Monday, April 9, 2012

Thái Độ Thách Thức Của Bắc Hàn Trong Việc Phóng Hỏa Tiễn



Trúc Giang - 1* Mở bài
Việc Bắc Hàn phóng hỏa tiễn gây một bất ngờ cho thế giới, đồng thời gây náo động cả khu vực, bởi vì, 2 tuần lễ trước đó Bắc Hàn (BH) cam kết ngừng các hoạt động về vũ khí hạt nhân, bao gồm thử nghiệm hỏa tiễn tầm xa và làm giàu chất Uranium, để đổi lấy viện trợ lương thực cứu đói mà riêng phần của Hoa Kỳ là 240,000 tấn.

Việc đưa vệ tinh vào vũ trụ chỉ là ngụy trang mà thực chất là thí nghiệm hỏa tiễn tầm xa có khả năng mang đầu đạn nguyên tử.
Trong màn diễn nầy, rõ ràng là cậu Ủn nắm vai trò chủ động, quậy phá, chơi gác ngay cả với Hoa Kỳ và các đồng minh của HK trong khu vực. HK và các đồng minh rộn ràng lo phòng thủ, mà vũ khí tấn công là lương thực cứu đói.
Cậu Ủn phớt lờ những đe dọa mà cứ tiến hành theo chương trình đã định.
Tại sao Bắc Hàn dám chơi ngông, chơi ngang như thế?
Đó là có 2 cây gậy chống lưng, một là Trung Cộng, hai là Nga. Trung Cộng ủng hộ, yểm trợ, bao che cho tên đàn em ngang bướng, ngông cuồng nầy để giữ vai trò quan trọng trong việc dàn xếp, giải quyết các vấn đề quốc tế, khiến cho HK phải nể mặt, nhờ cậy giúp đỡ.
Còn Nga thì tìm mọi cơ hội làm suy yếu HK, để rửa hận thù, vì đã bại trận thê thảm trong chiến tranh lạnh mà cho đến nay vẫn chưa phục hồi công lực. Kế đến, có cơ hội ngoi lên địa vị siêu cường trên thế giới.
Vũ khí lương thực của HK sẽ giảm mất hiệu lực khi BH có nguồn lương thực khác, từ hậu phương vĩ đại như Trung Cộng chẳng hạn.
Phóng hỏa tiễn là chuyện nhỏ. Chuyện lớn là việc sản xuất vũ khí hạt nhân. Nước Cộng Sản nầy lật lọng, khi đã qua cơn đói thì quay trở lại vũ khí hạt nhân. Thái độ lật lọng đã và đang thể hiện sau khi cam kết với HK để nhận lương thực, mới hồi tháng trước đây.
2* Bắc Hàn phóng hỏa tiễn
2.1. Bắc Hàn thông báo việc phóng hỏa tiễn
Ngày 16-3-2012, hảng tin chính thức của Bắc Hàn KCNA loan báo là nước nầy sẽ đưa lên vũ trụ một vệ tinh mới trong khoảng thời gian từ 12 đến 16 tháng 4 năm 2012. Bắc Hàn cho rằng đó là một họat động hòa bình nhằm kỷ niệm sinh nhật thứ 100 của Kim Nhật Thành (Kim Il-sung, 15-4-1912)
Một giáo sư Bắc Hàn cho biết, để tránh những trục trặc có thể gây tác hại cho các nước láng giềng, chiếc hỏa tiễn mang vệ tinh lên quỹ đạo sẽ được chọn một đường bay an toàn.
Hảng tin AFP (Pháp) dẫn lời của GS Koyong Hae, thuộc Viện Đại học Kim Nhật Thành, Bắc Hàn, cho biết: “Đường bay trong quỹ đạo an toàn được chọn, để những mảnh vở của hoả tiễn mang vệ tinh sẽ không có ảnh hưởng gì đến các nước láng giềng”.
Việc thông báo bắn hỏa tiễn, kèm theo những lời bảo đảm an toàn của Bắc Hàn làm dấy lên một loạt phản ứng lên án, từ cộng đồng quốc tế.
Việc xử dụng hỏa tiễn đưa vệ tinh vào vũ trụ, thực chất là một cuộc thử nghiệm hỏa tiễn tầm xa của Bắc Hàn. Hoa Kỳ quan ngại vì hỏa tiễn Taepodong-2 có thể bay đến bang Alaska của HK.
