Tự do Ngôn luận số 141 - Vụ Tiên Lãng với hai anh hùng nông dân Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý sẽ đi vào lịch sử đấu tranh của Dân tộc. Cho đến hôm nay, theo đánh giá chung, đó là một vụ việc chiếm nhiều kỷ lục:
Kỷ lục về tính nhạy cảm (khiếu kiện đất đai), về sự tuyệt vọng cùng đường (nạn nhân chống lại bằng mìn và súng), về thói nhẫn tâm (cưỡng chế áp Tết với kiểu lột sạch), về sự vận dụng vô quy tắc (điều động công an lẫn quân đội), về biện pháp khắc nghiệt (phá nhà, cướp của, đánh người, tống ngục), về những phát ngôn ấn tượng (lầu nhìn ra chòi, trận tập kích đáng lưu sách sử!), về tài đổ vấy và dối trá (dân bức xúc phá nhà! thủ phạm xây boong-ke cố thủ!), về thói quan liêu ngạo mạn (gia cư bị hủy phải lo báo cáo trước!), về tầm mức phạm pháp của nhà cầm quyền (không đối thoại, không đền bù, không phương án hậu thu hồi), về những nhận định hết sức trái ngược (giữa quan chức địa phương với công luận cả nước), về sự chậm trễ của các cấp thẩm quyền (sau một tháng, thành mới ngó ngàng đến xã), về sự phẫn nộ của dư luận xã hội (hàng trăm trang mạng, hàng nghìn bài báo phản đối), về tình nghĩa đồng bào (viếng thăm, giúp đỡ nạn nhân từ trong ra tới ngoài nước), về sự quan tâm của các cơ quan liên hệ (thủ tướng, 6 bộ và ngành chức năng đã vào cuộc) và về sự báo ứng (hàng loạt quan chức thành, huyện, xã bị kiểm điểm và kỷ luật)(theo tác giả Kỳ Duyên). Mọi “kỷ lục” ấy tựu trung cho thấy một điều là vụ Tiên Lãng đã phơi bày tất cả bộ mặt nhem nhuốc, tồi tệ của chế độ cai trị của Cộng sản Việt Nam, qua các khía cạnh sau đây. Xin lấy chuyện đất đai làm thí dụ chính:
1- Luật bất công phi lý: Khi Hiến pháp 1992 được soạn thảo, Tổng Bí thư Đỗ Mười, kẻ từng tàn phá toàn bộ nền kinh tế miền Nam, đã chống lại quan điểm “đa sở hữu hóa đất đai” của nhiều người để nghiêng về quan điểm “sở hữu toàn dân”, theo ý Lê Duẩn đã phát biểu 12 năm trước đó: “Dự thảo Hiến pháp mới phải thực hiện một điểm quan trọng là chuyển toàn bộ đất đai thành sở hữu toàn dân. Đề ra như thế hoàn toàn đúng với quy luật tiến lên chủ nghĩa xã hội”! Tiến lên chủ nghĩa xã hội đâu chẳng thấy, chỉ thấy chủ nghĩa cá nhân của quan chức, đảng viên, cán bộ địa phương mặc sức tung hoành. Họ thi nhau cướp đoạt công thổ lẫn tư thổ sau khi Luật đất đai được ban hành năm 1993, qua chiêu bài “dự án, quy hoạch”. Hàng triệu nông dân mất ruộng, hàng vạn thị dân mất nhà, hàng ngàn đoàn người thất thểu khiếu kiện từ địa phương tới trung ương trong tuyệt vọng. Gia đình Đoàn Văn Vươn cũng từng đứng xếp hàng vào đó từ gần cả chục năm nay. Không những thế, Luật đất đai 1993 qui định thời hạn giao đất nông nghiệp chỉ là 20 năm (đang khi Công ty nước ngoài đầu tư được thuê đất ít nhất 50 năm). Điều này sẽ ảnh hưởng hàng triệu hộ nông dân khi kết thúc thời hạn sử dụng đất vào năm tới. Chắc chắn nhiều “âm mưu Tiên Lãng” mới đang được thai nghén và nhiều “phản ứng Đoàn Văn Vươn” cũng sẽ bùng dậy. Và dĩ nhiên, không chỉ Luật đất đai mà nhiều luật khác về kinh tế, văn hóa, tôn giáo, truyền thông, y tế, giáo dục… cũng hàm chứa vô số điều khoản bất công phi lý như vậy, tạo nên vô vàn nạn nhân. Đó là chưa kể nạn văn bản chồng chéo, vi hiến, vô luật. Tại hội nghị triển khai công tác đầu năm do Bộ Tư pháp tổ chức tại Hà Nội, Đà Nẵng và Sài Gòn gần đây, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho biết năm 2011 vừa qua, khi kiểm tra gần 44.600 văn bản quy phạm, các sở tư pháp đã tìm ra khoảng 4000 văn bản có dấu hiệu phạm luật về hình thức, nội dung và thẩm quyền ban hành. (RFA 10-02-2012)
2- Địa phương lạm quyền và cấu kết: Ông Lưu quang Yên, cựu đại biểu Quốc hội, cựu Chủ tịch UBND và Bí thư huyện Tiên Lãng, người từng giao 40.3 ha đất bãi bồi cho anh Vươn ngày 14-12-1993 để khai phá làm đầm thủy sản, đã ngang nhiên phát biểu: “Tôi thấy thời gian 14 năm là đủ để nông dân hoàn vốn và có lời, nên đã quy định không bồi thường khi thu hồi đất…. Diện tích đất này nằm trong diện quy hoạch Sân bay quốc tế Tiên Lãng. Nếu để cho ông Vươn tiếp tục thuê đất, sau này nhà nước phải đền bù với giá rất cao”!?! Rõ ràng là một sự lạm quyền!
