Mối tình Môi Răng
Tâm Thiện - Năm 1979 tôi được 16, nếu tính luôn cả tuổi mụ thì cũng chỉ được 17, chưa đủ " tiêu chuẩn " để gọi là thanh niên. Cái chữ đói vẫn đeo bám cho dù không như thời điểm kinh hoàng nhất là năm 1977. Chiến tranh Việt - Miên đang đến hồi tàn khốc.
Công cuộc " cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh " vẫn đang râm ran. Cộng đồng người Việt gốc Hoa là bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đây đó có người tự tử, thậm chí cả gia đình tự bỏ thuốc chuột vào nồi canh. Có những người Hoa lập thành nhóm " hồi cố quốc " bằng đường bộ ra đến tận biên giới Việt - Trung, nhưng đa phần những người gốc Hoa ở miền Nam làm đơn để được đi chính thức (dĩ nhiên nhà nước thu lợi hàng núi vàng của họ). Một bầu không khí ãm đạm bao trùm cả miền Nam. Miền Bắc ra sao thì tôi không biết, nhưng có lẻ bởi miền Bắc đã từng bị băm nát nên chẳng còn gì để mất !!! Hai chữ vượt biên được thầm thì giữa những người tin tưởng nhau. Tôi còn nhớ câu vè thời đó "Một: con nuôi má, Hai: con nuôi cá, Ba: má nuôi con " làm cả miền nam lên cơn sốt. Tôi ở trung tâm thị xã Nha Trang (sau này mới lên cấp Thành phố), thường đi bộ hoặc mượn xe đạp của ông già đi khoảng 5 cây số xuống Xóm Cồn chơi với bạn bè và đồng thời dò la "con đường bác hồ đã đi ". Rồi xảy ra vụ Huỳnh Hừng ở Xóm Cồn tổ chức vượt biên, thu vàng rồi thủ tiêu người giữa biển khơi đã bị đổ bể, nghe đâu hàng chục ký vàng được chôn dấu trong nhà hoặc gói cất trên ngọn dừa. Huỳnh Hừng bị xử bắn.
Năm đó tôi đang học lớp 10 (THPT cấp III).
Cái thời còn nhai nhải " 5 điều bác Hồ dạy " chẳng biết gì đến thời sự quốc tế ngoài các tin tốt đẹp của hệ thống cộng sản quốc tế. Mà cho dù có muốn tìm hiểu thêm gì nữa thì cũng chẳng có điều kiện vì tất cả báo, đài đều chung một giọng tô hồng chế độ. Cả nước đói phờ phạc mà hàng ngày lỗ tai phải chịu tra tấn về các cánh đồng 5 tấn, 8 tấn, 10 tấn... nói tóm lại là tăng năng xuất lao động ào ào theo dạng... ảo ảo. Sau chiến tranh, Hà Nội nợ nần chồng chất tiền vũ khí, nợ cả ân tình với các nước trong khối cộng sản, nhất là Tàu. Tình đồng chí Việt - Trung quan trọng đến mức được mô tả như "môi hở, răng lạnh", nhưng....
Nhưng cái gì phải đến đã đến. Tôi nhớ như in, hôm đó là buổi học cuối tuần: thứ bảy, ngày 17 tháng Hai năm 1979. Buổi sáng, sau giờ chào cờ (máu) rống họng hát xong hai bài "Đoàn quân VN đi, sao vàng rách rưới..." và " Sao vàng rách nát ánh hồng chói chang, toàn VN đón chào ngày tối, HCM dắt toàn dân xuống hang..." xong. Bà hiệu trưởng bằng một giọng kích động cực độ thông báo : "Bọn bành trướng Bắc Kinh đã phản bội lý tưởng cộng sản, xua quân qua biên giới tấn công sáu tỉnh miền Bắc Việt Nam..." và ra quyết định thay hết các tiết học bằng các buổi học tập chính trị và thảo luận.
