Ngô Nhân Dụng - Phong trào Chiếm Wall Street (Occupy Wall Street) đã lan khắp nước Mỹ và thế giới, và đã đưa một nạn nhân đầu tiên vào bệnh viện trong cảnh mê man. Anh Scott Olsen, 24 tuổi, cựu thủy quân lục chiến, đã từng dự chiến tranh ở Iraq. Anh bị cảnh sát bắn đạn mã tử trúng đầu, trong cuộc biểu tình “Chiếm Oakland.”
Nhưng cho tới nay, Chiếm Wall Street, Chiếm London, hay Chiếm Roma đều chỉ là những phong trào tự sinh ra và tự phát triển, chưa nơi nào biến thành tổ chức. Các phong trào thanh niên, năm 1968 hay 2011 đều giống nhau: Trước hết, họ đưa ra những khát vọng. Ở nước Mỹ đã có sẵn những tập quán và định chế dân chủ từ 200 năm; các nhà chính trị sẽ phải phải tìm ra câu trả lời. Dân chúng Mỹ sẽ lựa chọn bằng lá phiếu.
Vì Chiếm Wall Street là một phong trào trẻ và bột phát, cho nên chưa thấy ai đứng ra thảo một bản nguyện vọng cụ thể, hoặc một chương trình chính trị. Người ta hỏi: Những người này chống ai? Họ muốn cái gì? Phong trào Chiếm Wall Street đã bị hiểu lầm theo đủ cách khác nhau.
Tiêu biểu cho những người hiểu lầm phong trào Chiếm Wall Street là một nhóm các cụ già tại thành phố Trịnh Châu (Zhengzhou), thủ phủ tỉnh Hà Nam bên Trung Quốc. Các cụ cũng đi biểu tình ủng hộ Occupy Wall Street, mang theo cờ quạt, biểu ngữ, với khẩu hiệu “Vô sản toàn thế giới hãy đoàn kết lại!”
Nhưng hình ảnh đó đưa lên trên mạng Sina.com được hai ngày đã có lệnh bóc xuống. Vì các cụ hoàn toàn lạc điệu! Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh đang muốn đoàn kết với tư bản thế giới chứ không cần yêu vô sản quốc tế! Ở nước Zambia, Phi châu, các ông chủ Tầu, sau khi đầu tư hai tỷ mỹ kim khai thác các mỏ đồng hoặc than đá, đã đích thân cầm súng bắn vào các công nhân đình công. Năm 2006 họ đã bắn 6 thợ mỏ trọng thương, năm 2010 bắn chết 13 người; và mới tuần trước, ngày 20 tháng 11 năm 2011, đã bắn vào đám biểu tình của một ngàn công nhân đang đình công đòi tăng lương! Chiếm Wall Street có lan sang Trung Quốc. Trên các trang mạng xuất hiện những facebook mang tên “Occupy Beijing” (Chiếm Bắc Kinh), và “Occupy Shanghai” (Chiếm Thượng Hải), nhưng chỉ được vài ngày cũng bị “Trường Thành Lửa” chặn lại.
Không phải chỉ có các cụ già ở Trịnh Châu mới hiểu lầm phong trào Chiếm Wall Street. Các bạn trẻ khắp nơi cũng có thể hiểu lầm rằng phong trào Chiếm Wall Street là một cuộc “đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản;” hay nói cụ thể hơn, “chống hệ thống kinh tế tư bản.” Thực ra họ không đòi xóa bỏ chế độ dân chủ ở nước Mỹ. Họ cũng không đòi lật đổ hệ thống kinh tế tư nhân ở Mỹ. Họ chỉ đòi thay đổi luật lệ để xã hội được công bằng hơn, nói cách khác là đòi cải thiện hệ thống kinh tế tư bản cho nó tốt hơn, hợp đạo lý hơn.
Diễn tả dưới hình thức đối kháng, thì khẩu hiệu chính của phong trào Chiếm Wall Street là “99 phần trăm chống 1 phần trăm.” Chống như thế nào? Tuyệt nhiên không ai đòi đấu tố, trả thù những người giầu nhất; cũng không đòi tịch thâu tài sản của họ đem chia cho những người nghèo hơn. Mục tiêu đòi hỏi của phong trào Chiếm Wall Street là thay đổi luật lệ ảnh hưởng tới việc phân bố lợi tức trong nền kinh tế. Nói cách khác, là thay đổi luật về thuế khóa.
