Wednesday, November 2, 2011

Những nghịch lý... bình thường!


Hoa Mặt Trời Cứ theo lẽ tự nhiên, trong cuộc sống xã hội, những gì là nghịch lý thường không có khả năng tồn tại. (1) Hoặc nó sẽ phải bị đào thải bởi sự tiến triển của những điều hữu lý, (2) hoặc nó phải tự "chỉnh sửa" để trở thành hợp lý, hay ít là có thể chấp nhận được bởi sự đánh giá của số đông, (3) hoặc nó có thể "tồn tại" trong một khoảng thời gian bởi những người chủ trương điều "nghịch lý" đang cho nó là bình thường hay cố tình cho nó là bình thường. Xã hội Việt Nam hình như đang ở trong trường hợp thứ 3.


1/ Một vài điều nghịch lý ... bình thường. 
Không khó để đưa ra những điều nghịch lý đang vẫn tồn tại trong xã hội Việt Nam hiện nay. Bài viết này chỉ nhằm đề cập những nghịch lý liên quan đến các viên chức chính quyền. 
Theo hệ số lương của Việt Nam, tính cả phần phụ cấp, thì cỡ lương bộ trưởng chưa tới 10 triệu/tháng. Con số này dĩ nhiên giảm dần theo cấp đô thị. Tuy nhiên, một điều hết sức rõ ràng là cán bộ công chức, sau một thời gian ngắn tại vị, thì tài sản đã tăng cấp rất nhiều. Tỉ lệ nghịch giữa mức lương và tài sản kếch xù là một nghịch lý, một nghịch lý … hiển hiện tồn tại cách « bình thường ». 
Một nghịch lý khác : chức năng của quân đội là bảo vệ tổ quốc, điều này bao gồm lãnh thổ và người dân. Thế nhưng trước xung đột trong vùng biển đang tranh chấp với Trung Hoa, mà thực tế là sự mất mát sinh mạng và tài sản của ngư dân mỗi ngày một tăng, thì đã có đề án thành lập dự luật “dân quân tự vệ biển” được đề xướng bởi vị chủ nhiệm Ủy Ban quốc phòng – an ninh của quốc hội. Theo đề án dự luật này, các doanh nghiệp, các đội tàu sẽ là những đơn vị “dân quân tự vệ”, người dân phải tự mình đối diện với “kẻ lạ” gây hấn. Không lạ gì máu ngư dân tiếp tục nhuộm đỏ biển Đông, khi mà quân đội phải đương đầu với kẻ thù, thì giờ trách nhiệm ấy được trực tiếp “chuyển giao” cho cái lực lượng “dân quân tự vệ”, một tên gọi mới của chính phủ dung để chỉ ngư dân. 
Cũng tương tự, lực lượng công an là để bảo vệ an ninh, ổn định xã hội. Để nuôi sống và vận hành hệ thống an ninh này, dĩ nhiên là tiền thuế của người dân. Cái cách của TP.HCM, Bình Dương, mà mới đây đang có ý định “mở rộng mô hình” ở Hà Nội, trong việc sử dụng những “hiệp sĩ đường phố” – những người dân thấy bất bình ra tay tương trợ-, đang là một nghịch lý có nguy cơ thí điểm để thành “bình thường”. Đúng ra, nhiệm vụ này được giao cho lực lượng an ninh, với thẩm quyền pháp lý, với chuyên môn nghiệp vụ và được trang bị những phương tiện cần thiết. Máu và sinh mạng của các “hiệp sĩ đường phố” này sẽ tiếp tục đổ với sự tồn tại của cái nghịch lý quái gỡ đang được cổ súy để trở nên “bình thường”. 
“Thưởng nóng”. Sau mỗi vụ án được phá hay truy bắt tội phạm thành công, người ta thấy ngay có tin các chiến sĩ công an được “thưởng nóng” bởi cấp trên. Kinh tài cho việc thưởng nóng này, dĩ nhiên được lấy từ ngân sách nhà nước là tiền đóng góp của nhân dân. Những chiến công đó cần được ghi nhận, và xem như tiêu chuẩn để xét tăng cấp cho công an, còn chuyện “thưởng nóng”, nếu muốn, hãy sử dụng tiền riêng để thưởng. Nếu áp dụng điều nghịch lý này, thì không chỉ cho ngành an ninh, hãy xét đến một lao công bịnh viện, đã làm tròn trách nhiệm của họ; hãy xét cho bác sĩ sau một ca giải phẫu, cho những nhà khoa học đã phát minh một ứng dụng .v.v. Nghịch lý này không thể chỉ cho ngành an ninh. 
2/ Lý giải hiện tượng nghịch lý … bình thường. 
Khi nghịch lý tồn tại và được coi như là “bình thường”, nó có nguyên nhân, vì tự thân, những điều nghịch lý sẽ bị đào thải. Ở đây, nghịch lý tồn tại và diễn ra quá quen thuộc đến độ trở nên bình thường, chỉ vì một lý do duy nhất : những người nắm giữ pháp luật đang sử dụng nghịch lý như một phương thức để chỉ làm lợi cho nhóm thiểu số. Lúc này, nghịch lý trở thành một minh chứng của sự bất công xã hội. 
Nếu bất công xã hội tồn tại và được nhìn nhận như một điều bình thường, thì hoặc xã hội đang được vận hành theo một cơ chế bất công mà dĩ nhiên, sự đàn áp và khủng bố được dùng như một phương tiện chủ yếu, hoặc giả, những người dân, nạn nhân của những bất công, đã chấp nhận với sự tán đồng để cho những nghịch lý bất công này tồn tại. 
Sự phản biện đang ngày một tăng trong hệ thống thông tin “lề trái” cho thấy người dân không hề tán đồng với những nghịch lý bất công này. Như vậy, nó chỉ tồn tại duy và chỉ duy do sự cưỡng lý bằng hành vi đàn áp của giới cầm quyền. 
Một công thức đang được vận dụng : Giới cầm quyền (cán bộ viên chức, đảng viên) + lực lượng bảo vệ (quân đội + an ninh) / giai cấp “nhân dân” = Nghịch lý bất công. Điều này có nghĩa là, khi tiếng nói phản biện của người dân (đang ở vị trí mẫu số) lớn, sẽ giảm đi thương số của nghịch lý bất công. Ngược lại, nếu mẫu số giảm, và tử số tăng, thì nghịch lý bất công sẽ “phi mã” và càng lúc càng trở nên “bình thường”.

No comments:

Post a Comment