Sunday, February 12, 2012

Hãy sửa sai từ gốc



Bùi Tín (VOA) - Vụ án Cống Rộc làm xôn xao dư luận trong nước từ những ngày đầu năm. Vụ án này được dư luận cả nước bàn tán xôn xao, phần lớn nhân dân bất bình về sụ lộng hành của cả một lớp cường hào mới ở khắp các vùng của đất nước, từ Bắc Giang, Thái Nguyên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Dương, Sóc Trang, Mỹ tho… 

Nó còn cho thấy bọn “cường hào – quan chức cộng sản mới” đã hệ thống từ tỉnh,thành xuống huyện xã, ngang nhiên dùng bộ máy công an đi đàn áp nông dân lương thiện, tiến hành gần như một cuộc chiến tranh một phía bởi một lực lượng vũ trang tổng hợp gồm dân quân xã, lực lượng công an vũ trang huyện, bộ đội địa phương huyện, bô đội biên phòng và bô đội chính quy , hàng mấy trăm tay súng hùng hổ bao vây quyết tiêu diệt một nhóm nhân dân tay không, đẩy nhóm người này đến bước đường cùng, phải tự chế mìn và đạn hoa cải để tự vệ trong cơn tuyệt vọng.
Việc chống đối tuyệt vọng này gây nên 6 người bị thương về phía chính quyền. Phía nhóm nông dân vượt qua vòng vây chặt chẽ nhưng ra trình diện ngay sau đó.
Sự việc tàn ác và thâm độc quá sức tưởng tượng từ một chính quyền đội lốt nhân dân đã buộc ông thủ tướng vào cuộc, lên tiếng ra chỉ thị cho chính quyền thành phố Hải phòng và các bộ liên quan phải nắm chắc tình hình, kiểm điểm và báo cáo.
Ngày 10-2-2012 thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã họp với các quan chức liên quan, đưa ra kết luận sơ bộ về vụ Cống Rộc, Tiên Lãng. Ngay sau đó bộ trưởng – chủ nhiệm văn phòng của chính phủ Đỗ Đức Đàm đã họp các báo để phổ biến ý kiến của thủ tướng.
Các báo lề phải liền cùng lên tiếng ca tụng sự bén nhậy anh minh của ngài thủ tướng, đã sớm kết luận về những sai phạm trái pháp luật trong quyết định thu hồi và cưỡng chế của chính quyền huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang, là nguyên nhân chính đã dẫn đến sự kiện bi thảm bùng nổ. Thủ tướng công nhận rằng Luật đất đai được thay mới 3 lần, rồi sửa đổi 3 lần nữa vẫn còn chồng chéo, mâu thuẫn nhau, và kiện tụng về đất đai vẫn là vấn đề rất căng thẳng kéo dài trong quan hệ với nông dân.
Thủ tướng yêu cầu các cấp, các bộ, các cấp tòa án, viện kiểm sát… nắm chắc thêm tình hình, kiểm điểm tiếp và giải quyết tiếp theo trách nhiệm của minh.
Trên các trang Web và Blog tự do, nhiều ý kiến cho rằng thủ tướng đã xoa dịu được phần nào dư luận xã hội đang phẫn nộ cao độ, nhưng lẽ ra một thủ tướng có trách nhiệm và bản lĩnh có thể giải quyết rốt ráo hơn nhiều. Cho đến nay những quan chức phạm sai lầm lớn trong vụ án này chưa một ai bị truy tố hay tạm giam cả, cũng chưa một ai bị mất chức cả. Thế là thế nào? Cũng chưa ai kết luận rõ về trách nhiệm của cấp chính quyền thành phố. Như vậy cũng vẫn chỉ là giơ cao đánh khẽ. Kiểu đều là anh em trong nhà ta cả thôi mà. Sau vài ba tháng ngồi kiểm điểm và tỏ ra “hối hận, đáng tiếc, xin thành khẩn chịu trách nhiệm với trên và với nhân dân”… mọi sự sẽ vui vẻ cả.
