Hiệu Minh - Thấy các bloggers bàn về “Con đường Việt Nam” theo nhiều góc độ khác nhau. Nhưng không ai nghĩ “Con đường” lại có thể mua vũ khí…Mỹ.
Tổng Cua từng viết về những “đòn gió” tháng 8-2009 khi TNS Jim Webb đến Hà Nội.
Hôm Jim đến thì buổi tối VTV1 phát những lời trên video “thú tội và xin khoan hồng” của mấy anh Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Anh Kim và Lê Công Định.
Video “nhận tội” được chiếu cho 85 triệu người Việt Nam xem trước sự chứng kiến của Jim, Đại sứ Michalak, cả hai thạo tiếng Việt, không phải ngẫu nhiên.
Vũ khí sát thương Mỹ. Ảnh: internet
Từng là nhà báo trước khi thành chính trị gia, Jim nổi tiếng về dân chủ và nhân quyền. Phát biểu ở đâu cũng thích nhắc đến mấy từ này. Thân cận với Barack Obama, trước khi đến Hà nội, người ta dự báo rằng, chủ đề này sẽ được Jim đưa lên bàn nghị sự.
Thế nhưng Jim bỏ qua tất cả, chỉ bàn với chính quyền Hà Nội về biển Đông và sự cân bằng với Trung Quốc, ý Jim muốn Việt Nam mạnh lên mới có đối trọng trong khu vực. Nhân quyền chỉ là câu chuyện nhỏ.
Trong chuyến thăm mấy tháng trước tại Hà Nội, TNS John McCain cũng nhắc khéo, nếu Hà Nội muốn mua vũ khí sát thương của Mỹ, cần cải thiện về nhân quyền. Cải thiện thôi chứ chưa cần đến mức phải tuyệt đối tuân thủ về nhân quyền.
Sau vụ đó, nghe tin Ls Lê Công Định sắp ra tù và sẽ sang Mỹ định cư. Tưởng là ra trước tết, đợi mãi đợi mãi, chẳng thấy đâu.
Cải thiện một chút bằng cái tin ngắn, BBC và cả VOA đều đăng. Blog rộn lên, rồi mọi chuyện lại đâu vào đó. Lê Công Định vẫn đang trong tù.
Vụ anh Điếu Cày cũng định đưa ra xử nhưng hình như chuyện thế nào ấy, cuối cùng chẳng xử nữa. Đợi vô thời hạn.
Tuy thế, quan hệ Mỹ Việt vẫn nhộn nhịp. Hillary tuyên bố quyền lợi của Mỹ ở biển Đông, rồi ông chủ Lầu Năm Góc sang thăm vịnh Cam Ranh, Thủ tướng Dũng thẳng thừng yêu cầu Mỹ bán vũ khí. Nghe nói đang bàn cho Obama sang thăm Việt Nam vào tháng 11 sau khi tái đắc cử.
Nhưng phía bên kia bán cầu vẫn bảo, các anh cải thiện chút đi, bọn này sẽ bán cho vài quả bom, thả đâu trúng đó.
Kiểu buôn bán trao tay của cao bồi buôn ngựa và nông dân xứ văn minh lúa nước sông Hồng kiêm lái trâu luôn như thế. Ông đưa cái giò, bà thò chai rượu, cả hai phải có lợi mới nói chuyện tiếp.
Chả hiểu khi Panetta về nước thế nào mà bên ta tha tù anh Lê Thăng Long. Anh ra vài ngày đã lên BBC tuyên bố “Con đường Việt Nam”, kèm theo danh sách các vị được mời, gây nhiều nghi ngờ và tranh cãi.
Sau đó anh còn tiếp tục lên BBC giải thích “không có thế lực nào đứng sau”, “không phải là cạm bẫy”.
Cha của anh Trần Huỳnh Duy Thức cũng được lên BBC nói về “Con đường”. Blog nóng lên từng giờ.
Mới hôm qua, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Andrew Shapiro lại sang Hà Nội bàn về hợp tác hai bên. Chuyến thăm nhằm khẳng định cam kết Mỹ – Việt về an ninh khu vực “an toàn và tự do hàng hải là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế”.
Truyền thông đưa tin các bên bàn thảo về các vấn đề an ninh, quân sự và chính trị, bên cạnh chủ đề nhân quyền có cả phần về “thương mại quân sự”.
Tầu chiến Mỹ cập cảng Tiên Sa. Ảnh: internet
Bốn chữ “thương mại quân sự” ngang bằng “bốn tốt” của phương Bắc tặng dân ta.
Hôm anh Andrew đến Hà Nội, không có video nhận tội nào được phát trên VTV như thời Jim Webb. Chỉ có “Con đường Việt Nam” xuất hiện trên lề trái.
Đám bloggers rỗi việc, bàn tán, đoán già đoán non. Nhưng chưa ai nghĩ “Con đường Việt Nam” có thể mua được vũ khí Mỹ.
Thông điệp thả anh Lê Thăng Long và “Con đường VN” có thể là, Việt Nam đang cải thiện về vấn đề tế nhị mà Mỹ thường xuyên yêu cầu và phía ta thì chẳng bao giờ thừa nhận.
Vừa ra tù đã lên BBC, không bị ngăn cản, không bị bắt trở lại hay nhắc nhở. Đây là thỏa thuận giữa các anh Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định và Lê Thăng Long từ hồi trong tù. Là tù nguy hiểm mà được bàn về chính trị, còn được gặp nhau trong trại, rồi lên cương lĩnh, ra tù phát tán ngay.
TNS John McCain khuyên VN chỉ cần cải thiện nhân quyền sẽ được mua vũ khí Mỹ.
Việt Nam có bước đi tiến bộ rồi. Đề nghị Mỹ giữ lời hứa, bán vũ khí ngay, không chậm chễ.
Nếu chuyện này xảy ra, “Con đường” của anh Lê Thăng Long sẽ được nhiều chữ ký ủng hộ. Và bạn đọc sẽ hiểu tại sao Tổng Cua lại có cách nhìn khác người.
H. M. 21-06-2012
Nguồn: hieuminh.org
No comments:
Post a Comment