Wednesday, October 12, 2011

Hồ sơ Wikileaks: Những phi vụ của Huỳnh Ngọc Sỹ



Vũ Quý Hạo Nhiên (Người Việt) Vụ án nhận hối lộ của hãng PCI Nhật trong việc xây cất đại lộ Ðông Tây tưởng đã không bao giờ đem ra xử vì gốc bự dù to của ông Huỳnh Ngọc Sỹ, cho tới khi Nhật tạm cắt viện trợ Việt Nam, theo các công điện của đoàn ngoại giao Mỹ ở Việt Nam gởi về, trong số tài liệu bị Wikileaks tiết lộ.

Số tiền ông Sỹ, phó giám đốc Sở Giao Thông Vận Tải và giám đốc Ban Quản Lý Dự Án đại lộ Ðông Tây, nhận từ PCI được tiết lộ là lên tới $2.3 triệu đô la. Ông Sỹ còn bị phát giác ngăn chặn một dự án liên quan một công ty Mỹ chỉ vì công ty này không chịu đưa hối lộ.


Huỳnh Ngọc Sỹ bị đưa ra phiên tòa sơ thẩm hôm 11 tháng 3, 2009. (Hình: AFP/Getty Images)

Ăn hối lộ hãng Nhật, đòi hối lộ từ hãng Mỹ

Dự án đại lộ Ðông Tây là một chương trình viện trợ của Nhật cho Việt Nam, xây một tuyến đường, vừa xây mới vừa cải tạo đường cũ, chạy từ Bình Chánh vào tới Sài Gòn gần cầu Calmette, xuống hầm qua Thủ Thiêm rồi chạy tới Ngã ba Cát Lái trên đường về miền Tây.

Công ty thắng thầu dự án này năm 2001 và 2003, là PCI của Nhật. Nhưng tới tháng 8 năm 2008, báo chí Nhật đưa tin cảnh sát Nhật bắt giam 4 viên chức PCI về tội hối lộ. Lúc đó, tin tức chỉ mới tiết lộ số tiền lót tay là $820,000 (tất cả đơn vị tiền tệ trong bài là đô la Mỹ).

Lúc ra tòa, các viên chức này nêu danh người nhận hối lộ, là ông Huỳnh Ngọc Sỹ. Biện lý cuộc cho biết PCI nhận đã hối lộ cho ông Sỹ nhiều lần, cộng lại lên tới $2.3 triệu, nhưng phía biện lý cuộc quyết định chỉ truy tố trên cơ sở $820,000 thôi.

Vụ án tham nhũng này được nhắc đến trong một công điện đề ngày 3 tháng 9, 2008. Công điện này, ngoài việc tường trình vụ PCI, còn cho biết thêm về một vụ tham nhũng khác liên quan tới một hãng Mỹ, hãng tư vấn điều hành dự án CDM.

Tổng lãnh sự Kenneth Fairfax tiết lộ CDM từng nhờ tòa tổng lãnh sự can thiệp với chính quyền Sài Gòn về một hợp đồng vệ sinh môi trường đã được Ngân Hàng Thế Giới chấp thuận. Bây giờ CDM chỉ còn chờ Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố đồng ý là bắt tay vào làm.

Thế nhưng giấy tờ bị kẹt tại Sở Giao Thông-Vận Tải nơi không ai khác hơn là ông Sỹ đứng đầu ban quản lý (PMU) cho dự án đó. Theo lời CDM, ông Sỹ muốn gặp riêng CDM sau giờ làm việc, bên ngoài văn phòng Sở Giao Thông-Vận Tải, điều mà CDM cho là sẽ dẫn tới việc bắt tay ngầm sau lưng nào đó. Không muốn làm chuyện mờ ám, CDM từ chối. Giấy phép sau đó đã không được cấp, và CDM nhờ tòa tổng lãnh sự giúp.
Dịp may đã tới vào ngày 7 tháng 8, vài ngày sau khi tin tức bên Nhật tung ra. Một phái đoàn dân biểu Mỹ sắp tới Sài Gòn để thảo luận về hạ tầng cơ sở, và tòa tổng lãnh sự báo cho thành phố biết họ sẽ nói về vụ CDM.

