Huỳnh Thục Vy - Cuối năm Tân Mão vừa qua rộ lên những cuộc tranh luận sôi nổi về chuyện “bất đồng chính kiến” ở ViệtNamxung quanh lời phát biểu của ông Lương Thanh Nghị- phát ngôn viên Bộ ngoại giao ViệtNamrằng: “Tại ViệtNamkhông có ai bị bắt vì lý do chính kiến”.
Chỉ vì không có cách nào để biện minh cho những hành động đàn áp nhân quyền trắng trợn của mình, Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thông qua Bộ Ngoại giao thường xuyên đưa ra những phát biểu mâu thuẫn và mang tính tuyên truyền như thế.
Xét theo ngữ nghĩa câu chữ của lời phát biểu, thì câu nói của ông Lương Thanh Nghị có thể được hiểu theo hai cách:
Một, đó là lời khẳng định của chính quyền Việt Namvới thế giới rằng lâu nay họ đã tôn trọng quyền tự do bày tỏ ý kiến, tự do ngôn luận của người dân ViệtNam. Và dựa theo ý này, những người đang đấu tranh có thể vô hình trung coi nó như một cam kết của chính quyền.
Hai, đó là lời phủ nhận rằng ở Việt Namkhông hề có người bất đồng chính kiến mà chỉ có những kẻ vi phạm pháp luật.
Theo cách hiểu thứ nhất, căn cứ vào thực tế hiện trạng Việt Nam, lời khẳng định này là dối trá- một sự dối trá thô thiển. Vì trước khi ông Lương Thanh Nghị đưa ra phát biểu này, nhiều người bất đồng chính kiến đã bị bắt và bị tuyên phạt những bản án nặng nề, như gần đây nhất là trường hợp ông Nguyễn Văn Lía, bà Hồ Bích Khương, ngay cả một người bày tỏ lòng yêu nước đơn sơ nhất như bà Bùi Thị Minh Hằng cũng bị đưa vào “cơ sở giáo dục”. Và sau lời tuyên bố đó, nhạc sĩ Việt Khang đã bị bắt (soạn nhạc cũng là một cách bày tỏ quan điểm xã hội và chính kiến). Vậy chúng ta có thể kết luận lời tuyên bố đó trước sau không phản ánh đúng thực tế hiện tình ViệtNam. Và nếu coi nó như một cam kết, thì cam kết đó vô giá trị vì nó đã bị vi phạm. Đơn giản đó chỉ là lời chối tội vô căn cứ. Quả tình, đối với một chế độ tàn ác và dối trá trong đối nội, nhưng lại bất lực và đơn độc trong vị thế quốc tế thì chỉ có thể đưa ra những tuyên bố lố lăng như thế thôi. Điều đó dễ hiểu!
Theo cách nhìn nhận thứ hai đối với tuyên bố này, trước tiên chúng ta có thể hiểu rằng chính quyền cộng sản ViệtNamđã gián tiếp khẳng định ở ViệtNamkhông có người bất đồng chính kiến. Đây cũng là luận điệu thường thấy ở các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương và an ninh cộng sản. Những người này không nhận thức được rằng khi phát ngôn như vậy họ đã chứng tỏ cho người ta biết là họ không hiểu ngay cả một vấn đề căn bản nhất của xã hội loài người.
Trong thế giới con người đa dạng và nhiều sắc thái, việc bất đồng trong bất cứ lĩnh vực nào cũng là điều bình thường; chỉ có sự hoàn toàn đồng thuận mới là bất thường. Trạng thái đồng thuận theo kiểu “ý đảng, lòng dân” là một trạng thái ảo tưởng, nó chỉ tồn tại trong tưởng tượng, hoặc chỉ là sự bịa đặt không ngượng mồm. Mỗi cá nhân là sự kết tập những yếu tố khác nhau, theo những cách cũng khác nhau. Sự tồn tại của mỗi cá nhân trong xã hội là đặc thù, vì thế ý chí và nguyện vọng của mỗi người không bao giờ hoàn toàn giống bất kỳ ai khác ngoài họ. Sự mâu thuẫn giữa các cá nhân và sự xung đột giữa các nhóm người là điều dễ hiểu và tự nhiên.
Điều này cũng tương tự trong chính trị, trong cùng một đảng phái cũng có nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau. Ví dụ như trong hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ ở Hoa Kỳ cũng có nhiều nhóm sắc thái chính trị khác nhau như: khuynh tả, trung hữu, cực hữu. Và ngay cả trong cùng một khuynh hướng, các chính trị gia cũng không hoàn toàn đồng thuận về mọi vấn đề. Che đậy, trấn áp sự bất đồng là cách đi ngược với tự nhiên; và việc trực tiếp hay gián tiếp khẳng định không có bất đồng chính kiến ở ViệtNamlà cách nói còn dốt hơn cả việc nói một cộng một bằng ba.
