Saturday, December 31, 2011

Giã Từ Năm 2011



Trần Chí Phúc - Chỉ còn một ngày nữa là tấm lịch mang số 2011 được lấy xuống, ngồi suy gẫm bao chuyện đã xảy ra trong năm sắp hết.

Có lẽ điều nổi bật nhất là dân số loài người đã lên tới con số 7 tỉ vào cuối tháng 10, thống kê cho biết thập niên 1960 số nhân khẩu là 3 tỉ, cuối năm 1999 là 6 tỉ và theo đà tiến này thì năm 2020 nhân loại sẽ có 8 tỉ người. Cứ tăng hoài dân số thì tới một ngày nào đó quả đất sẽ không đủ nuôi sống loài người và sẽ có một biến cố ghê gớm nào đó xảy ra. Nói điều này để nhắc rằng không nên buồn nhiều khi có người thân ra đi vì nếu không có ai chết thì chỗ trống nào để những đứa bé mới ra đời.
Giã từ năm 2011, một năm của “cách mạng hoa lài” nổi lên từ các nước châu Phi và Trung Đông lật đổ một số chính quyền độc tài. Đi trước là nước Tunisia, dân chúng biểu tình phản đối tham nhũng độc tài thất nghiệp cao đời sống khó khăn và cuối cùng làn sóng người tham gia lớn mạnh khiến tổng thống Ben Ali phải từ chức và lưu vong nước ngoài ngày 14/1 sau 24 năm nắm quyền. Bắt nguồn từ một vụ tự thiêu của sinh viên tên Mohamed Bouazizi thất nghiệp bán hàng rong ở vỉa phố bị cảnh sát cấm bắt và chỉ trong 28 ngày cuộc nổi dậy đã thành công.
Luồng gió cách mạng mùa xuân Ả Rập tiếp tục thổi tung chế độ của tổng thống Mubarak trụ trì suốt 30 năm chỉ trong vòng 18 ngày biểu tình, ông phải từ chức vào ngày 25/1 và bị quản thúc, ủy ban quân sự đang điều tra các tội tham nhũng lạm quyền và nghi ngờ vai trò của ông ta trong vụ ám sát tổng thống Anwar Sadat năm 1981.
Tuy nhiên nguồn cảm hứng từ làn gió cách mạng này khi đến Lybia vào tháng 2 thì bị chặn đứng bởi thái độ ngoan cố của Khadafi, cương quyết đàn áp người biểu tình tới cùng. Phe nổi dậy quyết lật đổ từ một số tỉnh và bị máy bay của Khadafi ném bom. Và các nước Tây Âu đã phải nhập cuộc, thực hiện lệnh cấm bay trên toàn quốc Lybia và dùng phi cơ oanh tạc các lực lượng quân sự của Khadafi. Cuộc nội chiến bắt đầu và với sự hỗ trợ của Mỹ và các nước Tây Âu, cuối cùng Khadafi đã bị bắt và bị giết vào cuối tháng 10. Lên nắm quyền từ một cuộc đảo chính nhà vua năm 1969, viên sĩ quan trẻ 27 tuổi Khadafi lúc đầu còn lý tưởng nhưng sau 41 năm cầm quyền đã biến thái trở thành nhà độc tài, tiền bạc có cả hàng trăm tỉ đô la, còn muốn truyền ngôi cho các con trai và cuối cùng chết như một con chó ghẻ bị đánh đập, chửi mắng, kéo lê xác trên đường. Kết cục của Khadafi thật không ai ngờ tới, vẫn là bài học lịch sử về ngày tàn của một bạo chúa.
Sự can thiệp vào nội bộ Lybia của Tây Âu và Mỹ dấy lên câu hỏi về tính pháp lý quốc tế nhưng thế giới vẫn chứng kiến sự lấn áp của thế lực mạnh mẽ đối với cái gọi là luật pháp quốc tế. Tính ra Mỹ chỉ tốn vài tỉ đô la không chết một quân nhân nào để lật đổ Khadafi năm 2011 so với việc đưa quân vào Iraq để bắt giết Saddam Hussein năm 2003 tốn mấy trăm tỉ và chết và bị thương hàng ngàn quân nhân Mỹ. Và từ đó tổng thống Obama đã ra lệnh rút toàn bộ lính Mỹ ra khỏi Iraq cuối năm 2011, chấm dứt một cuộc chiến vô nghĩa.
