Wednesday, June 6, 2012

Kẻ thù của nhà nước



Meike Fries - Phạm Thị Hoài dịch - “...Việc có những tác giả vượt qua hàng rào kiểm duyệt của nhà nước bằng cách tự insách khiến chính quyền lo ngại. Chế độ sợ một phong trào...”

Họ ngồi lặng lẽ trong một quán cà phê giữa Sài Gòn ồn ào. Họ chờ tin về một người bạn, Bùi Chát. Anh lại vừa bị bắt. Đại sứ quán Thụy Điển đã mời anh ra Hà Nội dự một buổi lễ. Đó chỉ là một chuyến bay nội địa, nhưng Bùi Chát không đến được Hà Nội. Công an bắt anh ngay tại sân bay TP Hồ Chí Minh[i]. Anh bị giữ từ lúc đó. Đây là lần thứ hai anh bị bắt, trong vòng vài tháng[ii].
“Bây giờ là tròn 24 tiếng Bùi Chát bị giữ”, Lý Đợi nói vào không gian im lìm. Ngoài họ không có khách nào trong quán. Nhạc không mở. Với hàng ria mép và áo thể thao tân cổ, Lý Đợi, 33 tuổi, bạn chí cốt của Bùi Chát, 32 tuổi, trông không khác những thanh niên ở Berlin-Mitte[iii]. Hai người sống chung nhà tại TP Hồ Chí Minh, thành phố lớn nhất và là trung tâm kinh tế Việt Nam. Họ viết thơ về tình yêu, tình bạn và về tự do, ước mơ của họ. Những bài thơ khi tục, khi thô, khi đau đớn và buồn da diết. Ở Việt Nam, họ thuộc giới tiên phong của một thế hệ trẻ không muốn dính dáng gì đến nền văn học cộng sản với những phấn khởi chào mừng vô tận.
Tôi trò chuyện với những người cộng sản
Những người anh em
Những người muốn chăn dắt chúng tôi
Luôn biến chúng tôi thành đồ hộp
Hy vọng chúng tôi đời đời biết ơn[iv]
Chế độ cộng sản thống trị tại Việt Nam kiểm soát chặt chẽ mọi phương tiện truyền thông. Các mạng xã hội như Facebook và Twitter đều bị chặn. Chỉ Trung Quốc mới vượt qua Việt Nam trong kỉ lục tống blogger vào tù mà không cần một phiên tòa tử tế. Không hiếm khi họ bị giam giữ nhiều năm ròng, tuyệt đối không được liên lạc với thế giới bên ngoài. Thậm chí ở nơi công cộng, tụ tập từ bốn người trở lên mà không xin phép cũng bị cấm. Trong con mắt của chính quyền, hai chàng trai làm thơ này là một cái gì nguy hiểm cho trật tự chính trị. Nhà nước theo dõi và đe dọa họ, các tác phẩm của Lý Đợi và Bùi Chát không được bày trong các cửa hàng sách. Đối với Bùi Chát, tên thật là Bùi Quang Viễn, chính quyền tỏ ra đặc biệt lưu ý. Mười năm trước, anh sáng lập nhóm Mở Miệng và Nhà Xuất bản Giấy Vụn. Cho đến nay, NXB Giấy Vụn đã phát hành khoảng 40 đầu sách, trong đó có những tác phẩm như Trại súc vật của George Orwell mà ở Việt Nam bị cấm và 5 tác phẩm của Bùi Chát. Sách được làm từ những bản photocopy thông thường và sau đó phân phát tại những buổi đọc văn tự phát, thông tin qua tờ rơi hay tin nhắn bằng điện thoại di động.
Chúng ta có mặt nơi đây không phải để khóc
Không phải để cân nhắc
Im lặng
Rồi quay đầu