Nước Mỹ có tổng sản lượng quốc dân (GDP) từ 14 đến 15 ngàn tỷ đô la; tức là trong một năm, tất cả những người làm việc trong nước đã sản xuất ra của cải, hàng hóa và dịch vụ trị giá 14 hay 15 ngàn tỷ. Số giá trị tăng thêm trong một năm như vậy được chia cho mọi người hưởng như thế nào? Đó là vấn đề phân bố lợi tức. Những người biểu tình Chiếm Wall Street nói rằng có 1% các gia đình giầu nhất vì được chia phần nhiều quá. Phải sửa lại “luật chơi” của nền kinh tế để chia bớt phần cho những người khác.
Phương tiện cụ thể nhất của một guồng máy chính quyền trong việc phân bố lợi tức quốc dân là các đạo luật về thuế và chính sách chi tiêu của nhà nước khi được sử dụng số tiền do dân đóng thuế. Ở các nước theo chế độ dân chủ và kinh tế tự do thì vấn đề chính trị quan trọng nhất trong mỗi cuộc bầu cử, từ các địa phương cho tới cấp tiểu bang, liên bang chỉ xoay quanh hai câu hỏi: Thu thuế ra sao và nhà nước đem số tiền đó chi tiêu như thế nào. Mỗi đảng chính trị có chính sách khác nhau về hai vấn đề thu thuế và công chi. Dù họ hô các khẩu hiệu nào đi nữa, rốt cục vẫn chỉ là hai vấn đề căn bản, thuế và công chi. Dân quyết định bằng cách bỏ phiếu.
Nhưng khi nói những người thuộc giới 1% giầu nhất nước Mỹ, họ giầu hơn người khác như thế nào?
Năm 2007, một gia đình phải kiếm được 424,413 đô la mới được gia nhập câu lạc bộ 1% giầu nhất. Trong năm 2009 vì kinh tế suy thoái, một gia đình chỉ cần có lợi tức $343,927 một năm là đủ thuộc hạng 1% này; tổng cộng có 1.4 triệu người và họ hưởng 17% số lợi tức cả nước tạo ra trong năm đó. Giáo sư Edward Wolff, Đại học New York, cho biết vào năm 2007, nhóm 1% các gia đình giầu nhất ở Mỹ làm chủ 34.6% các tài sản tư toàn quốc. Nhóm 19% giầu hạng dưới làm chủ hơn 50% tài sản. Tức là 20% những người giầu nhất ở Mỹ làm chủ 85% tài sản tư của cả nước; 80% các gia đình còn lại chỉ làm chủ được 15%. Những cuộc nghiên cứu dư luận cho thấy phần lớn dân Mỹ không biết gì về tình trạng thiếu quân bình này.
Nhưng lại phải đặt câu hỏi tiếp theo, là các người 1% giầu nhất đó gồm những ai? Nhờ đâu mà họ được hưởng nhiều như vậy?
Những cuộc nghiên cứu khác cho biết trong số người giầu nhất nước (1%) này, vào năm 2005 giới chuyên gia tài chánh (Wall Street) chỉ chiếm 14%. Số người đông hơn là các vị quản đốc công ty sản xuất hay dịch vụ, chiếm trên 31%. Các bác sĩ chiếm gần 16%, và các luật sư chiếm 8.4%. Khi những người đi biểu tình tự mang tên Chống Phố Wall, họ nhắm vào các nhà tài chánh làm việc trong vùng quanh Wall Street, nơi tập trung nhiều ngân hàng và công ty đầu tư tài chánh của Mỹ. Họ không biểu tình chống các giáo sư đại học Y khoa hoặc các chủ tịch đại công ty như General Electrics hoặc Google; mặc dù đám người này phần lớn cũng thuộc thành phần 1%!
Nguồn gốc lợi tức của đám người 1% khác nhau; hoặc dựa vào công việc làm, hoặc không. Có thể nói, những bác sĩ, luật sư kiếm được tiền đều vì được thân chủ trả tiền do công việc họ làm. Lợi tức của họ do luật cung cầu và thị trường cạnh tranh quyết định. Luật cung cầu nghĩa là: Nếu các thân chủ không hài lòng, họ sẽ đi tìm bác sĩ khác, hoặc sẽ đổi luật sư khác. Các quản đốc xí nghiệp cũng vậy, lương bổng là do hội đồng quản trị các công ty quyết định; trên nguyên tắc dựa theo sự ủy nhiệm của các cổ đông, tức là tập thể các chủ nhân của công ty. Số lương bổng và tiền thưởng (bonus) của những người này cũng theo luật cung cầu, và dựa trên nội quy của các công ty. Hội đồng quản trị các công ty có quyền phế bỏ, tuyển mộ, tăng hay giảm lương các vị quản đốc, dựa trên đóng góp của họ vào lợi nhuận và giá trị cổ phiếu của công ty.
