Sunday, November 13, 2011

Chuyện Tàu việc Ta: Những người bị hy sanh của kỹ thuật


TS. Phan Văn Song - Chuyện Tàu :
Trung Quốc ngày nay là quốc gia phát triển đứng số 2 thế giới về mặt kinh tế. Trung Quốc cũng đang trên đà bành trướng để phát triển.
Phát triển từ một quốc gia chậm tiến  lên đến một quốc gia phát triển đứng hàng số  2 thế giới, vượt qua mặt Nhựt Bổn, dân chúng Trung Quốc phải chấp nhận bao nhiêu hy sanh, một đại đa số dân chúng phải bị hy sanh, chánh quyền Trung Quốc sẳn sàng  nô lệ hóa dân chúng mình, phải biến cả nước biến thành những xưởng lắp ráp rẽ tiền của thế giới để kiếm bạc cắt…
Sực bất mãn của những nggười công nhơn nô lệ,  nạn nhơn của những sự bất công, của một chế độ phi nhơn quyền, phi công lý sẽ là ngòi nổ tương lai cho một cuộc cách mạng dân chủ ở Trung Quốc. Vì vậy, vì sự tồn tại của chế độ,  vì vấn đề sanh tồn của nhơn dân Trung Quốc, Trung Quốc phải đi tìm không gian sanh tồn, Trung Quốc phải  bành trướng tìm đất sống để nuôi dân mình, để tìm nguồn nguyên nhiên liệu để bảo đảm đời sống sanh mạng nhơn dân Tàu.
Việc Ta :
Muốn biết viển ảnh của Việt Nam và tương lai của người dân Việt Nam, chúng tôi từ nay cố gắng đi tìm xem cái « mẫu hàng Tàu », cái modèle anh chàng Tàu nó đề nghi với nhơn dân Tàu ruột thịt của Tàu ra sao ? để suy nghĩ và so sánh xem. Vì một nước nhược tiểu như Việt Nam đã nếm mùi cay đắng của thuộc địa Tây, đế quốc Mỹ, và cả cái độc lập kiểu Công sản Việt Nam, xem ngày nay, con thuyền phát triển Việt Nam nên lái theo modèle nào ?
Vì ngày nay, nhơn dân Việt Nam, sống trong cái bầu không khí xã hội chủ nghĩa một cổ hai tròng, hai sức ép : một  mặt ngoài của anh láng giềng Trung Cộng với chánh sách « bàn tay sắt trong cái bao tay nhung »  nửa  bắt nạt hù doạ ăn hiếp, nửa ca bài con cá hữu nghị,  vừa đắt tiền vừa  dài lê thê đến mười sáu chữ bằng vàng ròng 24 carats ; còn mặt trong thì của chế độ đang nắn tạo một  con người Việt Nam mới, mà nói theo nhận xét của một bài viết gần đây của một tác giả ở Úc thì chỉ phát triển được chữ « Con » trong « Con Người » còn chữ « Người « thì đi thụt lùi.  
Những người bị hy sanh của kỹ thuật
Đất quý hay đất hiếm
Tên chung để gọi 17 loại khoáng sản cần thiết để sản xuất những điện thoại di động hay những màn ảnh dẹp của TV hay laptop …Những «đất hiếm » ấy được khai thác ở một vùng xa xôi của xứ Tàu trong một tình trạng khốn nạn của thời khai thác mỏ than của cuối thế kỷ 19, được kể trong tác phẩm Germinal của đại văn hào và nhà báo Pháp  Emile Zola (1840-1902), trong tình trạng một địa ngục trần gian của thế kỷ 19  để phục vụ nền kỹ thuật mủi nhọn tiên tiến của thế kỷ 21.
Dysporium, terbium, cérium … tất cả là 17 khoáng sản thuộc nhóm  lanthanides, người bình dân gọi là « đất hiếm », là một nhóm khoáng sản với những yếu tố đặc biệt hóa học và đặc biệt điện tử làm nguyên liệu cần thiết cho các ngành khoa học kỹ thuật mũi nhọn và kỹ thuật xanh. Cũng như than đá vào thế kỷ thứ 19 và dầu hỏa vào thế kỷ 20, những khoáng sản với những tên xa lạ nầy sẽ là con tim của cuộc cách mạng kỹ thuật ngày nay và tương lai.