Hồi năm 2009, Bắc Hàn (BH) đã bị LHQ cấm thử nghiệm hoả tiễn đạn đạo tầm xa của nước nầy.
2.2. Bắc Hàn chuyển hỏa tiễn đến giàn phóng
Một binh sĩ đứng gác bên dàn phóng tên lửa ở Tongchang-ri, Triều Tiên
Ngày 25-3-2012, hảng tin Yonhap của Nam Hàn cho biết, BH đã dùng xe lửa để chuyển những bộ phận của hỏa tiễn đến căn cứ Sohae, thuộc tỉnh Tongchang-ri phía tây bắc, chuẩn bị cho việc phóng. Các cơ quan quân sự HK và Nam Hàn đã được thông báo về tin tức nầy.
Trên đường đi, tầng trên của hỏa tiễn sẽ rơi xuống Hoàng Hải, phía tây bán đảo Triều Tiên, tầng hai rơi xuống biển Philippines, phía đông BH. Hoả tiễn sẽ bay qua không phận của quần đảo Okinawa, Nhật Bản, là nơi có căn cứ quân sự HK.
2.3. Lễ tưởng niệm Kim Chánh Nhật
Cũng trong ngày 25-3, Bình Nhưỡng tổ chức lễ tưởng niệm 100 ngày Kim Chánh Nhật (Kim Jong-il) qua đời. Theo KCNA thì “cả nước chìm ngập trong không khí tưởng niệm”. Toàn quốc đều treo cờ rũ, những hồi còi hụ lên vào đúng ngọ, và mọi người dân dành 3 phút để mặc niệm.
“Tất cả các định chế, cơ sở công nghiệp, công trình xây dựng, trang trại, trường học, bịnh viện, làng xóm, các gia đình trên cả nước, đều tràn ngập nổi đau”.
Hảng tin Nam Hàn cho biết, những người tập trung khóc kể mà không có nước mắt hoặc không biểu lộ được sự đau buồn thì có thể đối diện với mức án tù 6 tháng.
Quốc hội BH sẽ họp vào ngày 13-4-2012 mà các quan sát viên cho rằng để bầu Kim Jong-un chính thức vào chức vụ lãnh đạo tối cao, vì hiện nay, chú Ủn chỉ giữ chức vụ Phó chủ tịch Hội đồng Quốc Phòng. Theo hiến pháp BH, thì quốc hội có thẩm quyền chỉ định chủ tịch Hội đồng Quốc Phòng, là lãnh tụ tối cao, có thực quyền đưa ra những quyết định quan trọng.
3* Phản ứng của Nam Hàn về việc phóng hỏa tiễn
Tổng thống Mỹ-Hàn sau cuộc gặp tại Seoul ngày 25/3.
Tổng thống Nam Hàn Lee Myung-bak và tổng thống Barack Obama cảnh cáo BH rằng: “Bắc Hàn sẽ không đạt được bất cứ điều gì, dựa trên sự đe dọa và hành động khiêu khích”. Ám chỉ lương thực cứu đói.
Hai nhà lãnh đạo cho biết: “BH có nguy cơ chịu thêm những biện pháp trừng phạt và cô lập nếu không từ bỏ kế hoạch phóng hỏa tiễn của họ”.
Tổng thống Lee cũng nói, ông và tổng thống HK “nhất trí đáp lại một cách nghiêm khắc và thích đáng đối với bất cứ hành động khiêu khích nào của miền bắc”.
3.1. Nam Hàn mở rộng tầm bắn hỏa tiễn để đối phó với Bắc Hàn
Ngày 22-3-2012, Tổng thống Lee cho biết, HK và Nam Hàn đã đạt được một thoả thuận mở rộng tầm bắn hỏa tiễn đạn đạo từ 300km lên 400km, nhằm chống lại mối đe dọa của BH.
Hiện HK có 28,500 quân đồn trú tại Nam Hàn, và cam kết, HK sẽ dùng “cây dù hạt nhân để bảo vệ Nam Hàn”.
Theo Nam Hàn thì, BH có 1,000 hoả tiễn, một số lớn chỉa về phía nam. BH được ghi nhận là có hỏa tiễn tầm xa Taepodong-2, hoạt động trên 3,000km, có thể bắn tới Alaska của HK.