Giã từ năm 2011,giữa tháng 12 thì có tin lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Il từ trần ở tuổi 69 và con trai là Kim Jong Un tuổi chưa đến 30 được chỉ định làm người kế vị. Tin tức cho thấy có hàng triệu người dân Bắc Hàn khóc lóc thảm thiết làm người ta băn khoăn là thật tình hay đóng kịch. Nếu dân chúng khóc thật tình thì quả thật sự tuyên truyền đã quá ảnh hưởng vào đầu óc người dân mê muội. Làm nhớ tới câu thơ của Tố Hữu bốc thơm Stalin: “Vui biết mấy khi nghe con học nói. Tiếng đầu lòng tên gọi Xít Ta Lin”. Chủ nghĩa cộng sản ở Bắc Hàn là một quái thai, ngôi vua truyền từ đời Kim Nhật Thành, truyền cho Kim Jong Il rồi truyền tới đời cháu Kim Jong Un. Không biết là tên tuổi trẻ này kế tục được bao lâu, câu đố thời gian thật thú vị.
Cùng lúc đó thì cựu tổng thống Valac Havel của nước Tiệp Khắc cũ, nước Czech, từ trần được nhiều quốc trưởng đến dự tang lễ. Có lẽ trong các lãnh tụ thế giới thì nhà viết kịch Havel trở nên vị tổng thống mang tính nghệ sĩ nhất. Ông lên ngôi cũng do tình cờ của lịch sử và đã tạo được mối cảm hứng cho những tên nghệ sĩ mơ mộng muốn làm lãnh tụ chính trị.
Giã từ năm 2011, tháng 3 có trận động đất và sóng thần ở Nhật Bản gây thiệt hại mấy trăm tỉ đô la. Động đất tới 8.9 làm mười mấy ngàn người chết và mất tích và phá hủy nhà máy điện hạt nhân Fukushima làm rò rỉ chất phóng xạ nguyên tử gây lo ngại cho nước Nhật và các nước lân cận. Mặc dù đã tiên liệu các trận động đất hay xảy ra nhưng lần này khá lớn khiến cho xứ Phù Tang chới với. Và sự an toàn của các nhà máy điện nguyên tử được đặt ra cho dù kỹ thuật tiên tiến cỡ nào cũng khó mà đối phó với thiên tai.  Các đoạn phim ghi nhận sức mạnh của thiên nhiên mà con người vẫn nhỏ bé. Cộng đồng Việt Nam tại San Jose cũng làm buổi tiệc gây quĩ giúp nạn nhân Nhật Bản, có mời lãnh sự Nhật đến từ San Francisco để nhận số tiền mấy chục ngàn đô la quyên được. Thế giới ngưỡng mộ tinh thần kỷ luật cao độ và chịu đựng của dân chúng Nhật, xếp hàng trật tự nhận thực phẩm trợ cấp, không có cảnh cướp bóc, chen lấn, hỗn loạn thường xảy ra tại các nước khác trong lúc có biến cố.
Giã từ năm 2011, tình hình nước Mỹ vẫn được người Việt Nam theo dõi cho dù hải ngoại hay ở trong nước. Tin nóng hổi là Osama Bin Laden bị biệt kích Mỹ đột nhập vào tòa nhà gần một trại lính ở Pakistan bắn chết đầu tháng 5 và sau đó thủy táng bí mật. Cả tòa Bạch Ốc hồi hộp theo dõi chiến dịch này qua hệ thống liên lạc bằng vệ tinh hiện đại. Đây là một chiến thắng cho dân Mỹ, tên trùm Al Qaeda tổ chức vụ khủng bố 9/11 đã đền tội. Nhắc đến vụ 9/11 thì dù kỷ niệm mười năm nhưng đến nay vẫn còn một vài thắc mắc không giải đáp là thời gian từ chiếc máy bay thứ nhất đâm vào tòa tháp đôi đến chiếc máy bay thứ nhì là mười mấy phút nhưng giới hữu trách không có phản ứng gì để ngăn chận. Cũng may là chiếc máy bay thứ ba không đâm vào Bạch Ốc hoặc tòa nhà Quốc Hội Mỹ, nếu không thì ê chề cho đế quốc Hoa Kỳ. Thượng đế vẫn còn ban phước lành cho nước Mỹ.
Giã từ năm 2011, phong trào chiếm lấy phố Wall Street của dân chúng Mỹ để phản đối chính sách yễm trợ tài chánh cho các ngân hàng trong thởi gian khủng hoảng kinh tế vừa qua gây chú ý dư luận. Phong trào lan tới một số thành phố ở Hoa Kỳ nhưng đây chỉ là một cách bày tỏ thái độ chứ chẳng có mục đích cụ thể như thế nào.
 Hiện tượng biểu tình trở nên phổ biến, ngay cả ở nước Nga người dân cũng xuống đường phản đối bầu cử gian lận.Và đặc biệt hơn nữa, tại Hà Nội đã có mười mấy cuộc biểu tình chống Trung Quốc là một sự kiện lạ trong suốt mấy chục năm chế độ Cộng Sản. Tờ báo Time đã chọn nhân vật trong năm 2011 là những người biểu tình. Không cần một lãnh tụ đề xướng, không cần chủ thuyết nhưng nhờ sự liên lạc phổ biến qua Internet mà nhà cầm quyền khó ngăn chận và điều nhận thấy là trình độ hiểu biết về quyền dân chủ của người dân đã khá hơn; nên các phong trào biểu tình đã trở nên mạnh mẽ và thường xuyên hơn.
