Mặc Lâm, biên tập viên RFA - Trước khi vụ Vinalines đổ vỡ Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã làm dư luận nóng lên với đề nghị Thủ tướng phê duyệt 12 ngàn tỷ để hiện đại hóa, công nghiệp hóa Bộ này.
Cổng trụ sở Bộ GTVT ở số 80 đường Trần Hưng Đạo (Hà Nội)
Ông Thăng yêu cầu được phép bán khu đất mà BGTVT do chính phủ cấp tại 80 đường Trần Hưng Đạo,TP. Hà Nội có giá trị hơn 250 triệu Mỹ kim để lấy tiền xây mới văn phòng của Bộ ở một nơi khác. Mặc Lâm phỏng vấn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên cố vấn kinh tế cho văn phòng Thủ tướng để biết thêm ý kiến của một chuyên gia về sự việc này.
Ai có quyền bán và di dời cơ quan chính phủ
Mặc Lâm: Thưa bà theo những quy định về việc di dời các cơ quan chính phủ ra khu vực xa trung tâm thành phố đã được dư luận hưởng ứng rộng rãi, tuy nhiên theo nhiều cơ quan ngôn luận phản ánh thì dư luận lại rất chống đối việc các cơ quan tự ý bán cơ quan cũ để lấy tiền xây dựng cơ quan mới, ý kiến bà ra sao về việc này?
Bà Phạm Chi Lan: Trước hết về cách làm thì rất không nên cho phép các bộ hoặc các cơ quan kể cả các nhà máy quốc doanh được chính phủ cấp đất hoặc giao đất được bán trụ sở cũ của mình để di dời ra ngoài thành phố.
Mặc Lâm: Vậy nếu cho phép những cơ quan có yêu cầu di chuyển thì họ sẽ bán hay thanh lý cơ sở cũ như thế nào để được pháp luật chấp nhận?
Bà Phạm Chi Lan: Cái cách cho phép họ bán phải trên cơ sở như thế này: Đất đai thuộc sở hữu nhà nước được nhà nước giao hoặc cho sử dụng một thời gian dài theo cơ chế nhà nước giao cho các cơ quan hay doanh nghiệp nhà nước trước đây thì về nguyên tắc phải trả lại để nhà nước đứng ra bán chứ không phải chính đơn vị đó đứng ra bán. Sau đó khi di chuyển thì nhà nước lại đứng ra thu xếp cho họ kinh phí để thực hiện cũng như cung cấp đất mới. Nếu là tự họ đi thuê đất mới thì bằng tiền hỗ trợ của nhà nước để họ thiết lập cơ sở mới ngoài khu vực nội thành.
Điều này giúp cho họ có được trụ sở mới tốt hơn, khang trang hơn và nhất là nó phù hợp với quy hoạch phát triển. Tôi nghĩ như vậy thì hai bên cùng có lợi và nó vẫn thực hiện đúng yêu cầu, đúng nguyên lý cơ bản là đất đai thuộc sở hữu toàn dân về nguyên tắc và do nhà nước đứng ra quản lý.
Đất đai thuộc sở hữu nhà nước được nhà nước giao hoặc cho sử dụng một thời gian dài theo cơ chế nhà nước giao cho các cơ quan hay doanh nghiệp nhà nước trước đây thì về nguyên tắc phải trả lại để nhà nước đứng ra bán chứ không phải chính đơn vị đó đứng ra bán.
Bà Phạm Chi Lan
Đất đai thuộc sở hữu nhà nước
Mặc Lâm: Theo nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ thì pháp luật về đất đai không cho phép bộ, ngành nào có quyền đổi chác hoặc bán trụ sở. Do đó, nếu Bộ GTVT đổi trụ sở cũ để lấy trụ sở mới của một đơn vị khác cũng là vi phạm, vậy thì trong trường hợp của Bộ GTVT họ sẽ phải tuân thủ theo quy định như thế nào?
Bà Phạm Chi Lan: Việc đứng ra bán hoặc sử dụng lại chỗ đất ấy như thế nào thì về nguyên tắc điều đầu tiên phải là nhà nước đứng ra chấp nhận. Vì vậy trụ sở cũ của Bộ Giao thông phải giao lại cho Cục Công sản của Bộ Tài chính là cơ quan được giao cho trách nhiệm thay mặt Bộ Tài chính đứng ra quản lý các tài sản công. Cục Công sản dựa trên cơ sở hiện nay của Bộ Giao thông có thể được sử dụng như thế nào thì lập đề án trình cho chính phủ quyết định.
