Luật gia Trần Đình Thu - Mới qua có 20 ngày hoạt động thực sự tại nghị trường, khá nhiều đại biểu quốc hội khóa XIII đã bộc lộ sự yếu kém về năng lực trong vai trò làm người đại biểu của nhân dân. Nói là 20 ngày vì kỳ họp thứ nhất chủ yếu làm các công việc thuộc về nghi thức, chỉ đến kỳ họp thứ 2 này mới bắt đầu thực sự hoạt động nghị trường.
Vị đại biểu đầu tiên gây thất vọng lớn cho cử tri cả nước là ông Nguyễn Minh Hồng. Bằng cách đề xuất một dự luật hết sức vu vơ và sau đó là các giải thích trời ơi đất hỡi với báo giới, ông nghị “luật nhà văn” này đã làm cho cử tri cả nước ngán ngẩm về ông. Có cảm giác gần như là ông ấy xem nghị trường như một nơi tụ tập theo kiểu sinh hoạt hội hè. Chuyện đề xuất dự luật là chuyện hệ trọng của quốc gia, ông ấy lại xem như là cách trả món nợ đã hứa với bạn bè trong lúc thù tạc chén chú chén anh.
Vị đại biểu thứ 2 là doanh nhân Đặng Thành Tâm. Ông Tâm hầu như không biết thế nào là chất vấn tại nghị trường. Ta hãy đọc lại câu ông Tâm chất vấn Thủ tướng chính phủ: “Năm 2011 là năm hết sức khó khăn tuy vậy nhưng chính phủ thực hiện rất tốt việc chống lạm phát và duy trì tăng trưởng. Có ai ngờ rằng Việt Nam giữ được lạm phát 18% và tăng trưởng 6%. Ở trong sáu tháng cuối năm lạm phát chỉ còn 3% như vậy chúng tôi rất muốn lắng nghe Thủ tướng có cái biện pháp gì đối với cử tri cả nước. Cái thứ hai là Thủ tướng có định hướng gì và có lời khuyên gì đối với doanh nghiệp chúng tôi nên đầu tư vào lĩnh vực nào”. Một câu nói ngô nghê chứ không phải câu chất vấn. Đoạn đầu là đoạn nịnh Thủ tướng vừa lộ liễu vừa thô thiển, đoạn sau là câu hỏi vô nghĩa. Ông Tâm đã nhầm giữa câu chất vấn trong nghị trường và câu nói trong bàn tiệc thân mật riêng tư với Thủ tướng.
Vị đại biểu thứ 3 thì đã quá nổi tiếng trong mấy ngày nay, là doanh nhân Hoàng Hữu Phước. Vị này có những đặc điểm khác biệt mà tôi sẽ có bài phân tích riêng về ông.
Cuối cùng là một vị nữ đại biểu – bà Đặng Hoàng Yến. Trước kỳ họp bà bị “bới lông tìm vết” một số chuyện nên ngay đầu kỳ họp bà đã nóng vội tung ra dự luật “Luật bảo vệ quyền riêng tư” với những luận chứng hết sức sơ sài mà kết cục đã bị quốc hội loại khỏi chương trình nghị sự.
Tới đây tôi muốn có một nhận định mang tính tổng quát đối với hiện tượng ở trên. Bốn vị đã nêu đều nằm trong khối đại biểu doanh nhân. Tỷ lệ này cho chúng ta một suy nghĩ về việc doanh nhân tham gia vào nghị trường. Chủ trương tạo điều kiện cho doanh nhân được tham gia ngày càng nhiều vào quốc hội là một chủ trương đúng đắn, không có gì phải bàn cãi. Nhưng cách làm thì có vấn đề khiến để lọt quá nhiều doanh nhân lớ ngớ về vai trò đại diện cho nhân dân trong quốc hội.
Hoạt động chốn nghị trường không hề là chuyện đơn giản. Đại biểu quốc hội phải là những nhà lập pháp, nhà hoạt động chính trị sừng sỏ. Không thể hôm trước là doanh nhân chỉ biết đồng lời đồng lỗ, hôm sau nhảy bổ vào nghị trường phát biểu lung tung.
Trước nay, đại biểu quốc hội thường xuất thân trong các cơ quan Đảng, nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, nơi mà họ được rèn luyện ít nhiều về kinh nghiệm chính trường, nên chúng ta không đặt ra vấn đề tiêu chuẩn ứng cử đại biểu quốc hội. Vì thế Luật tổ chức quốc hội của chúng ta hiện không có một dòng nào quy định về vấn đề này. Khi mở rộng thành phần, chúng ta đã bỏ quên chuyện này. Vì thế mới xảy ra những chuyện dở khóc dở cười như vừa nêu trên. Tôi cho rằng quốc hội cũng nên nghiêm túc nhìn lại vấn đề này để có những điều chỉnh kịp thời, tránh việc để lọt vào quốc hội những đại biểu không biết việc. Thật vô lý khi tuyển một thư ký văn phòng cho một công ty nhỏ người ta còn đặt ra tiêu chuẩn bằng này kinh nghiệm nọ, còn “tuyển” một vị đại biểu quốc hội lại không có một tiêu chuẩn nào.
Tác giả gửi cho Quê choa
No comments:
Post a Comment