Saturday, March 17, 2012

Người Do Thái ở Mỹ - lực lượng quyết định chính sách của Mỹ tại Trung Đông



Nguyễn Hải Hoành - Thật không quá lời khi nói rằng người Do Thái ở Mỹ là lực lượng có tiếng nói quyết định đường lối kinh tế chính trị nước Mỹ, nhất là chính sách đối với vấn đề Trung Đông .

Vì sao vậy ? Đó là do cộng đồng Do Thái ở Mỹ chiếm một nửa tổng số người Do Thái trên toàn thế giới (7 trong 14 triệu), nhiều hơn toàn bộ số dân Do Thái tại nước Israel. Và quan trọng nhất là do họ nắm quyền chi phối đời sống kinh tế, văn hóa, nhất là ngành truyền thông nước Mỹ. Có người nói: nước Mỹ lãnh đạo thế giới còn người Do Thái kiểm soát nước Mỹ.

Lịch sử người Do Thái di cư đến Mỹ

Người Do Thái đầu tiên di cư tới đất Mỹ vào năm 1654. Họ gồm 23 người, đi từ Brazil, nơi họ bị thực dân Bồ-đào-nha theo chủ nghĩa bài Do Thái xua đuổi. Nước Mỹ là xứ sở đầu tiên người Do Thái được hưởng quyền sống của con người, được thực hiện tự do tôn giáo và dân chủ về chính trị, kinh tế. Điều này vô cùng quý giá với họ, vì trong ngót hai nghìn năm sống lưu vong đi tới đâu người Do Thái cũng bị dân chúng nhiều nước kể cả châu Âu văn minh hắt hủi, xua đuổi, hãm hại. Bởi thế họ đua nhau vượt biển di cư sang Mỹ. Khi nước Mỹ lập quốc (1776) cộng đồng Do Thái ở Mỹ đã có 2500 người. Tiếp đó hàng loạt người Do Thái ở châu Âu, chủ yếu từ Đức, di cư sang Mỹ. Năm 1841, người Do Thái đầu tiên được bầu vào Quốc hội Mỹ. Năm 1880 quần thể Do Thái ở Mỹ lên tới 150 nghìn người. Cuối thế kỷ XIX, do bị nước Nga Sa hoàng giết hại dã man, 2,1 triệu người Do Thái ở Nga và Đông Âu chạy sang Mỹ. Thập niên 30, đảng Quốc xã của Hitler điên cuồng xua đuổi giết hại người Do Thái. Số người Do Thái di cư sang Mỹ thời gian 1933-1945 lên đến hơn 200 nghìn, trong đó có nhiều nhà trí thức cấp cao, khiến nước Mỹ được lợi rất nhiều. Do chịu khó lao động, học tập và có biệt tài kinh doanh buôn bán, đa số người Do Thái ở Mỹ đã thành công lớn.
Trước làn sóng người Do Thái dồn dập kéo đến Mỹ và thành đạt trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, những người Mỹ theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc bắt đầu có tư tưởng bài Do Thái, nhất là sau Cách mạng tháng Mười Nga, nhiều nhà giàu Mỹ coi chống Do Thái và chống cộng sản là một, vì hầu hết người Do Thái ở Nga đều chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản. Đảng 3K khét tiếng dã man bắt đầu tấn công người Do Thái như chúng đã làm với người da đen. Một số người Mỹ còn quy kết cuộc đại khủng hoảng kinh tế hồi đầu thập niên 30 là do người Do Thái gây ra. Người Mỹ gốc Đức chống Do Thái hăng hái nhất, hồi ấy ở Mỹ đã có trên 100 tổ chức bài Do Thái. Sau khi nước Mỹ tham gia chiến tranh chống Đức (12-1941), dư luận Mỹ bắt đầu đồng tình mạnh mẽ với người Do Thái và lên án các tổ chức chống Do Thái.
Hiện nay số lượng người Mỹ có tư tưởng bài Do Thái chỉ còn rất ít. Đó một phần là do dân Mỹ căm phẫn trước tội ác diệt chủng người Do Thái của phát xít Đức, nhưng nguyên nhân chính là do cộng đồng Do Thái ở Mỹ ngày một lớn mạnh và có địa vị ngày càng cao trong xã hội, đủ để kiềm chế mọi quan điểm bài Do Thái, thậm chí họ có ảnh hưởng chi phối đời sống mọi mặt của nước này. Vì thế chính phủ Mỹ trước đây thờ ơ với vấn đề xung đột giữa người A Rập với người Do Thái ở Palestine, nhưng về sau ngày càng quan tâm và trực tiếp can thiệp vấn đề này. Tháng 5-1942 đại hội người Do Thái họp tại New York thông qua Cương lĩnh ủng hộ dân tị nạn Do Thái ở Palestine xây dựng quốc gia riêng của họ. Sau đại chiến II, trung tâm của chủ nghĩa Phục quốc Do Thái (Zionism) đã từ châu Âu chuyển sang Mỹ. Tháng 11-1947, dưới tác động của Mỹ và Liên Xô, Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết thành lập trên mảnh đất Palestine hai quốc gia riêng: một của người Do Thái (gọi là Israel) và một của người A Rập. Truman muốn dùng Israel để tuyên truyền tư tưởng tự do dân chủ, Xtalin muốn xây dựng Israel trở thành một tiền đồn của chủ nghĩa xã hội (vì đa số người Do Thái ở Nga đều ủng hộ CHXH).

