Friday, October 21, 2011

'Tín dụng đen' Việt Nam sụp đổ

 
VIỆT NAM (TH) -Vỡ nợ lan từ Hà Nội đến Sài Gòn - Chỉ trong vòng vài tháng trở lại đây, cơn bão vỡ nợ xảy ra đồng loạt tại Hà Nội với hơn 4 vụ. Tổng số tiền mà các chủ nợ “ôm theo” lên tới hàng trăm triệu đô la.


Theo báo Thanh Niên, các vụ vỡ nợ diễn ra dồn dập từ vụ tiệm vàng QQ ở Ðan Phượng, Hải Phòng cho đến vụ ở Hà Ðông, rồi tới Phú Xuyên và gần đây là vụ phường Nghĩa Ðô. Trong mỗi vụ, chủ nợ bỏ trốn vì không trả nổi số nợ vay hàng chục, hàng trăm tỉ đồng Việt Nam, trong đó có vụ ở Hà Ðông lên tới 500 tỉ tương đương với 25 triệu đô.



Căn nhà lộng lẫy của bà Nguyễn Thị Cúc bán không đủ tiền trả nợ.
 (Hình: VNExpress)


Theo công an Hà Nội, số tiền thu hồi được từ các vụ vỡ nợ như thế rất ít, chỉ vài chục ngàn đô cho những vụ vỡ nợ trị giá vài chục triệu đô. Ðáng lo là rất nhiều khoản tiền lớn trong các vụ vỡ này là của ngân hàng.


Vụ vỡ nợ lớn mới xảy ra tại Hà Nội là vụ vay mượn hàng chục tỉ đồng của đôi vợ chồng Nguyễn Văn Hải và Trần Thị Xuân, cư dân huyện Từ Liêm cuối cùng bỏ trốn vì không trả được nợ.
Cơn bão vỡ nợ lan đến Sài Gòn trưa ngày 19 tháng 10 tại phường Hiệp Thành, quận 12. Người ta chỉ nhận ra “cơn bão” khi thấy hàng trăm người ùn ùn kéo tới một căn nhà ở đường Giáng Hương đòi xiết nợ.
Theo báo Tuổi Trẻ, phần lớn chủ nợ đã giao tiền cho bà Ðỗ Thị Luận 55 tuổi, ngụ tại nhà nói trên mua đất phân lô và xây nhà bán lại. Giao nhà cho các chủ nợ xong, bà Luận vẫn giữ lại bằng khoán và sau đó mang đi cầm cố lấy tiền với tổng trị giá khoảng 100 tỉ đồng, tương đương 5 triệu đô.
Khác với tất cả các chủ nợ khác, bà Luận xuất hiện giữa vòng vây của các khổ chủ để năn nỉ “lỡ rồi, để từ từ tôi tính.” Có người rơi nước mắt khi biết tin nơi tưởng đâu “an cư lạc nghiệp” bỗng biến thành bấp bênh và số tiền hàng tỉ đồng của mình đã giao cho bà Luận có nguy cơ mất trắng.
Phân tích về tình trạng vỡ nợ xảy ra dồn dập, một nhà tâm lý học Ðinh Thế Hiển ở Sài Gòn cho rằng tâm lý muốn hưởng lợi quá dễ dàng của người Việt Nam đã dẫn tới hàng loạt vụ đổ vỡ “tín dụng đen” hiện nay.
Một trong các con nợ đã bỏ trốn có biệt danh Phương “đen” ở Sài Gòn đã trả lãi với lãi suất tới 90%/năm, cao gần 7 lần so với lãi suất ngân hàng. Thấy tiền lãi quá lớn, mọi người đua nhau giao tiền cho bà Phương “đen.” Có người nói chỉ cần thu lại vốn sau một thời gian ngắn, còn sau đó thì gọi là... “bonus.”
Phía các con nợ thì hầu như đều tạo cho mình một bề ngoài hào nhoáng, cơ ngơi đồ sộ, giữ chữ tín chặt chẽ thời gian đầu để lấy niềm tin trước khi trở mặt thành kẻ lừa đảo. Có người như bà Nguyễn Thị Cúc ở Hà Nội lúc đầu tỏ ra dửng dưng, đợi người cho mình vay tiền phải xuống nước năn nỉ mới chịu nhận.
Chỉ sau thời gian đầu, các con nợ bắt đầu áp dụng chiêu “lấy nợ trả nợ” mà họ gọi là “lấy mỡ của nợ để chiên nợ.”
Ông Lê Thẩm Dương, chuyên viên trường Ðại Học Ngân Hàng Sài Gòn thì cho rằng không phải tất cả người vay vốn đều có ý định lừa đảo lúc bắt đầu. Ông nói: “Vì làm ăn thất bại, họ đành phải tìm nguồn vốn vay sau với lãi suất cao hơn để trả cho nợ trước, cho đến khi không vay được nữa thì mọi việc đổ bể ra.”
Cũng theo ông Dương, khi hoạt động kinh tế gặp trắc trở, nhiều nguy cơ thua lỗ thì chỉ cần một mắc xích trong đường dây tín dụng đen bị vỡ sẽ làm đổ bể cả hệ thống.
Báo Tuổi Trẻ còn trích lời của giám đốc công an Hà Nội cho biết các vụ vỡ nợ tại Hà Nội tính đến ngày 19 tháng 10 có thể lên tới 1,100 tỉ đồng, tương đương 55 triệu đô. Ông này cũng tiên đoán số vụ vỡ nợ chắc chắc sẽ còn xảy ra trong thời gian tới.
Người ta đang lo nguy cơ đổ bể tín dụng đen đe dọa an toàn của hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam. (PL)

No comments:

Post a Comment