NGUYỄN THIẾU NHẪN - Năm 1257. Quân Mộng Cổ lúc bấy giờ đã chiếm xong nước Kim (miền Bắc Trung Hoa) và bắt đầu chuẩn bị thôn tính Hoa Namcủa triều đình Nam Tống, kinh đô đang đặt ở Hàng Châu. Nguyên Hiến Tông, tức Mông Kha giao cho em là Hốt Tất Liệt nhiệm vụ đánh Nam Tống. Hốt Tất Liệt sai tướng Ngột Lương Hợp Thai (Wouleangotai) đánh chiếm nước Đại Lý, tức vùng Vân Nam, rồi tiến sang nước ta.
Tiếng là mượn đường đánh Tống và kêu gọi vua Trần Thái Tông về thần phục Mông Cổ, kỳ thực là muốn chiếm lấy Đại Việt. Quân Mông Cổ chia làm hai đạo, từ Vân Nam tiến xuống theo ngã Lâm Thao, Hưng Hóa. Hai cánh quân hội nhau trên quãng Hưng Hóa, Sơn Tây. Trần Quốc Tuấn khi ấy còn là một tướng trẻ, không chống nổi, phải lui về Sơn Tây. Vua Trần ngự giá thân chinh cũng không ngăn được, phải lui về sông Cầu, rồi phải lui tiếp về Đông bộ Đầu. Quân giặc ồ ạt tiến về Thăng Long. Vua Thái Tông phải bỏ kinh đô rút về sông Thiên Mạc (Đông Anh, Hưng Yên). Thế giặc rất mạnh, tình hình cấp bách. Vua ngự thuyền đi hỏi ý kiến Thái Úy, Khâm Thiên Vương Trần Nhật Hiệu. Trần Nhật Hiệu không trả lời, dùng sào vạch xuống nước hai chữ “Nhập Tống!” Vua lại hỏi ý kiến Thái Sư Trần Thủ Độ, Trần Thủ Độ trả lời: “Đầu tôi chưa rơi, xin bệ hạ đừng lo!”.
Trần Thái Tông quyết lòng đánh, trong năm đó đuổi được giặc Nguyên ra khỏi cõi bờ. Trên đường rút quân, mất tinh thần và quá mỏi mệt, không còn sức cướp phá, đoàn bại binh đó được dân chúng chế diễu gọi là “giặc Phật”.
*
Nếu tôn thất nhà Trần ai cũng như Trần Nhật Hiệu thì vua Thái Tông có lẽ đã ngã lòng mà hàng giặc. Nhưng may thay, số người mang cái tinh thần cầu an chủ bại đó không nhiều. Quân dân, vua tôi nhà Trần đã chấp nhận hy sinh, gian khổ để giữ nền độc lập.
Từ sau 30-4-1975 đến giờ; chính quyền Cộng Sản Hà Nội đã phải liên tiếp đối phó với không biết bao nhiêu là sự chống đối âm thầm có, công khai có của cả quốc nội lẫn quốc ngoại. Những chống đối này đã là một trong những minh chứng cho thấy chế độ Cộng Sản là một chế độ không hề được lòng dân. Đầu thế kỷ 21, trong bối cảnh chính trị thế giới đã đổi thay dữ dội, hệ thống Cộng sản Quốc tế đã gần như bị xóa sổ; Cộng sản Hà Nội vẫn ngang ngược tuyên bố sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với cả nước Việt Nam. Đó là một điều không thể chấp nhận được.
Trong nhiều năm gần đây, có một số người trong đó gồm một số vị khoa bảng, trí thức, lãnh đạo ngày cũ đã lên tiếng kêu gọi hãy bắt tay với chính quyền Cộng sản.Họ cho rằng chính quyền Hà Nội đã có một số đổi mới trong lãnh vực kinh tế, rằng Hoa Kỳ đã bỏ cấm vận và bình thường hoá bang giao với chính quyền Hà Nội; nên giải pháp tốt nhất hiện thời là hãy chấp nhận chính quyền đó và đẩy mạnh giao thương, hợp tác. Họ lý luận rằng chế độ nào cũng vậy, chỉ là những chiếc áo mặc ngoài, dân tộc, đất nước mới là cái vĩnh viễn, trường cửu. Họ cho rằng đẩy mạnh hợp tác, giao thương với chính quyền Hà Nội sẽ giúp nâng cao đời sống người dân trong nước. Chế độ xã hội, chính quyền nào rồi cũng theo thời gian mà qua đi. Điều quan trọng là hãy làm sao cho người dân có cơm no, áo ấm. Lập luận này không phải là không có một đôi phần hữu lý nếu chúng ta chỉ xét tới nó một cách hời hợt và phiến diện.