Trong năm 2008 chỉ có 19% trong số 13,480 những người có lợi tức từ 10 triệu trở lên kiếm tiền vì làm việc và lãnh lương. Loại lợi tức cao khác kiếm được hoàn toàn nhờ đầu tư, hoặc trung gian môi giới giữa các ngân hàng và đại công ty. Đó chính là muc tiêu mà phong trào Chiếm Wall Street nhắm vào: Các nhà trung gian tài chánh.
Nhờ đâu mà ngay trong số 1% những người giầu này có những người giầu sụ hơn kẻ khác. Một phần lớn là do cách đánh thuế. Thuế đánh trên lương bổng theo suất lũy tiến, càng lên cao càng đóng một tỷ lệ lớn hơn. Nhưng, nhờ luật cắt thuế của Tổng thống Georges W. Bush năm 2003, những lợi tức kiếm được nhờ đầu tư thì chỉ đóng suất thuế 15%, dù là tiền lời được chia (dividend) hay lời nhờ bán chứng khoán (capital gain). Người càng giầu thì số tiền kiếm được nhờ đầu tư càng lớn. Nếu phần lớn lợi tức người ta kiếm được là do đầu tư, thì tự nhiên suất thuế rất thấp. Vì vậy, trong số 1% các gia đình giầu nhất, những người thuộc nửa dưới được hưởng rất ít so với nửa trên. Thực ra, cả tài sản và lợi tức được tập trung trong số một phần mười của câu lạc bộ này, tức là 0.1% của những người đóng thuế ở Mỹ. Trong số 400 hay 500 gia đình giầu nhất nước, lợi tức nhờ đầu tư chiếm ba phần tư tổng số lợi tức, hay nhiều hơn. Cho nên suất thuế họ đóng thực ra thấp hơn những người cũng giầu nhưng chỉ nhờ lãnh lương, như các quản đốc xí nghiệp hay các bác sĩ chuyên khoa. Chính vì thế nhà tỷ phú Warren Buffett nói rằng ông chỉ đóng thuế 27% trong khi thư ký của ông phải đóng 35, 36%. Ông Buffett và ông Bill Gates, hai người giầu nhất nước Mỹ đều ủng hộ chủ trương tăng thuế các đại gia như chính họ.
Theo Giáo sư Edward Wolff, cuộc khủng hoảng tài chánh năm 2007, đưa tới tình trạng kinh tế suy thoái hiện nay, đã làm tài sản của 1% những người giầu nhất giảm mất 11%. Trong khi đó những người có lợi tức đứng giữa (median) thì bị giảm mất 36%. Vào giữa năm 2011, sự chênh lệch về tài sản ở nước Mỹ nặng hơn năm 2007. Không thể nói những nhà trung gian tài chánh và các nhà đầu tư giỏi (như Warren Buffett) đã tham lam tích lũy của cải. Chính luật lệ về thuế khóa đã tạo ra sự chênh lệch ngày càng lớn. Vào năm 2000, trong số các nước giầu thì Mỹ và Thụy sĩ là hai nước tài sản được tập trung vào 10% dân số cao nhất (gần 70%, và trên 71%). Ở các nước khác, 10% những người giầu nhất làm chủ một phần nhỏ hơn, như 65.0% (Denmark), 61.0% (Pháp), 56.0% (Anh), 53.0% (Canada), 44.4% (Đức), 42% (Phần Lan).
Phong trào Occupy Wall Street chỉ là một biểu lộ của giới trẻ trước cảnh chênh lệch này. Họ không đòi xóa bỏ hệ thống kinh tế tư bản; cũng không hề muốn lật đổ chính quyền dân chủ. Khi những người trẻ có lý tưởng muốn xã hội công bằng hơn, đó là một điều đáng mừng cho các quốc gia. Các nhà chính trị sẽ phải diễn tả các khát vọng đó bằng cách thay đổi “luật chơi” cho xã hội công bằng hơn.
© Ngô Nhân Dụng
No comments:
Post a Comment