Giã từ năm 2011, nước Mỹ dù kinh tế khó khăn, chính phủ in thêm tiền để trang trải các chi phí làm đồng đô la mất giá, vàng có lúc lên tới 1800 Mỹ kim một lạng tây (ounce), hơn 2000 Mỹ kim một lượng ta; nhưng so ra còn khá hơn các nước Tây Âu nợ công tràn ngập và người ta đang nghĩ tới ngày sụp đổ của đồng Euro không xa.
Nước Mỹ đã sáng suốt chuyển trọng tâm sang châu Á Thái Bình Dương nơi Trung Cộng đang bành trướng thế lực mau chóng. Và đây cũng là một tin tốt cho Hà Nội đang cần sức mạnh của cựu thù này để đối phó với dã tâm của đàn anh phương Bắc.
Năm 2011 Đảng Cộng Sản Việt Nam đã họp đại hội để chọn các nhân vật lãnh đạo Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang như lời tiên đoán của hãng thông tấn Nhật trước đó mấy tháng. Tháng 6 tàu Trung Cộng cắt dây cáp thăm dò dầu khí của tàu Việt Nam và Việt Cộng chính thức lên tiếng phản đối, mở màn cho các cuộc biểu tình tại thủ đô chống Tàu âm mưu chiếm biển Đông. Bắt đầu vào chủ nhật 5 /6 và kéo dài tới 11 tuần lễ liên tiếp trước khi bị ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ra lệnh cấm.
Người ta vẫn không hiểu rõ ảnh hưởng của Trung Cộng đối với giới chóp bu Việt Cộng cỡ nào nhưng chắc một điều là có hai phe thân Tàu và chống Tàu. Phe thân Tàu khá mạnh biểu hiện qua việc các nhà đấu tranh vụ Hoàng Sa Trường Sa bị bỏ tù trước đây vẫn chưa được thả ra và sự việc các thiếu nhi Việt Nam vẫy cờ Trung Cộng có tới 6 ngôi sao khi đón Phó chủ tịch Tập Cận Bình thăm Hà Nội trong tháng 12 làm xôn xao dư luận. Giả thuyết ngôi sao thêm vào lá cờ kia tượng trưng cho Việt Nam sẽ sáp nhập vào đế quốc Tàu được đưa ra. Phía Trung Cộng thì không thấy phản đối; giả sử lá cờ của họ bớt đi một ngôi sao thì chắc là có chuyện lớn.
Giã từ năm 2011, lực lượng đấu tranh dân chủ nhân quyền cho Việt Nam thất vọng khi thấy Hoa Kỳ o bế Hà Nội trong cuộc tranh dành ảnh hưởng với Tàu tại quốc gia hình chữ S này. Nếu dân tộc Việt Nam không tự lực tự cường thì vẫn còn khốn khó trong vòng vây của các thế lực quốc tế.
Trở lại với San Jose, thủ phủ của Bắc Cali, nơi từng là trung tâm điện tử thế giới Silicon Valley, nay đã không còn khi kỹ nghệ này phần lớn chuyển sang Trung Quốc và nạn thất nghiệp của California lên tới 10% trong đó có đồng hương Việt Nam. Kinh tế xuống lôi kéo theo bao sinh hoạt của cộng đồng đìu hiu. Chỉ có một tin vui là Vườn Việt Nam- Vietnamese Heritage Gardens đã khởi công vào tháng 6 sau nhiều năm dự tính, miếng đất rộng 4 mẫu trong khu Kelly Park của thành phố San Jose đã thuộc về về công trình này. Khách đi trên đường Robert Ave thấy bãi cỏ xanh tươi, bãi đậu xe, cột cờ và cổng chào, giai đoạn 1 của Vườn Việt sắp hoàn thành. Ít ra cộng đồng gốc Việt Nam sau hơn ba chục năm định cư đã có một dấu ấn cụ thể, mặc dù các đồng hương đã đóng góp rất nhiều tiền bạc cho nhiều cuộc quyên góp từ thiện, đấu tranh, cứu trợ thiên tai trong quá khứ.
Giã từ năm 2011, một năm trôi qua với bao điều không thể kể ra hết. Uống tách trà xanh lá hái từ cây trà rừng Thái Nguyên, thoáng nhớ quê hương và cám ơn Trời Đất cho còn cơ hội để ngồi viết những dòng tiễn biệt năm 2011.
San Jose- 30/12/2011
http://www.vietbao.com/D_1-2_2-67_4-185350_15-2/

No comments:

Post a Comment