Điều thứ hai chúng ta cần lưu ý trong cách hiểu này là sự đánh đồng những người bày tỏ quan điểm khác biệt với những người vi phạm pháp luật. Dựa theo điểm a khoản 7 điều 6 của Nghị định số 63 của Chính phủ Việt Nam thì bất cứ ai bày tỏ quan điểm xã hội, chính trị trái với quan điểm của Đảng cộng sản đều có thể bị chụp cho cái mũ “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số để chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đoàn kết toàn dân”, bị phạt tiền từ 70 đến 100 triệu đồng vì lý do “vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin”. Với mức độ nghiêm trọng hơn, điều 79 và 88 trong Bộ luật hình sự được xếp trong nhóm quy phạm pháp luật quy định về tội xâm phạm an ninh quốc gia. Với sự quy định mơ hồ và đầy dã tâm trong hai điều luật này, bất cứ ai đối kháng với nhà cầm quyền đều trở thành tội phạm, chứ không chỉ là vi phạm pháp luật nữa (người vi phạm pháp luật hình sự thì gọi là tội phạm).
Hệ thống luật pháp ViệtNamlà một tập hợp của những khiếm khuyết về cả nội dung lẫn hình thức. Nói rõ hơn, luật nội dung (luật bản thể) và luật thủ tục (luật hình thức) đều thể hiện trình độ lập pháp kém cỏi lẫn chủ ý lập pháp bất minh của chính quyền cộng sản (thông qua các nhà lập pháp của họ). Dựa vào luật pháp Việt Nam, khó có thể tìm được Công lý, dựa vào các điều 79, 88 và 258 khó có luật sư nào bênh vực hiệu quả cho những thân chủ bất đồng chính kiến, cùng lắm thì chỉ có thể nêu lên những tình tiết giảm nhẹ trong vụ án mà thôi.
Những ai tin tưởng có thể dùng hệ thống luật pháp này để tranh đấu cho sự tiến bộ thì lắm lúc họ sẽ thấy mình đi vào ngõ cụt. Bởi thật nghịch lý khi ta dựa vào một thứ sai lầm, tồi tệ để tranh thủ cái tốt đẹp. Theo Bộ luật hình sự của nhiều nước dân chủ tự do, chế định về tội phản loạn và lật đổ chính quyền nhất thiết không thể thiếu vắng sự định nghĩa rõ ràng về một hoạt động chống đối mang tính bao lực, hay cổ súy cho bạo lực. Một hành động tuyên truyền, chống đối nhắm vào chính quyền bằng bất cứ phương tiện gì, để hội đủ cấu thành tội phạm hình sự phải có yếu tố tối cần thiết là “violence”, tức bạo lực. Một cách hợp lý, một hành động chỉ được định nghĩa là chống phá và âm mưu lật đổ khi có yếu tố bạo lực. Trên lập trường này, dù tôi có viết bài đả kích Đảng cộng sản và Chính quyền ViệtNamthậm tệ (miễn sao phải có căn cứ để không bị khép vào tội vu cáo) nhưng không khuyến khích vũ lực và hoạt động vũ trang thì tôi không thể bị khép vào tội phạm hình sự. Nói cách khác, chỉ khi nào tôi dùng ngòi bút của mình, hay bất cứ phương tiện gì tôi có, cổ vũ cho việc lật đổ chính phủ bằng vũ lực thì tôi mới bị buộc tội âm mưu lật đổ hoặc tuyên truyền chống phá Nhà nước. Bất cứ sự sụp đổ nào có nguyên nhân từ những hoạt động đối kháng ôn hòa đều không phải là “tội” của những người đối kháng, mà chính là cái tội không biết sửa chữa của Chính quyền.
Cũng xin lưu ý thêm một chút về định nghĩa của từ “chống phá”. Động từ này thường gây ra cảm giác khuếch trương về mức độ nghiêm trọng của sự đả kích nhắm vào một đối tượng nào đó. Khi nói đến từ “chống phá” ta thường nghĩ ngay đến một đối tượng thù địch. Mức độ nghiêm trọng càng được thổi phồng hơn khi đối tượng bị đả kích đó là Nhà cầm quyền. Thực tế, không phải bất cứ ai đả kích ta cũng là kẻ thù của ta. Điều đó càng được khẳng định khi sự đả kích diễn ra một cách ôn hòa. Vì những bất đồng tự nhiên của con người như tôi đã nói ở trên, sự phê phán và thậm chí là sự đả kích luôn có thể xảy ra ngay cả giữa những người được cho là có cùng lập trường. Cái tâm thức sợ hãi đối lập làm những người cộng sản nhìn thấy đâu cũng là kẻ thù. Chính điều này góp phần khiến họ có những hành động tự biến mình thành kẻ thù của nhân dân.