 Trong ánh sáng đục ở quán cà phê, bạn bè Bùi Chát kể cho tôi nghe về cuộc sống của họ, các văn nghệ sĩ, tại một đất nước không có tự do tư tưởng. Người trẻ nhất mới ngoài hai mươi, sinh viên báo chí; người nhiều tuổi nhất đã trên bảy mươi, là một tác giả từng sống nhiều năm tại Canada. Họ đều ủng hộ nhóm Mở Miệng. Họ bảo, tất cả đều vô ích: học báo chí cũng vô ích, viết thơ cũng vô ích, dịch sách cấm cũng vô ích. Nhưng biết đâu. Biết đâu một ngày nào đó chế độ này tận số, như ở nhiều nước khác.
Ở nước ngoài, hoạt động của Bùi Chát cũng đã có tiếng vang. Vì sự can đảm đương đầu với chính sách kiểm duyệt của nhà nước, Trung tâm Văn bút Thụy Điển đã chọn anh làm thành viên danh dự. Năm ngoái, anh được Hiệp hội Xuất bản Quốc tế IPA trao Giải thưởng Tự do Xuất bản. Lễ trao giải diễn ra tại Hội chợ sách Buenos Aires. IPA đã giữ kín thông tin này, trước khi anh rời khỏi Việt Nam. Nhưng khi về nước, anh bị công an bắt và tạm giam 48 tiếng đồng hồ. Các tập thơ anh mang theo, giải thưởng và bằng chứng nhận đều bị tịch thu. Như thể bằng cách đó thì coi như xóa được sự vinh danh ấy.
Lý Đợi bật dậy khi điện thoại di động của anh reo và cầm máy chạy ra ngoài. Ngay sau đó anh quay vào, như trút được gánh nặng: “Bùi Chát được thả rồi!”
Hôm sau, Bùi Chát đợi tôi trong căn phòng khuất ở một quán cà phê nhỏ ở khu phố Tây ba lô Phạm Ngũ Lão, từ ngoài nhìn vào không thấy. Quần bò, áo phông, trông anh cũng như mọi người ở khu Phạm Ngũ Lão này. Anh chỉ nói được một chút tiếng Anh, nên có hai người bạn đến phiên dịch giúp. Tuy còn mệt vì vụ bắt giữ hôm qua, Bùi Chát rất nhã nhặn, gần như rụt rè. Anh cân nhắc trước khi nói, và rất lựa lời.
“Họ nhắc đi nhắc lại các biên bản từ những cuộc thẩm vấn trước đây và lặp lại toàn các câu hỏi giống nhau”, Bùi Chát kể. “Ai đứng đằng sau các anh, ai tài trợ? Mở Miệng có quan hệ với những nước nào? Có liên lạc với những văn nghệ sĩ, trí thức, luật sư nào?” Rồi họ cho anh xem những văn bản luật pháp và bảo rằng in sách không có giấy phép của nhà nước là bị nghiêm cấm. Bùi Chát cho biết, anh đã quen với những vụ “làm việc” như vậy với công an ở TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, nỗi sợ vẫn thường xuyên rình rập.
Cách đó không lâu, anh về thăm gia đình, cách Sài Gòn 40 cây số. Hai giờ đêm, cha mẹ gọi anh dậy, thì thào: Có mấy người sục vào nhà. Bùi Chát lẻn cửa sau qua nhà hàng xóm, trốn ở đó đến sáng hôm sau. Cha mẹ anh bị thẩm vấn suốt đêm. Hai ông bà chối là con trai không về thăm nhà. “Cả nhà rất sợ. Công an ở địa phương ác lắm”, Bùi Chát kể.
Những người anh em
Vẫn lừa lọc chúng tôi
Vẫn tước đoạt ánh sáng, giọng nói của chúng tôi
Vẫn dọa dẫm chúng tôi
Bằng súng và thực phẩm
Ở Việt Nam, kẻ thù của nhà nước là các nhà văn nhà thơ trẻ tuổi viết thật tư tưởng của mình. Việc có những tác giả vượt qua hàng rào kiểm duyệt của nhà nước bằng cách tự in sách khiến chính quyền lo ngại. “Họ cũng không muốn tôi được thế giới biết đến nhiều hơn”, Bùi Chát nói, “vì họ sợ những người Việt Nam khác sẽ làm theo tôi và phát biểu thật quan điểm của mình. Chế độ sợ một phong trào.”