Phát ngôn viên Nam Hàn Park Jeong-ha tuyên bố: “Chính phủ chúng tôi coi việc phóng vệ tinh của BH là một sự khiêu khích nghiêm trọng, có mục đích phát triển hỏa tiễn tầm xa mang đầu đạn nguyên tử”. Taepodong-2, Ngân Hà (Unha-2) trên lý thuyết là có thể phóng tới HK.
Bắc Hàn đã mời các chuyên viên, nhà báo nước ngoài đến quan sát việc phóng vệ tinh. Trong khi đó, Hoa Kỳ, Nhật, Liên Âu, cho rằng, đó là một vụ bắn trá hình, vi phạm Nghị Quyết  của LHQ đã cấm thử nghiệm hỏa tiễn tầm xa, sau vụ phóng Taepodong-2 hồi năm 2009.
3.2. Thế giới ngạc nhiên
Việc phóng hỏa tiển của BH làm cho thế giới ngạc nhiên, vì 2 tuần lễ trước đây, BH chấp nhận tạm ngưng các vụ bắn hỏa tiễn đạn đạo (Ballistic missile) tầm xa, các vụ thí nghiệm hạt nhân cũng như hoạt động làm giàu chất Uranium, để đổi lại, lấy viện trợ lương thực cứu đói cho BH.
4* Phản ứng của Hoa Kỳ
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao HK, bà Victoria Nuland xác định rằng Washington” hết sức quan ngại về nguy cơ có thể phá vở thoả thuận giữa hai bên ngày 29-2-2012”. Phía Mỹ cho rằng việc phóng vệ tinh là một nhân tố phá vở thỏa thuận, vì hỏa tiễn phóng vệ tinh đồng nghĩa với hỏa tiễn tầm xa, đe dọa an ninh HK. Thoả thuận ngày 29-2-2012 là HK viện trợ 240,000 tấn lương thực cúu đói cho BH.
Tổng thống Obama từng nói, BH sẽ không nhận được bất cứ cái gì dựa trên sự đe dọa hoặc khiêu khích. Bắc Hàn có nguy cơ chịu thêm các biện pháp trừng phạt và bị cô lập, nếu không từ bỏ kế hoạch phóng hỏa tiễn của họ.
5* Phản ứng của Nhật Bản
Nhật, Hoa Kỳ và Nam Hàn phản đối dữ dội việc phóng hỏa tiễn của BH.
Ngày 23-3-2012, Tokyo ra lịnh bố trí hệ thống phòng thủ chống hỏa tiễn. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Naoki Tanaka tuyên bố: “Tôi ra lịnh triển khai hệ thống PAC-3 (Patriot Advanced Capability-3) và tàu khu trục trang bị hệ thống chống hỏa tiễn AEGIS, có khả năng bắn hạ hỏa tiễn.
Nhật báo Sankei Shimbun loan tin, 2 tàu chiến trang bị hệ thống AEGIS, một ở gần đảo Okinawa, một chiếc khác ở Hoàng Hải, nằm giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản. Hệ thống PAC-3 sẽ đặt trên đảo Okinawa. Thủ tướng Nhật, Yoshiko Noda chính thức ra lịnh cho quân đội Nhật bắn chặn hỏa tiễn bay qua đe dọa lãnh thổ nước nầy.
6* Bắc Hàn bắt cóc người Nam Hàn
Bắc Hàn nổi tiếng thế giới về tội phạm bắt cóc người. Nhà nước nầy thực hiện tội ác bắt cóc người Nhật Bản và Nam Hàn.
Đối với Nam Hàn, có 2 giai đoạn bắt cóc. Đó là bắt cóc trong giai đoạn chiến tranh Nam-Bắc Hàn năm 1950-1953 và giai đoạn sau chiến tranh.
Trong chiến tranh, có 84,532 người Nam Hàn bị bắt cóc.
Sau chiến tranh, có 3,795 người Nam Hàn bị bắt cóc. Do sự can thiệp của quốc tế, HK và Nhật, 3,309 người được thả, và hiện nay còn 480 người bị lưu giữ ngoài ý muốn của họ.
Bị bắt cóc là những thành phần, ngư dân, học sinh trung học, hải quân Nam Hàn và hành khách chiếc phi cơ bị không tặc BH chiếm giữ. Thời gian bắt người, từ những thập niên 1960, 1970 và 1980.
Những ngư dân bị bắt về để dạy cách phát âm, những tiếng lóng của người Nam Hàn trong các trường đào tạo gián điệp của BH.
