Saturday, October 15, 2011

Lúa vụ ba: Thủ tướng ủng hộ, nhà khoa học lắc đầu



Nam Nguyên, Phóng viên RFA - Giáo sư Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp uy tín của Việt Nam nói rằng, làm lúa bằng mọi giá là không thông minh. 


Rất tốn kém

Nhà khoa học đã nói như thế khi được hỏi về chủ trương sản xuất vụ ba qua bối cảnh lũ lớn đang diễn ra ở đồng bằng sông Cửu Long:

“Trên phương diện khoa học mà nói, làm vụ ba rất tốn kém, mấy ông lãnh đạo chỉ chạy theo sản lượng, không thấy cái khổ của người dân. Làm cái đê dân cũng phải bỏ tiền ra, có gì hư hại dân gánh chịu hết. Bây giờ tính bồi thường mỗi ha thiệt hại 2 triệu đồng… đâu có được, phải mười mấy triệu chứ…”.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (áo xanh đậm) kiểm tra một khu vực bị xói mòn do nước lũ tại huyện Hồng Ngự, phía nam đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Đồng Tháp hôm 12/10/2011. AFP photo

GS TS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh tới thứ tốn kém khác, đó là đê bao chắn lũ, làm đồng ruộng mất phù sa, đồng ruộng không được tẩy rửa, nông dân sử dụng nhiều phân bón thuốc trừ sâu. Hơn nữa cái khả năng mà mọi người không thấy là, người dân muốn đạt năng suất đã bỏ nhiều phân bón và đồng ruộng không hấp thu hết, nghiên cứu của Viện lúa Quốc tế cho thấy 60% lượng phân bón bị bốc hơi thành khí ammonia hoặc oxit nitơ (Nitrous oxide) là hai loại khí nhà kiếng rất độc nó làm trầm trọng thêm biến đổi khí hậu.

Có quan điểm đối nghịch với giới khoa học, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tán dương chủ trương sản xuất vụ ba và hệ thống đê bao vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thủ tướng đã mở lời biện hộ cho chính phủ trong chuyến thị sát vùng lũ Đồng bằng Sông Cửu Long mới đây.

Theo Tuổi trẻ Online, ngày 12/10 người đứng đầu chính phủ Việt Nam đã thị sát vùng lũ miền Tây Nam Bộ bằng trực thăng, sau đó đi kiểm tra công tác chống lũ ở An Giang và Đồng Tháp. Chiều cùng ngày, Thủ tướng đã đến thị xã Hồng Ngự thuộc tỉnh Đồng Tháp để cùng các bộ ngành làm việc với lãnh đạo ba tỉnh Đồng Tháp An Giang và Long An.
Trên phương diện khoa học mà nói, làm vụ ba rất tốn kém, mấy ông lãnh đạo chỉ chạy theo sản lượng, không thấy cái khổ của người dân.
GS TS Võ Tòng Xuân
Bản thân được sinh ra và lớn lên ở miền Tây Nam Bộ, ông Nguyễn Tấn Dũng biện luận rằng, năm nay lũ lớn nhưng tới nay chỉ có 6.400 ha lúa bị thiệt hại trong số 240.000 ha lúa vụ ba chưa thu hoạch tỷ lệ 1%. Thủ tướng cho rằng, nếu lấy con số này để so sánh với thất thoát sau thu hoạch không dưới 10% thì hoàn toàn có cơ sở khẳng định chủ trương sản xuất vụ ba ở đồng bằng sông Cửu Long là đúng đắn. Nhắc lại rằng năm nay các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long được qui họach tới 600.000 héc-ta lúa vụ ba bên trong hệ thống đê bao khép kín.     
  
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề cao hình thức cụm tuyến dân cư vượt lũ được thiết lập bên trong hệ thống đê bao khép kín ở đồng bằng sông Cửu Long. Thủ tướng cho biết từ nay tới 2015, chính phủ sẽ tiếp tục bố trí vốn đầu tư xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ chứ không cắt giảm chương trình này. Được biết mùa lũ năm 2.000 có đến 539 người chết, trong khi mùa lũ 2011 có 43 người chết. Năm 2.000 hơn 800.000 căn nhà bị ngập trong lũ còn lũ năm nay có 70.000 căn nhà bị ngập. Thiệt hại về lúa, hoa màu và hạ tầng cơ sở khoảng hơn 1.100 tỷ đồng theo ghi nhận tính đến ngày 13/10.

