Sunday, April 29, 2012

Bà Bùi Hằng được trả tự do



Một nhà hoạt động nữ từng tham gia nhiều cuộc biểu tình đòi chủ quyền biển đảo của Việt Nam và bị chính quyền thành phố Hà Nội cưỡng bức giam giữ cải tạo gần nửa năm mới được thả tự do, theo truyền thông nhà nước.

Nhiều tổ chức quốc tế và các quốc gia phương Tây, trong đó có Hoa Kỳ đã yêu cầu thả bà Bùi Hằng
Hiện cũng có tin chưa kiểm chứng nói bà không chịu rời trại và cũng chưa về tới nhà.
Bà Bùi Thị Minh Hằng, hay còn được biết tới là Bùi Hằng đã "được hưởng khoan hồng" theo tờ báo An ninh Thủ đô hôm 28/04/2012.
Tờ báo của cơ quan Công an Thành phố Hà Nội hôm thứ
Bảy nói: "Bùi Thị Minh Hằng được bàn giao cho chính quyền địa phương phối hợp cùng gia đình tiếp tục giáo dục trở thành công dân tốt".
"Trong thời gian qua Bùi Thị Minh Hằng nhiều lần có hành vi gây rối trật tự công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhưng chưa đến mức xử lý hình sự, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ra quyết định đưa Bùi Thị Minh Hằng vào cơ sở giáo dục Thanh Hà (Vĩnh Phúc) từ ngày 28-11-2011".
Tờ báo giải thích thêm về quyết định thả tự do với bà Hằng:
"Thực hiện các chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn 30-4, 1-5; xét đơn đề nghị của gia đình; xét điều kiện hoàn cảnh cụ thể của trại viên Bùi Thị Minh Hằng và sau khi trao đổi, thống nhất với chính quyền địa phương nơi cư trú (phường 4, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), cơ sở giáo dục Thanh Hà đã quyết định bàn giao Bùi Thị Minh Hằng cho chính quyền địa phương phối hợp cùng gia đình tiếp tục giáo dục Bùi Thị Minh Hằng trở thành công dân tốt".
Được biết trong thời gian bà Bùi Hằng bị giam giữ, bà và gia đình đã nhiều lần phản đối và khiếu nại về việc bị cưỡng bức cải huấn ở trại giáo dục Thanh Hà.
Bà đã có thời gian tuyệt thực và mới đây, trước khi được thả tự do, đã có đơn kiện Chủ tịch thành phố Hà Nội vì quyết định giam giữ mà bà và gia đình, cũng như luật sư bảo vệ quyền lợi cho bà cho là "vi phạm pháp luật" và "vi phạm nhân quyền".
'Kêu gọi thả tự do'
"Đại sứ quán Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc trước tin tức bà Bùi Thị Minh Hằng đã bị kết án đến hai năm ở một trại cải tạo ở Việt Nam mà không thông qua xét xử vì đã tham gia phản đối trong ôn hòa"
Thông cáo của ĐSQ Hoa Kỳ
Từ đầu tháng Mười Hai,Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch -HRW) đã kêu gọi Chính phủ Việt Nam thả tự do ngay lập tức cho bà Hằng.
"Không gì có thể biện minh cho việc chính quyền Việt Nam đưa một người phản đối trong hòa bình đến một nơi trên thực tế là trại lao động cưỡng bức”, một tuyên bố ngày 5/12/2012 của HRW nói.
“Bắt giữ bà Bùi Thị Minh Hằng mà không thông qua một phiên tòa xét xử chứng tỏ việc không thèm đếm xỉa gì đến quyền con người của bà Hằng và quyền tự do bày tỏ ý kiến được ghi trong chính Hiến pháp của Việt Nam”, vẫn theo tổ chức phi chính phủ vì nhân quyền này.
Hoa Kỳ cũng nằm trong số các quốc gia, bên cạnh nhiều tổ chức quốc tế, phi chính phủ, đa chính phủ tỏ ra quan ngại về việc giam giữ bà Hằng và đã lên tiếng kêu gọi chính quyền thả tự do cho bà.
Trong một thông cáo ngay đầu năm nay, Tòa đại sứ Mỹ ở Hà Nội nói: ‘Không ai có thể bị cầm tù chỉ vì thực hiện quyền tự do bày tỏ ý kiến hay quyền tụ tập trong hòa bình hay bất cứ quyền con người nào khác được quốc tế thừa nhận”.
“Đại sứ quán Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc trước tin tức bà Bùi Thị Minh Hằng đã bị kết án đến hai năm ở một trại cải tạo ở Việt Nam mà không thông qua xét xử vì đã tham gia phản đối trong ôn hòa,” thông cáo ngày 5/01/2012 viết.
clip_image001[5]
Bà Bùi Hằng trong một lần xuất hiện xuống đường biểu tình vì chủ quyền của Việt Nam
“Việc thiếu vắng các trình tự pháp lý thích hợp đi ngược lại những cam kết của Việt Nam đối với bản Tuyên ngôn nhân quyền toàn cầu”.
Tòa đại sứ Hoa Kỳ cũng đã yêu cầu thả bà Hằng và ‘tất cả các tù nhân chính trị’ và cho biết họ thường xuyên yêu cầu Chính phủ Việt Nam thả tự do vô điều kiện cho tất cả những người bị cầm tù vì bày tỏ chính kiến.
Mới đây nhất Ngoại trưởng Anh, William Hague, trong một phỏng vấn ngay sau chuyến thăm Việt Nam hôm 26/4/2012, cũng khẳng định với BBC rằng "có khác biệt" quan trọng giữa Việt Nam và Anh trong vấn đề dân chủ và nhân quyền.
"Tại Việt Nam không có tự do biểu đạt mà ở Anh được hưởng. Do đó rõ ràng là có những khác biệt quan trọng khiến Việt Nam trở thành một trong những nước mà Anh quan ngại về nhân quyền".
Tuy nhiên ngoại trưởng Anh cũng bày tỏ hy vọng Việt Nam "sẽ có thay đổi theo thời gian".
Nguồn: bbc.co.uk

No comments:

Post a Comment