Saturday, January 21, 2012

Vụ Vinashin: Vay $1, xin trả 35 xu



WESTMINSTER (NV) - Vụ Vinashin ảnh hưởng đến điểm tín dụng của chính phủ, Hà Nội phải tránh tạo “tiền lệ Vinashin,” thứ tiền lệ có thể cản trở Việt Nam tiếp cận thị trường tư bản quốc tế. Tờ International Financing Review viết trong bài bình luận ngày 20 Tháng Giêng, 2012.

Thông điệp của bài báo rất rõ ràng: “Vụ Vinashin” là chuyện của chính quyền Hà Nội, có chứng cứ xác định rạch ròi; và Việt Nam cần hiểu đây không còn là vấn đề của cá nhân một công ty - cho dầu là công ty do nhà nước làm chủ.
Nếu Hà Nội không giải quyết rốt ráo các khoản nợ của Vinashin, hậu quả sẽ dây dưa, kéo dài, dính đến nhiều tập đoàn quốc doanh khác, và rất có thể sẽ đưa đến chuyện Trung Quốc làm chủ tài sản của các công ty ngoại quốc ngay tại Việt Nam.
Cách đây 6 năm, năm 2005, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng lần đầu tiên đưa ra tham vọng nâng nền công nghiệp tàu biển Việt Nam lên nằm trong số 4 quốc gia đóng tàu lớn nhất thế giới, chiếm tỷ lệ 50% GDP của cả nước vào thời điểm 2020.
Ðể thực hiện điều này, ông Dũng gom 200 công ty nhỏ vào thành một công ty duy nhất, lấy tên Vinashin. Sau đó, trong một lần gặp gỡ với đại diện Standard & Poor's, ông Dũng yêu cầu công ty này cho Vinashin điểm tín dụng bằng với tín dụng của chính phủ.
S&P thực hiện yêu cầu này. Tiếp theo là công ty Moody's. Ðến năm 2007, Vinashin vay được $600 triệu thông qua Credit Suisse, kèm với thư bảo đảm của chính quyền Hà Nội, hứa hỗ trợ Vinashin, về tài chánh cũng như hoạt động.
Mọi chuyện có vẻ tốt đẹp, cho đến năm 2010. Thời điểm này, Hà Nội tuyên bố phát hiện hàng loạt sai phạm trong Vinashin, mặc dầu chưa bao giờ nói rõ là bao nhiêu tiền bị thất thoát, và thất thoát đi đâu.
Chính quyền Việt Nam nói rằng lãnh đạo Vinashin mang tiền tập đoàn đi đầu tư vào hàng loạt dự án không dính dáng đến tàu biển, chẳng hạn du lịch, sản xuất xe máy, kinh doanh địa ốc. Nhiều cấp lãnh đạo Vinashin bị mang ra kỷ luật. Mọi chuyện trông có vẻ khả quan, trừ mỗi một điều: Số tiền nợ $600 triệu vẫn chưa được giải quyết.
Chủ nợ chính yếu của Vinashin bao gồm các công ty Credit Suisse, DEPFA, Elliott và Maybank. Số tiền nợ chỉ được Vinashin trả một lần, dưới hình thức tiền lãi, hồi Tháng Sáu, 2010. Các khoản khác, đến thời điểm phải trả, đều bị trễ. Các công ty Moody's cùng S&P sau đó quyết định hạ điểm tín dụng của chính phủ Việt Nam, cùng lúc cắt luôn việc đánh giá tín dụng Vinashin. Vụ vay tiền chính thức được xem là “vỡ nợ.”
Tiếp sau đó, Vinashin đồng ý tham gia vào tiến trình tái cấu trúc dưới sự giám sát của một ủy ban do các chủ nợ thành lập, do Elliott và DEPFA đứng đầu. Sau chín tháng thương lượng căng thẳng, phía Vinashin đưa ra đề nghị khiến các chủ nợ “té ngửa:” Cứ mỗi $1 tiền nợ, Vinashin sẽ trả 35 xu!
Quá bực mình, công ty Elliott tuyên bố rút lui khỏi ủy ban giám sát, đồng thời quyết định kiện Vinashin ra tòa án Anh Quốc.
Elliott có thể dễ dàng thắng kiện tại tòa Anh Quốc, nhưng không ai có thể khẳng định án lệnh của một tòa nước ngoài có thể được thi hành tại một địa điểm khác, nơi tài sản được đầu tư.
Chuyện Vinashin không chỉ có thế. Rắc rối nằm ở chỗ, một phần lớn tài sản của công ty này nay được chuyển sang cho sở hữu chủ khác, cũng là các tập đoàn quốc doanh, là Vinalines và Petro Vietnam. Ðiều này khiến hai công ty Vinalines và Petro Vietnam có thể bị liên lụy với các khoản nợ của riêng họ. Vỡ nợ dây chuyền là điều có thể xảy ra!
Nhưng điều rắc rối nhất cũng chưa dừng tại đây. Hiện nay, Petro Vietnam đang đi hỏi vay vốn để mua tài sản hãng dầu khí ConocoPhillips tại Việt Nam (lên đến $1.5 tỷ). Người ta đồn rằng, chính phủ Việt Nam đang lo ngại, nếu Petro Vietnam không vay được vốn, thì chính phủ Trung Quốc sẽ nhảy vào. Viễn cảnh Bắc Kinh làm chủ tài sản của ConocoPhillips tại Việt Nam trong bối cảnh tranh chấp biển đảo giữa hai quốc gia quả là điều khó chịu, cho Hà Nội!
Ðứng ra lãnh nợ cho Vinashin khiến Petro Vietnam rơi vào tình huống “bị trói tay.”
Bài học cho giới tư bản ngoại quốc trong trường hợp này là rất rõ ràng: Phải luôn luôn cẩn trọng với quyết định cho điểm tín dụng dựa trên các “công cụ hỗ trợ” kiểu như thư bảo đảm của chính phủ.
Vụ Vinashin phải được hiểu như thế này: Ðịnh chế bị phá sản, trên thực tế, là chính quyền Hà Nội, cơ quan đứng ra lãnh nợ cho Vinashin, chứ không phải cá nhân Vinashin. Và nếu Việt Nam còn hy vọng tiếp cận giới đầu tư ngoại quốc, thì hãy giải quyết cho rõ ràng vụ nợ này. Ðừng tạo tiền lệ xấu! (Ð.B.)

No comments:

Post a Comment