Wednesday, June 20, 2012

Đọc Tâm Tình Người Con Việt của TS Mai Thanh Truyết



Chu Tất Tiến - Có thể nói Tháng Tư Đen là những ngày đen tối kinh hoàng nhất của dân tộc Việt Nam, trên cả những lần biến động bị xâm lăng, từ thời Hai Bà Trưng đến các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê… 

Lý do đơn giản vì đó là những cuộc xâm lăng của kẻ thù đến từ ngoài vào, không cùng tiếng nói, lịch sử, hay văn hóa của người Việt. Còn cuộc chiếm đóng của Đảng Cộng Sản Việt trong Tháng Tư Đen lại được thực hiện bởi chính những người cùng mầu da, ngôn ngữ, cùng chia xẻ 4000 năm lịch sử với chúng ta. Điều đau lòng nhất là cái Đảng ấy đã buộc dân ta phải làm nô lệ cho một chủ nghĩa kinh tởm nhất của nhân loại, Chủ nghĩa Cộng Sản, một lý thuyết với chủ trương là “cướp sạch, giết sạch, giam sạch” tất cả những con người có lương tâm và lý trí, những con người yêu nước, yêu quê hương nồng nàn, đặc biệt là thành phần Công Nhân và Nông Dân là hai thành phần mà chúng đã lợi dụng làm biểu tượng cho cuộc xâm lăng của chúng. Lá cờ “búa, liềm” của Công Nhân và Nông Dân mà chúng đã xử dụng để mê hoặc dân nghèo cũng như một số thành phần trí thức trong cuộc chiến trước đây nay đã biến mất vì thực tế, hai thành phần ấy, hiện nay đã trở thành nạn nhân đau khổ nhất của thế kỷ 20 - 21. Nhóm người từng ve vãn Công Nhân và Nông Dân, từng ẩn núp trong gia đình những thành phần này, và xin cơm ăn của họ, không những đã quên các hy sinh của những “người ơn” này, còn trở mặt, biến thành kẻ thù. Ngay sau 1975, tất cả những tung hô, hứa hẹn dành cho giới lao động nghèo khổ, cho Nhân Dân, đã bị vất bỏ mau chóng. Những thành phần này, không những không được hưởng một chút ân huệ thực tế nào của Nhà Nước, mà còn bị đầy đọa trong các vùng Kinh Tế Mới, hoặc các nông trường, công trường, bị bỏ đói, chết bệnh, chết khát. Các “mẹ chiến sĩ”, “mẹ liệt sĩ”, các “anh hùng đánh giặc Mỹ”… đang bị đuổi đi khỏi làng quê của họ, qua chính sách “cưỡng chế” cướp đất ruộng vườn, mồ mả cha ông của những dân nghèo, đẩy họ ra đường lang thang, vất vưởng như những hồn ma, rồi một ngày nào đó, gục chết trong cống rãnh của chế độ Cộng Sản. Như thế, nói gì đến tầng lớp trí thức thuộc chế độ cũ, là những người mà đảng Cộng Sản vẫn luôn ghét bỏ, theo lời chỉ dậy của Mao Trạch Đông: “Trí thức không bằng cục phân…”
Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết, một trí thức chân chính, một người mà suốt tuổi thanh xuân, chỉ biết học và làm việc, cống hiến tài năng của mình cho Tổ Quốc, là một trong những nhân chứng sống cho chương trình đầy đọa trí thức thuộc chế độ Cộng Hòa mà những kẻ Cộng Sản kia thù ghét. Sau khi tốt nghiệp Tiến Sĩ Hóa Học tại nước Pháp, ông đã bỏ qua những lời mời nồng nhiệt của một số cơ sở đầy tiềm năng của Pháp để trở về phục vụ đất nước, với tâm tình của “một người con Việt”, đã sinh ra làm người Việt, thụ đắc văn hóa Việt thì phải trả ơn cho đất Việt. Ông đã không quản ngại bao nhiêu trở ngại “văn phòng”, để chấp nhận sinh hoạt trong lãnh vực giáo dục, từ “Hòn Ngọc Viễn Đông” đến miền Tây Ninh xa ánh sáng quyến rũ của đô thị, và nỗ lực xây dựng một chương trình giáo dục tân tiến, mong theo kịp các nước phương Tây.
Nhưng không ngờ, giấc mộng của ông mới trong giai đoạn 2 năm về nước, đã bị vỡ tan bởi cuộc “nội xâm” của những kẻ nô lệ cho phương Bắc. Ngày 30 tháng 4 ập tới, đa số trí thức đã tìm cách ra đi, rời bỏ quê hương để có thể sống đời tự do tại một nơi khác. Với Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết, tuy có điều kiện để di tản ra nước ngoài, nhưng với tư cách của một kẻ sĩ đã tự nguyện dấn thân cho đất nước, ông chấp nhận ở lại để từ đó, chứng kiến những thảm cảnh của dân tộc, mỗi ngày mỗi làm cho quê hương tàn tạ đi….
