Saturday, November 19, 2011

Lý giải chính sách châu Á của Obama


Stephen M. WaltForeign Policy, 18-11-2011
Nếu bạn đã và đang chú ý – mà cho dù bạn không hề chú ý đi nữa – đến một lúc nào đó bạn sẽ thấy rằng sự quan tâm chiến lược của Mỹ đang hướng về châu Á.
Mỹ đã bắt đầu triển khai đại bộ phận hải quân của mình về hướng châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta đã tuyên bố những cắt giảm ngân sách quốc phòng trong tương lai sẽ không ảnh hưởng đến châu Á, và ngày hôm kia chính quyền Obama công bố sẽ gửi 2.500 lính thủy đánh bộ Mỹ đến một căn cứ mới tại Australia. Hôm nay, chúng ta được biết Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton sẽ đến thăm Myanmar, một động thái rõ ràng có ý định khuyến khích chế độ quân nhân tại đó tiếp tục những nỗ lực đổi mới gần đây và ve vãn chính phủ Miến ra khỏi vòng tay của Bắc Kinh.
Xu hướng này phản ánh một số diễn biến: 1) một sự nhìn nhận rằng châu Âu không còn đối diện những đe dọa an ninh đáng kể và vì thế không cần đến sự che chở của Mỹ, 2) những thất bại tại Iraq và Afghanistan đã dần dần thuyết phục đến cả những người theo chủ nghĩa đế quốc tự do ngoan cố (die-hard liberal imperialists) và một số chính trị gia tân bảo thủ rằng việc sử dụng hằng nghìn binh sĩ Mỹ để làm công tác “xây dựng đất nước” tại Trung Đông là một việc làm vô bổ; 3) sự quan trọng của nền kinh tế đang tăng trưởng tại châu Á, và 4) nhận thức phổ biến – tại Washington cũng như trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương – rằng quyền lực của Trung Quốc đang gia tăng và cần được Mỹ (và các nước khác) đối phó.
Nhưng tại sao? Thậm chí một số bình luận gia sắc bén cũng lấy làm khó hiểu tại sao người Mỹ phải bận tâm về an ninh châu Á. Viết trên blog của mình trên Daily Beast, Andrew Sullivan đã tra hỏi:
Can cớ chi mà chúng ta phải có thêm một căn cứ quân sự nữa tại Australia để chọc giận Trung Quốc? Tại sao Trung Quốc không được phép có một vùng ảnh hưởng trong khu vực Thái Bình Dương? … Tôi không thấy bằng cách nào mà việc đặt một căn cứ quân sự tại Australia lại có thể bảo vệ được xứ sở Hợp chúng quốc. Nỗ lực này không nhắm làm việc đó. Nó chỉ bành trướng quyền lực toàn cầu mà thôi”.
Thật ra, có một lối biện minh rất vững vàng theo chủ nghĩa thực tiễn cho sự thay đổi chiến lược này, mà cách diễn tả rõ ràng nhất có thể tìm thấy trong tác phẩm American Diplomacy (Chính sách ngoại giao của Mỹ) của George F. Kennan. Kennan lý luận rằng có vài trung tâm quyền lực công nghiệp then chốt trên thế giới – Tây Âu, Nhật Bản, Liên Xô, và Mỹ – và rằng mục tiêu chiến lược chủ yếu của Mỹ là không để cho Liên Xô chụp lấy bất cứ trung tâm quyền lực nào đang nằm ngoài sự kiểm soát của nó. Đó là nội dung đích thực của chính sách ngăn chặn (containment), cho dù chính sách này đã bị bóp méo và áp dụng sai lầm bởi những người cho rằng những vùng như Đông Dương là tối quan trọng.
Nói rộng ra, lô-gic này phản ánh quan niệm thực tiễn cho rằng Mỹ sẽ có lợi thế trong việc làm cho vùng Âu Á được phân chia giữa nhiều cường quốc khác nhau, đồng thời không cho phép một cường quốc riêng lẻ nào thành lập một dạng bá quyền khu vực như Mỹ đã làm từ lâu tại Tây bán cầu. Đó là lý do tại sao Mỹ cuối cùng đã tham dự Thế chiến I (để ngăn cản sự chiến thắng của Đức), và đó cũng là lý do tại sao Roosevelt đã bắt đầu chuẩn bị nước Mỹ tham chiến kể từ cuối thập niên 1930 và đã hăng hái tham chiến sau Trận Pearl Harbor. Trong mỗi một trường hợp, các nước mạnh lúc bấy giờ đang đe doạ thành lập bá quyền khu vực trong những vùng chủ yếu, và vì thế Mỹ đã liên kết với các nước khác để ngăn chặn điều này.