6.1. Bạo chúa mê điện ảnh, bắt cóc đạo diễn Nam Hàn
Năm 1978, theo lịnh của Kim Chánh Nhật, gián điệp BH thực hiện kế hoạch bắt cóc vợ chồng nhà đạo diễn nổi tiếng của Nam Hàn là Shin Sang-ok và vợ là nữ diễn viên Choi Eun-hee.
Bà Choi Eun-hee thuật lại, “Thật là kinh hoàng! Thật là khủng khiếp! Tôi bị đưa ra bến tàu HongKong, và trải qua một hành trình 8 ngày để tới Bình Nhưỡng. Tôi lo âu, sợ hãi nên không ăn uống gì, cho đến khi ngất xĩu.
Chồng bà, đạo diễn Shin Sang-ok từ Nam Hàn bay đến HongKong tìm bà, rồi cũng bị phục kích bắt luôn.
Ông Shin thuật lại, một người nào đó, chụp cái bao vải lên đầu, làm tôi không thấy gì cả, họ kéo tôi lên một chiếc xe đậu sẵn và chuyển tôi tới Bình Nhưỡng.
Người đạo diễn bị giam trên 4 năm vì 2 lần mưu toan vượt thoát. Trong tù, ông bị cho ăn cỏ, muối và ít cơm. Sau đó, học qua một lớp cải tạo để quán triệt sự vinh quang và ưu việt của chế độ Cộng Sản Bắc Hàn.
6.2. Vợ chồng nhà đạo diễn làm phim cho Bắc Hàn
“Sau 4 năm, bổng dưng, một hôm tôi được đưa đến một bữa ăn tối với Kim Chánh Nhật (Kim Jong-il) và ở đó tôi gặp lại vợ. Kim Chánh Nhật nói, họ bắt tôi về để làm phim cho BH.
Kim nói với tôi: “Các nhà làm phim miền Bắc chỉ làm chiếu lệ, họ không có ý tưởng nào mới cả. Kim đưa tôi đi xem thư viện phim, chứa  20,000 bộ phim Hollywood. Ông cho biết rất thích Liz Taylor, Sean Connery, phim Rambo và những phim hành động, phim sex và kinh dị. Ông sẽ mở một chương mục với số tiền 2.5 triệu USD ở ngân hàng nước Áo, để tôi làm phim thật tốt cho Bắc Hàn.”
Bà Choi Eun-hee cũng được tặng quần áo và mỹ phẩm tây phương đắt tiền để mua chuộc.
Trong 2 năm, họ làm được 20 bộ phim. Cuộc sống không thoải mái, vì ngoài phim trường ra, họ bị canh chừng chặt chẽ.
Năm 1986, nhân dịp đưa bộ phim Godzilla tham dự Liên hoan phim ở Vienna, Áo, vợ chồng nhà đạo diễn dùng mưu kế gạt đám canh chừng và chạy thẳng vào sứ quán Hoa Kỳ xin tỵ nạn.
Kim Chánh Nhật cáo buộc HK bắt cóc vợ chồng nhà đạo diễn, và mời họ về Bình Nhưỡng, nhưng họ từ chối.
7* Bắc Hàn bắt cóc công dân Nhật Bản
Việc bắt cóc công dân Nhật diễn ra từ năm 1977 đến 1983. Đã có 17 người Nhật, 8 nam, 9 nữ được chính quyền Nhật chính thức công nhận là họ bị Bắc Hàn bắt cóc. Ngoài ra, con số không chính thức có thể lên đến hàng trăm người. Lãnh tụ Bắc Hàn, Kim Chánh Nhật, thú nhận đã bắt cóc 13 công dân Nhật Bản.
7.1. Bối cảnh
Đa số những người Nhật bị bắt cóc ở lứa tuổi 20 và một người trẻ nhất là Megumi Yokota, 13 tuổi.
Mục đích bắt cóc về để daỵ tiếng Nhật và văn hoá Nhật cho các gián điệp ở các trường tình báo. Đồng thời, cũng dạy tiếng Nhật cho nhân viên hải quan và những người có nhu cầu nói tiếng Nhật. Những ngư dân Nhật lớn tuổi bị bắt cóc để tước đoạt lý lịch cá nhân rồi trao lại cho gián điệp BH. Họ bị giết ngay sau đó, vì trên đời chỉ có một người mang lý lịch đó mà thôi. Một số phụ nữ bị bắt về làm vợ cho các tên khủng bố BH nằm vùng ở Nhật, và một vài trường hợp để bịt miệng vì người đó vô tình chứng kiến việc gián điệp bắt cóc người, đó là trường hợp của cô bé 13 tuổi.