Thói lạm quyền này còn biểu lộ qua việc quan chức các cấp tại địa phương (từ chính quyền tới tòa án và cả mặt trận) cấu kết với nhau vì tư lợi. Sau khi đơn kiện quyết định cưỡng chế đất của anh Vươn cùng dân xã Vinh Quang bị UBND huyện bác bỏ, họ kháng cáo lên toà án thành phố Hải Phòng. Tại đây, huyện đã cấu kết với Thẩm phán để cùng dụ dỗ các nguyên đơn rằng nếu họ rút đơn kháng cáo thì huyện sẽ cho thuê đất tiếp tục. Tin lời, dân chúng rút đơn thì huyện trở mặt, xem quyết định thu hồi đất có hiệu lực và xúc tiến cưỡng chế! Chuyện tư pháp và hành pháp liên minh ma quỷ với nhau như thế xảy ra thường xuyên, trong các vụ án chính trị cũng như hình sự. Sự lên tiếng chậm trễ của thành phố HP sau gần cả tháng trời cũng là dấu có sự cấu kết. Trên dưới liên hệ với nhau chà đạp luật pháp, áp bức người dân, cưỡng đoạt tài sản vì dòng chảy xuôi ngược của quyền lợi và quyền lực.
Rồi để thành công trong việc cưỡng đoạt này, quan chức còn huy động cả quân đội. Dẫu có Luật Quốc phòng cấm sử dụng quân đội vào các hoạt động không nhằm chiến đấu bảo vệ tổ quốc, tại Tiên Lãng, binh lính đã được trưng dụng. Trước đó, năm 2010, Nam Định đã dùng quân đội cướp đất dân ở xã Liên Minh, huyện Vụ Bản. Năm 2002 thì quân đội đã được điều đến trấn áp cuộc nổi dậy của người Thượng ở Tây Nguyên. Phụ với lực lượng vũ trang này còn có cả lực lượng truyền thông. Các báo đài Hải Phòng, Tiên Lãng đều cùng chung giọng bênh vực chính quyền và kết án người dân, ngay cả sau khi có kết luận của Thủ tướng CS.
3- Đảng khống chế chính quyền
Ba ngày trước cuộc họp của Thủ tướng, chiều 7/2, Thành ủy Hải Phòng (cơ quan đảng bộ) đã thông báo đình chỉ công tác Chủ tịch và Phó chủ tịch huyện Tiên Lãng để kiểm điểm trách nhiệm trong vụ cưỡng chế, thu hồi đất của anh Vươn. Quyết định này của Thành ủy Hải Phòng cho thấy lẽ ra đảng chỉ có quyền kỷ luật cán bộ cấp dưới về mặt đảng, chứ không thể làm thay công việc bổ nhiệm hay bãi nhiệm nhân sự của phía chính quyền. Đây là điều lạ lùng đối với các chế độ dân chủ, nhưng rất bình thường trong chế độ cộng sản, nơi mà đảng khống chế cả lập pháp (quốc hội), tư pháp (tòa án) lẫn hành pháp (chính quyền); nơi mà các lãnh đạo cao cấp và hầu hết mọi thành viên của 3 quyền lực này đều phải là đảng viên hay ít nhất cảm tình viên của đảng; nơi mà trong mọi cơ quan của 3 định chế này cũng như các định chế công an, quân đội, học đường, báo chí… chính ủy bao giờ cũng có quyền cao hơn thủ trưởng. Thành thử luật lệ do quốc hội phê chuẩn, phán quyết do tòa án tuyên bố, biện pháp do chánh quyền thực thi hay quyết định của các cơ quan tổ chức bị nhà nước quản lý rốt cuộc chỉ là sự thể hiện ý đảng, ý của các thành viên nắm quyền lực cao nhất trong đảng (Bộ Chính trị, Trung ương đảng). Luật pháp bị coi thường là vì đó! Thuật trị nước ra độc đoán là do vậy!
