Mai Xuân Dũng - Trong mọi vấn đề mà chính trị không là ngoại lệ, những nhầm lẫn chính sách hiện diện khắp nơi ở mọi giai đoạn lịch sử. Có những nhầm lẫn do ấu trĩ, có những nhầm lẫn mang tính hệ thống có chủ định.
Một ví dụ: Khi đời sống dân chúng được nâng lên từ chỗ ngày hai bữa, sáng sắn chiều cơm đến chỗ ngày ba bữa sáng phở, trưa cơm, chiều thích cơm có cơm thích phở có phở thì Đảng bảo: dưới sự lãnh đạo của Đảng, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và từng bước giàu lên. Ai cũng thừa nhận chuyện dân ta có cái ăn cái mặc tốt hơn trước nhưng bé cái nhầm ở chỗ đâu phải nhờ lộc Đảng ban cho. Dân có cái ăn cái mặc do chính dân vẫn vật lộn với đất gội nắng dầm mưa như đã từng như vậy nhưng khác ở chỗ trước đây Đảng trói dân trong cơ chế hợp tác hóa nhưng khi sợi thừng cơ chế được tháo bỏ, nhân dân đã thở được, chân tay được tự do nhiều hơn để hết lòng cày cuốc trên các thửa ruộng. Điều đó không phải Đảng hay bất cứ ai ban cho.
Cũng vậy, tư duy của mấy chục năm trước ở lĩnh vực khác như quản lý tư tưởng có thể sẽ là sợi thừng trói chân tiến bộ xã hội trong khi tiến bộ xã hội là tiền đề cho bước đi của đất nước hướng đến một xã hội công bằng, thúc đẩy sự giải phóng năng lượng sáng tạo của con người đóng góp vào tương lai phồn vinh cho một dân tộc, cho nhân loại. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định bổ nhiệm Trung tướng Phạm Dũng - Uỷ viên Đảng ủy Công an Trung ương, Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh II, Bộ Công an - giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ. Việc thuyên chuyển cán bộ từ một lĩnh vực công tác này sang một lĩnh vực công tác khác là một việc rất bình thường trong bộ máy nhà nước. Tuy nhiên việc một cán bộ công an cao cấp được cơ cấu vào một lĩnh vực công tác vốn mang tính dân sự như Nội vụ và Tôn giáo lại là điều rất đáng quan tâm. Đó có phải là tư duy công an hóa bộ máy nhà nước và siết chặt quản lý Tôn giáo?
Trong bộ máy nhà nước Việt nam hiện nay, chức năng chính của Bộ Nội vụ là tổ chức bộ máy quản lý nhà nước, quản lý cán bộ.
Nhìn vào hệ thống cơ cấu nhà nước có thể sơ bộ đoán định được tính ưu việt hoặc thiên hướng chính trị của nhà nước đó. Dù là nhà nước ở chế độ chính trị nào đi nữa thì : “Nhà nước là một bộ máy để cho giai cấp này áp bức giai cấp khác” (như Lê nin đã từng viết).
Trong một xã hội có giai cấp, giai cấp bị áp bức luôn là giai cấp không có quyền lực, nghèo khổ muốn thay đổi số phận bằng tranh đấu. Bởi vậy, giai cấp có quyền lực, có đặc lợi phải dùng nhà nước làm công cụ áp bức, đè bẹp giai cấp kia. Trong bộ máy nhà nước, công an, cảnh sát là một công cụ sắc bén đàn áp giai cấp đối kháng. Nếu nhà nước là một thanh gươm thì công an là lưỡi gươm. Trong cỗ máy nhà nước, một bộ không hoặc chưa có cán bộ công an làm nòng cốt sẽ là một điều “khiếm khuyết”?
Tất nhiên, bất kỳ một “công cụ nào” cũng có mặt trái của nó. Trong lịch sử phát triển các nhà nước, đã là “công cụ” thì “tố chất” cốt tử là phải được “rô bốt” hóa “lập trình” hóa. Trên thế giới đã từng có những Nhà nước cảnh sát. Thuật ngữ “Nhà nước cảnh sát” (police state) được dùng để chỉ một quốc gia mà chính phủ của nó thực hiện các biện pháp kiểm soát cứng rắn và có tính áp bức đối với đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của toàn dân. Nhà nước cảnh sát thường bộc lộ các yếu tố của Chủ nghĩa toàn trị và kiểm soát xã hội. Thông thường, có ít hoặc không có khác biệt giữa luật pháp và việc thực thi quyền lực chính trị của người đứng đầu nhà nước trong một nhà nước cảnh sát. Nhưng nếu đưa công an cảnh sát nắm quyền lực trong bộ máy nhà nước có phải là một cứu cánh cho một nhà nước khi nhà nước đó bị mất niềm tin do lỗi hệ thống biểu hiện bằng các hiện tượng tham nhũng, bất công, ức hiếp quần chúng tràn lan?