Không có đất hiếm, chẳng có iPad, chẳng có màn ảnh TV dẹp, chẳng có xe hybride mà cũng chẳng có bóng đèn điện tiết kiệm…. Không có đất hiếm cũng chẳng có radars dẫn dắt máy bay, dẫn dắt máy bay không người lái, cũng chẳng có vũ khí phòng không,  tên lữa phóng từ xa…
Cũng có những khoáng sản chẳng hiếm hoi gì, vì đã có mặt trên địa cầu nhiều hơn chất iode, hay bạc, hay vàng. Nhưng cái khó khăn là phải « đãi » «  thanh lọc » cả ngàn tấn đá để chỉ xuất được vài kilô. Trong 20 năm nay, với giá nhơn công rẻ, với những phương pháp phá hoại môi trường, Trung Quốc đã chiếm 95 % sản xuất thế giới. Một thị trường càng ngày càng quan trọng và vô cùng chiến lược, ngày nay đã với 130.000 tấn, và ngày mai còn có thể tăng trưởng mạnh với hướng phát triển của thế giới về kỹ nghệ xanh và công nghiệp sạch .
Trong một phong cảnh một cuốn phim hãi hùng, nằm giữa một vùng đồng cỏ trơ trọc của Nội-Mông, một cái hố sâu đường kính trải dài trên 3 cây số, như một miệng núi lữa, hay bị đào sâu bởi một viên thiên thạch khổng lồ, trong đám bụi dầy và tuyết phủ mù mịt, từng đoàn xe cào, xe xới, đào bới làm việc không kể ngày đêm, dưới những ánh đền vàng vọt ma trơi.
Đây, Bayan Obo, khu mỏ khai thác « đất hiếm » khổng lồ, đệ nhứt thế giới, năm qua đã sản xuất được 50.000 tấn ( chiếm 95% tổng sản lượng thế giới). Đây là vùng đất chiến lược, ngày đêm được canh gác cẩn mật, cấm tất cả cuộc viếng thăm, cấm tất cả các ngoại nhơn, và được mệnh danh bằng tiếng Mông cổ « Hòn núi quý ».
Một bảng lớn « Chào mừng quý khách đến mẫu quốc của đất hiếm » được đặt ngay trên cửa cổng của thành phố  Bayan Obo, thành phố của  dân « hầm mỏ » gồm  30.000 trên dân số. Trong một cái quán tồi tàn, độ trên mười tay thợ mỏ đang nghỉ mệt, om sòm  « sưởi ấm » bằng rượu đế và cùng hảnh diện ca tụng câu nói viễn tượng của Dang Xiaoping:  «  Trung Đông có dầu mỏ, Trung Quốc có đất hiếm ! » với chúng tôi, những du khách ngoại quốc «đang du lịch» Nội Mông và « tham quan » xứ sở « đất hiếm » .
Đất hiếm ! nguồn hảnh diện của tất cả một quốc gia,  niềm hảnh diện của tất cả một vùng, đất hiếm hiện nay đang nuôi sống cả thành phố, nhưng chả ai biết đất hiếm để sản xuất cái gì và bán đi về đâu. Tại quán ăn, một anh tự giới thiệu là tài xế các xe cào, xe uỉ quả quyết rằng « đất hiếm » nầy được bán cho Mỹ để Mỹ chế tạo  « những vũ khí nguyên tử mật ». Và anh bạn cùng bàn, một tay thợ mỏ «  nhà nghề » tiếp lời : « Quý vị phải biết là cả thế giới đều phải ngưởng mộ người Hoa chúng tôi, kể cả người Nhựt ! quý ngán không!  ».