Vào lớp, mặt thầy cô thì đằng đằng sát khí (có giả vờ hay không thì tôi chịu) nhưng chúng tôi thì thất thần thấy rõ bởi vì sợ cái bầu không khí nặng nề đó. Mổi lớp có một thầy hoặc cô chủ nhiệm, nhưng hôm đó thì thầy/cô chủ nhiệm mời thầy/cô môn chính trị đứng lớp. Thầy chủ nhiệm lớp tôi mời cô giáo chính trị là một người từ miền Bắc vào chủ trì cho ngày hôm đó. Cả lớp há hốc mồm để nghe cô kể tội bọn bành trướng Bắc Kinh tàn ác ra sao, chúng đã có âm mưu hại Việt Nam từ khi nào, Mao Trạch Đông tồi bại, tàn ác ra sao v.v... và v.v... Tóm lại là quay ngoắc 180° so với những gì mà từ trước đến nay chúng tôi " học " từ mồm cô. Thế là từ " Việt Nam - Trung Hoa núi liền núi, sông liền sông..." hoặc " Bác Hồ ta đó chính là bác Mao..." đã thay bằng các khẩu hiệu đả đảo bành trướng xâm lược !!! Cô còn trịnh trọng viết lên bảng đen và chúng tôi chép lại, học thuộc lòng để học tập tinh thần yêu nước của một cô bé chỉ mới học lớp 7 (nhỏ hơn tôi 3 tuổi ???) ở Hà Nội (???) tên là Trần Nguyễn Khánh Chi. Tôi nhớ rất rõ tên bài thơ là " Họ cũng là người mà sao ác thế ", nhưng tên tác giả Trần Nguyễn Khánh Chi thì không dám khẳng định mặc dù đã dọ hỏi qua rất nhiều người cùng tuổi đã trải qua thời đó mà chẳng ai nhớ. Chẳng lẻ mémoire của tôi tốt đến thế sao ??? Tuy gọi là thơ nhưng chẳng có gì là thơ mà rặt một mùi sắt máu, chữ nghiã thì lổm chổm như đá cuội lẫn đá tai bèo, nhưng vẫn phải học thuộc bởi nếu không thì bị mất điểm đạo đức, bị phê bình. Giữa giờ " học " thì bà hiệu trưởng đến từng lớp thông báo : "Ngày mai (chủ nhật) toàn thể đi mít tinh "...
Sáng chủ nhật húp xong chén cháo loãng, vội vàng chạy đến trường tập trung rồi kéo nhau ra sân banh (đối diện với bệnh viện đa khoa Nha Trang). Nơi đó đã ngập tràn người, chủ yếu là công nhân và học sinh bị lùa về để lên đồng tập thể.
Quyết định tiếp theo của cấp nhà nước là toàn dân học tập quân sự, chuẩn bị tinh thần chiến đấu. Chen giữa những giờ lao động của công nhân hoặc giờ học của học sinh là các buổi lăn lê bò toài. Trang bị cá nhân là súng gỗ và lựu đạn chày gỗ. Lệnh xuống thì phải theo !!! Các chủng loại súng không ra súng và các lựu đạn chày bằng gỗ được đẻo gọt đeo lủng lẳng bên hông bất kỳ là nam hay nữ. Cũng may thời đó một năm chỉ hai thước vải thô nên hầu như chẳng ai mặc áo dài, nếu không thì buồn cười biết mấy. Trong giờ tập có một cô bạn gái chung trường lăn lê, bò toài để béng béng và ném lựu đạn hăng quá bị toác chỉ quần ngồi khóc như bác Hồ chết thêm lần nữa. Khóc vì ngượng và vì tiếc cho cái quần (nghèo quá mà). Có đưá u đầu, bưu trán vì bạn lỡ tay ném lựu đạn gỗ trúng. Đúng là cười ra nước mắt.
