Trần đức Thạch - Đọc bài và nhìn thấy hình của chị và các mẹ già đứng trước cái cổng sắt to đùng vô cảm của cơ quan nhà nước nào đấy mà tôi thực sự xót xa. Tôi đã nghe tiếng nấc của trái tim mình. Đau đớn quá! Oan khuất quá! Muốn thực sự chia sẻ nỗi đau với chị và gia đình anh Nhật mà không biết làm thế nào được. Nếu cần phải hi sinh tính mạng để nỗi oan của gia đình chị và biết bao người dân oan khác trên đất nước ta được hóa giải thì tôi cũng sẵn sàng. Đây là ý nghĩ thực tâm, mong chị ghi nhận cho.
Chị và nhiều người khác đang khắc khoải với hai tiếng ‘tại sao’ mà anh Nhật bị giết trong đồn công an Bến cát. Tôi dùng từ bị giết mới chính xác. Năm 2008, tôi bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bắt, vì viết bài kêu oan cho gia đình và những người khác. Họ vu cho tôi cái tội tuyên truyền chống nhà nước. Trong một buổi hỏi cung, tên trung tá công an cơ quan điều tra an ninh Hà Nội Trần văn Thiết đã tuyên bố với tôi:
- Nếu mày không nhận tội và còn nhắc tới tự do dân chủ, yêu nước, tao sẽ bảo đám công an trẻ vào cho mày lên bờ, xuống ruộng. Nếu mày có bị làm sao, bọn tao chỉ mất một tờ giấy lập biên bản mày tự sát là xong!
Và lời đe dọa của tên trung tá công an Trần văn Thiết năm nào đã trở thành hiện thực với trường hợp anh Nhật cũng như nhiều người khác. Và đây là một tuyên bố nữa của tên công an Trần văn Thiết:
- Luật pháp nằm trong tay chúng tao, bọn tao làm gì chả được!
Để thể hiện lời tuyên bố đó, hắn đã đánh tôi choáng váng trong buồng hỏi cung. Kể lại chuyện này mong chị và mọi người bớt đi nỗi dằn vặt bởi hai tiếng ‘tại sao’.
Bọn công an điều tra là vậy. Còn bọn công an quản giáo thì sao? Cái hôm 14/9/2008, chúng nó tống tôi vào trại giam số 3 của sở công an thành phố Hà nội. Theo sự hiểu biết pháp luật của tôi thì công dân bị tạm giam là để giúp cơ quan điều tra làm sáng tỏ vấn đề nào đó hoặc là vụ án. Công dân chỉ bị coi là có tội khi bản án của tòa tuyên có hiệu lực. Vì suy nghĩ như thế nên tôi cứ đàng hoàng ngồi vào ghế trong phòng quản giáo khu C chờ phân buồng. Bất ngờ tên trung tá công an trưởng khu C lúc đó tên là Dũng đen từ phía sau nện vào đầu tôi mấy cú choáng váng. Hắn vừa đánh vừa gầm lên:
- Mày không biết nơi này là đâu à?
Tôi giật mình nhớ tới lời nói của anh Nguyễn sĩ Lý một người tù bị oan cách đây chừng hai mươi năm khi viết thư cho báo Tiền phong. Anh gọi trại tạm giam là địa ngục trần gian. Và khi tôi cùng anh Đặng văn Ký làm phóng sự văn học ‘Đôi bạn tù’, tôi đã được nghe anh kể rất nhiều chuyện rùng rợn mà anh đã trải qua và chứng kiến. Những chuyện rùng rợn trong trại tạm giam chúng tôi đã đưa vào sách do nhà xuất bản Thanh niên ấn hành năm 1989. Rất tiếc là những tình tiết quá rùng rợn đó đã làm ban biên tập ngần ngại và yêu cầu giản lược bớt đi. Và phóng sự đặc biệt ấy bị đổi thành tiểu thuyết mới xuất bản được.
