Friday, May 25, 2012

ĐÓI DÂN CHỦ – NO THAM NHŨNG



Phạm Trần - Ở Việt Nam thời Cộng sản, tham nhũng nhiều hơn cơm áo và kẻ sẵng sàng phạm pháp để tham nhũng nhiều hơn người tình nguyện xuống đường chống Trung Cộng âm mưu chiếm  lãnh thổ và biển đảo.

Đó là thực tế  đau buồn và phũ phàng, nhưng đang diễn ra từng phút ở mọi nơi, kể cả ở những vùng dân phải liều chết để giữ đất không rơi vào tay bọn quan tham và tay sai của tài phiệt.
Nhưng tại sao ở một đất nước có nhiều anh hùng vang danh giữ nước và dựng nước và có một dân tộc kiên cường bất khuất trước giặc ngọai xâm mà lại đang thua trước giặc nội thù ?

Đơn giản vì Nhà nước bất lực. Những đảng viên Cộng sản may mắn được ngồi vào ghế lãnh đạo, nếu không tham nhũng thì cũng dung dưỡng kẻ tham nhũng để được ngồi yên hưởng thụ.

Luật lệ, Nghị quyết, Quyết định, Nghị định phòng, chống tham nhũng, lãng phí, kê khai tài sản và cấm đảng viên không được làm chất cao hơn núi nhưng chỉ thấy nói mà không làm. Và nếu có làm thì cũng chỉ  làm cho có lệ, phải phép nay người mai ta, đồng chí, đồng đội với nhau ai nỡ làm khó nhau làm gì để  còn nhìn nhau  nữa chứ ?

Vì vậy tham nhũng chỉ ở đâu đâu chứ đơn vị mình thì tuyệt nhiên không có ai tham nhũng cả. Mọi đồng chí đều sạch trơn từ thân thể đến quần áo, không hề tơ hào một xu tiền của dân. Qũy của nhà nước sổ sách phân minh, biên lai biên nhận chi, thu không mất đi đâu một xu nên năm nào đảng bộ cũng đạt ’’cờ chiến thắng”  hay  ”đơn vị tiến tiến gương mẫu”.

Tuy nhiên những người đứng đầu lại không sao giải thích được tại sao lương cán bộ mà nhiều đồng chí của đơn vị mình lại có nhà lầu máy lạnh, xe hơi láng coóng, tiệc tùng đãi nhau linh đình, có tiền gửi con du học nước ngoài mỗi năm tốt vài chục ngàn đô  là ít ?

Đó là lý do tại sao Đơn vị, Đảng ủy nào cũng ”thành tích” nhiều hơn ”thành công”, ấy là chưa kể những chuyện liên hệ giây mơ, rễ má như ”người cùng Huyện”, ” học cùng trường”, ”có bố, có ông cố, ông kỵ biết nhau từ thời đi kháng chiến chống Tây, chống Mỹ” v.v… nên mọi cách, mọi kiểu tham nhũng dù rắc rối, nhiêu khê đến đâu cũng thành chuyện ”hòa cả làng, dĩ hòa vi qúy làm cho mọi người đều vui vẻ cả”.

Vì vậy, bất kỳ Hội nghị hay Đại hội nào có dính đến đảng là tình trạng tham nhũng lại được nhắc lại ”vẫn còn nghiêm trọng” !

Đó cũng là điều mà Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng đã báo cáo tại  Kỳ họp Quốc hội khai mạc hôm 21/05 (2012) tại Hà Nội rằng :”Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp xảy ra trên nhiều lĩnh vực,  tình trạng lãng phí còn rất lớn”, mặc dù Phúc cũng không quên khoe ”Công tác cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại tố cáo được quan tâm chỉ đạo từ Trung ương đến cơ sở và tiếp tục có những chuyển biến tích cực.

 Lạ chưa ? đã  ”có những chuyển biến tích cực”  mà “vẫn còn nghiêm trọng” trong công tác  phòng, chống tham nhũng thì chắc là tiếng Việt đã “hết nghĩa” rồi chăng ?
Hay nên hiểu khi đảng nói có “chuyển biến” là “đã thụt lùi tệ hại hơn” ?

