Saturday, March 10, 2012

Bàn về cách đối phó với Dự luật Nhân quyền: Cần thông qua một dự luật về Nhân quyền ở Mỹ



J.B Nguyễn Hữu Vinh - “...Cấm Chính phủ Việt Nam viện trợ phi nhân đạo cho Mỹ năm 2012 được vượt mức của năm 2011 trừ phi Bộ ngoại giao Việt Nam đánh giá Mỹ đã ‘có những tiến bộ đáng kể...”

Ngày 7/3, Hạ nghị viện Mỹ lại đưa dự luật nhân quyền mới cho Việt Nam ra thông qua, theo hãng tin BBC thì “Dự luật được thông qua hôm thứ Tư ngày 7/3 bằng cách bỏ phiếu miệng mà không gặp sự chống đối nào”. Chi tiết hơn, bản tin trên BBC còn nói rõ nội dung của Dự luật này là: “Nó không cho viện trợ phi nhân đạo của Mỹ được vượt mức của năm 2011 trừ phi Bộ ngoại giao Mỹ đánh gía Việt Nam đã ‘có những tiến bộ đáng kể”.
 Hạ nghị viện Mỹ thông qua dự luật nhân quyền cho Việt Nam
Một ngày sau, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin ông Lương Thanh Nghị, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói: “Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo đảm quyền con người trên mọi lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, và được cộng đồng quốc tế ghi nhận”. Ông nói rõ ràng như thế hôm qua và không chỉ hôm qua, đã nhiều lần ông nói như vậy mà bọn Mỹ cũng không chịu nghe ra. Ông còn nói thêm cho rõ là: “Chúng tôi cho rằng mọi khác biệt về vấn đề quyền con người cần được trao đổi thẳng thắn trên tinh thần xây dựng và tôn trọng lẫn nhau nhằm tăng cường hiểu biết và góp phần thúc đẩy quan hệ giữa các quốc gia. Trên tinh thần đó, Việt Nam đã tiến hành đối thoại với Hoa Kỳ về vấn đề quyền con người.”
 Lương Thanh Nghị, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam

Như vậy, theo ông Lương Thanh Nghị, người thay mặt cho Bộ Ngoại giao, tức là tiếng nói của nhà nước ta, thì giữa ta và Mỹ có “khác biệt về quyền con người”. Nói nôm na ra là cái quyền con người ở ta nó không giống như của bọn Mỹ. Do đó cái mà bọn Mỹ cho rằng Việt Nam không có nhân quyền, thì thực ra là Việt Nam đã thừa nhân quyền, còn cái nhân quyền mà bọn Mỹ cứ cho là họ có, thì thực ra là chẳng có tí nhân quyền nào. Cái khác biệt là chỗ đó thì làm sao có thể đem so sánh cái nhân quyền của Mỹ so với cái nhân quyền của Việt Nam. So như vậy chẳng khác gì câu cha ông ta thường nói “là phấn bì với vôi”.
Điều đó cũng đúng thôi, làm sao mà một xã hội Mỹ đến nay vẫn duy trì chế độ tư bản giãy chết lại có thể so với Thiên đường xã hội chủ nghĩa tươi sáng của chúng ta mà đem so sánh? Nếu nhà cầm quyền Mỹ chưa biết về dân chủ, nhân quyền Việt Nam cách rõ ràng, nhà nước nên điều Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan, Phó chủ tịch nước sang tận Mỹ dạy cho họ bài học về điều đó. Đảm bảo rằng nếu nghe bà Doan nói: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, biết kế thừa những tinh hoa dân chủ của các Nhà nước pháp quyền trong lịch sử và đã, đang phát triển lên tầm cao mới, khác hẳn về bản chất và cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản” (Báo Nhân Dân của Đảng CS ngày 05/11/2011) thì tôi tin bọn Mỹ sẽ ngã gục xuống đất mà đấm ngực ăn năn và xin cắp sách sang học ngay.
Trên bản tin của TTXVN, ngày 9/3/2012 đăng ý kiến của một Hạ nghị sỹ Mỹ là Eni Faleomavaega nói ngày 8/3 qua bản tin: “Dự luật nhân quyền Việt Nam là không công bằng”. Thế mà hãng BBC lại đưa tin “Dự luật được thông qua hôm thứ Tư ngày 7/3 bằng cách bỏ phiếu miệng mà không gặp sự chống đối nào”. Tại sao lại có chuyện Hạ nghị viện thông qua ngày 7/3 không gặp sự chống đối nào mà chỉ một ngày sau lại mọc ra một ông nghị Eni Faleomavaega nói câu đó với TTXVN? Chắc chắn là ông Eni Faleomavaega này hôm trước đã ngủ gật trong khi người ta thông qua hoặc hôm đó ở nhà trông con cho vợ nên không đến được nên nói “vuốt đuôi” lấy lòng anh phóng viên TTXVN chăng?
Một đại biểu Quốc hội ta ngủ gật trong khi họp (Hình VTC). Vậy có phải ông Nghị Eni Faleomavaega cũng ngủ thế này khi thông qua Dự luật Nhân quyền cho VN không? 
Nếu những trường hợp đó không xảy ra, thì điều này chỉ có thể giải thích là đích thị cái ông nghị này cũng như các ông nghị Quốc hội của ta hồi mở rộng Hà Nội, phản đối ầm ầm, nhưng khi giơ tay biểu quyết thì đều giơ tay tuốt, để rồi ra khỏi phòng lại lầm bầm. Chẳng lẽ ở bọn Mỹ tư bản cũng có loại cán bộ nói hai chiều khác nhau phụ thuộc đó là cuộc họp hay là quán nước chè?
Chuyện thông tin thì lằng nhằng khác nhau như lửa với nước là chuyện thường, nhiều vụ ngay ở Việt Nam đây như biểu tình ngay tại Bờ Hồ mà thông tin giữa báo chí nhà nước và của nhân dân còn ngược chiều nhau 180 độ huống chi một người bên Mỹ và một người ở VN. Đấy là chưa nói đến những vụ việc mọi người dân đều thấy mà báo chí nhà nước vẫn nói ngược 100% như những vụ Tòa Khâm sứ, Thái Hà, Đồng Chiêm…
Nhưng, hàng năm, cái bọn Mỹ lại thường giở ra những bài rất khó chịu. Nào là báo cáo Nhân quyền của Bộ Ngoại giao, nào là Dự luật nhân quyền, nào là CPC về tự do tôn giáo… rất mất thời gian cả hai bên và tốn công của Người phát ngôn và Đài truyền hình, báo chí VN.
Thỉnh thoảng lại thấy Tivi đọc câu này: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và lịch sử đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mọi hoạt động trên hai quần đảo đó mà không được phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp”. Cái giỏi của người phát ngôn là câu rất phức tạp này mà các thế hệ Người phát ngôn trước, sau cho đến bất cứ người dân nào cũng có thể thuộc lòng, đọc vanh vách, không sai đến cái dấu phẩy.
Câu này dùng những khi bộ đội ta bị đánh chết trên đảo Trường Sa, khi Trung Quốc gây hấn với VN, đánh đập ngư dân hoặc làm điều gì đó tương tự. Thế rồi lại im để chờ lần sau đưa cái băng đó lên quay tiếp. Từ cả mấy đời Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao từ bà Phan Thúy Thanh, đến Lê Dũng, rồi Phương Nga, nay là ông Lương Thanh Nghị, tất cả đều học rất thuộc lòng câu đó, chỉ có khác là mỗi lần thay người phát ngôn Bộ Ngoại giao, thì hình ảnh kèm theo câu nói đó cũng được thay theo.