Thật sự, khi đi sâu vào câu chuyện, sau những « bài ca con cá sống vì nước » buổi ban đầu, khi bầu rượu đế vơi đi nhiều thì những bầu tâm sự cũng bắt đầu du di đi về những vấn đề cuộc sống hằng ngày. Dỉ nhiên, đồng lương có cao đấy 300 nguyên-tệ (độ 330 euros hay xêm xêm 490 US dollars/tháng) – nhưng với một tình trạng lao động khó khăn, nếu không nói là tồi tệ và với trên 12 giờ làm việc mỗi ngày thật vất vả. Và thêm vào đó, vật giá, đời sống hằng ngày lại tăng vọt, đắt đỏ thêm … cho nên « Đất hiếm, đất quý, gì đó chúng tôi nghèo vẫn nghèo » một anh thợ máy tiếp lời kết luận.
Trên con đường chánh của thành phố Bayan Obo, những căn nhà xiêu vẹo mầu xanh san sát tựa vào nhau tạo một phong cảnh nghèo nàn. Được mời bước vào nhà, ta lọt ngay vào một khung gian hoàn toàn xa hẳn thế giới kỹ thuật xanh và mủi nhọn tân tiến do đất hiếm phục vụ. Cũng một hình ảnh chung chung, giống nhau, khi vào thăm viếng các gia đình : Cũng một chiếc ghế cũ kỷ, cũng một lò sưởi dùng gỗ nghi ngút khói đầy nhà và cũng một đống vỏ chai rượu đế không :  «Uống nước ở đây chỉ có thể từ chết tới bị thương :  răng sẽ rụng hết và tóc sẽ bạc đầu khi mới 30 tuổi », một anh thợ mỏ vừa hưu trí – vì cẩn thận và lo lắng cho sức khỏe nên chỉ biết uống rượu thay cho nước – thốt lời cắt nghĩa.  Dân ở đây, uống ruợu đến ngất xỉu, uống rượu đến hôn mê và … cũng để giải sầu. Thật là một khung trời của thế giới Germinal, của thế kỷ hầm mỏ than đá, đúng hơn là khung trời của nền phát triển tiên tiến khoa học mủi nhọn của thế kỷ 21 !
Đất hiếm, một «vũ khí chánh trị» quan trọng
Trong những xưởng nhỏ, với những dụng cụ cổ lổ xỉ của thế kỷ 19, các thợ mỏ  sản xuất vật liệu cần thiết cho các màn ảnh dẹp của các TV (Hình của Véronique de Viguerie – Le Figaro)
Đi thêm độ 100 cây số nữa, chúng ta đến thăm thành phố Baotou,  vì đây chính là nơi quy tụ tất cả những chế biến từ đất hiếm biến thành khoáng sản nguyên liệu, nên chúng ta sẽ thấy rõ cơn sốt kỹ nghệ đất hiếm. Từ sáng sớm tinh sương, từng đoàn xe hơi, từng đoàn xe đạp đã lũ lượt nối đuôi nhau chạy ra ngoại biên thành phô nơi có nhiều xưởng hảng. Trong những chiếc xe chuyên chở công nhơn của Hảng Baotou Steel Rare Earth High-Tech, hảng sản xuất khoáng sản số một, lớn nhứt thế giới và của Trung Quốc, các công nhơn giữ bộ mặt nghiêm nghị và miệng nín thinh. Vì từ hơn vài tháng nay, tất cả nhơn viên đều nhận được lịnh phải bảo mật, không được nói chuyện việc làm với những người ngoài hảng. Ai sai sẽ bị đuổi ngay. Những câu hỏi về đất hiếm biến thành Bí mật Quốc gia, ngay từ hôm tháng bảy khi Nhà nước Trung Quốc đưa  tin giảm 40% xuất cảng đất hiếm
Quyết định nầy, một thời đã làm rúng động thị trường chứng khoán ngành kỹ nghệ nặng của Âu Mỹ được Beijing biện minh rằng là để bảo vệ tài nguyên và thiên nhiên. Thực sự  « đất hiếm » ngày nay là một vũ khí chánh trị lợi hại mà Nhựt bổn là nạn nhơn trong việc tranh chấp về lãnh thổ và lãnh hải giữa hai quốc gia  vào tháng chín vừa qua (Tàu khóa sổ không bán đất hiếm cho Nhựt nữa).
