Saturday, November 19, 2011

Chân dung và phẩm giá của một chế độ


Ban biên tập Tổ Quốc “...Vụ anh sinh viên Bouazizi tự thiêu vì quá uất ức tại Tunisia cũng không phải là một vụ việc chính trị, nhưng nó đã làm sụp đổ chế độ Ben Ali. Những người cầm quyền tại Việt Nam nên suy ngẫm điều này...”
Vụ Thái Hà tự nó là một vụ nhỏ và hoàn toàn không có sắc thái chính trị. Nó chỉ là một khiếu nại đất đai của một giáo xứ Công Giáo với chính quyền địa phương. Giáo hội Công Giáo Việt Nam cũng không phải là một giáo hội tranh đấu. Không những thế nó còn tỏ ra quá mềm yếu, điển hình là chính vụ khiếu kiện đất đai này. Tuy vậy nhiều khi những sự kiện rất nhỏ lại có tác dụng bộc lộ lớn.
Khu đất bên cạnh nhà thờ Thái Hà là của giáo xứ Thái Hà. Điều này ngay cả chính quyền cộng sản Việt Nam cũng không chối cãi. Nửa thế kỷ trước đây chính quyền cộng sản đã cưỡng chiếm dòng tu Thái Hà làm trường học, và sau đó bệnh viện Đống Đa. Quyết định này chủ yếu xuất phát từ tâm lý của một giai đoạn trong đó đảng cộng sản nhìn Công Giáo như một kẻ thù tiềm ẩn. Giáo phận Công Giáo Hà Nội coi giai đoạn này như đã thuộc vào quá khứ và trong những năm gần đây liên tục khiếu nại để đòi lại quyền sở hữu. Năm 2008 sự khiếu kiện đã trở nên gay go và Hội Đồng Giám Mục CGVN đã nhượng bộ, cách chức tổng giám mục Ngô Quang Kiệt. Tháng 10 vừa qua Bệnh Viện Đống Đa thông báo quyết định sử dụng khu đất giáo xứ để xây dựng một nhà máy xử lý nước thải. Các tu sĩ Thái Hà lại khiếu kiện.
Ngày 03-11 một toán côn đồ khoảng 100 tên do công an điều động đã đột nhập giáo xứ, dọa nạt và thóa mạ các tu sĩ ; chúng chỉ bỏ đi sau khi giáo dân kéo đến vì nghe tiếng chuông cầu cứu của nhà thờ. Một số báo chí nhà nước mô tả vụ xâm nhập của bọn côn đồ này như là phản ứng bực bội của nhân dân trước hành động gây rối của các tu sĩ Thái Hà. Người ta có thể tự hỏi nếu Giáo Hội Công Giáo với khối giáo dân đông đảo và hậu thuẫn mạnh mẽ của dư luận thế giới mà còn bị đối xử như thế thì những người dân oan, hàng triệu người trên đất nước ta hiện nay, còn bị chà đạp đến mức nào. Cố gắng hòa giải và hòa hợp dân tộc sau này sẽ rất khó khăn.
Sự quen thuộc với cách hành xử của chính quyền Hà Nội không thể làm quên đi tính cách tồi tệ của những gì vừa xảy ra. Còn tệ hơn một tội ác nó là một sự xuẩn động. Bất cứ một chính quyền bình thường nào cũng phải thấy rằng giải pháp giản dị và tự nhiên là hoàn trả lại, ít nhất một phần, khu đất này. Vấn đề chỉ thuần túy là lòng tham vì khu đất có trị giá thương mại quá cao. Tuy vậy cách hành xử của chính quyền cộng sản còn thô vụng hơn cả một sự chiếm đoạt trắng trợn. Sử dụng bọn côn đồ họ đã phơi bày chân dung một chính quyền đạo tặc và làm nhục cả ngành công an; cho báo chí đánh bóng bọn côn đồ họ đã bôi bẩn luôn bộ mặt vốn đã không đẹp của báo chí. Qua công an và báo chí và sự im lăng trơ lì tiếp theo của chính quyền, người ta đã còn có thể đánh giá không sai chân dung và phẩm giá của chế độ và những người lãnh đạo. Một đặc tính của các chế độ sa lầy là càng cố gắng che đậy sự xằng bậy chúng càng tỏ ra xằng bậy hơn.
Thái Hà không phải là một vụ việc chính trị, nó chỉ là một vụ ức hiếp trắng trợn và đểu cáng. Vụ anh sinh viên Bouazizi tự thiêu vì quá uất ức tại Tunisia cũng không phải là một vụ việc chính trị, nhưng nó đã làm sụp đổ chế độ Ben Ali. Những người cầm quyền tại Việt Nam nên suy ngẫm điều này và cũng đừng quên hình ảnh những phút cuối cùng của Gaddafi.
Ban biên tập Tổ Quốc

http://ethongluan.org/component/content/article/960-chan-dung-va-pham-gia-cua-mot-che-do.html

No comments:

Post a Comment