Thursday, February 9, 2012

Lao Động Trí Óc…



Trần Khải - Trí thức là gì? Là những ai? Và giá trị trí thức là gì? Có vẻ như cuộc tranh luận về trí thức mấy tuần qua không chỉ đơn giản như những cuộc tranh luận như tại Hoa Kỳ, nơi những người trí thức cũng ưa tranh cãi còn hơn là dân Quảng Nam, nếu chúng ta tin vào thành ngữ “Quảng Nam hay cãi…”

Điều gì làm cho cuộc tranh cãi tại Việt Nam khác hơn? Về mức độ, thực ra tranh cãi tại Hoa Kỳ, nếu loại bỏ yếu tố thuần túy học thuật, có khi còn gay gắt, dữ dội hơn cuộc tranh cãi về chữ “trí thức” tại VN mới đây… nếu chuyện liên hệ tới các chủ đề nhạy cảm như sắc tộc, tôn giáo (hay vô thần), đồng tính (bẩm sinh hay không?), lập trường (bảo thủ hay cấp tiến), đảng phái (Cộng Hòa hay Dân Chủ), và vân vân.  Thí dụ, buổi tối, bạn chỉ cần mở đài truyền hình Fox News sẽ nghe đủ thứ lý luận la mắng Tổng Thống Barack Obama, và khi xem đài MSNBC sẽ nghe đủ thứ lý luận bênh vực Obama.
Nhưng đó là chuyện bình thường ở Hoa Kỳ. Tại Việt Nam, tất nhiên, bạn chỉ nghe có một giọng tung hô Đảng CSVN trên các đài truyền hình, dù ở Hà Nội hay Sài Gòn. Do vậy, một cách chính thức, thực sự là không có những cuộc tranh biện trên các cơ quan truyền thông lề phải tại VN. Và ngay cả khi tranh luận về một đề tài quan trọng như “trí thức,” nhiều người phản biện đành phải viết trên blog riêng hay là gửi bài cho các cơ quan truyền thông chọn lề trái. Ngay tự thân trò chơi tranh luận này ở VN đã thấy là bệnh hoạn rồi, nếu chúng ta không muốn xếp hàng theo thứ tự để tung hô Đảng CSVN.
Duyên khởi cuộc tranh luận là một cuộc phỏng vấn trên báo Tuổi Trẻ, Giáo Sư Ngô Bảo Châu nói: “Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm “trí thức”. Đến bao giờ chúng ta mới thôi thi đua để được phong hàm “trí thức”? Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội.”
Ngôn ngữ của GS Ngô Bảo Châu có vẻ như chế giễu những người ‘thi đua’ để được phong hàm trí thức… và Giaó Sư khẳng định rằng “trí thức là người lao động trí thức… và giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra…”
Ai đang thi đua để được phong hàm tri thức? Và đang thi đua những gì? Ai chấm điểm cuộc thi đua này? Và ai có quyền phong hàm trí thức? Giáo Sư Ngô Bảo Châu không nói rõ nơi này. Thực tế, không ai dám nói rằng, Giáo Sư Toán Học chỉ là một thợ làm toán cao cấp, và cần phải thi đua để được phong hàm trí thức… Bởi vì vị trí, tài năng, và các giảỉ thưởng toán học của GS Ngô Bảo Châu đã vượt qua mọi tranh cãi. Nhưng còn những trường hợp khác? Hình như là chưa ai nói là cần thi đua gì, và phong hàm thì ai phong hàm? Ngôn ngữ của GS Ngô Bảo Châu kém minh bạch, cho nên gây sóng gió là phải.
Thêm nữa, nâng lên chuyện ‘thi đua’ và xin ‘phong hàm’…. để rồi sau đó là bàn chuyện ‘vai trò phản biện xã hội’, có vẻ như chủ điểm là chuyện ‘phản biện xã hội…’ Nếu như thế, Giáo Sư Ngô Bảo Châu đang ám chỉ những người ‘phản biện xã hội’ nào, và có phải Giáo Sư hàm ý rằng có rất nhiều trí thức ưa phản biện xã hội như giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra không có gì ghê gớm?
Để hiểu cho chính xác ngôn ngữ người Hà Nội, chúng ta có thể dò tìm và thấy rằng ‘lao động trí óc’ là nhóm chữ dùng cho rất nhiều nghề. Trên mạng Rongbay.com, trên chuyên mục ‘Lao động trí óc,’ có những nghề sau đây đăng rao vặt: Sinh viên làm thêm, Gia sư, Giáo viên, Kế toán/Sổ sách, Nhân viên văn phòng, Nhân viên kỹ thuật, Khác (các nghề khác).
