Saturday, October 22, 2011

Cái chết của một nhà độc tài


Việt Hoàng “...Cả thế giới cùng chia vui với nhân dân Libya và hy vọng họ sẽ nhanh chóng ổn định tình hình để bắt tay vào công cuộc tái thiết đất nước. Một nước Libya tự do và dân chủ là mong muốn của cả cộng đồng quốc tế...”
 Lý ra ngày 20/10 là dịp ăn mừng ngày Phụ Nữ Việt Nam. Đây là một ngày lễ vui và có ý nghĩa bởi vì phụ nữ luôn là một nửa không thể thiếu được của đàn ông. Riêng với phụ nữ Việt Nam thì còn hơn cả một nửa, có lẽ tầm quan trọng của người phụ nữ Việt Nam phải chiếm đến 70-80% trong cuộc sống của chúng ta. Nếu có một lời cho ngày lễ này thì có một câu không thể không nói: Xin cám ơn những người phụ nữ Việt Nam, đàn ông Việt Nam xin ghi nhận và xin được bày tỏ lòng biết ơn đến các bà, các mẹ, các chị, các bà vợ tuyệt vời và cả các cô con gái thân yêu. Cuộc sống của cánh đàn ông chúng tôi sẽ vô nghĩa nếu không có sự hiện diện của những người phụ nữ Việt Nam. 
Nhưng cũng vào ngày này đã xảy ra một sự kiện đặc biệt thu hút sự chú ý của toàn thế giới đó là cái chết của nhà độc tài Libya: Đại tá Muammar Gaddafi. Hình ảnh về những giây phút cuối cùng của ông ta đã nhanh chóng được truyền đi khắp thế giới và gây nhiều cảm xúc cho mọi người. Sốc! Là cảm giác đầu tiên khi nhìn thấy thân thể đẫm máu và khuôn mặt thất thần của một nhà độc tài nổi tiếng đã trị vì đất nước Libya suốt 42 năm với một bàn tay sắt, kẻ đã từng tuyên bố rằng ông là ‘vua của các vị vua Châu Phi’. Theo báo chí thì ông ta đã bị thương sau đó đã trốn vào một ống cống và bị các chiến binh NTC bắt được, ông ta đã xin tha mạng nhưng không được chấp nhận. Rõ ràng là ông ta còn sống khi bị bắt, nhưng vì các chiến binh của phe nổi dậy đã quá phấn khích khi bắt được ông nên đã buộc ông ta vào xe, kéo lê trên đường phố, đánh đập ông ta thậm tệ, một người lính nào đó đã bắn chết ông ta và sau đó lột quần áo ông ta để quay phim chụp ảnh.
Xót xa và thấy tội nghiệp cho một kiếp người là cảm giác đầu tiên khi thấy những hình ảnh thê thảm đó, nhưng khi nghĩ đến hàng nghìn con người vô tội đã bị chết bởi chế độ tàn bạo của ông ta thì cảm giác xót xa nhanh chóng biến mất và thay vào đó là sự khinh bỉ. Sự mê muội quyền lực và sự hoang tưởng của ông ta đã giết chết ông ta. Kết cục này không phải ngẫu nhiên mà có, ông ta đã có thể hoàn toàn tránh được sự kết thúc bị đát này nếu ông ta có một chút tỉnh táo, chỉ một chút thôi, đó là khi người dân không thể chịu đựng nổi ông ta thêm được nữa và họ đã xuống đường làm cách mạng thì ông ta, lẽ ra nên tìm cách đối thoại với người dân của mình thay vì ra lệnh bắn vào họ. Gieo gió thì gặt bão, kẻ làm điều ác thì phải gánh chịu kết cục bi thảm.
Tuy cái chết của Kadhafi vẫn còn nhiều tranh cãi, và cho dù ai đã giết ông ta đi nữa thì sự thật cuối cùng và quan trọng nhất là ông ta đã chết. Cái chết này có lẽ mang lại nhiều cái hay hơn là những cái dở. Nó đánh dấu sự chấm dứt cho một chế độ độc tài, kết thúc trang sử đau buồn và đen tối của nhân dân Libya. Đất nước Libya đã bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên xây dựng một chính thể dân chủ và tự do. Sự vui mừng và hân hoan của người dân Libya đã chứng minh cho điều đó. Cả thế giới cùng chia vui với nhân dân Libya và hy vọng họ sẽ nhanh chóng ổn định tình hình để bắt tay vào công cuộc tái thiết đất nước. Một nước Libya tự do và dân chủ là mong muốn của cả cộng đồng quốc tế.
Trên con đường kiến thiết đất nước sau khi chấm dứt được chế độ độc tài, nhiều thách thức đang chờ đón các nhà lãnh đạo và nhân dân Libya. Cuộc chiến khốc liệt vừa qua đã làm đất nước Libya hoang tàn và đổ nát. Kinh tế của Libya bị sụt giảm nặng nề, các cơ sở lọc dầu và khai thác dầu bị phá hủy nghiêm trọng. Tuy nhiên Libya có một nguồn tài nguyên dồi dào và quan trọng là dầu mỏ, các công ty ngoại quốc sẽ tranh nhau thị trường béo bở này và cộng đồng thế giới chắc chắn sẽ viện trợ ồ ạt để giúp vực dậy nền kinh tế Libya.
Chính phủ chuyển tiếp của Libya có nhiệm vụ rất nặng nề là, trong thời hạn 8 tháng, tổ chức cuộc tổng tuyển cử tự do. Sau đó, chính phủ chuyển tiếp sẽ trao quyền cho Quốc hội lập hiến được bầu lên. Tiếp đến, trong thời hạn 20 tháng, Libya sẽ bầu Tổng thống và Quốc hội. Để làm được điều này với Libya không phải là chuyện đơn giản vì Libya là một quốc gia không đồng nhất, được hình thành từ các bộ tộc. Sự đấu đá tranh giành quyền lực giữa các vùng, các bộ tộc, cũng như giữa phe xu hướng tự do và phe Hồi giáo cực đoan ở Libya là điều có thể xảy ra. Chính quyền mới cần phải thu hồi số vũ khí đang được sử dụng tự do và bừa bãi trong cuộc chiến từ cả hai phía, lực lượng nổi dậy và cả phe thân Gaddafi.
Tuy nhiên khó khăn lớn nhất đang chờ đón Libya đó là việc xây dựng các hệ thống và tiêu chuẩn của một quốc gia dân chủ. Suốt 42 năm sống dưới chế độ độc tài người dân Libya chưa được làm quen với các quyền của con người như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thành lập hội, đảng… nói chung là Libya chưa có một xã hội dân sự, chưa có văn hóa chính trị, chưa có văn hóa đấu tranh trên nghị trường và nhất là chưa có các đảng chính trị đúng nghĩa với những dự án chính trị khả thi mang tính đồng thuận dân tộc.
Chúng ta hy vọng và chúc cho nhân dân Libya nhanh chóng khắc phục được những khó khăn trên để xây dựng thành công một nước Libya hòa bình, dân chủ và thịnh vượng.
Mùa xuân Ả Rập vẫn đang còn tiếp diễn ở Yemen và Sirya, hy vọng những gì xảy ra ở Libya sẽ là bài học cảnh tỉnh những kẻ độc tài như Bashar al-Assad hay Ali Abdullah Saleh và những kẻ độc tài khác trên thế giới. Bài học dành cho những kẻ độc tài đó là:
Hãy biết lắng nghe nguyện vọng của người dân.
Hãy biết thay đổi trước khi quá trễ.

No comments:

Post a Comment