Saturday, October 1, 2011

Trung Quốc đáng tin đến mức nào?



Hồi đầu tháng 9, nhân kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc công bố bạch thư khẳng định lập trường của Trung Quốc muốn phát triển hòa bình.

Liệu điều này có ý nghĩa thế nào với thế giới nhất là khi những xung đột về quyền lợi và lãnh thổ vẫn đang tồn tại giữa Trung Quốc và các nước láng giềng? 

Nói một đằng làm một nẻo

Với bức bạch thư công bố hôm mùng 6 tháng 9 vừa qua, Trung Quốc khẳng định sẽ đi theo con đường phát triển hòa bình, cam kết gìn giữ hòa bình thế giới và thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng chung của tất cả mọi quốc gia. Thế nhưng vẫn còn những nghi ngờ về mong muốn hòa bình này của Trung Quốc, đặc biệt là đối với các nước hiện đang có tranh chấp với Trung Quốc trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.


Cựu Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh hồi những năm 1970, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh nhận xét:

"Tôi nói là đừng vội nghe lời người Trung Quốc nói, hãy xem việc người ta làm, thường là họ nói một đằng làm một nẻo nên tôi không tin những lời trong bạch thư của Trung Quốc đâu, vì tôi có kinh nghiệm rằng họ nói thì hữu nghị nhưng họ làm thì rất tai hại cho các đối tác".

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh cho rằng bạch thư này chỉ nhằm mục đích trấn an lo ngại của thế giới về sự lớn mạnh của Trung Quốc mà thôi. 

Trung Quốc hiện đang có tranh chấp về lãnh hải trên khu vực Biển Đông với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Căng thẳng giữa Trung Quốc và hai nước Đông Nam Á là Việt Nam và Philippines xung quanh chủ quyền tại quần đảo Trường Sa ở Biển Đông đã tăng cao trong những tháng đầu năm nay.

Tôi không tin những lời trong bạch thư của Trung Quốc đâu vì tôi có kinh nghiệm rằng họ nói thì hữu nghị nhưng họ làm thì rất tai hại cho các đối tác.

TT. Nguyễn Trọng Vĩnh 

Tàu Trung Quốc trong các tháng 3, 5, và tháng 6 liên tục uy hiếp, cắt cáp các tàu thăm dò của Philippines và Việt Nam. Đó là chưa kể, từ nhiều năm nay, những ngư dân của hai nước này đánh bắt cá tại các khu vực tranh chấp gần quần đảo Trường Sa, và Hoàng Sa luôn bị tàu của Trung Quốc đe dọa, đuổi bắt. Nhận xét về những hành động này của Trung Quốc hồi đầu năm nay, Giáo sư môn Quan hệ quốc tế Trường đại học De La Salle, Philippines, ông Renato Cruz de Castro nói:

"Nó cho thấy sự leo thang hơn nữa trong việc khẳng định sức mạnh trên biển của Trung Quốc. Trung Quốc đang muốn cho chúng ta thấy là họ là một cường quốc đang nổi lên và chúng ta phải tôn trọng cái gọi là quyền trên biển của họ cũng như sức mạnh trên biển của họ".

Gần đây nhất, hôm 24 tháng 9 vừa qua, hai tàu cá của ngư dân Việt Nam khi đi tránh bão tại gần khu vực quần đảo Hoàng Sa, đã bị tàu Trung Quốc xua đuổi.

Vì quyền lợi cốt lõi

INDONESIA-ASEAN-ARF-DIPLOMACY

Ông Phạm Quang Vinh (P) và đối tác Trung Quốc Lin Zhen Min (L) 
tại buổi họp về việc thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên về Biển Đông
trên đảo Bali hôm 20/7/2011. AFP

Những nghi ngờ của thế giới về cam kết này của Trung Quốc cũng được phía Trung Quốc nhìn nhận. Chẳng vậy mà vào hôm 15 tháng 9 vừa qua, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc đã có bài phát biểu tại Bắc Kinh về quan điểm hòa bình này của bạch thư. Ông trực tiếp đề cập đến sự nghi ngờ của cộng đồng thế giới về cam kết của Trung Quốc và phản ứng của các nước. Ông Đới Bỉnh Quốc khẳng định Trung Quốc sẽ giữ vững lời hứa hòa bình của mình. Ông nói:

"Người dân Trung Quốc đã phải chịu đựng rất nhiều bởi xâm lược nước ngoài và chủ nghĩa thực dân. Qua chiến đấu gian khổ, khó khăn, người dân Trung Quốc cuối cùng đã giành được độc lập, và tự do. Vì vậy không có cách gì mà người Trung Quốc lại muốn người dân các nước khác cũng phải chịu đựng như mình. Lịch sử 5.000 năm của Trung Quốc đã khẳng định sự hòa hợp và hòa bình đầy giá trị này trong suy nghĩ của người Trung Quốc". 

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc nói đến mong muốn chung sống hòa bình, hòa hợp với thế giới. Ngay từ năm 1997, Trung Quốc đã đưa ra ý tưởng mới về an ninh, trong đó có nói đến chủ trương không bắt nạt các nước khác, nhưng mọi sự đã thay đổi với các hành động được cho là hiếu chiến của Trung Quốc trên biển Đông thời gian gần đây. Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á, thuộc Học viện Quốc phòng Úc cho biết:

"Từ năm 1997 khi Trung Quốc có ý tưởng mới về an ninh thì có nói là không sử dụng kiểu ngoại giao pháo hạm hay bắt nạt nước khác. Trung Quốc chỉ ra đó là cách hành xử của Mỹ. Trung Quốc cố gắng thuyết phục các nước ASEAN rằng Trung Quốc muốn chung sống hòa bình. Năm ngoái tất cả đã đảo ngược và chống lại Trung Quốc. Trung Quốc mất đi những nước ủng hộ mình trước kia và một lần nữa đặt ra vấn đề về sự đe dọa của Trung Quốc".