Đây không phải là một luận điểm đạo lý hay đức lý: mà giản dị là realpolitik (chính sách thực dụng). Bao lâu mà Mỹ vẫn là đại cường duy nhất trong khu vực Tây bán cầu, đương nhiên nó được an toàn hơn và khỏi phải lo lắng nhiều về việc bảo vệ lãnh thổ. Nếu bạn không cho điều này là quan trọng, xin cứ hỏi Ba Lan hay bất cứ một quốc gia nào khác ở cạnh một cường quốc láng giềng và từng bị xâm lấn thường xuyên. Và bao lâu mà khu vực Á-Âu được chia ra cho nhiều cường quốc tranh chấp nhau, thì những quốc gia này đương nhiên có khuynh hướng lo ngại lẫn nhau mà không lo ngại chúng ta (ngoại trừ khi chúng ta làm những điều ngu ngốc, như chiếm đóng Iraq). Nếu không kể đến vụ Iraq, từ lâu nhiều quốc gia trong khu vực Á-Âu vẫn muốn Mỹ bảo vệ để chống lại các mối đe dọa trong khu vực, đó là lý do tại sao Mỹ có thể lãnh đạo những liên minh thành công và bền vững tại châu Âu và châu Á. Thật vậy, chính sự kết hợp giữa mục tiêu an ninh to lớn trong nước và các đồng minh ngoan ngoãn ở nước ngoài đã thúc đẩy Mỹ can thiệp vào mọi nơi trên thế giới, đôi khi vì mục đích tốt đẹp nhưng thường thường là không.
Bây giờ ta thử xét việc gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc có một “vùng ảnh hưởng” tương tự như địa vị của Mỹ tại Tây bán cầu. Khi đó, không những Trung Quốc có thể ảnh hưởng lên hành vi của các nước láng giềng trong những cách thế mà chúng ta có thể không hài lòng, nhưng nó còn được ổn định nhiều hơn nữa ở trong nước và vì thế có thể tập trung thêm sức mạnh để ảnh hưởng lên tình hình những vùng xa xôi. Với sự kiện Trung Quốc sẽ dấn thân vào các thị trường thế giới và ngày càng lệ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên trên toàn thế giới, một nhà chiến lược Trung Quốc thận trọng sẽ muốn có khả năng đảm bảo các đường vận chuyển hàng hải huyết mạch và chi phối các bài toán chính trị ở những vùng chủ yếu. Và Bắc Kinh sẽ đạt được điều đó dễ dàng hơn nhiều tại Vịnh Ba Tư hay những vùng quan trọng khác nếu các cường quốc bên ngoài -- đặc biệt là Mỹ -- bị loại khỏi khu vực tiếp giáp với vùng ảnh hưởng của Trung Quốc, chí ít về phương diện cam kết an ninh và lực lượng quân sự.
Người ta có thể đưa lý luận này thêm một bước xa hơn. Một khi Trung Quốc đã thiết lập được một vùng ảnh hưởng an toàn, thì Bắc Kinh sẽ dễ dàng tạo được những quan hệ chính trị thân thiết với các nước tại Tây bán cầu, trong đó có một số nước từ lâu đã bất bình về sự khống chế của Mỹ. Chúng ta không cần phải có nhiều tưởng tượng mới thấy được việc này sẽ dẫn tới đâu: đó là, lần đầu tiên kể từ thế kỷ 19, Mỹ có thể phải đối diện một viễn cảnh là một đại cường đối thủ có sự hiện diện quân sự đáng kể tại Tây bán cầu. Nếu nhớ lại rằng âm mưu của Liên Xô nhằm đặt tên lửa hạt nhân tại Cuba đã đưa hai nước gần chiến tranh hơn bao giờ cả trong thời Chiến tranh lạnh, thì bạn sẽ có một ý niệm rõ ràng về tiềm năng bất ổn ở đây.
Như vậy, việc Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự tại châu Á và tìm cách trấn an các đồng minh châu Á hiện nay không phải chỉ là một cách “bành trướng sức mạnh toàn cầu”. Có một lý do chiến lược rất cơ bản nơi đây, mà tôi cho là một lý do có ý nghĩa hơn hẳn các sứ mệnh quân sự khác mà chúng ta đã dấn thân vào trong thập niên qua.