Platon (427-347 tr.CN) – nhà triết học xuất sắc thời Hy Lạp cổ đại, ông tổ của thuyết duy tâm khách quan, xuất thân quý tộc, nhưng không chịu nổi thói cơ hội của bọn cầm quyền Athena. Bị thôi thúc bởi cái chết bi tráng do dám đối đầu với nhà nước của ông thầy Xôcrat đã ám ảnh ông suốt đời. Platon trăn trở tìm những phương cách để nâng cao chất lượng lãnh đạo nhà nước. Nhà nước lý tưởng, theo ông là mô hình được đề cập trong tác phẩm Cộng hòa. Theo đó, xã hội được cai trị bởi nhà nước chủ nô quý tộc, tồn tại trên cơ sở 3 đẳng cấp: những người cai trị xã hội, những người giữ xã hội và những người nuôi xã hội. Mỗi đẳng cấp có một quyền uy và địa vị khác nhau. Con người sống trong xã hội phải phục tùng nhà nước, phải sống vì nhà nước. Và để tồn tại nhà nước này, các nhà triết học và vệ binh không được có tài sản riêng, gia đình riêng vì họ làm việc công, nếu có tài sản riêng, gia đình riêng họ sẽ chỉ phục vụ cho gia đình mình, mang tài sản về nhà mình. Dù có mâu thuẫn và bất hợp lý, nhưng với tư tưởng này, Platon đã manh nha xóa bỏ chế độ tư hữu.
Hêghen, đại biểu tư tưởng cho giới quí tộc Phổ lại cho rằng Nhà nước Phổ (thế kỷ XVI - XVII) là "hình mẫu lý tưởng", là hình thức Nhà nước "tuyệt đích cuối cùng" mà loài người có thể mơ thấy và do đó trách nhiệm của mỗi công dân là phải phục tùng nó.
Đối lập với những quan niệm ấy, Mác và Ăngghen khi chứng minh và luận giải về tính tất yếu của cuộc đấu tranh giai cấp vô sản sẽ dẫn đến chuyên chính vô sản, đã đi đến kết luận rằng: chuyên chính vô sản là "đỉnh cao cách mạng" của cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản. Song ngay từ lúc đó, các ông đã ý thức được rằng Nhà nước chuyên chính vô sản chẳng qua cũng chỉ là "Nhà nước nửa Nhà nước", là hình thức quá độ để nhà nước tiêu vong. Điều này được thể hiện rõ ngay trong "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản". Khi phác thảo những nét cơ bản của xã hội cộng sản chủ nghĩa tương lai, Mác và Ăngghen viết: "... nếu giai cấp vô sản thông qua con đường cách mạng mà trở thành giai cấp thống trị và với tư cách là giai cấp thống trị, nó dùng bạo lực tiêu diệt chế độ sản xuất cũ, thì đồng thời với việc tiêu diệt chế độ sản xuất ấy, nó cũng tiêu diệt luôn cả những điều kiện của sự đối kháng giai cấp, nó tiêu diệt cả sự thống trị của giai cấp mình”.
Đi tìm mặt trái của mô hình nhà nước chuyên chính, có thể đưa ra vài ví dụ ở Liên xô cũ, các nước trong khối Hiệp ước Vác sa va, Bắc Triều tiên hoặc ở nước ta, nếu nhà nước cơ cấu cho một số cán bộ công an đổi cảnh phục để mặc áo vét như trường hợp ông Nguyễn Văn Thành Bí thư Thành ủy Hải Phòng là một trong nhiều ví dụ khác. Sự kiên quyết lạnh lùng khi quyết định điều động lực lượng công an quân đội hùng hậu để cưỡng chế một cái đầm tôm của nông dân ở Tiên lãng giống như thực hiện một chiến dịch quân sự vừa qua của chính quyền thành phố Hải phòng cho thấy vai trò “tố chất công an” đã đem đến một sự khủng hoảng chính trị tiềm ẩn nhiều nguy hiểm như thế nào.