Ngay sau khi những xung đột trên khu vực Biển Đông lên cao vào hồi đầu năm nay, Trung Quốc cũng vẫn một mực công khai khẳng định cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp, tránh sử dụng mọi vũ lực. Thế giới nhìn nhận đây là những lời sáo rỗng. Giáo sư môn Quan hệ quốc tế thuộc Trường đại học La Trope, Úc, ông Nick Bisley nhận xét:
Tôi không nghĩ là trong ngắn và trung hạn Trung Quốc sẽ lùi bước khỏi các đòi hỏi về chủ quyền cứng rắn của mình đối với biển.
Ô. Nick Bisley
"Những lời văn hoa mà Trung Quốc đưa ra là hòa bình và sống trong hòa hợp thì hiện chủ yếu vẫn chỉ là văn hoa mà thôi. Thực tế phải nói đến chính sách mà họ theo đuổi để đạt được mục đích này thì lại gây hậu quả cho những nước khác. 

Tôi nghĩ họ biết những điều này nhưng họ lờ đi những hậu quả mà họ gây ra trong các hành động đối với Việt Nam và Philippines. Đối với Trung Quốc đây là một quyền lợi cốt lõi và họ sẽ không từ bỏ quyền lợi này. Tôi không nghĩ là trong ngắn và trung hạn Trung Quốc sẽ lùi bước khỏi các đòi hỏi về chủ quyền cứng rắn của mình đối với biển Đông".

Trung Quốc cũng đã từng gọi Biển Đông là quyền lợi cốt lõi của mình tương tự như Tây Tạng và Đài Loan. Và tất nhiên trong bạch thư của mình, Trung Quốc cũng không quên khẳng định quyền lợi cốt lõi trong chủ quyền an ninh quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Không chỉ có tranh chấp với các các nước trong khu vực Đông Nam Á. Hiện Trung Quốc cũng đang có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông. Vào hồi đầu tháng 8, Nhật bản công bố sách trắng quốc phòng năm 2011, trong đó bày tỏ những quan ngại trước sự gia tăng các hoạt động hải quân của Trung Quốc. Sách cũng viết rằng khi giải quyết các vấn đề xung đột lợi ích với các nước láng giềng bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc luôn sử dụng cách bắt ép nước khác, gây lo ngại về đường lối chính sách trong tương lai của Bắc Kinh.

Láng giềng lâu năm

INDIA-CHINA-DEFENCE

Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Wu Shengli (T) và Đô đốc Ấn Độ Sureesh Mehta (P)
trong chuyến thăm chính thức Ấn Độ năm 2008. AFP

Ngoài ra, Trung Quốc cũng có tranh chấp trên biên giới đất liền và biển Ấn Độ Dương với một quốc gia láng giềng lâu năm khác là Ấn Độ. Gần đây nhất, vào hồi đầu tháng 9, Trung Quốc đã lên tiếng chính thức yêu cầu Công ty dầu khí quốc gia Ấn Độ ONGC phải ngưng việc thăm dò dầu khí tại hai lô dầu khí ngoài khơi miền Trung Việt Nam.

Phó đề đốc hải quân Ấn Độ Uday Bhaskar cho rằng những hành động trên thực tế của Trung Quốc đang gây phản ứng lo ngại từ các nước láng giềng:

"Theo tôi thì Trung Quốc biết được những phản ứng gì sẽ đến từ các nước láng giềng. Anh cứ nói về sự lớn mạnh hòa bình nhưng các nước láng giềng không tin anh. Liệu láng giềng lo lắng về anh hay không khi việc anh làm đi ngược lại điều anh nói về sự lớn mạnh hòa bình. Sự lớn mạnh của Trung Quốc tạo lo ngại cho khu vực". 

Vậy cam kết phát triển hòa bình trong bạch thư lần này có phải là một lời sáo rỗng giống như những lời tuyên bố trước đây của Trung Quốc? Người đại diện chính phủ Trung Quốc, ông Đới Bỉnh Quốc nói:
Trung Quốc đang muốn cho chúng ta thấy là họ là một cường quốc đang nổi lên và chúng ta phải tôn trọng cái gọi là quyền trên biển của họ cũng như sức mạnh trên biển của họ.
Ô. Cruz de Castro
"Câu trả lời là không. Phát triển hòa bình là một cam kết mạnh mẽ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhà nước và người dân Trung Quốc. Nó cho thấy chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc cũng như chiến lược phát triển quốc gia, được biến thành hành động cụ thể. Phát triển hòa bình có nghĩa là về đối nội Trung Quốc tìm kiếm sự hòa hợp và phát triển, về đối ngoại Trung Quốc theo đuổi hòa bình và hợp tác".

Sau khi bạch thư được công bố, một đại diện thuộc đảng cầm quyền tại Đài Loan nói với báo giới nước này rằng những gì đưa ra trong bạch thư hoàn toàn chẳng có gì mới. Điều mà thế giới quan tâm nhất lúc này là liệu Trung Quốc có thể làm gì để giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông và biển Hoa Đông đúng như những gì được đưa ra trong bạch thư.

V.H.
Nguồn: rfa.org

No comments:

Post a Comment