Saturday, November 19, 2011

Phong trào chiếm phố đi về đâu?


Lê Duy Nhân “...Nếu người dân trong nước cũng được quyền biểu tình để phản đối bất công xã hội thì phong trào “Chiếm Phố” ở Việt Nam sẽ trở thành phong trào cách mạng vô tiền khoáng hậu...”
Phong trào chiếm phố (occupy) khởi đi từ Wall Street, đầu não của tư bản Hoa Kỳ và thế giới đã nhanh chóng lan ra 81 quốc gia.
Một số khá đông người Việt ở trong nước bị báo chí lề phải đầu độc nên hô toáng lên rằng đây là cuộc “cách mạng vô sản” mới, sẽ đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản như tiên đoán của các nhà “tiên tri” Marx, Engel. Có báo Đảng ở trong nước còn loạn ngôn so sánh phong trào Occupy với mùa Xuân Ả Rập.
Phong trào Occupy là phản ứng của những người bất mãn trước khoảng cách giàu nghèo mỗi ngày một sâu rộng, trong khi đời sống của 99% dân Mỹ càng ngày càng khó khăn thì thiểu số 1% càng ngày càng giàu hơn.
Giai cấp giàu có chiếm 1% dân số nhưng nắm giữ khỏang 34% tư sản, 19% chiếm 50%, như vậy 80% còn lại chỉ có 15%.
Thiểu số 1% gồm tập đoàn lãnh đạo các đại công ty, bác sĩ, nhân viên cao cấp ngành y khoa, tập đoàn tài chính, luật sư. Trong năm 2008, lợi tức bình quân của thiểu số 1% từ $400.000 tăng lên $1.137.684 trong khi lợi tức bình quân $31.244 của khối đa số 99% dậm chân tại chỗ. Theo báo cáo của CBO (Congressional Budget Office - Ban Ngân Sách Quốc Hội) thì trong 3 năm qua lợi tức của nhóm 1% thượng từng đã tăng gấp hai.
Những người trong phong trào “Chiếm Phố” cho rằng chính quyền đã ưu đãi thiểu số 1% qua việc hạ mức thuế lợi tức cho họ, buông lỏng cho giới tài phiệt ngân hàng thao túng tài chính, khi lỡ giới tài phiệt gặp khó khăn thì dùng tiền thuế của dân vực họ dậy để sau đó họ tiếp tục làm giàu.
Tại sao các đại biểu Quốc Hội nằng nặc cắt giảm các ngân sách dành cho giáo dục, y tế, người già, người nghèo mà không đụng đến lợi tức mỗi ngày một phình ra của thiểu số 1%? Cắt nợ, cắt chi tiêu, nhưng đồng thời cắt lợi tức từ tiền thuế của thiểu số 1%, phải chăng Quốc Hội Hoa Kỳ là Quốc Hội của các tập đoàn tư bản, của giai cấp 1% dân số tức khỏang 3 triệu trên 300 triệu dân Mỹ.
Lập luận của các nhà lập pháp thuộc đảng Cộng Hòa biện hộ chủ trương giảm thuế cho giới tài phiệt: Giảm thuế là phương cách kích thích kinh tế, vì giới tài phiệt có lợi nhuận cao sẽ đầu tư nhiều hơn, do đó tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn, làm thành nhiều sản phẩm hơn. Nhiều nhà kinh tế học bác bỏ lập luận này bằng cách viện dẫn các kinh nghiệm đen tối trong thời kỳ Reagan và Bush.
Một số báo chí trong nước nói rằng phong trào “Chiếm Phố” chứng tỏ chủ nghĩa tư bản đã thất bại tại thủ đô của tư bản thế giới. Nhưng nếu bỏ chủ nghĩa tư bản thì nhân lọai sẽ đi theo con đường nào? Chả nhẽ lại ôm lấy các xác chết XHCN? Trên thế giới ngày nay chỉ còn duy nhất Bắc Hàn nhất quyết theo chủ nghĩa Cộng Sản ròng mặc dầu mỗi năm phải ngửa tay xin thực phẩm của các nước tư bản nếu không sẽ có hàng triệu dân chết đói. Thực ra phong trào “Chiếm Phố” không chủ trương xóa bỏ kinh tế tư bản mà chỉ đòi công bằng xã hội. Không ai chối cãi được chỉ có chủ nghĩa tư bản mới có khả năng tạo ra công ăn việc làm vì chính tư bản tạo ra sản phẩm do đó tạo ra