THAM NHŨNG QUA TỪNG GIAI ĐỌAN

Đúng là như thế. Bởi vì từ ngày 02/02/1999, Hội nghị Trug ương 6 (lần 2) của Khóa đảng VIII thời Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã đưa ra Nghị quyết “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”.

Khi nói về Tham nhũng trong đảng, Nghị quyết này đã viết rằng : “Trước yêu cầu mới ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng, trong Đảng đang bộc lộ một số yếu kém: sự suy thoái về tư tưởng chính trị; tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn. Việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ không nghiêm, bộ máy tổ chức của Đảng và Nhà nước chậm được củng cố và đổi mới. Để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, Đảng phải có biện pháp phát huy ưu điểm, kiên quyết sửa chữa các khuyết điểm, tiếp tục củng cố, chỉnh đốn, để ngày càng vững mạnh về mọi mặt, đặc biệt là về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tổ chức và cán bộ.” 

Đến ngày 19 tháng 11 năm 2005 Luật Phòng, Chống Tham Nhũng ra đời xác định rằng : “ Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi.

Người có chức vụ, quyền hạn bao gồm:

a) Cán bộ, công chức, viên chức;
b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn – kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;
c) Cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp của Nhà nước; cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;
d) Người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.”

Nói cách khác, tất cả những ai “có chức, có quyền” đều có cơ hội tham nhũng.
Nhưng thế nào là tham nhũng thì được quy định tại Điều 3. Nói về “Các hành vi tham nhũng”  bao gồm :

1. Tham ô tài sản.
2. Nhận hối lộ.
3. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
4. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.
5. Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.
6. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi.
7. Giả mạo trong công tác vì vụ lợi.
8. Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi.
9. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi.
10. Nhũng nhiễu vì vụ lợi.
11. Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.
12. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.”

Sau khi Nông Đức Mạnh lên thay Lê Khả Phiêu giữ chức Tổng Bí thư đảng từ Khoá đảng IX năm 2001, tệ nạn tham nhũng, lãng phí trong đảng vẫn “ngang nhiên tự tại” cho nên tại Hội nghị Trung ương 3 của Khoá đảng X, “Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”  ra đời tái xác nhận rằng : “ Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn nhiều hạn chế,khuyết điểm, hiệu quả thấp. Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.”

Thủ phạm của nguy cơ này lại do chính cán bộ, đảng viên của đảng gây ra vì, theo lời Nghị quyết : “ Công tác cán bộ nói chung và việc quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức nói riêng còn yếu kém. Một bộ phận không nhỏ đảng viên, cán bộ, công chức suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống. Không ít cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành, kể cả cán bộ lãnh đạo cao cấp, còn thiếu gương mẫu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức; chưa đi đầu trong cuộc sống đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm. Phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Trong những năm tới, phải đẩy mạnh toàn diện và kiên quyết cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.”

Và để tiếp tay cho đảng  chống “con tham nhũng 3 đầu 6 tay” này, ngày 24/01/2007 nhà nước lại bày ra Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống Tham nhũng (PCTN)  để cho Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban.

Nhưng sau 5 năm được mô tả đã dùng nhiều ngón nghề, đòn phép làm sạch đảng và bộ máy nhà nước theo Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa đảng X), Nguyễn Xuân Phúc – Phó Thủ tướng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo tiếp tục ca bài tiêu cực trong báo cáo tại Hội nghị tòan quốc ngày 07 tháng 03 (2012).