Sáng hôm đó, Phó Chủ Tịch UBND Thành Phố Lê Thành Tài tới trễ mất vài phút khi gặp phái đoàn. Ông nói ông vừa họp với đại diện CDM ở ngay phòng bên cạnh. Trong buổi họp đó, ông Tài không chỉ báo cho CDM biết giấy phép đã được cấp, mà ông Sỹ cũng bị đẩy ra khỏi vị trí điều khiển PMU cho dự án này.
Chối

Bị đối mặt với tối thiểu hai vụ án hối lộ mà bị ngoại quốc biết được, vụ CDM với Mỹ và vụ PCI với Nhật, “Thành phố sẽ trả lời thế nào?” – ông Fairfax đặt câu hỏi.

Câu trả lời: “Phản ứng đầu tiên là chối,” ông viết. Ngày 5 tháng 8, khi tin tức từ Nhật vừa loan tin về đến Việt Nam, một đại diện UBND nói họ “chưa nhận được thông tin chính thức” từ phía Nhật và ông Sỹ đã giải trình thích đáng.

Tuy nhiên, điều này không che được mắt phía Mỹ vì họ đã biết rằng, tới ngày 7 tháng 8, ông Sỹ đã bị đẩy ra khỏi dự án liên quan tới CDM, một động thái mà ông Fairfax gọi là “tích cực.”

Ðược một động thái tích cực thì sau đó lại là một động thái tiêu cực. Thứ Trưởng Ngoại Giao Hồ Xuân Sơn phản bác lại tin tức từ phía Nhật, khẳng định là “Thực tế chứng minh chính phủ Việt Nam đã quản lý và sử dụng rất có hiệu quả, rất đúng mục đích nguồn ODA của Nhật Bản.”

Không những vậy, ông này còn yêu cầu báo chí Nhật đừng loan tin vụ tham nhũng. Ông nói, trong một bản tin Thông Tấn Xã Việt Nam: “Chúng ta cũng đã đề nghị phía Nhật Bản trong khi vụ việc đang được điều tra, chưa có kết luận cuối cùng thì các cơ quan truyền thông đại chúng của Nhật Bản cũng như của Việt Nam đều không nên đưa tin, bài về việc này.”

Trích dẫn câu này, ông Fairfax viết: “Cộng đồng blog giễu cợt phát ngôn của ông Sơn như là một trò dở, chỉ để bao che kẻ có tội và bịt miệng báo chí tường trình tham nhũng.”

Tới đây, ông Fairfax trích dẫn “trang blog một cựu biên tập viên báo Người Việt” – chính là tác giả bài này, khi đó đã nghỉ tại báo Người Việt trước khi trở lại. Ông Fairfax tóm lược: “Ðộng tác của Bộ Ngoại Giao phản ánh thái độ vô lý và đáng xấu hổ của chính phủ, can thiệp vào truyền thông của một nước khác và giới hạn báo chí nước nhà. Ðiều này phản ảnh tư duy của giới lãnh đạo cấp cao Việt Nam về vai trò của báo chí – báo chí không được tường trình một vụ án cho tới khi vụ án đó được giải quyết theo ý của các cấp lãnh đạo.”

Nguyên văn trang blog là như sau:

“Ðề nghị này của chính quyền Việt Nam phản ảnh những khái niệm này:

“* Chính quyền nước này nhúng tay vào công việc của ‘các cơ quan truyền thông đại chúng’ nước khác là chuyện… ngửi được.

“* Chính quyền bảo ban ‘các cơ quan truyền thông đại chúng’ không cho đưa tin, bài về việc này việc nọ, là chuyện ngửi được.

“* Báo chí ‘nên’ chờ mọi chuyện ‘xong đâu đấy’ rồi mới được đưa tin, đưa bài.”

Bất khả xâm phạm cho tới khi…

Lý do ông Sỹ được bảo vệ lên tới Bộ Ngoại Giao, là vì gốc bự dù to của ông này. Người bao che cho ông Sỹ không ai khác hơn là Bí Thư Thành Ủy Lê Thanh Hải, sếp lớn của Sài Gòn và là một ủy viên Bộ Chính Trị, bản công điện viết.

Không những thế, con trai ông Sỹ chuẩn bị lấy con gái ông Hải, do đó “mối liên hệ giữa Sỹ với Hải đã thân tình còn sắp thân tình hơn,” ông Fairfax viết.

