LS Nguyễn Văn Đài (BBC) - Cuộc bầu cử bổ sung tự do, công bằng và có sự tham gia của 17 đảng phái chính trị ở Miến Điện vào ngày 1/4/2012 vừa qua không chỉ đi vào lịch sử của Miến Điện mà sẽ đi vào lịch sử của khu vực Asean và thế giới.
Bà Aung San Suu Kyi đã phát biểu sau khi thắng cử: “ Đây là chiến thắng của nhân dân…” và “Chúng tôi hy vọng đây là khởi đầu của một kỷ nguyên mới”.
Cộng đồng quốc tế đã đánh giá rất cao cuộc bầu cử này đồng thời còn đánh giá tích cực toàn bộ tiến trình dân chủ hóa đang diễn ra mạnh mẽ tại Miến Điện. Họ coi đó là khuôn mẫu để cho các chế độ độc tài và độc đảng khác còn lại trên thế giới học tập.
Những sự hy sinh và nỗ lực đấu tranh cho tự do dân chủ của nhân dân Miến Điện trải qua nhiều thập kỷ đã được đền đáp xứng đáng. Những ngày tới đây, chắc chắn Hoa Kỳ và EU sẽ tiếp tục nới lỏng và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn cấm vận chống tập đoàn quân nhân Miến Điện trong nhiều thập kỷ qua.
Điều này sẽ đưa Miến Điện hội nhập một cách toàn diện trong cộng đồng Asean và thế giới.
Con đường phát triển
Chính phủ của đảng Đoàn kết và Phát triển Liên bang (USDP) cầm quyền và các đảng phái chính trị khác cùng toàn thể nhân dân Miến Điện đã lựa chọn con đường dân chủ hóa, xây dựng chế độ xã hội dân chủ đa đảng làm nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển phồn thịnh của đất nước.
"Chỉ có những nước xây dựng chế độ xã hội dân chủ đa đảng, thì những nước đó mới thực sự có xã hội ổn định, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được ấm no." LS Nguyễn Văn Đài
Sự lựa chọn khôn ngoan này không những đem lại lợi ích cho các thế hê người Miến Điện hôm nay mà còn cho các thế hệ tương lai.
Chúng ta cùng nhìn rộng ra các nước trong khu vực châu Á, chỉ có những nước xây dựng chế độ xã hội dân chủ đa đảng, thì những nước đó mới thực sự có xã hội ổn định, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được ấm no: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan,…
Trong khu vực châu Á, lịch sử đã cho thấy có nhiều nước từng chuyển đổi từ chế độc tài quân sự, chế độ độc đảng sang chế độ dân chủ đa đảng. Tiêu biểu đó tiêu biểu trong số đó là Đài Loan.
Sau năm 1949, Quốc dân đảng, đứng đầu là cố Tổng thống Tưởng Giới Thạch đã xây dựng và duy trì chế độ độc đảng tại Đài Loan suốt nhiều thập kỷ.
Cho đến giữa thập niên 80 của thế kỷ 20, khi đó kinh tế Đài Loan đang phát triển, trong xã hội nổi lên một từng lớp trung lưu vững vàng, những người dân có học thức mong muốn được tham gia nhiều hơn về chính trị.
Lúc này xã hội Đài Loan đã đủ trưởng thành để gánh thêm trách nhiệm trong nền chính trị mang tính dân chủ.
Vào năm 1986, mặc dù lệnh cấm đảng phái chính trị mới chưa được bãi bỏ, nhưng rất nhiều người dân Đài Loan đã thành lập lên những tổ chức chính trị đối lập. Rất nhiều người đã bị sách nhiễu, bắt giữ và tù đày. Nhưng người dân Đài Loan vẫn quyết tâm thực hiện ý nguyện của họ về một xã hội dân chủ.
Một trong những đảng mà sau này đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống là Đảng Dân tiến do ông Trần Thủy Biển đứng đầu.
Cố Tổng thống Đài Loan, ông Tưởng Kinh Quốc, và cũng là lãnh đạo của Quốc dân đảng lúc đó, đã khởi xướng tiến trình cải cách chính trị không phải do áp lực mà do tác dụng của sự tiến bộ xã hội.
Nhân dân Đài Loan và Quốc dân đảng đã thành công trong việc xây dựng và nuôi dưỡng nền chính trị dân chủ đa đảng trong hòa bình. Kết quả đất nước Đài Loan ngày nay kinh tế phát triển, nền chính trị dân chủ ổn định, cuộc sống của người dân được tự do và sung túc.
Hy vọng cho Việt Nam?
Việc chuyển đổi từ chế độc đảng sang chế độ dân chủ đa đảng tại Đài Loan trước đây và sự chuyển đổi từ chế độ độc tài quân sự sang chế độ dân chủ đa đảng của Miến Điện hôm nay có điểm trùng hợp là: ngoài nỗ lực đấu tranh của nhân dân, sự ủng hộ và vận động của cộng đồng quốc tế, thì đảng cầm quyền đã chủ động lãnh đạo và dẫn dắt nhân dân trong tiến trình dân chủ hóa.
Do vậy việc chuyển đổi thể chế chính trị ở những nước này đã diễn ra trong hòa bình, phi bạo lực.