Phúc nói : “Các đơn vị chuyên trách PCTN thuộc Thanh tra Chính Phủ, Viện Kiểm sát nhân tối cao và Bộ Công an được thành lập và đi vào hoạt động từ đầu năm 2007, đã và đang từng bước phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng công tác phát hiện và xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.  Tuy nhiên, công tác PCTN chưa đạt được mục tiêu “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng…” như Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) đề ra, còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém: Một là, nội dung và hình thức tuyên truyền, giáo dục về PCTN chưa phong phú, hấp dẫn, biểu hiện tính hình thức. Hai là, một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí; tính chiến đấu, dân chủ, công khai trong tự phê bình và phê bình còn hạn chế; nhiều chi bộ đảng không nắm vững quan hệ xã hội của đảng viên; chưa kịp thời kiểm tra, phát hiện, xử lý những trường hợp có dấu hiệu vi phạm. Ba là, công tác hoàn thiện thể chế về PCTN chưa đáp ứng yêu cầu. Bốn là, việc triển khai thực hiện một số chủ trương, giải pháp phòng ngừa tham nhũng chưa nghiêm túc, hiệu quả thấp.Năm là, công tác phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng còn nhiều hạn chế. Sáu là, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị chuyên trách về PCTN chưa cao. Bảy là, công tác giám sát về PCTN của Quốc hội và HĐND các cấp chưa thường xuyên, hiệu quả thấp. Tám là, chưa huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội, nhất là sự tham gia của nhân dân vào công tác PCTN. Chín là, một số nội dung của Nghị quyết Trung ương 3 chưa được tập trung thực hiện…”

Như thế thì cái Ban chỉ đạo Trung ương này đã làm gì, sau khi đã ăn không biết bao nhiều tiền của mồ hôi, nước mắt và hoang phí sức lao động của người dân trong 5 năm qua ?

13 NĂM SAU

Hay là từ Nghị quyết 6 (lần 2) thời Lê Khả Phiêu năm 1999 cho đến khi có Hội nghị tòan quốc do Dũng chủ trì tháng 3/2012, tổng cộng là 13 năm mà công tác  phòng, chống tham nhũng  vẫn dậm chân một chỗ khiến  Hội nghị lần thứ 4  của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) do Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư đã phải ra Nghị quyết vào ngày 31/12/2011  về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, không khác gì nội dung của Nghị quyết 6 (lần 2)

Sự ra đời của văn kiện quan trọng này cho thấy đảng CSVN đang lâm nguy rã đám như Nghị quyết đã nhìn nhận : “ Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.”

Khi nói đến Tham nhũng, Nghị quyết viết : “ Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”

5 tháng sau, trong khi tất cả các Tổ chức của đảng từ trung ướng xuống địa phương, quân đội, công an, báo chí, văn nghệ sỹ chưa nuốt hết chữ của các buổi  học tập làm sao phải  thi hành cho bằng được chỉ thị của Nghị quyết Trung ương  4 thì ngày 15-05 (2012) Hội nghị Trung ương 5 lại ập đến Nghị quyết mới tiếp tục nói về chuyện chống tham nhũng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhìn nhận thêm rằng : “ ng tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt được yêu cầu “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng”. Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Tham nhũng, lãng phí vẫn xảy ra trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị, đặc biệt là trong các lĩnh vực và hoạt động liên quan đến đất đai, khoáng sản; đầu tư công; xây dựng cơ bản; quản lý vốn và tài sản của doanh nghiệp nhà nước; tín dụng, ngân hàng; thu chi ngân sách, mua sắm tài sản công; công tác cán bộ; quan hệ giữa cơ quan, cán bộ nhà nước với người dân, doanh nghiệp…”

Vây ai có lỗi  không phòng, chống nổi tham nhũng ? Tổng Bí thư đảng hay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương ?

Câu trả lời là cả 2 người nói riêng và cả đảng nói chung. Không ai có quyền đổ lỗi cho nhau trước sức chịu đựng đã đến đường cùng của người dân.

Tệ nạn tham nhũng đã biến thành lối sống hàng ngày của cán bộ, đảng viên, nhất là những kẻ có chức có quyền

Nhưng trong trận thư hùng này, Dũng đã bị mất chức Trưởng Ban vì, theo Thông báo của Trung ương đảng thì : “ Ban Chấp hành Trung ương quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Không thành lập ban chỉ đạo tỉnh, thành phố về phòng, chống tham nhũng; tỉnh uỷ, thành uỷ trực tiếp lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng. Lập lại Ban Nội chính Trung ương, thực hiện chức năng một ban đảng và là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; lập ban nội chính ở các tỉnh uỷ, thành uỷ, giao Bộ Chính trị quyết định cụ thể.”