Trước đây thì chỉ nghe nói, còn bây giờ tôi phải trực tiếp đối diện với thực tế. Sực nhớ đây là địa ngục trần gian như anh Lý đã cảnh báo nên tôi nhanh chóng lấy lại tinh thần để tiếp chiêu. Sau khi nện tôi mấy cú phủ đầu. Hắn bắt tôi cởi trần truồng. Hai mắt hắn lim dim ngắm dương vật tôi một cách đắm đuối như một gã đồng tính khát tình. Trên tay hắn mân mê sợi dây thắt lưng bộ đội trung quốc của tôi vừa mới cởi ra. Ngắm chán, hắn bảo tôi nâng dương vật lên. Hắn tiến đến nghiến răng dùng dây thắt lưng quất vào dương vật tôi tới tấp. Tôi đau buốt tới tận óc, muốn hét lên cũng không thành tiếng. Tôi không ngờ cái chiêu phải tiếp đầu tiên lại ác độc đến thế. Tôi cắn răng chịu đựng và bấm bụng: Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời! Lúc đó tôi có ý định sẽ tìm cách trả thù tên quái vật này khi ra khỏi nhà tù với lòng căm hận cao độ. Dẫu biết rằng chấp cháp với loại ’đầu trâu mặt ngựa’ này chỉ thêm bẩn tay nhưng uất ức không chịu được.
Chuyện tôi bị hành hạ và làm nhục trong trại tạm giam của công an không sao kể xiết. Hơn năm trăm năm mươi ngày trong ngục tối cơ mà. Mỗi lần nhớ tới là trái tim tôi lại quặn thắt, phẫn uất cứ như muốn nổ tung ra. Cứ mỗi lần kể ra chẳng khác nào tôi tự tra tấn mình. Nhưng vì chị và nhiều người khác cứ day dứt với hai tiếng ’tại sao’ thì tôi xin kể với ước mong chị và mọi người hình dung ra được cái chết của anh Nhật rõ ràng hơn.
Thấy chị và các mẹ cầm di ảnh của anh Nhật đứng trước cái cổng sắt sừng sững lạnh lùng vô cảm. Tôi biết chị và các mẹ đang đòi hỏi công lí, chí ít cũng là hi vọng. Nhưng than ôi! Cái cổng sắt im lìm ấy là sự trả lời của các cơ quan chức năng thời nay. Mà họ có cho người ra tiếp chị và các mẹ cũng chẳng có gì hơn. Khi tôi chuẩn bị ra tòa. Tôi đã phản ảnh với cán bộ viện kiềm sát mọi chuyện mà công an đã hành xử vô nhân tính với tôi. Nhưng ông ta đã làm ngơ lánh mặt và để cho tên trung tá công an Trần văn Thiết tiếp tục làm nhục tôi. Hôm đó tên Thiết định bắt tôi phải quỳ xuống lạy một tên tù can tội cướp giật bằng bố. Hắn còn vỗ bàn quát vào mặt tôi:
- Viện là cái gì, tòa là cái gì! Nếu không có bọn tao thì viện với tòa lấy cứt mà xử à!
Qua câu nói này của tên Thiết mong chị và mọi người hiều cho là công an đang nuôi cả viện kiểm sát và tòa án đấy. Mà tên Thiết nó nói trơ tráo vậy chứ ngẫm ra thì cũng đúng. Trong cả hai phiên tòa tôi đều khẳng định mình vô tội bằng căn cứ các văn bản hiến pháp và pháp luật hiện hành. Tôi kết tội các cơ quan tiến hành tố tụng của Hà nội đã chà đạp lên hiến pháp và pháp luật nghiêm trọng. Vậy mà chúng nó vẫn trơ tráo kết án tôi ba năm tù giam và ba năm quản chế đấy chị và mọi người ạ!
Vâng! Tôi không phải băn khoăn bởi hai tiếng ‘tại sao’ vì đã trải qua một thực tế đau đớn oan ức như vừa kể. Có thể đó là sự giải đáp phần nào cho băn khoăn của chị và mọi người. Chị Tuyền ơi! Tôi đã nén lòng căm hận để viết ra được mấy lời này, mong chị coi đây là lá thư chia sẻ nỗi niềm oan ức đau đớn mà chị và gia đình đang gánh chịu. Tôi mong lắm qua lời tâm sự này, chúng ta không phải băn khoăn bởi hai chữ ‘tại sao’ nữa. Chúng ta hãy siết chặt tay nhau quyết đi tìm công lí, bằng mọi biện pháp, nhưng với thái độ cương quyết và ôn hòa phải không chị?
No comments:
Post a Comment