Trong vụ việc cưỡng chế và hậu cưỡng chế đầm tôm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, vai trò nổi bật của các ông Nguyễn Văn Thành, Đỗ Hữu Ca là không thể phủ nhận. Tính “rô bốt” và những hạn chế đương nhiên của nó, sự thiếu vắng tư duy nhân bản dẫn lối cho hành động đã khiến ông Thành ông Ca luôn “vấp” ở tất cả các khâu quan trọng trong quá trình “vận động theo lập trình cũ”. Một loạt các sai phạm nghiêm trọng như sử dụng quân đội đàn áp nhân dân, xả súng quá mức, ủi phá nhà nạn nhân của chính quyền Hải Phòng chưa kịp sửa chữa thì các sai phạm tiếp theo: vu vạ, đổ tội phá nhà dân cho “nhân dân”, bao che, chối tội v.v và v.v. đã làm cho bộ mặt “nhà nước Hải Phòng” lõa lồ trước công luận trong nước và thế giới. Chưa hết. Một khiếm khuyết bất ngờ khác ở Hải Phòng xảy ra ngoài sự tính toán của chính phủ. Khi người đứng đầu cỗ máy nhà nước “rì pe” con “rô bốt” Hải Phòng, bỗng nó giở chứng tự “đoản mạch” tóe lửa, người vận hành trên thực tế bị “bỏng mặt”. Đó là việc ông Thành bí thư Hải phòng dám công khai “đánh nguội” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc tiếp xúc với các cụ hưu trí lão thành cách mạng tại câu lạc bộ Bạch Đằng.
Trở lại việc Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Trung tướng công an cỡ Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh II, Bộ Công an - giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ. Chính quyền mất sự cảm nhận tinh tế chính trị nên mới để xảy ra những vụ Đồng Chiêm, Cồn Dầu, Khâm Sứ, Thái Hà. Hậu quả của chính sách đó chưa thể lường hết. Đây là các núi lửa đã tạm dừng phun trào nham thạch nhưng sự vận động nội tại tiềm ẩn các đợt bùng phát có thể dữ dội hơn nữa. Điều đó có xảy ra sớm hay muộn trong thời gian tới phụ thuộc một phần vào yếu tố chính sách của Ban Tôn giáo Chính phủ. Lợi bất cập hại là điều chắc chắn khi nhà nước tính toán để hiện thực việc công an hóa Ban Tôn giáo Chính phủ. Chính vì thế việc giải quyết các vấn đề tôn giáo cần phải được đặt ra như là một vấn đề cấp thiết, đòi hỏi phải có những phương pháp giải quyết đúng đắn. Công an hóa Ban Tôn giáo có là khôn ngoan? Hãy đọc lại chính mấy ông tổ cộng sản Mác – Lênin đã từng chỉ ra rằng: “Chỉ những kẻ ngu ngốc mới tuyên chiến với tôn giáo”.
Tôn giáo là hiện thực tự nhiên của sự vận động tất yếu trong xã hội con người. Mác nói: Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng giống như nó là tinh thần của những trật tự không có tinh thần. Dùng bạo lực tiêu diệt giai cấp, tiêu diệt tôn giáo cũng có nghĩa tiêu diệt luôn cả những điều kiện của sự đối kháng giai cấp, nó tiêu diệt cả sự thống trị của giai cấp mình. Cách thức đưa Việt Nam trở lại một thể chế Nhà nước cảnh sát như Bắc Triều Tiên hiện nay chắc là con đường ngắn nhất đến với một nhà nước tiêu vong.
Đó là lý thuyết được thực tế kiểm chứng trên khắp thế giới từ Ceausescu đến Gaddafi. Lẽ nào ở điều kiện Việt nam với hơn 80 triệu dân, tính“đặc thù” sẽ hoàn toàn khác với quy luật tự nhiên phổ quát của toàn thể nhân loại?
Trong một thời điểm nào đó, thực thể vận hành “rô bốt” liệu có thể là nạn nhân, là đối tượng chịu sự điều khiển của chính cỗ máy mình tạo ra?
M. X. D.
http://boxitvn.blogspot.com/2012/02/co-nen-cong-hoa-bo-may-nha-nuoc.html#more
No comments:
Post a Comment