Trong chuyên mục đó, không hề nói gì tới nhóm chữ ‘phản biện xã hội,’ nghĩa là phản biện xã hội không tạo ra được giá trị sản phẩm nào, theo mong đợi của người đăng rao vặt…
Dĩ nhiên, những trang web đó không bàn chuyện phức tạp, nhưng có vẻ như Giáo Sư Ngô Bảo Châu muốn trả lời những người hối thúc (hay mong đợi) Giáo Sư đóng vai phản biện xã hội (hay muốn cùng đi biểu tình chống Trung Quốc chiếm đảo, chiếm biển?).
Một biện hộ khác, và ngôn ngữ minh bạch hơn, được Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, cựu Thành viên Ban cố vấn của Chính phủ dưới thời các Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, nói với BBC là:
“Người trí thức phải hành động. Nhưng hành động như thế nào, đó là tùy theo bản lĩnh, trí tuệ, nhận thức và vị thế của họ…
“Nếu ai cũng bỏ nước ra đi, rồi đứng ở bên ngoài nói, để không bị một ràng buộc gì cả, thì đất nước này sẽ thế nào đây?
“Tôi thì khác, tôi bám trụ tại đây. Tôi vẫn ở trong Đảng này, tôi vẫn là người ở trong chế độ này, nhưng tôi muốn góp phần một cách công khai và minh bạch thúc đẩy những bước phát triển để Đảng có thể tự chấn chỉnh, tự đổi mới.
“Và tôi tin rằng những điều đó có thể làm được vì những người nhận thức được, những người yêu nước không ít đâu.”(hết trích)
Như thế, chúng ta có thể đoán rằng, Giáo Sư Ngô Bảo Châu và Giáo Sư Tương Lai đang muốn trả lời những người hối thúc trí thức trong nước hãy phản biện xã hội, hãy xuống đường biểu tình chống TQ, hãy vân vân… Nhưng ngôn ngữ Giáo Sư Ngô Bảo Châu mang tính mỉa mai, khi xài chữ ‘thi đua… để được phong hàm trí thức…” và ám chỉ rằng giá trị sản phẩm lao động trí óc của nhiều vị trí thức chẳng có gì cả.
Thực ra, chúng ta cũng không nên hối thúc hay mong đợi những ‘người lao động trí óc’ trong nước phải phản biện xã hội hay phải làm gì  quá  sức hay không thích nghi với hoàn cảnh của họ.
Tuyệt vời trí thức như Nguyễn Hộ và Tướng Trần Độ, như Luật Sư Lê Công Định, như kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức, như Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ… còn bị vùi dập bằng mọi thủ đoạn phi pháp, phi nhân. Chúng ta không thể đòi hỏi trí thức nào cũng phải lên tiếng như thế, hay cùng một phương cách như thế.
Dù vậy, đất nước vẫn luôn luôn có những người sẵn sàng lên tiếng để bênh vực những người không có cơ hội nói.
Một bài của Thượng Tọa Tuệ Sỹ nhiều năm trước, có nhan đề “Trí Thức Phải Nói,” đã viết nơi đoạn cuối:
“…Hoàn cảnh đất nước Việt Nam như thế cho nên dân ta phải chịu quá nhiều đau thương và tủi nhục. Đối với giới trí thức nói riêng, mà xã hội Việt Nam truyền thống rất tôn trọng, điều tủi nhục lớn nhất là họ không thể thay những người dân thấp cổ bé miệng nói lên một cách trung thực tất cả những uất ức, những khổ nhục mà họ phải chịu. Bởi vì, tại Việt Nam ngày nay những người có thể nói thì ngòi bút đã bị cong; những người muốn nói thì ngòi bút đã bị bẻ gẫy.
Nhưng tôi biết rõ một điều, và điều đó đã được ghi chép trong lịch sử: Trí thức chân chính của Việt Nam không bao giờ khiếp nhược.”(hết trích)
Cũng cần nhắc rằng, Thượng Tọa Tuệ Sỹ ra khỏi tù vào ngày 2 tháng 9 năm 1998, sau 14 năm khổ sai. Và Thượng Tọa không hề đặt vấn đề gì về thế nào là trí thức, kể cả vấn đề gì về thi đua để được phong hàm.
Dù vậy, Thượng Tọa Tuệ Sỹ vẫn bày tỏ tấm lòng lân mẫn với các Thầy khác trong những lựa chọn thái độ tùy vào hoàn cảnh riêng, và đã từ bi với tất cả mọi người khác trên thế gian này bởi vì tất cả đều cũng chung một số phận bị xô đẩy vào một ‘thế gian trường huyết hận’.

No comments:

Post a Comment