Cuộc bầu cử bổ sung tại Miến Điện được nhiều khen ngợi
Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, khi còn là Chủ tịch Quốc hội, trong chuyến thăm Ấn Độ năm 2010 đã trả lời phỏng vấn báo Express của nước chủ nhà.
Ông nói: "Ở Việt Nam chưa thấy sự cần thiết khách quan phải có chế độ đa đảng, ít nhất là cho đến bây giờ”.
Câu trả lời của ông Nguyễn Phú Trọng phần nào đã đúng.
Bởi khi sống dưới chế độ độc đảng toàn trị, mọi ý kiến phản biện về chính trị đều bị qui là phản động, bị đàn áp, sách nhiễu, bắt bớ, tù đày thì mong muốn, khát khao về một xã hội dân chủ của mọi người dân chỉ để trong lòng, rất ít người dám bày tỏ và tranh luận với những người xung quanh để đi đến những đòi hỏi về dân chủ trong xã hội.
Như vậy thì làm sao đảng Cộng sản biết mà đáp ứng?
Do đó, mọi người dân cần phải chiến thắng sự sợ hãi, dũng cảm bày tỏ và đòi hỏi về một xã hội dân chủ đa đảng để điều đó trở thành một sự cần thiết khách quan trong xã hội.
Rất nhiều người hỏi tôi là khi nào Việt Nam có dân chủ?
Tôi nói với họ rằng nếu hôm nay, tất cả công dân Việt Nam mong muốn có dân chủ, cùng nhau thực thi quyền chính trị của mình trong Hiến pháp, cùng nhau bày tỏ quan điểm của mình và cùng nhau đòi hỏi thì đảng Cộng sản Việt Nam sẽ lắng nghe và ngay ngày mai họ sẽ đáp ứng nguyện vọng của chúng ta.
Đất nước Việt Nam của chúng ta sẽ có tự do, dân chủ.
Còn tất cả chúng ta đều mong muốn, đều khát khao nhưng không có ai dám bày tỏ, đòi hỏi hoặc có rất ít người bày tỏ, đòi hỏi thì sẽ không bao giờ có dân chủ.
Đến từ nhận thức
Tiến trình dân chủ phải đến từ nhận thức của đảng cầm quyền và mọi người dân. Tất cả chúng ta đều cần phải nhận thức và tin tưởng sâu sắc rằng một xã hội càng dân chủ, tự do và cởi mở bao nhiêu thì sự tiến bộ và phát triển sẽ càng nhanh chóng và xã hội sẽ càng ổn định và thịnh vượng bấy nhiêu.
Khi đã có nhận thức đúng đắn về dân chủ, mọi người dân cần phải tự do trao đổi ý kiến, quan điểm của mình trong xã hội.
"Đảng Cộng sản Việt Nam hãy giữ gìn quyền lãnh đạo đất nước của mình bằng đạo đức, tài năng, uy tín, bằng sự yêu mến và tín nhiệm của nhân dân. Đừng giữ gìn quyền lãnh đạo của mình bằng quân đội, cảnh sát, an ninh và nhà tù. LS Nguyễn Văn Đài
Trao đổi, thảo luận với nhau về chính trị, về đa nguyên, đa đảng là điểm khởi đầu cho sự thay đổi.
Việc trao đổi ý kiến, quan điểm và những đòi hỏi về đa nguyên đa đảng không phải là tội lỗi và cũng không vi phạm pháp luật. Đó là quyền con người về chính trị của công dân Việt Nam.
Kinh nghiệm từ lịch sử của các nước dân chủ văn minh cho thấy: độc lập, tự do, dân chủ, nhân quyền không bao giờ tự nhiên mà có được.
Những kinh nghiệm của nhân dân Đài Loan trước đây và nhân dân Miến Điện ngày hôm nay sẽ giúp và khích lệ mọi công dân Việt Nam có trách nhiệm trong tiến trình dân chủ hóa đất nước.
Những kinh nghiệm của Quốc dân đảng tại Đài Loan và của đảng Đoàn kết và Phát triển liên bang(USDP) cầm quyền tại Miến Điện sẽ giúp ích và khích lệ đảng Cộng sản Việt Nam trong việc chủ động thực hiện tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam.
Nhân dân mong rằng đảng Cộng sản Việt Nam hãy giữ gìn quyền lãnh đạo đất nước của mình bằng đạo đức, tài năng, uy tín, bằng sự yêu mến và tín nhiệm của nhân dân. Đừng giữ gìn quyền lãnh đạo của mình bằng quân đội, cảnh sát, an ninh và nhà tù.
Những thế hệ đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam trước đây đã không sợ hãi trước bom đạn và đã chiến thắng các cường quốc quân sự trên thế giới. Không lẽ nào những thế hệ đảng viên đảng Cộng sản ngày hôm nay lại lo lắng và run sợ trước những người đồng bào của mình khi họ sử dụng các quyền con người về chính trị đã được qui định trong Hiến pháp?
Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành công trong việc giữ độc quyền lãnh đạo đất trong hơn nửa thế kỷ. Nay đảng Cộng sản Việt Nam dám tiến hành dân chủ hóa đất nước và chia sẻ quyền lực vì lợi ích to lớn của dân tộc thì đó mới thực sự là một Đảng anh hùng.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một luật sư bất đồng chính kiến đang sống tại Hà Nội.
No comments:
Post a Comment