Hệ thống đê bao 

Trong khi đó, Thời báo Kinh tế Saigon Online cho người đọc hiểu là chính sách về đê bao khép kín và sản xuất vụ ba có thể đang được chính phủ điều chỉnh. Tường thuật phiên họp chiều 12/10 ở Hồng Ngự tờ báo viết rằng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải qui hoạch lại việc thoát lũ cho đồng bằng sông Cửu Long bao gồm hệ thống đê bao, sản xuất và xây dựng các cụm tuyến dân cư sống chung với lũ.

clip_image002

Một đoạn đê bao ở ĐBSCL. Photo courtesy of siwrr.org.vn

Tờ báo trích lời Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh rút kinh nghiệm về sản xuất, vùng nào làm 2 vụ hay 3 vụ lúa hay 2 vụ lúa một vụ màu gắn với lịch thời vụ và đê bao, để thích ứng với lũ, né được lũ, sản xuất tốt hơn và chung sống được với lũ. Ông Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết, sắp tới Chính phủ sẽ qui họach vùng ven biển Đồng bằng Sông Cửu Long để đối phó với biến đổi khí hậu.

Chúng tôi nêu câu hỏi với TS Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp là với ý kiến của Thủ tướng như thế thì hệ thống đê bao khép kín sẽ không còn kín mà là đê bao hở? TS Dương Nghĩa Quốc phát biểu:

“Hiện nay có nhiều ý kiến, thứ nhất chính phủ giao Bộ NN-PTNT qui hoạch lại hệ thống thoát lũ của toàn vùng, đồng thời xem xét lại lịch thời vụ, điều chỉnh lịch thời vụ để làm sao vừa đảm bảo được sản xuất nhưng bên cạnh đó vẫn tận dụng được việc xả lũ để nó bồi đắp phù sa và vệ sinh đồng ruộng. Hiện nay qua chỉ đạo chung thì nơi nào có thể phát triển thì vẫn tiếp tục phát triển có thể giữ vững diện tích này hoặc tăng thêm".

Theo TS Dương Nghĩa Quốc là về mặt tổng quát làm hai vụ rồi xả lũ thì đương nhiên sẽ có phù sa bồi đắp và vệ sinh ruộng đồng, tất nhiên là tốt hơn khi làm đê bao khép kín. Tuy vậy ông đề xuất một mô hình sản xuất đặc biệt của địa phương mình:

“Đối với điều kiện cụ thể của Đồng Tháp, nếu mà tất cả các vụ lúa thu hoạch xong trong tháng 9 rồi xả lũ thì như vậy tăng được sản lượng lúa mà đồng thời đất không bị bạc màu do không xả lũ. Đồng Tháp có thể làm một vụ đông xuân, có thể làm một vụ màu thời gian ngắn hơn vụ hè thu và đưa ra lịch vụ thu đông xuống giống tháng 6 tháng 9 thu hoạch thì vẫn xả lũ được. Tất nhiên không phải mọi nơi đều phải làm ba vụ có nơi bị lũ đe dọa thì làm 2 vụ, có những nơi vừa đê bao vừa lịch thời vụ làm ba vụ rồi xả lũ thì theo tôi sẽ có lợi nhiều hơn”.        

Cần thay đổi tư duy

GS TS Võ Tòng Xuân nói với chúng tôi là cần thay đổi tư duy, không thể chỉ chạy theo cây lúa để làm giàu và sản xuất vụ ba trong mùa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long dù theo kiểu đê bao kín hay hở thì cũng không nên. Ông nói:

“Họ không thấy có thể làm giàu bằng cách nào khác ngoài cây lúa, nhưng lúa thì bảo đảm không thể làm giàu được ngoại trừ trường hợp Việt Nam dám nâng cao giá lúa như Thái Lan hoặc cao hơn nữa thì nông dân mới giàu được, chứ cứ giữ giá lúa thấp lè tè thì người nông dân luôn luôn chịu lỗ luôn luôn thiệt thòi mà những người buôn lúa, bán thuốc trừ sâu phân bón, những người đó làm giàu.