Đấy là tôi chưa nói đến một điều rằng: Đảng cộng sản ViệtNamchỉ là một tổ chức chính trị trong xã hội ViệtNam, một cách đúng nghĩa nó không nằm hệ thống lãnh đạo quốc gia. Nó có được lãnh đạo quốc gia hay không, phải do người dân quyết định chứ không phải là tự phong. Và dù có là Đảng lãnh đạo, thì thực chất những người nhất định của Đảng ngồi trong Quốc hội hay Chính phủ chứ không phải cả một cái Đảng ngồi lên ngai vàng. Nếu Đảng Cộng sản không ngang tàng tự phong cho mình cái vai trò lãnh đạo quốc gia như được quy định trong điều 4 Hiến pháp thì họ chỉ ở trong cái thân phận của một tổ chức hoạt động trong khuôn khổ luật pháp như bất cứ tổ chức nào khác trong xã hội. Và việc đả kích bất cứ một tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nào… cũng là điều bình thường nếu không muốn nói là cần thiết. Nếu tôi viết bài phê phán một tổ chức dân sự nào đó, thì hành động của tôi có bị gọi là “chống phá” tổ chức đó không? Không, người ta chỉ nói là tôi đả kích, hoặc chống lại một hành động cụ thể của họ chứ không phải là chống phá họ. Vậy tại sao khi phê phán Đảng cộng sản và chính quyền ViệtNamthì đột nhiên sự phê phán đó trở thành “chống phá”? Bởi vậy, chúng ta thấy rõ: ngay cả cách dùng từ trong “luật” của họ cũng cho thấy họ chuẩn bị sẵn một cái mũ để chụp cho những người đối lập.
Đó là tôi nói về luật. Nhưng các chế độ độc tài không bao giờ dùng luật và những quy định độc đoán mà họ đặt ra để tước đoạt tự do của công dân thì không phải là luật. Thật vây, những quy định trái với Công pháp quốc tế, cái được công nhận toàn cầu là tốt đẹp (tương đối), những quy định chống lại tự do, an sinh và hạnh phúc của con người (trái với luật tự nhiên) thì không phải là luật. Dựa vào cái gọi là “luật pháp” của họ thì bất cứ khi nào họ cũng có thể tìm ra ở đâu đó trong đống hỗn độn ấy những điều khoản để buộc tội những người lên tiếng phản đối ôn hòa. Nếu chưa thể bắt, họ đưa vào cơ sở giáo dục hoặc phạt một số tiền lớn gấp 10 lần hơn số tài sản của chúng ta. Nếu có thể bắt được, họ dùng ba cái còng mang tên: điều 79, 88 và 258 của Bộ luật hình sự. Ở cái xứ sở này luật pháp chính là Đảng cầm quyền. Vấn đề là trong tình hình thế giới, khu vực và đất nước nhiều biến động hiện nay, họ tiếp tục là vua, là luật pháp được bao lâu nữa?!
Dù sao đi nữa, nhân dịp đầu xuân, tôi cũng xin gởi lời kính chúc quý vị cộng sản có đủ can đảm để hành động và phát biểu một cách lỗi lạc. Hãy nhìn những tấm gương của các nhà độc tài trên thế giới thời gian vừa qua, từ Ben Ali củaTunisia, Mubarak của Ai Cập đến Gaddafi của Lybia. Có chế chế độ độc tài nào có một kết thúc tốt đẹp không (cho bản thân kẻ độc tài và gia đình họ)? Con đường độc tài là con đường nhiều rủi ro và nguy hiểm, ngay cả trong một quốc gia lớn mạnh và có vị thế như Nga thì tương lai của Putin cũng không thể gọi là ổn, chứ đừng nói gì chế độ độc tài của một đất nước nhược tiểu như Việt Nam. Sự chọn lựa Dân chủ của tập đoàn độc tài Miến Điện là sự lựa chọn khôn ngoan biết mình biết người. Quý vị có muốn làm những kẻ khôn ngoan?
Tam Kỳ ngày 6 tháng 2 năm 2012
© Huỳnh Thục Vy
© Đàn Chim Việt
No comments:
Post a Comment