Friday, October 14, 2011

Trọc phú Việt và anh Ba Tàu



Lê Diễn Đức - Các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) hầu hết vô học, xuất thân từ nông dân chân lấm mắt toét, nhưng sau khi giành được chính quyền, nhờ cơ chế đặc quyền mà nhảy lên ghế lãnh đạo.

Đặc quyền đi với đặc lợi, nên trong phút chốc họ có đã giàu nứt khổ đổ vách. Tuy nhiên giàu nhưng vẫn không thể che giấu được cái chất thô thiển, quê mùa.

Tôi biết và đã chứng kiến một số lãnh đạo của ĐCSVN, thậm chí có người đã sống và làm việc ở nước ngoài, bây giờ cũng tí tởn đua đòi xài toàn hàng hiệu đấy nhưng không biết thắt cà vạt, phải nhờ người khác thắt sẵn, lúc cởi giày đưa tất lên mũi ngửi, tay ngoáy mũi chỗ đông người, vừa xỉa răng vừa ngửi tăm, mặc đồ pi-ja-ma tiếp khách, v.v…

Ở đời, không ai có thể biết hết các tập quán sinh hoạt văn minh cả, nhưng phải có ý thức học hỏi và thích nghi, để không bị người khác coi thường. Ngay cả các tổng thống Mỹ, bằng cấp đầy mình từ các trường danh tiếng như Havard, Yale, Stanford… cũng phải có chuyên viên thời trang phục vụ, tư vấn cách ăn mặc, tác phong trong những lúc xuất hiện trước công chúng hay ống kính…

Ông Aleksander Kwasniewski, một cựu Bộ trưởng Ba Lan thời cộng sản, năm 1995 làm dư luận kinh ngạc vì đã giành thắng lợi trong cuộc tranh đua chức tổng thống của Ba Lan trước đối thủ Lech Walesa, Thủ lĩnh huyền thoại của Công đoàn Đoàn kết, người đã làm chập mạch toàn bộ hệ thống CS ở châu Âu.

Aleksander Kwasniewski giành được kết quả đó nhờ đóng góp quan trọng trong chiến dịch vận động tranh cử của hãng dịch vụ quốc tế Pháp nổi tiếng Jacques Seguela, chuyên về vận động chính trị (campagnes politiques). Jacques Seguela ngoài chương trình chính trị còn tư vấn cho ông Aleksander Kwasniewski từ cách ăn mặc, đi đứng, vung tay lên, tay xuống ra sao, đến nên bắt tay, cười như thế nào… khi diễn thuyết trước cử tri. Chính Jacques Seguela cũng đã góp phần tích cực đưa nhiều chính trị gia Pháp lên đài danh vọng, trong đó có các cựu tổng thống Mitterrand, Chirac…

Tôi cho rằng, sở dĩ lãnh đạo ĐCSVN ra nước ngoài thường ăn nói, hành xử quê cục, đôi khi ngớ ngẩn, làm trò cười cho thiên hạ, là vì không được học hành, không chịu học hành.Mấy vị lãnh đạo của ĐCSVN dốt, lạc hậu, nhưng rất tinh tướng, tự phụ và cao ngạo, tức là vẫn giữ nguyên lối sống của đám trọc phú, lý trưởng, cường hào. Giống như Mao Trạch Đông không bao giờ đánh răng, nói cọp có đánh răng đâu mà sao răng nó tốt. Mao chỉ súc miệng bằng nước trà. Sau khi quan hệ tình dục với gái xong Mao cũng không bao giờ tắm rửa để giữ nội khí, dơ bẩn quá nên mắc bệnh hoa liễu!

Ông Thủ tướng Phan Văn Khải hồi thăm Hoa Kỳ vào năm 2005, chỉ vài phút phát biểu phúc đáp Tổng thống W. Bush thôi mà phải rút giấy ra đọc ở Nhà Trắng. Có thể ông ta sợ nói không đúng với chỉ thị cấp trên, nhưng động thái rút giấy ra đọc thì kém cỏi quá. Nếu sợ thì phải học thuộc nằm lòng trước, chứ một Thủ tướng của quốc gia nơi có đủ mặt các chính khách, giới báo chí truyền thông mà hành xử vậy coi sao đặng!

Cái bắt tay của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Thủ tướng Tàu Ôn Gia Bảo ngày 10/09/2009 đã từng làm dư luận khó chịu, bất bình. Ừ thì có thể cam phận chư hầu, ông ta phải hạ mình trước bề trên, nhưng thiếu gì nơi, thiếu gì cách thể hiện, đường đường chỗ public mà khúm núm như thế, trông hèn, nhục với cá nhân đã đành, nhưng ngu xuẩn, vì làm mất thể diện quốc gia. Trong nguyên tắc lễ tân của ngoại giao không thể chấp nhận thái độ, hành vi như thế.


Hoàng Trung Hải và Ôn Gia Bảo ngày 10/9/2009
Tập quán lễ tân thông thường là bình đẳng. Nhưng trong trường hợp đối tác muốn biểu thị lòng tôn trọng (ví dụ theo văn hoá người Á châu) bắt bằng cả hai tay, thì ngay lập tức người kia cũng đưa tay thứ hai ra, để tỏ sự tương kính. Còn với trọc phú Việt, anh Ba Tàu chỉ chơi một tay, trịch thượng ra mặt!

Thế nhưng, vẫn thầy nào trò nấy. Hai năm sau, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào ngày 11/10/2011 trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua, so với Phó Thủ tướng Hải cũng kẻ sáu lạng, người nửa cân. Có vẻ như ông “Trọng Lú” muốn ca với ông Hồ Cẩm: “Đừng bỏ em một mình, đừng bỏ em một mình…”. [*]


Nguyễn Phú Trọng và Hồ Cẩm Đào ngày 11/10/2011
Tác giả Vũ Đông Hà trong một bài đăng trên Blog “Dân Làm Báo” viết về những cái bắt tay trên đây của lãnh đạo ĐCSVN, đã than:

1) Tại sao một dân tộc hạng nhất – non ra cũng từ thời “đốt cả dãy Trường Sơn cũng quyết giành cho được độc lập, tự do” và từ hồi “thống nhất đất nước” đến nay, lại luân phiên nẻ ra toàn lãnh đạo hạng ba?
 2) Do đâu một dúm lãnh đạo hạng ba lại có thể chăn cả một dân tộc hạng nhất trong bấy nhiêu năm qua và không biết trây lì đến bao giờ?”.■

————————————————————-

[*]: – Lời của bài hát “Đừng bỏ em một mình” của Phạm Duy.
- “Trọng Lú” là nickname của ông Nguyễn Phú Trọng, có từ hồi ông còn làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Đã có câu vè dân gian cho cả bộ sậu của Hà Nội thời đó là: “Tham như Phú – Lú như Trọng – Lật lọng như Nghiên – Tiêu tiền như Triệu“.

No comments:

Post a Comment