Wednesday, December 7, 2011

Lối thoát nào cho khủng hoảng tại châu Âu?


Yếu tố mấu chốt giúp kinh tế Hàn Quốc phục hồi nằm ở chính sách hạ giá đồng won. Châu Âu hoàn toàn có thể tìm được cho mình lối thoát theo hướng này.
Nếu nhìn qua, vấn đề tại khu vực đồng tiền chung châu Âu hiện nay và Hàn Quốc mùa thu năm 1997 khác nhau rất nhiều. Chắc chắn, cả hai đều đang đối đầu với khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên vấn đề của châu Âu bắt nguồn từ nợ công của chính phủ cao trong khi đó Hàn Quốc gặp rắc rối khi vốn bị rút mạnh khỏi nước này và đồng tiền sụp đổ, phần lớn nợ thuộc lĩnh vực doanh nghiệp.
Dù vậy, khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể học hỏi từ Hàn Quốc, nước đã vượt qua khủng hoảng nhanh hơn so với kỳ vọng của bất kỳ chuyên gia nào, ngoài ra chính phủ Hàn Quốc cũng đưa ra nhiều chính sách cải tổ hợp lý, kinh tế phục hồi nhanh chóng. Yếu tố mấu chốt giúp kinh tế Hàn Quốc phục hồi nằm ở chính sách hạ giá đồng won. Châu Âu hoàn toàn có thể chọn hạ giá đồng euro để giúp kinh tế phục hồi.
Mỗi cuộc khủng hoảng đều khác nhau, thế nhưng kinh tế Hàn Quốc có nhiều đặc điểm chung với các nền kinh tế mới nổi thập niên 1990. Các tập đoàn lớn có mối ràng buộc chặt chẽ về chính trị, được biết đến với tên chaebol, tăng trưởng nhanh chóng nhờ vay được nguồn vốn giá rẻ. Cổ đông bên ngoài không thể có nhiều quyền ảnh hưởng lên cá nhân quyền lực nắm giữ các chaebol, chủ nợ cho vay tiền thoải mái bởi mặc nhiên cho rằng các chaebol quá quan trọng đến nỗi chính phủ sẽ không dám để họ phá sản.
Trong khi đó, các yếu tố chính trị góp phần quan trọng khiến nợ tăng cao, tạo ra nhiều yếu tố dễ chịu tổn thương và nhanh chóng biến thành khủng hoảng kinh tế một khi nhà đầu tư trở nên căng thẳng. Dù các ngân hàng nhà nước Hàn Quốc trên danh nghĩa kiểm soát dòng vốn, mối quan hệ chặt chẽ giữa lĩnh vực tư nhân và chính phủ đồng nghĩa các tập đoàn không có nhiều lý do để lo sợ.
Mùa thu năm 1997, sau khi khủng hoảng gây chấn động Thái Lan và Indonexia, tâm lý hoảng sợ bùng phát tại Hàn Quốc. Khi đồng nội tệ sụt giá, nợ trong lĩnh vực doanh nghiệp tăng cao hơn và khiến tâm lý hoảng sợ lan rộng. Sự hỗ trợ ban đầu của IMF không giúp ổn định tình hình.
Khu vực đồng tiền chung châu Âu không nợ bên ngoài, phần lớn nợ là đồng euro và chủ yếu chính phủ các nước châu Âu nợ ngân hàng. Tuy nhiên sự kết hợp này cũng thật tồi tệ, trường hợp của Hy Lạp và Italy cho thấy điều đó. Bản chất nợ châu Âu khác với nợ của Hàn Quốc, thế nhưng trong cả hai trường hợp đều vượt quá khả năng.
Cách tốt nhất để thoát ra khỏi khủng hoảng đó là tăng trưởng kinh tế, giảm tỷ lệ nợ/GDP và việc trả lãi suất sẽ trở nên hợp lý hơn. Châu Âu chẳng cò nhiều lựa chọn chính sách: chính sách tài khóa chịu hạn chế bởi nợ cao; Ngân hàng Trung ương châu Âu do lo sợ về lạm phát đã thắt chặt chính sách tiền tệ.
Các nhà hoạch định chính sách châu Âu cho đến nay chưa đưa ra được biện pháp nào để giúp kinh tế tăng trưởng nhanh trong ngắn hạn. Vào tháng 9/2011, chính phủ Bồ Đào Nha đưa ra giải pháp hạ giá nội địa, giảm lương, tăng thuế. Không lâu sau đó họ phải bỏ chính sách trên bởi không nhận được sự ủng hộ về chính trị.
Chính sách hạ giá đồng tiền, mặt khác, sẽ phát huy tác dụng cho nền kinh tế thực. Nếu đã điều chỉnh với lạm phát, nền kinh tế Italy đầy khó khăn sẽ tăng trưởng trở lại nếu đồng euro hạ giá 30%. Năm 1997, kinh tế Hàn Quốc tuột dốc thê thảm. Kinh tế năm 1998 vẫn khó khăn nhưng đến năm 1999 tăng trưởng tới 11,1%.
Việc hạ giá đồng euro sẽ khó khăn hơn rất nhiều bởi nó là đồng tiền có tỷ giá trôi nổi và không chịu nhiều biện pháp can thiệp. Tỷ giá chủ yếu được thị trường quyết định, tùy thuộc vào chính sách tiền tệ. Nếu ECB đồng ý nới lỏng chính sách tiền tệ hoặc cung cấp đủ thanh khoản cho các chương trình giải cứu, nhà đầu tư sẽ sợ hãi về lạm phát và đồng euro suy yếu. Nói cách khác, nếu ECB để một số nước lớn như Italy vỡ nợ, đồng euro sẽ lại suy yếu bởi nhà đầu tư sợ hãi về rủi ro vỡ nợ lây lan.
Dù lãnh đạo các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu không bao giờ tuyên bố về chính sách hạ giá đồng tiền, dường như mọi chính sách đều đi theo hướng đó.
Tất nhiên, hoạt động hạ giá đồng tiền không phải lúc nào cũng là thuốc chữa “bách bệnh”. Hàn Quốc cũng gặp rất nhiều khó khăn, trong đó phải kể đến sự đối đầu giữa chính phủ và nhóm tập đoàn lớn nhất, các tập đoàn nhiều khi đã ngang nhiên vi phạm pháp luật. Sau nhiều bất đồng, cuối cùng chính phủ đã để cho Daewoo phá sản và sau đó phải tiến hành tái cấu trúc. Nhìn chung, chính phủ Hàn Quốc cố gắng hạn chế quyền lực quá lớn của giới doanh nghiệp.
Tương tự như vậy, châu Âu cần phải giải quyết nhiều vấn đề cấu trúc. Châu Âu cần đến một trung tâm tài khóa giống như Mỹ có một cơ quan liên bang về thuế vào năm 1787.
Nếu châu Âu có thể hạ giá được đồng euro, châu Âu sẽ có thể thực hiện được hoạt động quản trị nội bộ. Và dù muốn nay không, áp lực lên đồng euro ngày một lớn sẽ buộc các nhà hoạch định chính sách châu Âu phải hành động.
Đình Hảo
Theo TTVN

No comments:

Post a Comment