Cuốn “Tâm Tình Người Con Việt” với tác giả là Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết đã cho chúng ta thấy hai đối trọng căng thẳng giữa hai tầng lớp Trí Thức và Cộng Sản. Những kinh nghiệm mà Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết đã trải qua sau Tháng Tư Đen trên chính đất nước quê hương của mình và được diễn tả lại trong cuốn “Tâm Tình Người Con Việt”, thực sự, đã vẽ ra cho người đọc thấy một bức tranh “Vân, Cẩu”, mà “Cẩu” nhiều hơn “Vân”. Tuy lời văn đơn giản, không cầu kỳ, chứa đầy tâm huyết của một Trí Thức lúc nào cũng đặt quyền lợi của dân mình lên trên bản thân, tác giả đã làm cho người đọc xúc động khi làm lộ nguyên hình bản chất của những kẻ Cộng Sản phản bội, vừa kiêu căng hợm hĩnh vừa ngu xuẩn đến tột cùng.
“Bước vào môt phòng thí nghiệm hóa học, tôi lại thấy anh Nguyễn Minh Hòa (hiện nay là Trưởng Khoa Hóa ĐH Sư Phạm “tp HCM”, người đã từng tuyên bố là nhờ cách mạng mà vợ tôi mới mang thai được và tôi có con nối dòng…” (tr,70). Và, “Ngô Phàn, một sinh viên Ban Lý hóa của trường đã chạy vào bưng hai năm về trước… Phàn hỏi tôi, trên tay cầm khẩu súng lục nhỏ của GS LCC: “Anh có gặp Ô C. không?... Quan sát chung quanh sân trường, tôi chỉ thấy vài chị “nhà quê” quấn khăn rằn trên cổ, vẻ mặt thể hiện nét thỏa mãn của kẻ chiến thắng bước qua lại, chỉ trỏ các “anh” đeo băng đỏ mà trước đó chỉ vài ngày là những giáo sư của VNCH” (tr.71). Những bộ mặt trí thức nham nhở cũng được tác giả trình làng: “Tổ trưởng của tôi là một tiến sĩ cũng tốt nghiệp ở Pháp và là Phó Ban Hóa Học thời VNCH tên Nguyễn Thị Phương. Trong suốt thời gian học tập, cô Phương thường đi bên cạnh một “nòng cốt” thực sự, tên Bùi Trân Phượng, con một giáo sư Việt Văn bên Đại Học Văn Khoa. Cô này luôn mặc áo bà ba và quần lãnh đen và cũng bắt chước mang túi sách cán bộ sau lưng…. (tr.72)
Bên cạnh những khuôn mặt nham nhở đó, còn một khuôn mặt đã từng được triệu người yêu mến như một thần tượng trong thi văn, cũng xuất hiện như một tên hề thời đại, làm sụp đổ tất cả những tình cảm đã dành cho nhân vật này: “Một hôm, tại giảng đường của Đại Học Khoa Học có sức chứa gần 500 người, nhà thơ tình lãng mạn “ngày xưa” Xuân Diệu đăng đàn. Có thể nói, chưa bao giờ tôi có thể hình dung được một cán bộ cao cấp của cộng sản, từng giữ chúc Thứ Trưởng Văn Hóa Bắc Việt có những thái độ và cung cách thiếu văn hóa như thế. Ông Xuân Diệu, với cái áo sơ mi bỏ ngoài, mang đôi dép lẹp xẹp, vai mang cái bị da cán bộ.. chễm chệ ngồi trên cao.. tự do phát ngôn. Bên cạnh đó, hai chai bia con cọp BGI 750cc và một ly lớn. Vừa uống, vừa nói, tay chân huyênh hoang với luận điệu của kẻ chiến thắng, thỉnh thoảng lấy tay chùi bọt bia hai bên mép… Ông ta chê chế độ Việt Nam Cộng Hòa, đặc biệt là giới trí thức miền Nam, giới giáo sư đại học… và ví tất cả những cây cổ thụ sum suê cành lá… nhưng không có rễ!” (tr. 74). Nhà thơ Xuân Diệu, một người “đồng tính”, tác giả của các bài thơ tình lãng mạn thời xưa, đã làm cho bao tâm hồn thêm ướt át, chỉ với vài dòng của Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết, đã hiện nguyên hình một tay tầm thường, một tên Robot của chế độ. (Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã có lần nhạo báng các “nhà thơ” phản bội này khi tuyên bố “nhờ Cách mạng tôi mới có quần áo mặc”. Nguyễn Chí Thiện hỏi ngược lại: “Thế, khi chưa có cách mạng, ông ở truồng hả?”)
Và, như thế, cũng với giọng văn kể chuyện chân chất của người miền Nam, qua 274 trang sách, Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết đã đưa người đọc đi theo ông, từ khi còn là một sinh viên trẻ trung, yêu đời, đến những ngày đen tối của đất nước, dưới một chế độ văn hóa “ngu dân”, rồi tù đầy trong các trại cải tạo,  và sau cùng tới bến bờ Tự Do. Hiện nay, ông vẫn tiếp tục chiến đấu cho quê hương được Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền. Những cuốn sách đầy tính khoa học về Môi Trường, về Giáo Dục, về Xã Hội của ông đã là những tiếng sét đánh vào cái chế độ “ngu dân, người bóc lột người, rồi Xuống Hố Cả Nút”… Mong sao sẽ có thêm nhiều tiếng sét nữa, đến từ tầng lớp trí thức của dân Việt, hoặc ở trong nước, hoặc đã ra nước ngoài để hợp thành một cơn bão lửa cuốn phăng cái chế độ Vô Giáo Dục kia đi, cho toàn dân Việt được hít thở môt không khí trong lành, có thêm sức mạnh để tạo dựng lại một đất nước anh dũng, uy hùng bên biển Đông, không còn ngày ngày nơm nớp sợ hãi những “kẻ lạ, tầu lạ” đến chiếm đóng nước ta.
Chu Tất Tiến

No comments:

Post a Comment