Theo John Seaman, nhà nghiên cứu của Viện nghiên cứu ngành ngoại giao quốc tế Pháp (Institut français des relations internationales – IFRI) hạn chế xuất cảng đất hiếm là một chánh sách để Trung Quốc chiếm thế « thượng phong về mặt kiểm soát kinh tế thị trường công nghệ mủi nhọn và kỹ nghệ xanh» và cũng đễ lôi kéo các kỹ thuật và các đầu tư âu mỹ vào nội địa mình. Đối với các quốc gia nhập cảng, các giải đáp chống trả vẫn có sẳn, nhưng nay phải thực tiển áp dụng, trước mắt là vần đề phát triển thêm chánh sách tái tạo (recycle) tuy nay đã đang trên đà phát triển nhưng phải xúc tiến và mở mang thêm, hai là phải xúc tiến việc tim kiếm, thăm dò và  cho khai thác ngay những khu mỏ mới hoặc ở Úc châu hoặc ngay trên lục địa Huê kỳ, nhưng cũng phải chần chờ một thời gian, vi những thử tục hành chánh cầu kỳ, cẩn thận mội trường, năm phe bảy phái …Vì vậy, trong lúc này đành phải chấp nhận chánh sách  Trung Quốc, đang độc quyền kiểm soát toàn bộ thị trường béo bở nầy bằng cách đóng cửa các hảng xưởng sản xuất nhỏ và giao độc quyền cho Baotou Steel Rare Earth High-Tech hưởng lợi.
Và trên con đường dẫn từ Baotou đến Bayan Obo, cả chục hảng xưởng nhỏ đang nằm rỉ sét trong cơn gió tuyết và đang chờ đợi xem một ai đến mua lại không ?  các chủ nhơn (tư nhơn) vẫn tin tưởng rằng chánh sách hạn chế sản xuất nầy vẫn chỉ là tạm thời thôi ! Một vài xưởng vẫn (gan dạ) tiếp tục sản xuất « lậu », có lẽ là do sự che chở bởi các quan chức tham nhũng ? Cách Bayan Obo, về phía Nam, ở giữa những kho xưởng bị đóng cửa, một luồng khói trắng bay lên chứng tỏ có một xưởng đang hoạt động. Bước vào một cái sân rộng bị chắn ngang bởi một cái bảng đề « Cấm Vào », gặp ngay một toán người, trên vai nặng chỉu những bao tải đất hiếm, đang sắp hàng đi vào một căn nhà to rộng. Đi theo họ vào trong, không khí bổng nóng bừng, ngột ngạt, hơi nóng như một điạ ngục, hơi nóng hừng hực, với một khói mịt mù, với một mùi cay xé mắt, khó thở. Từng nhóm thợ đang quay quần cạnh các lò nấu á –xít sôi sùng sục, không một mặt nạ che mặt, che miệng, hay tấm khăn che chở thân thể. Một anh thợ lớn tuổi nhún vai trả lời : «  Làm là làm vậy, chứ tôi chả biết cái gì ở trỏng ». Khi trở ra cửa, có lẽ có người báo rằng có mặt người ngoại quốc,  bốn anh công an mặc thường phục đến « hỏi giấy » chúng tôi : «  Cút nhanh và hảy xóa bỏ hết tất cả phim ảnh ! » .
Ở đây các « đất hiếm » được tách ra với dung dịch ác-xít-hóa chất, đoạn được ốc-xy-hóa và đóng kiện thành hàng bán. Cơn sốt đổ xô đi tìm đất hiếm đã dựng lên cả trăm xưởng kiểu « tự chế » nầy. (Hình của Véronique de Viguerie – Le Figaro)
«Trung Quốc là một quốc gia rộng lớn, không thiếu những thẩm quyền địa phương tham nhũng che chở cho những hảng xưởng lậu. Chúng tôi cần rất nhiểu thời gian để tổ chức lại và để có một ngành hành chánh (hay công an ?) hữu hiệu » Giáo sư Li LeMin, giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc đất hiếm, than thở và cho rằng năm 2010 có thể có trên 20.000 tấn đất quý đã thất thoát ra thị trường « chợ đen ». Để chận nạn dân ăn cắp làm lậu, một cái hố sâu bao bọc hiện trường hầm mỏ Bayan Obo. Thế nhưng vẫn lát đát đây đó vài hầm mỏ « lậu » !. Cách vài cây số cổng chánh của hầm mỏ, (canh giữ 24 giờ trên 24), chúng tôi gặp một mỏ nhỏ làm lậu, ( một mỏ nhỏ lậu  trong hầm mỏ to của nhà nước), nằm kín trong một khu vực cao, trong núi tuyết. Ông gát-dan già nói nhỏ cho chúng tôi biết ở đây có độ 40 anh thợ đang khai thác, có lẽ do sự bảo trợ của những nhơn viên của hầm mỏ ?