Sức mạnh của cộng đồng Do Thái ở Mỹ

Người Do Thái ở Mỹ chỉ chiếm 2,5% dân số Mỹ nhưng là cộng đồng dân thiểu số thành công nhất trên hầu hết các mặt của đời sống nước này, khiến các cộng đồng khác đều phải vì nể. Họ có mức thu nhập cao hơn mức trung bình toàn dân Mỹ, người Do Thái chiếm khoảng một nửa trong số 200 danh nhân văn hóa nước Mỹ, cũng chiếm tỷ lệ tương tự trong số các nhà khoa học được tặng giải Nobel và chiếm khoảng một phần ba số giáo sư và sinh viên đại học Mỹ (56% sinh viên ĐH Brandeis, 30% sinh viên ĐH Harvard, Columbia ….). Một phần tư số luật sư ở Mỹ và rất nhiều nghệ sĩ, nhân vật giới khoa học tự nhiên và xã hội nhân văn là người Do Thái, nổi tiếng nhất là các nhạc sĩ Irving Berlin, hai anh em George và Ira Gershwin, nhà bác học Albert Einstein, nhà sáng chế vắc-xin bệnh viêm tủy xám Jonas E. Salk, giải Nobel văn học 1978 Isaac Bashevis Singer...
Đặc biệt cộng đồng Do Thái giữ vai trò quan trọng trong giới truyền thông Mỹ. Họ sáng lập và kiểm soát mấy tờ báo lớn như New York Times, Washington Post, Newsweek, các mạng truyền hình quan trọng như ABC, CBS, NBC, Bloomberg và 3 công ty điện ảnh lớn Warner, Paramount, Metro-Goldwin-Mayer. Nhiều nhà báo, nghệ sĩ và đạo diễn điện ảnh là người Do Thái, như đạo diễn lừng danh Steven Spielberg ...
Người Do Thái ở Mỹ thành công nhất trên lĩnh vực kinh tế, tài chính. Họ chiếm khoảng một nửa số doanh nhân giàu có nhất và chiếm một phần ba số tỷ phú Mỹ. 21/40 nhà giàu đứng đầu bảng xếp hạng của tạp chí Forbes (trong đó có Paul Allen ...) cùng rất nhiều nhà kinh tế học nổi tiếng và khoảng 50% giới tinh anh của phố Wall là người Do Thái. Nổi danh hơn cả có lẽ là Alan Greenspan 17 năm làm Chủ tịch Cơ quan Dự trữ Liên bang FED quyền lực lớn nhất trong giới tài chính Mỹ, trùm tài chính George Soros, chủ tịch Ngân hàng Thế giới Paul Wolfowitz cùng người tiền nhiệm James D. Wolfensohn, các chủ nhân giải Nobel kinh tế Paul Samuelson (1970), Milton Friedman (1976), Paul Krugman (2008) ...
Cộng đồng Do Thái cũng từng bước chiếm lĩnh chính trường Mỹ: hai bộ trưởng Ngoại giao Henry Kissinger và Madeleine Albright; bộ trưởng Quốc phòng Casper Weinberger. Năm 2000, một người Do Thái là Joe Lieberman ra ứng cử chức Phó Tổng thống Mỹ và hiện nay nếu ông Michael Bloomberg đương kim Thị trưởng New York từ 2001 (và là ông chủ kênh truyền hình cùng tên) ra ứng cử Tổng thống thì rất có khả năng trúng cử. Cộng đồng Do Thái chỉ chiếm 2,5 % dân Mỹ nhưng hiện chiếm 7% số Hạ nghị sĩ và 13% số Thượng nghị sĩ. Tân Tổng thống Barack Obama cũng vừa mới chọn một người Do Thái - ông Rahm Emanuel vào một chức vụ rất quan trọng là Chánh văn phòng Nhà Trắng.
