Friday, January 27, 2012

Vai trò quan trọng của bà Aung San Suu Kyi trong liên minh chính trị tại Miến Điện



Đức Tâm - Các cải cách chính trị nhanh và trên quy mô lớn tại Miến Điện đều dựa trên những liên minh chính trị mong manh, trong đó lãnh đạo đối lập, bà Aung San Suu Kyi, đóng vai trò quan trọng. Sau hơn một nửa thế kỷ độc quyền lãnh đạo, giới tướng lãnh đã tổ chức vào tháng 11 năm 2010 cuộc bầu cử Quốc hội mà phương Tây gọi là «trò hề», rồi sau đó, nhiều tướng lãnh được lệnh trút bỏ quân phục, để tham gia vào một chính phủ «dân sự».


Từ tháng Ba năm ngoái, Miến Điện đặt dưới quyền lãnh đạo của hai cựu tướng lãnh, được đánh giá là hai nhà cải tổ năng động : Đó là tổng thống Thein Sein và chủ tịch Hạ viện Shwe Mann. Đến tháng Tám, bà Aung San Suu Kyi, giải Nobel Hòa bình, được mời tham gia, hợp tác với cặp lãnh đạo này.
Tổng thống Thein Sein đã đích thân tiếp bà Aung San Suu Kyi và cho phép Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (LND) của bà được đăng ký hoạt động trở lại. Đảng này đã bị giải thể năm 2010, vì tẩy chay cuộc bầu cử Quốc hội.
Trong khi đó, chủ tịch Hạ viện Shwe Mann tỏ thái độ vui mừng về viễn cảnh lãnh đạo đối lập sẽ trở thành dân biểu sau cuộc bầu cử bổ sung vào tháng Tư năm nay.
Theo giới quan sát, đó là một sự hồi sinh chính trị ngoạn mục đối với bà Aung San Suu Kyi, người vốn bị thống chế Than Shwe căm ghét. Nguyên là lãnh đạo số một của chính quyền quân sự Miến Điện, tướng Than Shwe đã nghỉ hưu hồi tháng Ba năm ngoái và theo các nguồn tin chính thức, thì ông không tham gia vào các hoạt động chính trị nữa. Một số nhà phân tích cho rằng, nhân vật này vẫn có ảnh hưởng và giật dây ở hậu trường.
Tuy nhiên, giáo sư Aung Tun Thet, hiện là cố vấn của Liên Hiệp Quốc tại Rangoon, nhận định : «Thế hệ các quan chức quân sự mới đã chấp nhận bà Aung San Suu Kyi và bà cũng chấp nhận thế hệ mới này».
Theo giải thích của ông Toe Naing Mann, con trai chủ tịch Hạ viện Miến Điện, thì việc bà Aung San Suu Kyi và hai cựu tướng lãnh chấp nhận làm việc với nhau là do họ có cùng các mục tiêu. Hơn nữa, cả ba đã ngoài 60 tuổi. Ông nói : «Ba người có thể cùng hợp tác với nhau trong khoảng 5 năm. Đối với họ, đó là cơ hội đầu tiên và cũng là cuối cùng. Họ sẽ phải chịu trách nhiệm, nếu không nắm lấy cơ hội này».
Giới quan sát nhấn mạnh là tiến trình dân chủ hóa hiện nay tại Miến Điện còn rất mong manh bởi vì các cải cách đang làm một bộ phận quân đội khó chịu. Nếu như các cựu tướng lãnh trong bộ máy cầm quyền muốn đẩy nhanh nhịp độ cải cách, thì một số đông khác trong quân đội có thái độ chờ thời.
Tân chính quyền Miến Điện rất cần có được ngay những kết quả kinh tế, tăng trưởng và đầu tư. Muốn vậy, thì phải được phương Tây hỗ trợ và bãi bỏ lệnh cấm vận. Chính trong hồ sơ này, bà Aung San Suu Kyi có vai trò gần như quyết định, do bà rất có uy tín trong công luận Mỹ và châu Âu.
Sau chuyến công du Miến Điện vừa qua, thượng nghị sĩ Joe Lieberman tuyên bố rằng, phía Hoa Kỳ tin tưởng vào tiến trình thay đổi tại Miến Điện, bởi vì bà Aung San Suu Kyi cũng tin như vậy.
Từ nhiều tháng nay, tất cả các chính khách cấp cao nước ngoài khi đến công du Miến Điện đều có cuộc gặp với lãnh đạo đối lập. Thậm chí, giữa tháng 12 năm ngoái, đại sứ Trung Quốc ở Miến Điện cũng tiếp bà Aung San Suu Kyi. Trước đó, hồi tháng 11, trên đường tới Indonesia dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, đích thân tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi điện thoại tới bà để trao đổi về tình hình Miến Điện, trước khi ông thông báo cử Ngoại trưởng Hillary Clinton sang thăm nước này.
Aung San Suu Kyi meets with US Secretary of State Hillary Rodham Clinton in Yangon (1 December 2011)
Một nhà quan sát ngoại quốc thường xuyên gặp lãnh đạo đối lập Miến Điện nhận xét, từ vị trí là một biểu tượng, bà Aung San Suu Kyi đã chuyển đổi thành một chính trị gia và ở cương vị này, giống như các cựu tướng lãnh hiện trong chính quyền, bà cũng đang trong quá trình «vừa học vừa làm».
Đức Tâm [RFI]

No comments:

Post a Comment