Hẳn nhiên, có nhiều phản biện khác nhau đối với lập trường tôi vừa phát họa. Người ta có thể tranh luận rằng vũ khí hạt nhân có thể xoá bỏ loại phân tích địa chính trị mà tôi vừa trình bày, vì cả Mỹ lẫn Trung Quốc dù có hùng mạnh hơn hôm nay đi nữa cũng không bao giờ dám chọi nhau trong một cuộc chiến tranh hạt nhân, bắt đầu bằng việc thực sự dùng vũ lực với nhau. Có lẽ như vậy, nhưng vũ khí hạt nhân đã không ngăn cản Mỹ và Liên Xô cạnh tranh nhau ráo riết (ở nhiều nơi) trên bốn mươi năm.
Người ta cũng có thể tranh luận, như Michael Beckley đã viết trong một bài sắp đăng trên International Security, (bản sơ bộ xin bấm lên đây), rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc đã được phóng đại và rằng các viễn ảnh tương lai của nó là không được lạc quan như nhiều nhà phân tích tin tưởng. Beckley có thể đúng, và trong trường hợp đó vấn đề do Trung Quốc gây ra gần như sẽ biến mất. Nhưng cho đến khi thấy rõ được tương lai, chúng ta cũng nên thận trọng đề phòng khả năng Trung Quốc sẽ liên tục trở nên hùng mạnh và sẽ tìm cách sử dụng sức mạnh đó để bành trướng vùng ảnh hưởng và o ép các quốc gia châu Á khác phải tránh xa Washington.
Hay người ta có thể lý giải, như môt số người đã từng lý giải, rằng kinh tế Trung Quốc và kinh tế Mỹ đã đan quyện chặt chẽ với nhau đến mức độ không thể cho phép một cuộc đối đầu quân sự nghiêm trọng diễn ra. Nhưng đáng tiếc là, sự phụ thuộc nhau về kinh tế chưa bao giờ là một rào cản hoàn toàn đáng tin cậy để chặn đứng sự kềnh cựa về an ninh quốc phòng. Dù một cuộc cạnh tranh quân sự gay gắt có gây tổn thương cho cả hai nước đi nữa, thì kinh tế không phải luôn luôn là điều quan trọng duy nhất đối với mỗi quốc gia. Hơn nữa, cả Washington lẫn Bắc Kinh đều không nắm chắc rằng sự thận trọng và những đầu óc tỉnh táo sẽ luôn luôn thắng thế. Và điều này có nghĩa là cả đôi bên đều muốn đề phòng khả năng xảy ra xung đột trong tương lai, cho dù phản ứng này một phần nào có thể dẫn đến xung đột thật sự. Điều này có nghĩa là cả hai nước đều sẽ lo ngại về sức mạnh quân sự lẫn vị trí địa chính trị của nhau, và vì thế cả hai nước sẽ tranh giành ảnh hưởng tại châu Á.
Tóm lại là, có một lý do chính đáng cho sự chuyển hướng dần dần về quan tâm chiến lược đối với châu Á. Động thái này cần phải đi kèm với các quan hệ ngoại giao rộng rãi với Trung Quốc và với các đối tác khác nhau của chúng ta tại châu Á, để đảm bảo rằng Bắc Kinh không bị báo động hoảng và rằng các đồng minh của chúng ta không thể lợi dụng sức mạnh quân sự Mỹ để khỏi phải chi tiêu về quốc phòng. Như tôi đã nhận định trong một bài báo trước đây, việc quản lý các quan hệ đồng minh châu Á sẽ khó khăn hơn việc quản lý NATO rất nhiều (mặc dù NATO cũng không luôn luôn dễ dàng), vì vậy tôi lấy làm hài lòng khi khu vực này bắt đầu nhận được nhiều quan tâm hàng đầu. Bây giờ, ước gì chúng ta có thể thẳng thắn loại bỏ một số cam kết khác gần như không có lợi, hay không đóng góp gì cho vị trí chiến lược tổng thể của chúng ta…
Stephen M. Walt là Giáo sư môn Quốc tế Sự vụ (International Affairs) tại Harvard Kenndey School.
S. M. W.
Trần Ngọc Cư dịch.
Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.

No comments:

Post a Comment