Tuesday, October 4, 2011

"Cái cột đèn nếu biết đi cũng bỏ nước ra đi.."


Blog Mẹnấm - Sau khi tôi viết entry “Chờ nhìn quê hương sáng chói”, thì một anh bạn mà tôi quý mến đã viết lại cho tôi một entry khác bắt đầu bằng cái tựa:
“Cái cột đèn nếu biết đi cũng bỏ nước ra đi..”
Tôi có hai người bạn rất thân cùng đi vượt biên.  Hơn ba mươi năm qua, chúng tôi vẫn thường xuyên nói chuyện với nhau.  Bạn tôi và tôi đã từng có những tâm tư về chuyện bỏ nước ra đi.  Để được đến bến bờ tự do, chúng tôi đã trả giá rất cao.  Liệu chúng tôi có làm lại như vậy không?
 Nếu tôi phải sống lại thời gian đó thì tôi cũng ra đi.  Đơn giản vì chúng tôi không có một chọn lựa nào khác.   Những năm sau 1975, thật sự chúng tôi chưa khổ lắm, chưa đói lắm vì nhà vẫn còn tài sản để mang ra bán.  Hồi đó gọi là nghề chà đồ nhôm: chôm đồ nhà.
Nói là không có tương lai thì chưa đủ.  Phải nói là chúng tôi không có đất sống.  Cuộc sống bất an, nguy cơ luôn rình rập.
 Bắt đầu bằng một cú lừa mang tên học tập cải tạo để bắt những người lính VNCH.  Người Cộng sản có những quỷ kế tinh vi mà người miền Nam không thể ngờ.  Để lừa bắt những người lính VNCH, họ kêu những người hạ sỹ quan học 3 ngày và cho về trước.  Đến khi họ kêu những người sỹ quan cấp úy học 10 ngày và cấp tá học 30 ngày thì mọi người an tâm ra trình diện.  Để rồi 10 ngày thành 5-7 năm.  30 ngày thành 10-12 năm.
Rồi dồn dập với những chiến dịch cướp ngày: “đổi tiền”, “đánh tư bản mại bản”, “kinh tế mới”.  Những người miền Nam rõ ràng là những người bị mất nước và đang mất dần cuộc sống.  Người chiến thắng mạnh dạn (và có phần hung hăng) chứng tỏ mình là chủ nhân mới và thẳng tay vơ vét của cải của người dân miền Nam.
 Sau khi những người lính VNCH đã vào tù và những người giàu có cũng đi tù vì tội tư sản, những người còn lại có rất nhiều lý do để thành tội phạm.
- Tóc dài, mặc quần ống loe, bắt vì tác phong đồi trụy, tiểu tư sản.
 - Nói năng vung xích chó, bắt vì tội phản động.
- Lang thang ngoài chợ trời để bán đồ, bắt vì buôn bán bất hợp pháp.
 - Nghe nhạc vàng, bắt.
- Tàng trữ sách cũ, bắt.
 - Thanh niên không có giấy tờ, bắt vì tội trốn nghĩa vụ.
- Đêm nghe chó sủa thì thường là công an đi khám nhà.   Nếu không phải nhà mình thì cũng nhà hàng xóm.  Sáng ra thế nào cũng xôn xao vì một vài người đã bị bắt đi.
Công an luôn luôn đi bắt người ban đêm.  Từ Bắc chí Nam ở đâu cũng có trại tù.
Nhà nào cũng có người đi tù.
 - Đi học (hay đi xin việc làm) thì phải viết bản lý lịch để chia thành phần.  Viết đi viết lại nhiều lần.  Đứa nào cũng dính chút ít vào thành phần “ngụy quân” hoặc “ngụy quyền”.  Xui xui mà thêm tí “công giáo, bắc kỳ, di cư, phản động” thì đừng nghĩ đến chuyện đi học (hay xin được việc làm).  Vì học có học giỏi cách mấy thì cũng không thể vô đại học.
