Bùi Tín (VOA) - Vụ xử các nhà báo trong Câu lạc bộ Nhà báo Tự do dự định vào ngày 15-5-2012, bị hoãn không thời hạn. Các nhà báo Điếu Cày, Phan Thanh Hải, Tạ Phong Tần vẫn ngồi chờ một cách vô lý ở trong tù.
Cơ quan nhà nước sử xự rất kỳ quặc. Họ không nói lý do vì sao phải hoãn. Mà phải đâu hoãn lần thứ nhất. Đây là hoãn lần thứ ba. Phải chăng vì mấy ngày hôm trước, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã nhắc đến tên nhà báo Điếu Cày trong dịp kỷ niệm ngày Tự do Báo chí. Sao họ yếu bóng vía đến vậy. Họ định hoãn đến bao giờ? Hoãn không lý do chính đáng là sai luật, là phạm luật.
Vụ xử phúc thẩm viên trung tá Công an Nguyễn Văn Ninh phạm tội đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng, dự định vào tháng 5 này cũng hoãn không thời hạn, cũng lại không có lý do. Phải chăng vì cả ngành công an và chính quyền độc đảng sợ cô Trịnh Kim Tiến, con gái ông Trịnh Xuân Tùng, vì cô đã thu thập đủ tài liệu, nhân chứng, vật chứng của vụ án này, yêu cầu tòa án và viện kiểm sát xác định lại tội danh của vụ án, không phải là “làm chết người khi thi hành công vụ”, mà là “cố ý gây thương tích đến giết người”. Cô Trịnh Kim Tiến, vì thương cha đã tự nguyện đứng ra làm luật sư để luận tội bị cáo, trình bày rõ cho tòa án và cả xã hội rõ nhẫn tâm của trung tá Ninh, phó phòng công an phường Thịnh Liệt, đã dùng dui cui đánh nhiều lần vào gáy ông Trịnh Xuân Tùng, khi ông Tùng chỉ tỏ thái độ can ngăn khi viên trung tá Ninh bóp cổ và chửi bới người lái xe ôm không đội mũ bảo hiểm. Ông Tùng đau ngất vì mấy đốt xương sống ở cổ bị gãy, trung tá Ninh vẫn để nằm trong buồng giam, không cho ăn cho uống, để chết một cách oan uổng 10 ngày sau, vì đem vào bệnh viện thì đã quá muộn. Vậy mà tòa sơ thẩm chỉ tuyên án có 4 năm tù giam. Mạng con người rẻ rúng như thế ư? Giữa lúc công an khắp nơi, từ Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Bình đến Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Phú Yên, Sóc Trang, Bình Dương, Vĩnh Long…đều giở trò hung hãn, côn đồ với bà con công dân ta. Vậy mà không một đại biểu quốc hội nào dám chất vấn bộ trưởng Công an về chuyện nghiêm trọng liên tiếp này.
Hoãn đi hoãn lại mà xong chuyện được ư? Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngọai. Một ngày ở tù phi lý, cưỡng bức cũng là phi pháp. Chức trách số một của Nhà nứơc là che chở, bảo vệ công dân khỏi áp bức oan trái. Không che chở công dân mình, lại còn đánh đập công dân, gây thương tích, giáng dùi cui vào gáy công dân mình làm gãy cổ cho đến chết thì là tên giết người, kẻ sát nhân, là phạm trọng án, không thể khác được.
Nhân đây cần nêu rõ cái tệ hoãn đi hoãn lại, lần lữa không chịu làm những việc cấp bách của một chính quyền ù lì, bất động, mua thời gian để thu đặc quyền đặc lợi là xấu xa tệ hại ra sao.
Việc sửa đổi Hiến pháp là cấp bách, nhưng sửa mà không đụng đến điều khoản 4 - là điều phi lý tệ hại nhất, - rồi cũng không bàn trả lại cho nông dân quyền sở hữu ruộng đất sau khi đã trả lại quyền tư hữu cho nhà buôn, nhà công nghiệp, nhà thủ công, nhà dịch vụ, thì sửa đổi cái gì? để đến bao giờ?
Rõ ràng chính quyền đang chơi trò "ỳ, trò 'câu giờ, trò mua thời gian" để trục lợi.
Luật về tự do thông tin báo chí cũng chỉ có hẹn mà không làm. Để cho các nhà báo có công tâm phục vụ bạn đọc bị săn đuổi, bị đánh đập, để 2 nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long của Đài Tiếng nói Việt Nam bị chính quyền Vụ Bản đánh đập tơi bời, lại còn bị chính quyền trung ương sa thải.
Khi thế giới xếp Việt Nam vào loại đèn đỏ về tự do báo chí, thứ 172 trên 198 nước, mà bộ trưởng Thông tin truyền thông và 14 vị trong bộ chính trị vẫn trơ trơ không chút cảm thấy mắc cỡ, thì thật đáng sợ cho đất nước, cho nhân dân.
Hoãn, và hoãn mọi sự cấp bách đến bao giờ?
Mọi sự có giới hạn. Tức nước ắt vỡ bờ. Tận cùng tất biến. Sự chờ đợi, kiên nhẫn của lòng dân là có hạn.
Ngay trước mắt để xem vụ án anh Điếu Cày và vụ án Nguyễn Văn Ninh giết ngưởi sẽ hoãn đến bao giờ? Họ quyết thi gan, ù lỳ, bất động trước triệu triệu nông dân đòi lại quyền sở hữu đồng ruộng, trước hơn 2 vạn nhà báo đòi tự do ngôn luận.
Càng kéo dài, câu giờ, mua thời gian, lẩn trốn trách nhiệm, chính quyền sẽ chồng thêm tội trên đầu mình trước hết.
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment