Phạm Ngọc Uyển - Bất chấp ngân sách quốc phòng bị cắt giảm mạnh, Mỹ vẫn chủ trương hiện diện mạnh mẽ ở châu Á-Thái Bình Dương cả về kinh tế lẫn quốc phòng.
Hai tháng qua châu Á - Thái Bình Dương trở thành tâm điểm của chính trị Mỹ với các chuyến thăm ngoại giao con thoi của Tổng thống Obama, Bộ trưởng Quốc phòng Panetta và Ngoại trưởng Hillary Clinton.
Tổng thống Obama đã hùng hồn tuyên bố, dù phải cắt giảm ngân sách quốc phòng trong những năm tới nhưng điều đó không hề ảnh hưởng đến cam kết của Mỹ với khu vực.
Cần lưu ý, Mỹ đang xây dựng một Bộ Quốc phòng minh bạch hơn trong thời kỳ Hậu Iraq và Hậu Afghanistan để chấp nhận mức cắt giảm ngân sách lên đến 460 tỷ USD trong 10 năm tới.
Trong tháng 10/2011, khi “siêu ủy ban” Quốc hội về cắt giảm thâm hụt ngân sách vẫn còn phải làm việc thì Bộ Trưởng Quốc phòng Panetta tuyên bố ở Nhật Bản: “Chúng tôi sẽ không chỉ duy trì mà còn tăng cường sự hiện diện của mình ở khu vực này của thế giới”.
Ngày 22/11, Ben Rhodes, Phó cố vấn an ninh quốc gia tại Nhà Trắng về chiến lược truyền thông đã phát biểu tại một cuộc họp báo: “Khi chúng tôi xem xét cắt giảm, chúng tôi sẽ phải chắc chắn đảm bảo được khả năng duy trì sự hiện diện ở châu Á - Thái Bình Dương.”
Trước đó, thông báo ngày 16/11 về việc luân chuyển quân với 250 lính thủy đánh bộ Mỹ đến các căn cứ quân sự của Australia trong các đợt tập trận chung trong năm 2012 (nâng tổng số lính thủy đánh bộ lên 2.500 quân) đã nhấn mạnh sự khởi đầu của cái gọi là "trục ở khu vực".
Thiếu tướng Không quân Michael Keltz, Giám đốc phụ trách về kế hoạch chiến lược và chính sách ở khu vực đã nhận xét: “Sự hiện diện của chúng tôi ở Thái Bình Dương là tiếp tục tăng cường mối quan hệ với các đồng minh…Chúng tôi đã giảm một ít về số lượng, nhưng chúng tôi đã lặng lẽ và tăng cường các khả năng của mình một cách rất hiệu quả ở Thái Bình Dương”.
Quân đội Mỹ ở khắp Thái Bình Dương
Tướng Keltz cho biết, 3 trong số 6 phi đội tiêm kích F-22 đồn trú bên ngoài nước Mỹ đóng tại Thái Bình Dương. Trong đó, 1 phi đội Phòng vệ quốc gia đóng ở Hawaii và 2 phi đội ở Alaska chuyển đến Guam và Nhật Bản. Ngoài ra, 2 phi đội máy bay vận tải cỡ lớn C-17 của Quân đội Mỹ đóng ở Alaska và Hawaii. Thêm vào đó, máy bay trinh sát không người lái tầm xa đầu tiên được triển khai ngoài Guam.
Hiện Mỹ có khoảng 31 tàu ngầm hạt nhân tấn công ở Thái Bình Dương, cùng với 8 tàu ngầm hạt nhân chiến lược, 3 trong số 8 tàu đó thường xuyên tuần tra. Tiếp đó là Hạm đội 7 quảng cáo tàu sân bay USS George Washington trên trang mạng của mình là “Hàng không mẫu hạm tiền tiêu duy nhất trên thế giới” có căn cứ tại Yakosuka, Nhật Bản.
Ngoài ra, phải kể đến 2 tàu tuần dương trang bị tên lửa của Hải quân Mỹ và 7 tàu khu trục được trang bị tên lửa. Thêm vào đó, một lực lượng triển khai tiền phương đang đóng tại căn cứ Sasebo, Nhật Bản, được biên chế hầu như toàn bộ các tàu đổ bộ lớp Essex. Căn cứ này chứa khoảng 33 máy bay và 1.800 lính thủy đánh bộ với các tàu đổ bộ riêng của mình.
Singapore đã xây dựng một căn cứ quân sự, ChangiPier, để mời chào Hải quân Mỹ đến thường trú và sửa chữa. Tiếp đến là các cơ sở căn cứ ở Australia và Hàn Quốc được xây dựng trước ngày 11/9/2001.
Còn nhớ, Tướng Yin Zhuo, Đô đốc Hải quân Trung Quốc cho biết, việc Trung Quốc tham gia các cuộc tuần tra chống hải tặc ở Vịnh Aden cho thấy “các thiết bị của hải quân không thực sự phù hợp với các chiến dịch xa khơi”. Trong bối cảnh như vậy tại sao Mỹ lại cần nhấn mạnh về tăng cường lực lượng ở Thái Bình Dương?
Các quan chức Mỹ luôn nhắc đi nhắc lại quan điểm được Ngoại trưởng Clinton đưa ra ngày 18/11 trong trả lời phỏng vấn với ABC News.
“Chúng tôi hành động theo hướng tăng cường những lợi ích và giá trị của mình… Đứng đầu danh sách ưu tiên là phản ứng nhanh đối với các thảm họa. Mỹ là một nước hào phóng”, bà Clinton phát biểu khi nói về vấn đề lính thủy đánh bộ Mỹ tới Australia.
Nhưng người ta đâu có dùng tàu sân bay, máy bay không người lái hay những lực lượng đặc biệt để ngăn chặn thảm họa thiên nhiên.
Theo Phạm Ngọc Uyển (Đất Việt)
No comments:
Post a Comment