Nếu chính phủ thấy việc này hoàn toàn có thể giao cho Bộ Tài chính quyết định được thì chính phủ cũng không cần can thiệp vào. Bộ Tài chính vẫn phải quyết định trên cơ sở đây là tài sản công, là đất công mà nếu cần bán thì Bộ Tài Chính sẽ đứng ra bán. Việc bán này phải được thực hiện hết sức minh bạch, hết sức công khai để đảm bảo lợi ích cao nhất của nhà nước chứ không phải chỉ bán chỉ định cho một ai đó, một doanh nghiệp hay cơ quan nào đó đứng ra mua.
Hai nữa việc bán trụ sở mới phải được sử dụng như thế nào thì nhà nước hay Cục Công sản phải đứng ra tuyên bố từ đầu.
Ví dụ như những ngôi nhà của Bộ Giao thông có giá trị về kiến trúc khá cổ nó đặt trong một khu vực mà chung quanh có rất nhiều kiến trúc cần phải bảo tồn thì ngôi nhà đó cũng cần phải bảo tồn trên tinh thần không đập phá nó đi. Kiến trúc ấy cũng không được xây thành những ngôi nhà hiện đại cao tầng làm mất đi giá trị cảnh quan, giá trị kiến trúc hay thậm chí gây tắc nghẽn giao thông. Vì khi một ngôi nhà lớn xây dựng lên sẽ có rất nhiều người đến để làm việc.
Tôi thấy việc giải quyết phải rất sòng phẳng và tách bạch ra. Nếu cơ quan đó cần có ngân sách để có thể xây trụ sở mới thì ngân sách sẽ được nhà nước cung cấp theo những chuẩn mực những tiêu chuẩn chung của nhà nước. Không phải muốn xây to bao nhiêu cũng được, muốn dùng bao nhiêu tiền cũng được, việc này đã có nhà nước quy định ra. Ngân sách đó nhà nước có thể lo riêng cho họ chứ còn việc bán trụ sở cũ thì lại là một việc khác, nó thuộc về trách nhiệm chung và thẩm quyền chung của nhà nước chứ không phải của cơ quan nào. Nói cho cùng họ không phải là người sở hữu của trụ sở đó để họ có quyền tùy nghi bán nó.
Mặc Lâm: Và suy cho cùng thì đề nghị này có hợp lý trong hoàn cảnh hiện nay của nền kinh tế Việt Nam hay không?
Bộ Tài chính vẫn phải quyết định trên cơ sở đây là tài sản công, là đất công mà nếu cần bán thì Bộ Tài Chính sẽ đứng ra bán. Việc bán này phải được thực hiện hết sức minh bạch, hết sức công khai để đảm bảo lợi ích cao nhất của nhà nước chứ không phải chỉ bán chỉ định cho một ai đó, một doanh nghiệp hay cơ quan nào đó.
Bà Phạm Chi Lan
Bà Phạm Chi Lan: Tôi cho là đề nghị đó rất không hợp lý. Điều này thể hiện Bộ Giao thông vận tải không hiểu tình hình khó khăn, bức xúc hiện nay của nền kinh tế khi mà thiếu vốn nặng nề nhất là các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến nền sản xuất kinh doanh của họ.
Ngay chính bản thân các doanh nghiệp thuộc ngành giao thông vận tải ví dụ như ô tô chẳng hạn, đang là một ngành bị giảm sút rất mạnh trong thời gian vừa qua, vậy mà Bộ Giao thông vận tải cũng là người đưa ra chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô, thế mà bây giờ ngành đó suy giảm như vậy mà không nghĩ đến việc làm thế nào giúp nó định hướng phát triển tốt hơn; mà lại nghĩ đến một việc khác là yêu cầu nhà nước cung cấp cho một khoản tài chính rất lớn để gọi là công nghiệp hóa, hiện đại hóa trụ sở của mình thì tôi nghĩ rất không hợp lý.
Vả lại các bài toán đó phải được đặt trong tình hình chung của đất nước. Trách nhiệm lớn nhất của Bộ Giao thông vận tải là phải làm sao lo cho sự phát triển của hệ thống hạ tầng của Việt Nam tốt hơn. Hệ thống này đang là một trong ba nút thắt, ba điểm nghẽn của văn kiện kinh tế hiện nay. Biết bao vấn đề giao thông đang là bức xúc cho cả xã hội.
Khi ông Bộ trưởng Đinh La Thăng mới lên nhậm chức ông ấy cũng nêu ra ba lĩnh vực bức thiết nhất của giao thông mà ông ấy cho là ba cái nút ông ấy sẽ tập trung giải quyết, trong đó không hề có chuyện xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa các phương tiện làm việc của Bộ Giao thông vận tải.
Mặc Lâm: Xin cám ơn bà
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/opini-abt-activ-minis-transp-05242012083923.html
No comments:
Post a Comment