Với sự đùm bọc vững chãi như vậy, ông Sỹ mãi vẫn không bị điều tra. Tới tháng 12, Nhật tạm cắt một phần viện trợ cho Việt Nam.

Tin này được công bố trong một buổi họp của Nhóm Tư Vấn Quốc Tế (gồm các nước viện trợ cho Việt Nam) tại Hà Nội. Việc này được Ðại Sứ Michael Michalak tường trình trong một công điện đề ngày 11 tháng 12, 2008.

“Tin này được (Ðại Sứ Nhật Mitsuo Sakaba) tuyên bố trực tiếp trong buổi khai mạc có mặt Thủ Tướng (Nguyễn Tấn Dũng) thay vì trong một buổi họp riêng về việc chống tham nhũng dự trù diễn ra sau khi thủ tướng ra về,” Ðại Sứ Michalak viết.

Các phái đoàn khác, kể cả EU, Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ, và Ðan Mạch cũng lên tiếng về nhu cầu chống tham nhũng, trong bài diễn văn khai mạc, trước mặt thủ tướng.

Ông Dũng tỏ vẻ bất bình và nói: “Chúng tôi yêu cầu Nhật cung cấp bằng chứng nhưng họ không thể điều tra ở đây được… và chúng tôi không thể truy tố ai dựa theo tin tức trên báo chí.”

Một viên chức tòa Ðại Sứ Nhật nói với tham tán chính trị Mỹ họ ngạc nhiên trước phản ứng của Việt Nam vì thật ra viện trợ của Nhật bị cúp trước đó mấy tháng rồi. Bà này nói phía Nhật tin rằng vụ hối lộ này có liên quan tới nhiều người, không chỉ có ông Sỹ.

Thêm chi tiết vụ án được tiết lộ trong một công điện khác đề ngày 30 tháng 12. Trong một buổi ăn trưa, Ðại Sứ Nhật Mitsuo Sakaba nói thêm cho Ðại Sứ Michalak biết về vụ án:

Sau cuộc điều tra sơ khởi, nhà chức trách Nhật tới Việt Nam để tiếp tục điều tra và tìm thêm bằng chứng cho vụ án ở Nhật. Họ không được phía Việt Nam chính thức hợp tác và đành phải điều tra không chính thức trong hai tháng. Sau đó (tức khoảng tháng 10) phía Việt Nam bắt đầu điều tra.”

Ðại Sứ Sakaba nói: “Viên chức PCI thú nhận đã trao tổng cộng $2.3 triệu cho Sỹ để được chọn là tư vấn trưởng cho dự án đại lộ Ðông Tây,” và cho biết thêm về chuyện trao tiền:

Có nhiều tay trung gian cho PCI, chuyển nhiều món tiền khác nhau, nhưng tất cả đều đưa tiền cho một người, là ông Sỹ.”

Bộ Trưởng Công An Lê Hồng Anh là người do dự không muốn công khai điều tra ông Sỹ. Phải tới sau khi chính phủ Nhật áp lực, Thủ Tướng Dũng mới công khai tuyên bố điều tra và Bộ Trưởng Anh miễn cưỡng đồng ý.

Một trong những vấn đề bên Nhật đòi hỏi, là Việt Nam phải trả lại số tiền $30 triệu đã trả cho PCI. Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử Nhật đòi lại tiền viện trợ. Ông Sabaka nói ngay cả trong vụ PMU-18, nước Nhật cũng không đòi tiền lại và chính phía Việt Nam tự ý trả lại trị giá hai chiếc xe được cho là mua bất hợp pháp.

Việc Nhật cúp viện trợ, tuy phía Nhật nói với Mỹ là “không phải để áp lực Việt Nam,” nhưng cũng đã có tác dụng đó. Năm ngày sau khi công bố tin viện trợ bị cắt, ông Sỹ bị bắt, bị truy tố.

Tới tháng 2 năm 2009, Nhật nối lại nguồn viện trợ. Ông Sỹ bị kết án vào tháng 9 với bản án 3 năm tù và tới tháng 10, một bản án khác được đưa ra, tuyên phạt ông Sỹ tù chung với tội danh “nhận hối lộ.”

Nguồn: Vũ Quý Hạo Nhiên (Người Việt)

No comments:

Post a Comment