VIETNAM-WEATHER-TYPHOON

Một nông dân "chạy" lúa trước cơn bão Nesat tại tỉnh Thái Bình hôm 30/9/2011. AFP

Trong khi đó tôi cũng nêu ra nhiều thí dụ, mình làm hai vụ lúa thì mình cắt 1 vụ để sâu rầy không tiếp nối, người ta vẫn đạt được 14 tấn-15 tấn như đồng bào di cư ở Cái Sắn, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang), họ không bao giờ làm ba vụ chỉ làm hai vụ vẫn đạt 14,5 tấn trong khi mấy ông ở Đồng Tháp, An Giang làm ba vụ cũng chỉ đạt 13 tấn-14 tấn, nguyên cái chi phí cao gấp rưỡi bên Tân Hiệp.

Mình phải biết làm kinh tế chứ mấy ông lãnh đạo cứ đè dân xuống làm ra thêm lúa để họ được thăng quan tiến chức mà không cần nghĩ tới GDP của địa phương. Đây là những quyết định không sáng suốt. Thí dụ nữa nếu bên Hà Lan họ chỉ trồng khoai tây với lúa mì cho dân ăn thì làm sao Hà Lan giàu được như thế. Người ta để đất trồng cỏ nuôi bò để làm thức ăn cộng với trồng hoa để xuất khẩu khắp nơi trên thế giới. Họ làm giàu đâu chỉ với lương thực, chỉ có ông Việt Nam tầm nhìn không xa chỉ thấy cây lúa thôi không thấy cây gì khác”.

Nhiều nhà khoa học cho rằng chính phủ và người dân đã không tính đúng tính đủ giá thành hạt lúa, khi làm vụ ba trong đê bao chống lũ. Ngoài chi phí đầu vào tăng cao vì sử dụng nhiều phân bón thuốc trừ sâu, đầu tư vào đê bao rất tốn kém, chưa kể chi phí bảo vệ gia cố và công sức lao động. TS Dương Nghĩa Quốc, giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp nhận định:
Mình phải biết làm kinh tế chứ mấy ông lãnh đạo cứ đè dân xuống làm ra thêm lúa để họ được thăng quan tiến chức mà không cần nghĩ tới GDP của địa phương. Đây là những quyết định không sáng suốt.
GS TS Võ Tòng Xuân
“Khi mà đầu tư thì tất nhiên phải tính khấu hao theo thời gian, ở đây đã xác định Đồng Tháp Mười là vùng trũng do đó khi đầu tư cho hạ tầng đê bao để đảm bảo sản xuất nông nghiệp thì nhiều tiền hơn các nơi khác. Nhưng ở đây không có ý nghĩa đơn thuần làm đê để sản xuất lúa thu đông hay sản xuất lúa mà có thêm vấn đề có thể bố trí các tuyến dân cư cho nhà ở của người dân nông thôn, đồng thời đảm bảo giao thông nông thôn nữa. Tôi cho rằng việc đầu tư này mang ý nghĩa rất lớn là vừa đảm bảo sản xuất vừa đảm bảo ổn định đời sống vùng lũ. Có thể khi tính toán về kinh tế về an sinh xã hội thì điều này nói chung có lợi nhiều hơn về lâu dài cho người dân”.

Tình hình lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang diễn biến phức tạp, lũ đầu nguồn vẫn đổ về đồng thời triều cường Biển Đông dâng lên, việc thoát nước gặp khó khăn và mức thiệt hại có khả năng gia tăng. Ngày 13/10 nước lũ nội đồng ở Đồng Tháp Mười tiếp tục tăng từ 3-5 cm mỗi ngày. Các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An vùng Tứ giác Long Xuyên sẽ còn một đợt lũ 30 tháng 9 âm lịch tức khoảng 26 tháng 10 dương lịch. Chính quyền và người dân Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn phải tiếp tục giữ đê bảo vệ lúa và nhà cửa cho tới cuối tháng 10 này.     

N.N.
Nguồn: rfa.org

No comments:

Post a Comment