7.2. Cuộc đàm phán Nhật Bắc Hàn năm 2002
Ngày 17-9-2002, thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi đến BH để thúc đẩy quan hệ ngoại giao bình thường và viện trợ cho BH, trong dịp nầy, Kim Chánh Nhật thú nhận đã bắt cóc 13 công dân Nhật và mở miệng xin lỗi. Đồng thời, BH cũng cung cấp giấy khai tử của 8 người Nhật mà họ cho rằng họ đã chết.
Nhưng sau đó, trong phiên họp vào tháng 11 năm 2004 Kim xác nhận rằng đó là những tờ khai tử giả mạo.
7.3. Bắc Hàn thả 5 nạn nhân về Nhật
Ngày 15-10-2002, BH cho phép 5 nạn nhân bị bắt cóc được về Nhật. Năm người đó là:
- Yasushi Chimura và vợ là Fukie
- Kaoru Hasuike và vợ là Yukiko và
- Hitomi Soga, y tá, vợ của trung sĩ Mỹ Charles Robert Jenkins đã đào ngũ trốn sang Bắc Hàn.
Ngày 22-5-2004, trong chuyến viếng thăm thứ hai của thủ tướng Nhật Junishiro Koizumi, 3 người con của Yasushi Chimura sinh ra ở Bắc Hàn, mang quốc tịch nước nầy, được cho phép đến Nhật sống với cha mẹ.
Ngày 9-7-2004, cụu trung sĩ Mỹ đào ngũ, Charles Robert Jenkins cùng 2 con gái được thả. Jenkins sợ bị đưa ra toà án quân sự HK, nên đã đến Jakarta, Indonesia gặp vợ, và đến ngày
18-7-2004, cả gia đình âm thầm về Nhật.
7.3. Nghị Quyết của Liên Hiệp Quốc lên án và trừng phạt Bắc Hàn
Ngày 27-4-2005, Anh Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và 45 quốc gia, bao gồm Liên Âu, đệ nạp một dự thảo Nghị Quyết trừng phạt Bắc Hàn về vi phạm nhân quyền và bắt cóc người. Đại Hội Đồng LHQ thông qua NQ với 88 phiếu thuận, 21 phiếu chống và 60 nước vắng mặt, không bỏ phiếu. Trung Công và Nga là 2 quốc gia chống việc trừng phạt Bắc Hàn về hành động bắt cóc.
7.4. Vụ bắt cóc Megumi Yokota 13 tuổi
Vào một buổi tối rét buốt năm 1977, tại thành phố Niigata, Nhật, bà Sakie Yokota không ngừng nhìn đồng hồ trên tường, lòng dạ bồn chồn, đứng ngồi không yên, không biết tại sao  đứa con gái lớn của bà chưa về nhà. Megumi Yokota, 13 tuổi, luôn luôn đi thẳng về nhà sau khi tan trường, nhưng hôm đó quá trễ. Bà lo sợ, chạy đến trường học, nhưng không ai trông thấy cô bé cả.
Ông bà cùng cảnh sát lùng sụt khắp nơi trong khu vực mà không có tin tức nào cả.
Một năm lo lắng và mong chờ trôi qua, rồi 5 năm, rồi 10 năm, 15 năm. Cuối cùng, 20 năm sau, một nhà báo đến gỏ cửa nhà bà, báo một tin làm chấn động cả gia đình. Megumi đã bị gián điệp Bắc Hàn bắt cóc.
Sau đó, Kim Chánh Nhật thú nhận rằng Megumi Yokota đã bị bắt cóc đem về Bình Nhưỡng và xác nhận cô gái 13 tuổi đó đã tự tử chết vào ngày 13-3-1994.
Ông bà Yokota không tin rằng con gái đã chết, nên ra sức vận động khắp nơi, nhờ can thiệp để cho con ông bà được thả ra.
Tháng 11 năm 2004, Bắc Hàn trao trả 2 bộ hài cốt, cho rằng đó là của 2 người mang tên:
Megumi Yokota và Kaoru Mastsuki.
Qua thử nghiệm DNA, Nhật cho rằng đó không phải là hài cốt của 2 người.