Nước ViệtNamta từ thời lập quốc đến nay đã trải qua nhiều chế độ xã hội, nhiều triều đại. Hơn 4.000 năm lịch sử, nước ta vẫn luôn luôn tồn tại và phát triển là nhờ ở chỗ dân tộc ta là một khối vững chắc và có tinh thần quật cường tự chủ, thiết tha độc lập và yêu mến cuộc sống tự do. Chế độ công xã thị tộc kéo dài và phát triển liên tục trong khoảng vài ngàn năm và có lẽ được xem là cáo chung khi nước ta rơi vào thời kỳ Bắc thuộc. Sau hơn ngàn năm Bắc thuộc, đến thời kỳ xây dựng nền tự chủ với chế độ quân chủ phong kiến! Các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn đã kế tiếp nhau trong gần một ngàn năm độc lập.
Chế độ quân chủ phong kiến rồi cũng theo thời gian mà bị đào thải.
Năm 1874, lợi dụng sự cấm đạo gay gắt của triều đình nhà Nguyễn, Pháp đem pháo thuyền vào cửa Hàn. Tiếng là yêu cầu bãi bỏ việc cấm đạo và yêu cầu Việt Nammở cửa giao thương, thực chất là để thăm dò, nhòm ngó chuẩn bị cho ý đồ xâm lược. Vua Thiệu Trị ra lệnh phòng bị cẩm mật. Thấy vậy, tướng Rigault de Genouilly và Hải quân Đại tá Lapierre ra lệnh nổ súng bắn phá rồi rút đi; mở đầu cho sự can thiệp và cuối cùng là sự xâm lược của Pháp.
Ngày 20-6-1867, Pháp chiếm Vĩnh Long, rồi sau đó là An Giang và Hà Tiên, chính thức áp đặt sự đô hộ trên toàn cõi Nam Kỳ. Quan lại, sĩ phu và dân chúng khắp nơi nổi dậy chống Pháp. Dùng võ lực để kháng chiến có Trương Định, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trung Trực, Thiên Hộ Dương… Bất hợp tác, dùng thơ văn để chống lại thì có Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị. Ngược lại với các phong trào trên, có một khuynh hướng cầu an chủ bại, chấp nhận đầu hàng giặc Pháp để đổi lấy miếng đỉnh chung. Một trong những người tiêu biểu cho phái này là Tôn Thọ Tường. Ông Tôn Thọ Tường không dùng sào mà vạch chữ “Nhập Tống” xuống mặt sông Thiên Mạc như Thái Úy Trần Nhật Hiệu 600 năm về trước. Ông Tôn ra làm quan với tân triều Bảo Hộ và làm rất nhiều bài thơ nói về sức mạnh của Đại Pháp, khuyên mọi người theo gương ông mà hàng giặc. Những bài này được Cử nhân Phan Văn Trị họa lại; và cũng để nói lên cái ý chí của mình, của sĩ dân Nam Kỳ lục tỉnh: Cương quyết không cúi đầu, dù kẻ địch có mạnh đến đâu đi nữa.
Đặt nền thống trị được 80 năm. Chế độ thực dân Pháp rồi cũng cáo chung. Cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1945-1954); rồi cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ 2 (1960-1975) cũng qua đi. Chế độ tự do miền Nam và mấy chính quyền kế tiếp nhau sụp đổ. Cộng Sản thống trị cả nước. Có người bảo: Chế độ Cộng sản cũng chỉ là một chiếc áo mặc ngoài, dân tộc Việt Nam mới là trường cửu.
*
Dân tộc ViệtNamđã phải mặc chiếc áo Cộng sản một cách miễn cưỡng đã 37 năm. Riêng dân tộc ta ở miền Bắc đã phải chịu đựng lâu hơn nữa. Cái áo này càng ngày càng hôi thối, đầy dẫy chấy rận. Chính cái áo hôi thối và cái đám chấy rận ôn dịch này đã gây ra không biết bao nhiêu là bệnh tật cho người phải mặc nó là dân tộc ViệtNam. Bị cưỡng bức khoác lên người cái áo Cộng Sản, người dân Việt bị mất hết tự do, dân chủ và cả những quyền làm người sơ đẳng nhất. Quyền lực (và dĩ nhiên là quyền lợi kèm theo) lọt vào tay một thiểu số trong Đảng và chính quyền. Hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng lớn. Một bên là thiểu số giàu có nhờ vào kinh doanh bằng quyền lực và đặc quyền, đặc lợi; một bên là đa số quần chúng đói nghèo và thiếu tự do. Nếp sống xã hội băng hoại hơn lúc nào hết! Chuyện này ai cũng nghe, cũng biết.