Còn tài sản anh Vươn và bà con ta thì đừng có mong gì có ai bồi thường. Họ chia chác tiêu tan hết cả rồi.
Cái tài chùi mép sau khi nuốt chửng thì quan chức ta có thể mở lớp dạy cho toàn thế giới tham nhũng.
Các Blog tự do cho rằng thủ tướng hình như đã quên một yếu tố quan trọng cấu thành tội phạm. Đó là chủ trương xây dựng sân bay lớn cho vùng Đồng bằng sông Hồng, lớn hơn cả sân bay Cát Bi hiện nay.
Bộ kế hoạch và đầu tư đã hé cho quan chức thành phố từ khi mới dự kiến và phác thảo cách đây gần 3 năm. Các “cò đất” ở Hà Nội và Hải Phòng đã mơ tưởng những trận mơ vàng và đôla béo bở. Tiên Lãng lại nằm bên cánh phải của sân bay lớn này. Đất ở đây sẽ có giá nhân lên gấp 5 lần là ít. Đất xã Vinh Quang – Tiên Lãng đã được nằm ngay trong đề án sân bay đã được chính phủ sơ duyệt.
Thật ra nhân vụ Cống Rộc, Bộ chính trị đảng cộng sản nên có nhãn quan chính trị chiến lược để giải quyết một vấn đề lớn lao hơn nhiều là vấn đề sòng phẳng trả lại quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất ao hồ cho bà con nông dân ta.
Đây là vấn đề pháp lý quốc tế, pháp lý quốc gia và vấn đề đạo lý.
Một em sinh viên luật trong nước là Đỗ Thúy Hằng đã có nhận thức già dặn về chuyện này. Ai cũng biết quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất đã có từ thời nguyên thủy, được luật pháp công nhận trong suốt thời đại phong kiến, rồi cả trong suốt thời kỳ thuộc địa của Pháp.
Cho đến cái gọi là cách mạng xã hội chủ nghĩa, học theo Liên Xô, đảng cộng sản ghi trong Hiến pháp:
“ruộng đất, rừng hồ ao nước ta là thuộc quyền sở hữu của toàn dân”. Toàn dân là ai? là tất cả 88 triệu dân hiện nay à? Đây là khái niệm kỳ quặc, không ở đâu có, ngoài chế độ cộng sản, một chế độ chính trị đã bị quốc hội châu Âu đặt ra ngoài vòng pháp luật.
Vì với quyền sở hữu không có trong công pháp quốc tế ấy, không một công dân Việt Nam, không một nông dân nào được sở hữu một mảnh đất nhỏ nào.
Từ đó đảng tự mạo nhận thay mặt toàn dân để xử dụng, phân phối ruộng đất hồ ao một cách tùy tiện bất công. Từ đó đẻ ra một loạt danh từ làm trò cười cho các nhà luật học và luật sư quốc tế, như: “thu hồi”, “đền bù”, “quyền xử dụng đất”, “thời hạn xử dụng đất”, “cưỡng chế”…
Vấn đề đang đơn giản bỗng trở nên cực kỳ phức tạp. Để có Luật đất đai 1987, rồi Luật đất đai 1993, lại có Luật đất đai 2003, để có Luật đất đai sửa đổi 1998, lại có Luật đất đai sửa đổi 2001. Vì quá ư rối rắm nên còn hàng ngàn trang văn kiện giải thích, vẫn cứ rối như khối bòng bong. Xin hỏi nguyên thứ trưởng Đặng Hùng Võ sẽ rõ.
Bà con nông dân chỉ có một câu hỏi bộ chính trị: tại sao ở Liên Xô cũ, ở Đông Âu người ta đã trả lại quyền tư hữu cho nông dân, mà ở Việt Nam thì chưa? Tại sao đảng trả lại quyền tư hữu cho nhà buôn, nhà kinh doanh công nghiệp, dịch vụ… mà đảng lại phân biệt đối xử, tệ bạc với nông dân đến vậy!
Cái gốc của sự kiện bi thảm Cống Rộc – Tiên Lãng chính là ở đó.
Bùi Tín’s Blog (VOA)

No comments:

Post a Comment