lợi tức cho dân chúng. Trong chế độ dân chủ, tự do cạnh tranh cũng là quyền tự do làm giàu. Nhưng làm thế nào để xóa bỏ chênh lệch giàu nghèo? Chính quyền dân chủ không có quyền bắt giai cấp giàu có phải đem tài sản to lớn của họ san xẻ cho người nghèo. Karl Marx muốn xây dựng công bằng xã hội bằng cách thiết lập xã hội vô giai cấp nhưng đồng thời lại tạo ra xã hội toàn giai cấp vô sản, ai cũng nghèo như nhau thì làm gì có người giàu, nên làm gì có chênh lệch giàu nghèo. Chủ nghĩa XHCN lai tư bản, vừa dung nạp kinh tế tư bản vừa giữ lại chính trị toàn trị của nền chuyên chính vô sản như Trung Quốc và Việt Nam lại càng tạo ra chênh lệch giàu nghèo lớn hơn. Tại Trung Quốc hiện có 21 triệu dân sống dưới mức “tuyệt đối nghèo” theo định nghĩa của Bắc Kinh nghĩa là lợi tức dưới $90/năm, 35 triệu dân có lợi tức dưới $125/năm, trong khi mức nghèo ở Hoa Kỳ là $11.000/năm.
Chủ nghĩa tư bản hiện tại cũng không phải là giải pháp tuyệt đối cho nhân lọai, nhưng nó có ưu điểm là có khả năng tự điều chỉnh, tự đổi mới để hoàn thiện. Một chế độ vừa tôn trọng quyền làm giàu của mọi người, vừa cố gắng nâng cao mức sống của mọi thành phần trong xã hội luôn luôn là ước mơ của mọi dân tộc.
Những người tham gia phong trào “Chiếm Phố” không chống lại quyền làm giàu của giới tư bản mà chỉ bày tỏ bất mãn đối với hệ thống thuế khóa không công bằng và chính sách kinh tế, tài chính có lợi cho giai cấp thượng lưu. Phong trào này nói lên ước muốn thay đổi nhưng lại không đưa ra được một mô hình thay đổi. Phong trào “Chiếm Phố” không mang các tính cách của một cuộc cách mạng không phải vì nó không có cương lĩnh chính trị hay không được tổ chức và lãnh đạo mà chính vì nó không định nghĩa được bản chất cũng như đối tượng đấu tranh của nó.
Phong trào “Chiếm Phố” không tàn lụi trong một hai tháng như một số bình luận gia tiên đoán, trái lại thế lực của nó càng ngày càng tăng. Ảnh hưởng chính trị của nó là con dao hai lưỡi đối với cả Tổng thống Obama lẫn đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử 2012. Đa số dân Mỹ bất mãn về khả năng phục hồi kinh tế của Tổng thống Obama nhưng họ còn bất mãn hơn về chủ trương giảm thuế cho giới thượng lưu của các ứng cử viên Cộng Hòa. Cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đều giữ thái độ bàng quan vì không nắm bắt được mục đích cuối cùng của phong trào “Chiêm Phố”.
Chưa ai tiên đoán được đoạn đường sắp tới của phong trào “Chiếm Phố”. Có lẽ phải đợi đến lúc khối đa số 99% sử dụng lá phiếu của mình vào tháng 11 năm tới , để biến tiếng nói thành hành động thì lúc đó phong trào “Chiếm Phố” ở Hoa Kỳ mới chấm dứt.
Việt Nam là bản sao chép trung thực của Trung Quốc về mọi mặt, kể cả chênh lệch giàu nghèo. Trong khi hàng triệu người lao động đổi bát mồ hôi lấy bát cơm vơi thì giới đại gia ăn tô phở gần 50 đô, một tháng lương của công nhân phổ thông. Trong khi các đại gia lái xe tiền triệu đô thì hàng ngày ở vùng sâu vùng xa vẫn có hàng trăm trẻ em phải bơi sông tới trường học. Nếu người dân trong nước cũng được quyền biểu tình để phản đối bất công xã hội thì phong trào “Chiếm Phố” ở Việt Nam sẽ trở thành phong trào cách mạng vô tiền khoáng hậu.
 Lê Duy Nhân

ethongluan.org

No comments:

Post a Comment