Bùi Chát đang học luật, anh hi vọng kiến thức luật pháp có thể sẽ giúp anh tự vệ trước các cơ quan quyền lực. Anh hi vọng Việt Nam sẽ thay đổi, ý thức về pháp luật và công bằng xã hội sẽ hình thành. Hiện giờ thì điều đó còn rất mỏng manh. “Tôi muốn những người cầm quyền hành xử hợp pháp và tôn trọng luật pháp. Họ không được quyền tùy tiện làm theo ý họ. Nhưng muốn được như thế thì người dân phải biết rõ quyền của mình.”
Nhưng học luật để làm gì, khi nhà nước kiểm soát tất cả? “Ở đây cũng vẫn có tự do”, Bùi Chát nói, “vấn đề chỉ là phải biết giành lấy nó. Phải đi tìm những nguồn độc lập. Internet là một phương tiện đặc biệt quan trọng.” Vì chính quyền không cho họ một lựa chọn nào khác. “Ngay ở trường đại học cũng vậy, cả ngày sinh viên bị nhồi nhét toàn thông tin sai sự thật và lừa mị. Chẳng qua chỉ để duy trì chế độ.”
Có lẽ Bùi Chát sẽ chẳng bao giờ được làm nghề luật sư, vì sinh viên đã tốt nghiệp khoa luật còn phải qua một khóa đào tạo của Bộ Tư pháp mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Bùi Chát quen một số luật gia không hề được cấp chứng chỉ, dù đã tốt nghiệp xuất sắc và qua khóa đào tạo đó. Một số người trong đó thậm chí đang ngồi tù không án. Tuy nhiên, Bùi Chát vẫn hi vọng được hành nghề luật sư sau khi tốt nghiệp. Anh muốn lấy đó làm nghề nuôi hoạt động văn chương và xuất bản độc lập của mình. “Không phản kháng thì chẳng bao giờ có tự do”, anh nói và rời khỏi quán cà phê. Ra đường, đội mũ bảo hiểm, và lên xe phóng đi. Có thể chiếc mũ bảo hiểm ấy sẽ cứu mạng anh đêm nay.
Anh đến ăn mừng với bạn bè vì anh vừa được thả. Trên đường về nhà, có bốn người đàn ông đi xe máy bám theo anh. Anh dừng xe, hỏi vì sao. Không một lời đáp, họ đánh anh vào ngực, vào lưng và rất nhiều lần vào đầu. Vài ngày sau, Bùi Chát gửi email cho tôi, thông báo. Một trong số những người đó bảo: “Mày còn thò mặt đến con hẻm này thì chúng tao giết”.
Bùi Chát sống ở chính con hẻm đó.
Meike Fries
Phạm Thị Hoài dịch
Nguồn: Meike Fries: “Der Staatsfeind”, tạp chí Zeit Campus số 2 (tháng 3&4 2012) của tuần báo Zeit, trang 70-73
Bản tiếng Việt © 2012 pro&contra
Ảnh: Bùi Chát trong buổi đọc văn tại Literaturwerkstatt, Berlin tháng 11.2010 (Ảnh của Hồ Phạm Huy Đôn)
[i] Bùi Chát bị bắt giữ tối ngày 05.6.2011 tại sân bay Tân Sơn Nhất, khi anh chuẩn bị lên máy bay ra Hà Nội dự lễ kỉ niệm Quốc khánh Thụy Điển ngày 06.6.2011 theo lời mời của Tòa Đại sứ Thụy Điển tại Hà Nội. (Các chú thích trong bài đều của người dịch.)
[ii] Bùi Chát bị bắt giữ lần thứ nhất ngày 30.4.2011 tại sân bay Tân Sơn Nhất, khi anh vừa nhận Giải thưởng Tự do Xuất bản của Hiệp hội Xuất bản Quốc tế IPA ở Buenos Aires trở về.
[iii] Berlin Mitte: Quận ở trung tâm phía Đông Berlin, với nhiều văn nghệ sĩ, người nước ngoài, khách du lịch.
[iv] Các đoạn thơ dẫn trong bài đều trích từ tập Bài thơ một vần của Bùi Chát, NXB Giấy Vụn, 2009

No comments:

Post a Comment