Những người chủ trương giao thương và hợp tác, hoà giải và hòa hợp với Cộng sản cho rằng giao thương và hợp tác, hòa giải và hòa hợp có thể giúp đỡ phần nào cho dân chúng ViệtNam. Tức là cho cái con bệnh đang bị bắt buộc phải mặc chiếc áo Cộng sản đầy dẫy vi trùng và mầm bệnh. Họ nói rằng cứu lấy con bệnh, giúp cho con bệnh ngày một mạnh khoẻ hơn là nhân đạo, là việc phải làm. Có lẽ họ quên cái điều căn bản nhất là vì đâu mà cái cơ thể kia bị bệnh. Chính là tại cái áo dơ và cái đám chấy rận đang ẩn núp trong đó. Có lẽ họ quên rằng dân tộc Việt Nam bấy lâu nay đau khổ là chính vì cái chủ nghĩa Cộng Sản và con đẻ của nó là chính quyền Hà Nội. Hoặc có thể, mấy ông bác sĩ trị bệnh thời cuộc này cũng đã tìm ra căn nguyên chứng bệnh, nhưng vì miếng đỉnh chung, vì mối lợi của việc hợp tác, giao thương với chính quyền Cộng Sản lớn hơn lương tâm của họ, lớn hơn lòng yêu nước thương nòi của họ nên họ làm ngơ nhắm mắt. Sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi; cái câu “chế độ nào cũng như chiếc áo mặc ngoài…” chỉ là tấm bình phong che giấu những việc làm phản bội.
Ông Tôn Thọ Tường thế kỷ trước đã dùng thơ văn để bào chữa cho sự hợp tác với tân triều Bảo hộ Phú lãng sa. Nhưng ông có viết gì thì viết, bào chữa gì thì bào chữa; người đương thời và hậu thế vẫn thấy rõ tâm địa của ông: tham miếng đỉnh chung, cúi đầu hàng giặc!
Chế độ Cộng sản rồi cũng sẽ bị đào thải. Đó là lẽ tất nhiên. Nhưng chúng ta cũng không thể ngồi mà mượn tay thời gian để làm dùm chúng ta chuyện đó. Lại càng không thể mượn chiêu bài chiếc áo mặc ngoài mà hợp tác, giao thương, hoà giải hòa hợp, tiếp tay Cộng Sản. Làm như vậy chỉ nuôi béo bọn chấy rận nấp trong chiếc áo Cộng sản mà thôi. Cái cơ thể ViệtNamsẽ không bao giờ lành bệnh và mạnh khoẻ được một khi cái áo hôi thối đó còn và lũ chấy rận núp trong đó đang ngày đêm hút máu đồng bào.
*
Đức Khổng Tử là người nước Lỗ, một hôm đi ngang qua cửa thành phía Tây của nước Trần. Quan dân nước này đang xúm xít tu bổ cửa thành bị quân Sở phá hỏng lúc trước; dưới sự giám sát của người Sở đang là kẻ chiếm đóng. Xe đi ngang qua đấy mà Khổng Tử không cúi đầu chào. Tử Cống đang đánh xe cho thầy lấy làm lạ, dừng cương lại hỏi:
“Thưa thầy, cứ theo lễ, đi qua chỗ 3 người thì phải xuống xe, đi qua chỗ 2 người thì phải cúi đầu vào miếng gỗ trước xe để tỏ lòng kính trọng. Thầy xưa nay vốn là người giữ lễ, nay quan dân nước Trần đang sửa thành đông đúc như vậy, thầy đi ngang qua mà không tỏ lòng kính trọng là nghĩa làm sao?”
Đức Khổng Tử đáp:
“Để Sở đánh hư thành mất nước là bất trí, làm tôi mà không biết lo liệu là bất trung, không dám liều chết với nước là bất dũng. Quan dân nước Trần tuy đông mà trí, trung, dũng đều không được lấy một điều, bảo ta kính trọng làm sao được”. (Theo Hàn Phi Tử).
Chúng ta mất nước, phải làm thân tỵ nạn xứ người, cũng đã tự thẹn với lòng, thẹn với người.
Đức Khổng Tử mắng người nước Trần như vậy xét ra cũng quá nặng nề, gay gắt. Tập thể người Việt Nam tỵ nạn Cộng Sản chúng ta mà có những kẻ quay giáo trở mặt đi hô hào kêu gọi hợp tác giao thương, hòa giải hòa hợp với Cộng Sản, tự nguyện làm cái loa tuyên truyền cho Cộng sản như vậy cũng là cái cớ để người ngoài khinh thường. Trị bệnh phải trị tận gốc. Hoà giải hòa hợp, hợp tác giao thương, làm cái loa tuyên truyền chỉ tổ vỗ béo bọn chấy rận Cộng sản mà thôi. Dân chúng sẽ chẳng được hưởng bao nhiêu trong mấy cái đó đâu. Chi bằng góp tay lột phắt cái áo đó đi, may một cái áo mới mà mặc. Áo nào cũng là áo, tại sao lại phải chịu mặc cái áo dơ, chứa đầy chấy rận, mấy mươi năm chưa giặt?
NGUYỄN THIẾU NHẪN
No comments:
Post a Comment