Ngày 27-4-2004, bà Sakie Yokota ra điều trần trước Hạ Vện HK về công dân Nhật bị BH bắt cóc. Ngày hôm sau, Tổng thống George W. Bush tiếp kiến bà Sakie và đại diện của những thân nhân của những người bị bắt cóc. Hoa Kỳ hứa sẽ đưa vấn đề ra LHQ để áp lực với BH thả người.
7.5. Megumi Yokota vẫn còn sống
Ngày 10-10-2011, tờ Yonhap dẫn lời của ông Park Sun-young, một thành viên của đảng đối lập Nam Hàn, cho biết, một người BH đào thoát sang Nam Hàn tiết lộ rằng bà Megumi Yokota vẫn còn sống, nhưng bà không thể về Nhật Bản vì bà nắm giữ nhiều bí mật chính trị nhạy cảm của Bắc Hàn.
Việc bắt cóc công dân Nhật nằm trong mục đích cài gián điệp BH vào Nhật Bản.
Cuối tuần qua, trong cuộc gặp gỡ với thân nhân những người bị bắt cóc, thủ tướng Nhật Yoshiko Noda bày tỏ ý định sẽ đến BH để thảo luận về vấn đề bắt cóc 30 năm về trước.
8* Cuộc đào tẩu vào địa ngục 40 năm của anh lính Mỹ
Trong khi tin tức nóng hổi của người thiếu nữ Bắc Hàn, cô Eusun Kim đã trải qua 9 năm gian khổ để thoát ra khỏi địa ngục Bắc Hàn, và cô muốn gởi một thông điệp đến cộng đồng quốc tế là, “có một đất nước như Bắc Hàn, nơi mà có nhiều người chết vì đói và những người muốn chạy trốn khỏi một địa ngục ở trần gian”, thì trái lại, một anh lính Mỹ đã đâm đầu vào địa ngục 40 năm về trước.
Sáng ngày 5-1-1965, trung sĩ Charles Robert Jenkins, buột áo sơ mi trắng lên đầu súng, giơ lên cao, vượt qua khu phi quân sự, đi về phía quân đội Bắc Hàn.
8.1. Những năm tháng không thể nào quên
Tin về cuộc đào ngũ của trung sĩ Jenkins được BH công bố vài ngày sau đó. Tuy nhiên, phía HK không đưa ra lời bình luận nào cả. Gia đình Jenkins nghĩ rằng anh bị mất tích trong khi thi hành nhiệm vụ ở Nam Hàn.
Năm 1966, với mục đích thoát thân, anh tìm mọi cách để lọt vào sứ quán Liên Xô ở Bình Nhưỡng để xin tỵ nạn, nhưng xui cho anh, là Liên Xô từ chối. Đó là thời gian mà Jenkins được cử làm giáo viên dạy tiếng Anh cho trường tình báo BH.
Một số nhân viên đặc biệt trong trường, giới thiệu cho anh một y tá người Nhật bị bắt cóc về BH, tên là Hitomi Soga, 21 tuổi.
“Đó là một định mệnh. Chúng tôi yêu nhau và đám cưới ngay trong vòng một tháng”. Bà Hitomi Soga Jenkins nói về cuộc hôn nhân của mình với anh lính Mỹ đào ngũ cách đây hơn một phần tư thế kỷ.
Ba năm sau đó, họ có đứa con gái đầu lòng tên Roberta, rồi sau đó, đứa con gái út tên Brinda.
Năm 1982, với quyết tâm đánh tiếng thông báo, để phía Mỹ và gia đình anh ta biết là anh còn sống và hy vọng họ sẽ can thiệp cho anh thoát ra khỏi BH, đó là anh tham gia áp phích quảng cáo cho cuốn phim Nameless heroes (Những anh hùng vô danh) tuy nhiên không có kết quả nào hết.
8.2. Được thả về Nhật
Năm 2002, Hitomi Soga được thả về Nhật, bà tìm mọi cách để đưa chồng và 2 con gái ra khỏi  địa ngục đó. Bà viết báo, kể chuyện về đời sống gian khổ của một phụ nữ bị bắt cóc, xa quê hương, cuộc sống vô cùng cơ cực dưới chế độ hà khắc, hơn một phần tư thế kỷ bên người chồng là anh lính Mỹ đào ngũ. Câu chuyện gây xúc động trong công chúng.
Năm 2004, nhờ sự can thiệp của chính phủ Nhật Jenkins và 2 con gái được cho phép về Nhật. Vì sợ phải ra tòa án quân sự nên Jenkins gặp vợ ở Jakarta, Indonesia, và sau đó âm thầm về Nhật.