Từ hôm tháng sáu, nhà cầm quyền Trung Quốc đang bằng mọi giá tăng cường chống « buôn lậu đất hiếm ». Kết quả, thêm một thị trường mới, thị trường « rác của đất hiếm », nay tác đất hiếm cũng có giá ! 150 nguyên tệ (16,50 euros – 25 US dollars) một tấn theo giá chợ đen. Tuy nhà chức trách  Bayan Obo tuyên bố rằng từ nay không còn tệ nạn mua bán lậu đất hiếm nữa. Thế nhưng, nếu ta thử giả dạng là một con buôn, vẫn có người sẳn sàng đề nghị. 300 nguyên tệ trung bình cho một tấn, tùy theo số lượng, và  chỉ chờ độ 48 tiếng đồng hồ – thời gian để đem từ những hầm mỏ, lậu hay của nhà nước ? đến nơi nhận hàng, chuyên chở và giấy tờ thủ tục đầy đủ giấy phép, cơ quan an ninh, biếu không. Thật là một tổ chức kinh doanh thuần nhuyển !  nhiều đại gia trong vùng đã làm giàu nhờ những dịch vụ nầy !
Nhưng thật sự mà nói, đối với dân chúng vùng Nội Mông nầy, cơn sốt đổ xô tìm đất hiếm thật là một đại hoạ.
Gương mặt của ông Zhang lúc nào cũng có nụ cười, nhưng đôi mắt của ông vẫn không dấu được nỗi đau buồn. Một mùi ác-xít phảng phất trong làn gió thổi quanh căn nhà nhỏ xíu ở Xinguang, nằm trọn trong một khu vực bị chiếm bởi trên 30 xưởng nhỏ mọc như nấm từ mười năm qua. Chung quanh làng (Xinguang) nầy, nằm cách Baotou độ mươi cây số, có vài chục ống nhựa cứng to đưa  một chất lỏng còn nghi ngút khói,  đổ vào một cái hồ nhơn tạo được bao bọc bởi những mô đất đen xì . Cạnh đó là một đống rác  khổng lồ, chứa đựng hàng triệu chất thải, có thể có cả trăm ngàn tấn thorium đầy hơi độc và có hàm lượng phóng xạ nguyên tử cao. « Sống ở đây chỉ có giảm thọ, dân làng chúng tôi đang tự tử đấy ! » ông Zhang nói khẻ với chúng tôi, ông đang mang một chứng bệnh khó thở do suyển và ông bị nhức đầu kinh niên. Bỏ đi ???  nhưng đi đâu ? Chắc chắn là không thể dọn nhà vào những chung cư bao bọc bởi những nhà máy đầy khói mù mà các quan chức quyền hành địa phương cất để đưa những gia đình đi từ những vùng giải tỏa để dựng  nhà máy đến những vùng nằm cạnh nhà máy. Với giá bán 2.000 nguyên tệ  ( 220 euros – 330 US dollars) một thước vuông, những căn nhà ấy, hiện nay, sau 3 năm hoàn thành vẫn chưa có người mua, vì giá bán ngoài tầm tay của các người cựu nông dân nghèo nàn,  hiện nay thường vô gia cư và sống vất vưởng ăn xin độ nhựt.