Chúng tôi còn được học các bài hát mới về chủ đề chiến tranh chống Tàu. Nhiều bài cũng khá hay về giai điệu. Tôi biết ti toe thổi harmonica và chơi tàm tạm guitar nên các bạn thường tập trung tại nhà tôi để tập. Bạn bè trai gái gom góp đứa trái cóc, trái ổi, kể cả bánh tráng nướng đem tới. Hầu như đêm nào cũng mất điện, phải thắp đèn dầu hôi. Liên tục dừng tay đàn để đập muỗi và gãi cho đã. Có lần cứ tập đi tập lại bài " Ngày mai anh lên đường, ngày mai anh ra chiến trường để lại em yêu dấu có khoảng trời rừng núi lung linh ngàn vì sao sáng trên đường hành quân diệt thù... Như hoa phong lan chờ đợi, mưa gió không phai tàn..." thì ông già nằm trên võng lầm bầm :
- Phản tự nhiên, chỉ có hoa nhựa mới không phai tàn theo mưa gió !!! Tôi thính tai nghe được nên hỏi lại :
- Nếu Ba chán thì tụi con tập bài khác, Ba biểu bài gì nè ???
- Tao nghe cái bài gì mà "Đoàn quân vội đi... " nghe đường được. Tôi phản đòn ngay:
- Bài đó cũng phản tự nhiên, Ba !!! Làm gì có " những đôi mắt mang hình viên đạn", có mà mắt lồi ốc bưu á...hihihi
Ba tôi cũng bật cười, chống chế:
-Nhưng nghe nó có chút chất nhạc trong đó, còn hơn tụi bây tra tấn tao bằng những bài khác. Quả thật, nhạc sĩ Trần Tiến viết bài đó rất hay, tôi cũng đồng ý với Ba tôi.....
Tôi không nhớ rõ cho đến khi nào thì chúng tôi thôi những buổi tập quân sự cười ra nước mắt, những buổi tập văn nghệ dưới ánh đèn dầu đập muỗi bồm bộp, những tiết học chính trị căng thẳng, những cuộc mít tinh lên đồng tập thể đến khản cả họng... Nhưng có lẻ cũng dễ chừng vài tháng liên tục chứ chẳng chơi.
Thằng Tàu chẳng phải quá thâm như ta tưởng mà do thằng Việt cộng quá hèn. Hèn vì không dám bước qua nổi sợ hãi mất quyền lực để bóc lột chính đồng bào mình nên phải khấu đầu với Bắc Kinh sau khi Đông Âu và Liên Bang Xô Viết vĩ đại tan rã như băng tuyết dưới ánh mặt trời mùa xuân tươi đẹp: Mùa Xuân Tự Do.
Kể từ đó chẳng ai còn nghe nhắc đến sự kiện 17 tháng Hai năm 1979 nữa. Cũng như những vết thương Cải cách ruộng đất, Nhân văn và Giai phẩm, Mậu Thân - Huế 1968, Cải tạo công thương nghiệp miền Nam, Boat People... Vết thương ngày 17/2/1979 đến nay vừa đúng 33 năm nhưng chưa bao giờ lành miệng trong tâm khảm người Việt Nam.
Các bạn trẻ của tôi ơi, những gì tôi kể với các bạn như một lời kinh khấn nguyện : Cầu mong cho dân tộc Việt Nam thoát khỏi những đau thương mà hệ lụy của nó chẳng đến từ đâu xa, mà đó chính là từ sự xảo quyệt, tráo trở, nhổ và liếm của đảng cộng sản Việt Nam. Tuổi trẻ là mùa xuân của dân tộc, hãy đem ánh nắng muà xuân làm tan chảy khối băng cộng sản/ độc tài như những dân tộc khác đã và đang làm. Tôi tin vào điều đó.
Strasbourg, 17 tháng 2 năm 2012
- Tâm Thiện _ (KVC)
www.aotrangoi.com
No comments:
Post a Comment