Đạo Do Thái là một trong các tôn giáo quan trọng nhất ở Mỹ chiếm 1,7% số người Mỹ trưởng thành, có hơn 5000 nhà thờ Do Thái giáo, một trường đại học đào tạo Rabbi (giáo sĩ), nhiều cơ quan truyền thông riêng. Một phần ba tín đồ Do Thái giáo có trình độ sau đại học.
Ảnh hưởng to lớn của cộng đồng Do Thái đối với đời sống chính trị Mỹ thể hiện trên nhiều mặt. Thứ nhất là việc tham gia bầu cử Tổng thống và hai viện Quốc hội. Nhìn chung chỉ có khoảng một nửa dân Mỹ đi bầu, trong khi đó tỷ lệ người Do Thái đi bỏ phiếu cao tới 90%, cao nhất trong các cộng đồng ở Mỹ. Hơn nữa họ lại sống tập trung tại các bang có tiếng nói quyết định kết quả bầu cử, như New York, California, Pennsylvania … Do nắm nhiều cơ quan truyền thông xuất bản nên tiếng nói của người Do Thái rất lớn, mỗi khi xảy ra sự việc nào liên quan tới quyền lợi của người Do Thái hoặc Israel thì các cơ quan này đều rầm rộ lên tiếng nhất trí bênh vực. Thứ hai là quyên góp tiền cho ứng viên tranh cử. Các cuộc bầu cử ở Mỹ ngốn hàng chục hàng trăm triệu USD, đều do dân tự nguyện quyên góp cho các quỹ tranh cử của ứng viên. Người Do Thái tuy nổi tiếng căn cơ tiết kiệm nhưng khi quyên góp vì mục đích chính trị thì họ rất hào phóng, vả lại họ rất giàu. 4 trong 5 người quyên góp nhiều nhất trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2000 là người Do Thái. Các ứng viên chức Tổng thống, Thống đốc bang hoặc nghị sĩ dựa vào tiền đóng góp của ai thì phải biết lấy lòng người ấy. Cho nên khi đã trúng cử, họ đều bênh vực lợi ích người Do Thái và Israel.
Mặt khác, người Do Thái làm việc gì cũng có tổ chức và đoàn kết nhất trí. Họ lập ra rất nhiều quỹ quyên góp bầu cử, gọi là “Ủy ban hành động chính trị”. Hiện nay nước Mỹ có khoảng 80 ủy ban như vậy, trong khi người A Rập ở Mỹ chỉ có 10 tổ chức tương tự. Các Ủy ban ấy đã quyên góp được hàng tỷ USD ủng hộ Israel. Năm xưa, khi nổ ra chiến tranh với các nước A Rập, bà Golda Meir Thủ tướng Israel sang Mỹ quyên góp tiền mua vũ khí, ngay lập tức quyên được 70 triệu USD (số tiền rất lớn hồi đó).
Tóm lại, cộng đồng Do Thái ở Mỹ do nắm được quyền kiểm soát nhiều mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị nước này nên đã có ảnh hưởng quyết định tới đường lối của chính quyền Mỹ trong việc giải quyết vấn đề Trung Đông nói chung và cuộc xung đột Israel-Palestine nói riêng. Vì thế bao năm nay nước Mỹ bao giờ cũng là hậu thuẫn vững chắc nhất của Israel; không có Mỹ thì quốc gia Do Thái này khó có thể tồn tại và phát triển được.
Nguyễn Hải Hoành

No comments:

Post a Comment