Đây là những công nhơn đang chở lậu những tảng đất hiếm đến các xưởng sản xuât lậu. (Hình của Véronique de Viguerie – La Figaro)
Vì ở đây chẳng còn nông dân, chẳng ai làm vườn, chẳng còn ai làm rẩy, trồng trọt, nói tóm lại làm nghề nông cả. «Trồng ra được cây trái gì ? » ông Zhang là  một cựu nhà nông nay kiếm sống bằng nghề sửa xe đạp, thu hoạch lai rai vài trăm nguyên tệ một tháng !  Từ mười năm nay, ông Zhang và tất cả nông dân làng Xinguang đang chờ đợi kết quả lời hứa bồi thường của Văn phòng bảo quản môi trường. Mười năm nay, các «hồ sơ bồi thường» được chuyển đi từ ủy ban nhơn dân nầy đến ủy ban nhơn dân nọ, từ thẩm quyền địa phương đến thẩm quyền nhà nước,  hiện nay không ai biết hồ sơ ấy hiện ở đâu ?
Tin vào ai ? Ai nói láo ? Ai nói ngay ? Nhưng cái chắc chắn rằng, với sức ép bảo vệ môi trường,  thế giới âu mỹ, thế giới  phương tây cần phải thay đổi nguồn nguyên nhiên liệu ( sạch sẽ hơn , xanh mát hơn, bảo vệ chất xanh, bảo vệ môi sanh, môi trường thiên nhiên) ! Nhu cầu thay đổ nguyên liệu, khai thác khoáng sản cần thiết cho nền kỹ nghệ tương đã có từ 20 năm nay và  đã phá hoại tàn khốc môi trường và con người cùng xã hội của Nội Mông.
Đau lòng và chua chát ta thử đặt một câu hỏi : “Ngày nay vì nhơn danh cái sạch của mội trường phương tây tiên tiến, chúng ta có quyền chám nhận sự tàn phá cả một mội trường phương Đông không ? Sức khỏe người dân phương Tây có quý hơn, có cần thiết hơn đối sức khỏe của người dân phương Đông ?”
Để kết luận :
Việt Nam chúng ta cũng sẽ có đất hiếm, chưa kiếm ra đó thôi ! Bài học Bô-Xít đang sờ sờ còn đó, bài học bãi rác Đa Phước  đang rành rành trước mắt …. Ngày nay chưa nghe ai giải quyết. Đắc Nông có thể biến thành Baotou, Dalat có thể là Xinguang ! Việt Nam sẽ là Nội Mông.
Cơn khát khoáng sản mới của thế giới đã và sẽ dựng bao nhiêu gia đình đại gia mới, bao nhiêu tài phiệt mới, sẽ có rất nhiều quốc gia mới chủ nhơn khoáng sản, chủ nhơn dầu mỏ, chủ nhơn đất hiếm, đất quý. Các đại công ty chuyên nghiệp từ Exxon, Total, đến BP đến Caterpillar đều có những văn phòng chuyên nghiệp khai thác các mỏ khoáng sản, dầu hỏa, đất hiếm …sẽ có những tỷ phú mới giàu trên khoàng sản, giàu trên nguyên liệu,… Nhưng ..
Nhưng còn người dân địa phương ? Nhưng còn môi trường địa phương ? Mảnh ruộng , mảnh vườn ? con rạch sau hè ?
Một lần nữa chúng ta phải tha thiết đặt vấn đê Đạo đức của vấn đề Phát triển.
Cái mẫu kinh tế chánh trị của Trung Quốc đã và đang đưa đến để áp đặt vào Việt Nam chúng ta, nhơn dân Việt Nam phải nhứt định từ chối. Chúng ta không kỳ thị thù ghét người Hoa. Chúng ta chỉ không chấp nhận cái con đường Vô Đạo đức, Bất Công và Phi Nhơn Quyền của chế độ Cộng sản mà hai đảng Cộng sản Trung Quốc  và Cộng sản Việt Nam  đã và đang tiếp tục dận dắt nhơn dân Việt Nam.
Phỏng theo điều tra của Manon Quérouil-Bruneek (Le Figaro ngày 05/11/2011)

TS. Phan Văn Song
Tháng 11/2011
www.vietthuc.org

No comments:

Post a Comment