- Về nghĩa vụ quân sự, thanh niên 15, 16 tuổi nếu không đi học thì phải đi đăng lính.  Học quân sự khoảng vài tuần rồi mang ra chiến trường Campuchia.  Phần đông chết ngay trong lần đụng độ đầu tiên.  Tại sao chết?   Vì những người trẻ này chỉ được học bắn súng qua loa để đi tiên phong làm bia đỡ đạn cho lính chính quy đi sau.  Tôi biết mấy bạn đã chết lãng nhách như vậy.  Chết mất xác mà gia đình không được hồi báo.  May ra thì có bạn đồng đội về báo cho gia đình biết.
 Cũng trình tự lớp lang như vậy, sau chiến thắng, quân cộng sản Khmer Đỏ đã cướp đi gần 2 triệu sinh linh của chế độ trước.  Chúng tôi là những người miền Nam của chế độ trước.  Chúng tôi mang thân phận của những kẻ đang bị khai trừ.
Vì thế không có sự lựa chọn có hay không bỏ nước ra đi.
 Dù chết cũng phải đi.
Ở lại làm tù nhân dự khuyết (như một nhà văn đã nói), giao số phận của mình cho kẻ chiến thắng.
 Ra đi có thể chết nhưng là cái chết của mình lựa chọn.
Đi cũng có khi bị bắt.
 Nếu không chết, được thả ra, lại đi tiếp.
Người Sàigòn lúc bấy giờ có câu: “Cái cột đèn, nếu biết đi cũng bỏ nước ra đi”.
 Đó là một thời oan khiên và dã man như chuyện phong thần.
——————————
 Tôi đọc và hiểu rằng, những người như anh bạn tôi – những người miền Nam trước năm 1975, đã phải trải qua một khoảng thời gian khó khăn và khổ sở như thế nào. Khoảng thời gian đó, có rất nhiều người trong gia đình tôi phải trải qua, nhưng chưa bao giờ tôi được nghe kể lại.
Mẹ tôi – người gieo vào lòng tôi những suy nghĩ đúng đắn về tính dân chủ – đã để tôi tự mò mẫm, tự sàng lọc, và tự có những cảm nhận của riêng mình về mốc lịch sử 1975.
 Tôi còn nhớ, mình đã từng trách mẹ rằng: “Tại sao mẹ và mọi người biết mà không nói ? Tại sao giục tôi lựa chọn con đường ra đi nếu có cơ hội mà không giải thích gì?”
- Đến giờ thì tôi hiểu, vì sao.
 Tôi đã được dạy dỗ và giáo dục trong một gia đình Công giáo, được dạy để biết chọn sự đúng đắn và lẽ phải để đi theo.
Mẹ tôi, tin vào điều đó, việc duy nhất bà làm là cầu nguyện cho đức tin và sự cậy trông của tôi.
 Còn lại, mọi thứ tôi được giáo dục ở nhà trường, kiến thức và các hoạt động xã hội, tôi tự tìm thấy cảm nhận của riêng mình.
Có lẽ vì thế, tôi tin rằng mình có đủ khả năng để đối thoại với những lập luận cho rằng mình bị lôi kéo, kích động, dụ dỗ…
 Sinh năm 1979, đã từng đi ra khỏi Việt Nam dù chỉ trong thời gian ngắn ngủi, nhưng tôi hiểu thế nào là tự hào và người ta được gì hay nhận lại gì khi sự tự hào là người Việt Nam nó bị hiện thực xã hội ngoài kia đánh thức.
Lịch sử là những ghi chép đòi hỏi phải trung thực, khách quan. Lịch sử chỉ có thể được dùng để phục vụ cho mục đích chính trị khi nó thỏa mãn được ước nguyện của dân tộc. Lịch sử không phải là công cụ hoặc phương tiện của bất kỳ đảng phái chính trị nào.
Chia sẻ entry mà anh bạn tôi đã viết ở đây, mong rằng những người trẻ đang hùng hục và hăng hái ném đá vào chính kiến của người khác, ném đá vào sự phản biện của xã hội có thể  đọc thêm để biết rằng :
 - Có rất nhiều người – phải ra đi và vẫn đang nghĩ về quê hương mình với một sự khắc khoải khôn nguôi.

No comments:

Post a Comment