách tự do mà chính quyền cộng sản chỉ có thể phá đám, và trở thành lố bịch hơn, chứ không thể đàn áp.
Xã hội mạng này ngày nay đã khá lớn với 32 triệu người sử dụng internet và còn đang tiếp tục lớn lên nhanh chóng về cả tầm vóc lẫn chất lượng. Chưa kể tác dụng của hơn 100 triệu cạc Sim của các điện thoại di động. Nó ngày càng áp đặt cái nhìn và những nguyện vọng của nó trên xã hội thực. Xã hội mạng này đã thuộc về phong trào dân chủ, chính quyền cộng sản đã hoàn toàn thất thế, tệ hơn nữa đã trở thành lố bịch và vớ vẩn dù có hàng ngàn báo mạng và báo giấy, vì không có gì để nói.
Mọi thất bại về tư tưởng và lý luận đều báo hiệu một sự sụp đổ chính trị chắc chắn, điều này các chế độ toàn trị đều biết rõ. Bí quyết tồn tại của chúng là nắm chặt độc quyền thông tin để xóa bỏ mặt trận tư tưởng và lý luận mà trong đó chúng thừa biết là sẽ thất bại, nhưng thế giới đang ở trong kỷ nguyên truyền thông đại chúng, sự đào thải của chúng là tất yếu. Ðiều mà chính quyền cộng sản, và cả một số người dân chủ, chưa ý thức được rõ ràng là ngay lúc này phong trào dân chủ đã mạnh hơn chế độ cộng sản.Bởi vì xã hội mạng mạnh hơn xã hội thực. Nó xô đẩy, áp đặt và sau cùng quyết định xã hội thực phải như thế nào.
Một bằng chứng rằng xã hội mạng thay đổi xã hội thực là một sự kiện đặc biệt quan trọng : Sài Gòn đã lấy lại khí thế. Hà Nội không còn là trung tâm phản kháng duy nhất nữa. Chủ yếu nhờ sinh hoạt trên mạng, tuổi trẻ Sài Gòn đã hòa nhịp được với tuổi trẻ Hà Nội và vất bỏ được mặc cảm bại trận của cha anh. Các hành động phản kháng trong thời gian gần đây tại Sài Gòn đã mạnh mẽ không kém Hà Nội, trong một vài vài trường hợp còn mạnh hơn. Từ hai thành phố lớn nhất của đất nước này, cuộc vận động dân chủ đang, và trên thực tế đã, lôi kéo các tỉnh miền Trung, chẳng bao lâu nữa sẽ đến lượt Cần Thơ và các tỉnh miền Tây Nam Phần. Ðất nước đang thống nhất thực sự trong một ý chí chung : dân chủ. Ý thức dân chủ đang chín muồi trên mạng và lịch sử các dân tộc đều cho thấy rằng không gì mạnh bằng một ý thức đã chín muồi.
Lối thoát khôn ngoan cho đảng cộng sản là thích nghi thay vì chống lại một thay đổi không thể đảo ngược. Với cách ứng xử của họ trong quá khứ, người ta khó tin là chính quyền cộng sản sẽ có được sự khôn ngoan đó. Và sẽ kết thúc một cách tương tự như các chế độ độc tài Bắc Phi.
Nguồn: Thông Luận
No comments:
Post a Comment