4- Trung ương bao che hay bất lực: Tuy nhiên việc đảng khống chế chính quyền cũng có mặt trái của nó. Hiện nay người dân chẳng lạ gì chuyện mua quan bán chức của cộng sản. Muốn ngồi vào ghế chủ tịch huyện Tiên Lãng, Lê Văn Hiền đã phải trả không ít tiền bạc. Ngồi vào chỗ ấy rồi, hàng năm lại phải cúng đậm cho thành phố. Tương tự thế, Đỗ Trung Thoại muốn nắm chức phó chủ tịch Hải Phòng thì phải mua cái ghế này đồng thời hàng năm phải cống nạp cho Trung ương Hà Nội. Tất cả chỉ là một lũ bầy đàn cấu kết nhau vì quyền lợi và khống chế nhau bằng quyền lực. Từ đó, việc xử lý sẽ là giương cao đánh khẽ, không thể có chuyện các quan chức Tiên Lãng bị trừng trị đúng luật (kiểm điểm nội bộ là cùng!). Thủ tướng và kể cả Bộ chính trị cũng chẳng làm gì được mấy tay ở Hải Phòng đâu, vì nhờ họ mà ông đã trúng cử đại biểu quốc hội nơi này. Tình hình cát cứ địa phương rất rõ ràng và lộ liễu, khiến Trung ương từ lâu đã thất bại trong chính sách luân chuyển cán bộ, đến độ Phan Văn Khải phải thốt lên chua chát: “Trên nói dưới không nghe”, còn Nguyễn Tấn Dũng thì thú nhận “chưa từng kỷ luật quan chức nào, y như Phạm Văn Đồng tiền nhiệm”. Nếu Bộ Chính trị hoặc cá nhân Thủ tướng có khả năng xử lý vụ Tiên Lãng thì đã chẳng nhờ đến báo chí, ý kiến các vị lão thành hoặc Mặt trận Tổ quốc… và cũng chẳng để lâu như vậy. Rốt cuộc là người dân lãnh đủ tình trạng “các ông trời con địa phương” và “cả một bầy sâu dày đặc”!
5- Hành pháp can thiệp vào lập pháp
Cuộc can thiệp và kết luận của Thủ tướng Dũng ngày 10-02 về vụ Tiên Lãng vừa xong, hàng loạt tờ báo liền giật những cái tít rất kêu: Một kết luận hợp lòng dân (SGGP), Kết luận của Thủ tướng “thấu tình, đạt lí” (VOV), Người dân vỡ òa niềm vui, lãnh đạo Hải Phòng “tâm phục” (Bee.net.vn), Kết luận của Thủ tướng đã làm nức lòng nhân dân (GDVN), Người dân Tiên Lãng phấn khởi cảm ơn Thủ tướng (Vietbao), Người dân Tiên Lãng: “Lòng tin của chúng tôi đã hồi sinh” (VNE), Kết luận công bằng, tạo niềm tin cho nhân dân cả nước (PLTP), Tiên Lãng: và con tim đã vui trở lại (Vietnamnet)… Nhiều trang blog lề trái cũng cùng giọng điệu. Hiểu biết về hiến pháp, pháp luật hạn hẹp như thế thật là đáng buồn! Bởi lẽ trong một nhà nước pháp trị, tam quyền được phân chia quyền hạn và trách nhiệm rõ rệt. Thủ tướng chỉ là người đứng đầu cơ quan hành pháp. Ai vi phạm, tòa án và các thẩm phán cứ căn cứ trên điều khoản của pháp luật mà xét xử và các luật sư cũng dựa vào đó mà biện hộ. Đàng này, cán bộ đảng hay chính quyền vi phạm lại “chờ quyết định của thủ tướng”. Ông ta là cái quái gì mà có quyền vạn năng như vậy? Cả nước hồi hộp chờ phán quyết của ngài thủ tướng rồi tự sướng “lòng tin của chúng tôi vào chính phủ được hồi phục”. Tất cả quên rằng đây chỉ là “màn PR” (tranh thủ công luận) đầy mưu mẹo của tay lãnh đạo tồi tệ nhất hiện thời, vốn đã và đang làm cho kinh tế tan hoang, tài chánh suy sụp, chính trị áp bức, đạo đức thoái biến, xã hội hỗn loạn và an ninh tổ quốc lâm nguy!
Sau Tiên Lãng, chế độ cai trị, tình trạng xã hội, chính sách luật pháp sẽ chẳng thể nào khá hơn nếu toàn dân không đứng dậy như anh em nhà họ Đoàn.
BAN BIÊN TẬP
Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 141 (15-02-2012)
http://baotoquoc.com/2012/02/16/v%E1%BB%A5-tien-lang-ph%C6%A1i-bay-b%E1%BB%99-m%E1%BA%B7t-ch%E1%BA%BF-d%E1%BB%99-cai-tr%E1%BB%8B-c%E1%BB%A7a-c%E1%BB%99ng-s%E1%BA%A3n-vi%E1%BB%87t-nam/#more-35704
No comments:
Post a Comment