Còn hàng năm, một vài lần khi Bộ Ngoại giao Mỹ báo cáo nhân quyền, hoặc có cái dự luật, hoặc có tuyên bố nào đó của Mỹ về nhân quyền, dân chủ Việt Nam thì lại điệp khúc tương tự câu của ông Lương Thanh Nghị ở trên.
Mà những khi như vậy, trước đây phía Việt Nam chơi mạnh miệng hơn nhiều, nào là nói như thế là “đã can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam” nào là cần tôn trọng chủ quyền và sự độc lập dân tộc… Rồi nào là nhân quyền của Việt Nam, dân chủ của Việt Nam gấp triệu lần dân chủ tư sản chứ cái dân chủ, nhân quyền của tư bản Mỹ nhằm nhò gì. Nhưng, hồi này nghe tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao có vẻ mềm mỏng hơn và có vẻ nghe nhẹ nhàng hơn xưa nhiều. Không hiểu tại sao lại thế? Hay bọn Mỹ nó nói có phần nào đúng chăng?
Nhiều lần như vậy, nhưng cũng chỉ là những lời tuyên bố suông, chẳng có động tác nào hơn để đáp lại. Trong khi như Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nói về Việt Nam thì “cái vai trò và vị thế của mình bây giờ cũng ngang hàng với người ta, cũng nói năng cũng đúng mức, đàng hoàng” thế mà chịu lép vế chỉ tuyên bố suông được sao?
Thà rằng những việc như Hoàng Sa, Trường Sa vì 16 chữ vàng và 4 tốt mà mình cố nhịn nhục, chấp nhận câu “hèn với giặc, hung dữ với dân” chứ với bọn Đế quốc Mỹ là kẻ thù nguy hiểm bên kia chiến tuyến rõ ràng, tại sao lại phải nhịn? Chẳng phải là ta đã tuyên bố rất hùng hồn là “Từ nay, vĩnh viễn không còn một tên xâm lược nào trên đất nước chúng ta” sau khi ta đã chiến thắng hai kẻ thù lớn nhất thế giới đó sao.
Do vậy, để không mất thể diện của một đất nước đã ngang hàng với người ta, có lẽ đã đến lúc Nhà nước Việt Nam hoặc Quốc hội Việt Nam cần một loạt các hành động tương tự khi có những vụ việc như cái Dự luật nhân quyền đã nói ở trên.
Trước mắt, lập ngay một bản báo cáo về Nhân quyền của Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong đó nói thật rõ về tình trạng Nhân quyền ở Mỹ cho đồng bào và chiến sĩ cả nước biết.
Thứ hai: Thảo ngay một Dự luật Nhân quyền cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Mỗi khi Hạ viện, Thượng viện hoặc Bộ Ngoại giao Mỹ đề cập đến nhân quyền Việt Nam, ngay lập tức Quốc hội, Mặt Trận Tổ quốc hoặc Hội liên hiệp Phụ nữ, Thanh niên, hoặc Thiếu niên nhi đồng gì gì đó sẽ họp khẩn cấp và thông qua ngay dự luật Nhân quyền cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Trong dự luật đó, nêu các chế tài tương tự như các Dự luật Mỹ đã nêu với Việt Nam, chẳng hạn: “Cấm Chính phủ Việt Nam viện trợ phi nhân đạo cho Mỹ năm 2012 được vượt mức của năm 2011 trừ phi Bộ ngoại giao Việt Nam đánh giá Mỹ đã ‘có những tiến bộ đáng kể”. 
Chúng ta đã từng tự hào rằng “Việt Nam chúng ta đã đánh thắng những đế quốc sừng sỏ nhất thế giới” vậy có nghĩa Việt Nam là một cường quốc vô địch về quân sự. Trường hợp Mỹ muốn mua vũ khí, hợp tác quân sự với Việt Nam, thì chúng ta sẽ cho các đại biểu Quốc hội có IQ cao sang thăm dò các nhà dân chủ Mỹ, xem có bán vũ khí hoặc hợp tác quân sự với Mỹ hay không? Nếu những người đấu tranh cho dân chủ Mỹ thấy rằng việc đó là có thể được, thì ta bán, bằng không thì cho Mỹ ngồi nhìn Việt Nam mà thèm cho biết cái mặt vi phạm nhân quyền.
Hoặc thỉnh thoảng đưa ra Quốc hội xem xét danh sách dọa đưa Mỹ vào một trong những nước “Vi phạm quyền tự do tôn giáo” trầm trọng, lập danh sách tương tự CPC của Mỹ đối với các nước vi phạm tự do tôn giáo. Trường hợp Mỹ vi phạm đến 3 lần đưa vào danh sách này, thì tiến hành cấm vận kinh tế đối với Mỹ. Khi cấm vận kinh tế, cấm tất cả các doanh nghiệp Việt Nam buôn bán, trao đổi hoặc có liên hệ kinh doanh, đầu tư vào thị trường Mỹ, cấm các Mỹ kiều gửi tiền đồng từ Việt Nam về Mỹ, cấm nhập cảnh vào Việt Nam các đảng viên đảng Cộng hòa hoặc Đảng Dân chủ Mỹ, trừ đảng viên Đảng cộng sản Mỹ mà thôi.
Cần phải làm triệt để những điều trên để xứng đáng với vị thế đất nước Việt Nam anh hùng được “Đảng Cộng sản quang vinh – đội quân tiên phong của giai cấp công nhân và dân tộc, lương tri thời đại, trí tuệ nhân loại – người tổ chức và lãnh đạo toàn diện mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam” và là người đứng ngoài mọi thất bại và tụt hậu của đất nước Việt Nam.
Ngày 9/3/2012, hai ngày sau khi Hạ Viện Mỹ thông qua Dự luật Nhân quyền cho Việt Nam.
J.B Nguyễn Hữu VinhNguồn: jbnguyenhuuvinh.wordpress.com

No comments:

Post a Comment