PHẠM THẾ DUYỆT - GIÁM SÁT

Nhưng liệu sự thay đổi này có hy vọng gì không ?
Hãy nghe câu trả lời  của Phạm Thế Duyệt, Nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam : “Nếu ngay bây giờ mà nói rằng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị sẽ làm cho việc này tốt lên là còn chủ quan. Chúng ta đã từng có Ban Chỉ đạo Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII – cũng là cơ quan thường trực của Đảng về phòng chống tham nhũng tiêu cực đấy chứ. Vậy nên điều quan trọng và cần thiết bây giờ là sự quyết tâm, thể hiện ở sự kiên quyết, đấu tranh trong nội bộ Đảng và cấp ủy các cấp. Trong sinh hoạt Đảng phải luôn luôn coi việc phòng chống tham nhũng là một vấn đề quan trọng, đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Vấn đề đặt ra ở đây là làm sao trên nghiêm, dưới theo, nhà mà nóc không dột, dưới sẽ ổn định…” (Báo Đại Đòan Kết, ngày 20-05-2012)

Đúng vậy. Nhưng căn nhà tham nhũng của đảng CSVN bây giờ có còn chỗ nào không rách nát tả tơi ?

Chính Duyệt cũng đã thừa nhận như thế : “ Nói gì thì nói, việc chưa hạn chế được, chưa ngăn chặn được, để tham nhũng phát triển ngày càng tinh vi, ở đây cá nhân tôi muốn nhấn mạnh là theo chiều hướng ngày càng xấu, đã ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân với Đảng, là điều phải trăn trở suy nghĩ nhiều về đội ngũ cán bộ của chúng ta. Ngày càng có nhiều biểu hiện tham nhũng, tiêu cực. Cho nên chính vì điều này mà lòng tin của người dân cũng suy giảm lắm. Rõ ràng đây là một điều không hay với một đảng cầm quyền, đảng lãnh đạo và một chế độ theo định hướng XHCN. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, nó như một thách thức với Đảng, với chế độ.”

Và theo lời Duyệt thì : “ Bây giờ phải xác định nhiệm vụ của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo làm gì? Tổng Bí thư cần làm gì? Phải có một tầm bao quát, phát huy cao vai trò của nhân dân, của Mặt trận, của các tổ chức đoàn thể, của các cơ quan chuyên trách về công tác giám sát, như Ủy ban Kiểm tra của Đảng, vai trò giám sát của Quốc hội, của các cơ quan đoàn thể đại diện cho các tầng lớp của nhân dân.”

Nhưng thực tế Duyệt và Mặt trận Tổ quốc đã làm được gì với những kẻ tham nhũng, hay cũng chỉ biết khoanh tay ngồi nhìn chúng nhởn nhơ cười hắt vào mặt ?

Hãy nghe Duyệt than : “ Từng hoạt động nhiều năm ở Mặt trận, từng tham gia họp hành với Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tôi cho rằng lúc này chỉ có dựa vào dân là sẽ làm được. Làm thế nào để cái “ghế” của Mặt trận, của các tổ chức nhân dân được phát huy, nếu không cẩn thận sẽ vẫn là hình thức, vì tham gia mà có hiệu quả gì đâu.

Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để phát huy được vai trò giám­ sát của nhân dân, của Mặt trận, các tổ chức đoàn thể nhân dân thì Đảng mới có chỗ dựa. Chứ nếu Đảng chỉ dựa vào Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng thì chưa đủ.”

Nhưng quyền giám sát của Mặt trận cũng  đã được quy định trong Điều 12trong Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam ban hành ngày 12 tháng 6 năm 1999, theo đó :

1- Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là giám sát mang tính nhân dân, hỗ trợ cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước, nhằm góp phần xây dựng và bảo vệ Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật.

2- Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thực hiện bằng các hình thức sau đây:
a) Động viên nhân dân thực hiện quyền giám sát;
b) Tham gia hoạt động giám sát với cơ quan quyền lực nhà nước;
c) Thông qua hoạt động của mình, tổng hợp ý kiến của nhân dân và các thành viên của Mặt trận kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biểu dương, khen thưởng người tốt, việc tốt, xem xét, giải quyết, xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện nhiệm vụ giám sát. Khi nhận được kiến nghị của Mặt trận thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm xem xét, trả lời trong thời hạn theo quy định của pháp luật.”

Ngòai ra, Nghị quyết Trung ương 3 (khoá đảng X) ngày 29 tháng 07 năm 2006  cũng xác quyết nguyên văn rằng : “

Tổ chức đảng phải lãnh đạo các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội – nghề nghiệp làm tốt vai trò giám sát. Hàng năm, cán bộ chủ chốt cấp xã phải trực tiếp tự phê bình và phê bình tại hội nghị đại diện nhân dân do Mặt trận Tổ quốc tổ chức. Xây dựng và thực hiện cơ chế chất vấn trong sinh hoạt đảng.”

Tiếc rằng những việc này vẫn còn nguyên trên giấy, không có ma nào chịu làm theo, nhất là những cán bộ, đảng viên cấp lãnh đạo đứng đầu các tổ chức  và cơ quan đảng.
Đã từng có nhiều đòan cán bộ thanh tra tham nhũng, khiếu kiện về địa phương không được ai tiếp phải khăn gói đi về mà không dám phản đối !

Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất, hầu hết do người của đảng kiểm soát nên nếu đảng không “bật đèn xanh” thì không một Đại biểu nào dám ho he. Vì vậy từ trước đến nay chưa thấy có vụ tham nhũng nào được Quốc hội phanh phui ra.

Nhiều vụ tham nhũng tai tiếng khác cũng đã bị giấu nhẹm hoặc điều tra kéo dài đến “huề vốn”. Nhiều  kẻ có trách nhiệm được nhà nước cho “hạ cánh an tòan”, hoặc thăng quan tiến chức trước con mắt mở toang và cái miệng há hốc kinh ngạc của người dân !

Vì vậy, Trọng mới kết luận trong diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 5, ngày 15-05 (2012) : “Một số cấp uỷ đảng, chính quyền và người đứng đầu chưa quyết tâm lãnh đạo và gương mẫu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; những bất cập về thể chế, nhất là trong việc ban hành, thực thi luật pháp, cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế – xã hội; trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở, bất cập, thiếu công khai, minh bạch và nhất quán; vẫn còn tình trạng “xin – cho”. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân; kỷ cương, kỷ luật không nghiêm.”

Như thế thì đã “hết thuốc chữa” chưa hay cần phải có thêm nhiều thuốc “diệt trừ sâu bọ”  nữa để  đảng tan luôn rồi  lập ra một đảng mới và một nhà nước  có dân chủ pháp trị thì may ra mới diệt được tham nhũng ?

Nếu không thì chỉ có người dân phải chịu khổ thêm vì có ai biết đã có bao nhiêu cấp lãnh đạo đã kê khai tài sản theo Nghị định 37 ngày 09 tháng 03 năm 2007 về “Minh bạch Tài sản, Thu nhập”, hay nghiêm chỉnh thi hành  19 Điều cấm đảng viên “không được làm” do Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng ban hành ngày 01/11/2011, thay thế cho Quyết định 115 ngày 07/12/2007 của Bộ Chính trị ?

Những chuyện “nhậy cảm” này mà đảng không minh bạch, không thành thật với dân theo tinh thần “nhà nước ta là nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân” thì làm sao dân tin đảng không còn cho họ “ăn bánh vẽ” nữa ? -/-

Phạm Trần
(05/2012)



http://doithoaionline.wordpress.com/2012/05/24/doi-dan-chu-no-tham-nhung/#more-36589

No comments:

Post a Comment