Ngày 11-9-2004, trước cổng căn cứ quân sự Mỹ tại Zama, một ông già 64 tuổi già nua, ốm yếu xin gặp quân cảnh, yêu cầu được gặp tướng Paul Nigeara đề đầu thú về tội đào ngũ 40 năm trước.
Ra toà, ủy viên công tố muốn buộc tội cho thật nặng để làm gương cho binh sĩ Mỹ đang chiến đấu ở Iraq, nhưng tình hình đang căng thẳng, vì dân chúng biểu tình không muốn cho quân đội Mỹ đóng trên những căn cứ của Nhật, và do sự can tiệp của chính phủ Nhật, Jenkins bị phạt tù giam 30 ngày, tước bỏ mọi quyền lợi của cựu quân nhận HK.
Ông sống hạnh phúc với gia đình ở Nhật, nhưng không thể nào quên được những tháng năm trong địa ngục ở trần gian đó.
Charles Robert Jenkins sinh năm 1940, vì sợ bị chuyển qua chiến trường Việt Nam đang diễn ra ác liệt, nên đã đào ngũ đúc đầu vào địa ngục đỏ Bắc Hàn.
9* Kết
Bắc Hàn chủ động bày ra chuyện phóng hỏa tiễn để làm gì?
Đương nhiên là họ đã cân nhắc kỹ lưỡng lợi hại của vấn đề, thế nhưng cậu Ủn xem như pha trước những đe dọa hăm he cứng rắn, quyết liệt của HK và các nước trong khu vực. Tiến trình phóng vệ tinh vẫn được thi hành theo lịch trình ấn định.
Việc phóng hỏa tiễn xem như một cuộc trắc nghiệm, chiến tranh tâm lý, xem ai lì hơn ai? Ai chì hơn ai?
Nhật Bản có dám bắn hạ hỏa tiễn của BH không? Theo dự đoán, có thể là không, bởi vì việc phóng hỏa tiễn chỉ là chuyện nhỏ, chưa đủ điều kiện để mở ra một cuộc chiến tranh. Có thể nói, HK chưa muốn đánh giặc trong năm bầu cử, Nhật chưa muốn đánh giặc vì kinh tế chưa phục hồi sau đại nạn sóng thần, Bắc Hàn cũng chưa muốn đánh nhau vì đang đói. Nam Hàn chưa muốn đánh, vì HK chưa muốn đánh, và lực lượng Nam Hàn còn thua kém BH.
Cậu Ủn phóng hoả tiễn để vớt vác lại uy tín trước nhân dân, mà trong tháng trước đã chịu nhượng bộ HK, xin tiếp tục đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân, để lấy thực phẩm cứu đói.
Những gì có thể xảy ra sau vụ phóng hỏa tiễn?
Giả sử như, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Philippines, Nam Hàn… đệ nạp dự thảo Nghị Quyết trừng phạt Bắc Hàn vì đã vi phạm lịnh cấm hồi năm 2009 của LHQ. Nhưng tại HĐ/BA/LHQ, Nga và Trung Cộng lại phủ quyết, nên dự thảo chết yểu.
Đây không phải là lần đầu tiên mà Hoa Kỳ ngăn chận việc sản xuất vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn, mà đã từ 9 năm qua, kể từ vòng đàm phán 6 bên ngày 27-8-2003, HK đã thực hiện những biện pháp trừng phạt, nhưng không ngăn chặn được BH. Một cường quốc mà không triệt hạ được một nước nghèo đói bé nhỏ nầy, cho nên BH vẫn còn ngông nghênh, chủ động khiêu khích, chơi gác Hoa Kỳ.
Thế rồi đàm phán 6 bên về việc từ bỏ vũ khí nguyên tử của BH lại tiếp tục, và các nước lại lo chuẩn bị lương thực để cứu đói nữa. Chí Phèo lại được lợi.
Thật ra, HK đâu có cần phải công khai bắn hạ hỏa tiễn BH để gây ra lớn chuyện, chỉ cần giải quyết theo luật giang hồ, HK đang làm chủ không gian vũ trụ, nên việc dùng tia Laser làm tê liệt nội tạng của hỏa tiễn là chuyện dễ dàng.
Trúc Giang
Minnesota ngày 8-4-2012

No comments:

Post a Comment