Saturday, September 24, 2011

Vĩnh cửu trong lòng người


Ðỗ Trung Quân (tienve.org) - Con cái chết hết, các mẹ cần gì vào tuổi già cô quạnh. Các mẹ cần được chăm sóc chia sẻ, an ủi.Các mẹ cần cơm ăn áo mặc như mọi người. Tượng đài hàng trăm tỉ trong lúc đất nước còn khốn đốn đủ thứ, thật sự có cần không? Hãy thử làm một cuộc trưng cầu từ người dân và chính các mẹ hôm nay. Câu trả lời chắc chắn sẽ khác hẳn cái câu cửa miệng quen thuộc “Theo nguyện vọng của nhân dân...”

*

Ngày 11 tháng 9, hai tòa tháp đôi sụp đổ. Tổng thống G. Bush tuyên bố nước Mỹ bị tấn công, có nghĩa là chiến tranh đã diễn ra ngay trong lòng nước Mỹ, nơi mà người dân Mỹ tin tưởng rằng chiến tranh có ở khắp nơi trên thế giới trừ nước Mỹ. Cú chấn thương khủng khiếp ấy, theo lô-gic phương Đông, sẽ hằn sâu mãi mãi trong tâm trí người Mỹ. Hình như không hẳn vậy. Nỗi đau vẫn được nhắc nhở mỗi lần kỷ niệm ngày đen tối ấy, nhưng dường như nó không làm người Mỹ chỉ quay nhìn ký ức đau buồn. 

Một tượng đài mới được dựng lên để ghi nhớ. Nó sẽ có gì qua hình ảnh thể hiện? Lửa? Sự đổ nát? Những gương mặt uất hờn? Nước mắt? Không, nó chỉ là cái hồ nước mênh mông phản chiếu bầu trời, mây trắng in trong ấy, mặt trời soi xuống đấy. Những tên người chết được khắc chung quanh thành hồ không theo thứ tự abc nào cả. Trong cái chết, họ cũng bình đẳng như trong cuộc sống. Nơi ấy dành chỗ cho một cành hoa, ngọn nến đặt xuống, thế thôi. Và một tượng đài khác được tặng cho nước Mỹ, tác giả là một điêu khắc gia danh tiếng người Nhật Bản, được thể hiện rất phương Đông. Giữa hai hình khối tượng trưng hai toà tháp chảy xuống một giọt nước mắt. Vẫn có nước mắt, vẫn không thể không biểu tượng nỗi đau bằng nước mắt. Tư tưởng và nghệ thuật khác nhau rồi nhé. 

Chiến tranh Việt Nam tròn 30 năm. Hòa bình cũng chỉ hơn một chút. Nhưng suốt hơn 30 năm không chiến tranh hay chưa thật sự hết chiến tranh? Biên giới Tây Nam, rồi biên giới phía Bắc. Ký ức chiến tranh lại đầy chấn thương đến nỗi tượng đài nơi đâu trên đất nước cũng chỉ một tư duy: Những cánh tay vung lên, súng ống, giáo mác, những gương mặt khắc khổ, căm giận, đau đớn. Những tượng đài không có bóng dáng của tương lai hạnh phúc. Nó hoàn toàn là quá khứ đau thương. Hào hùng ư? Nhưng buồn quá. 

Những năm đầu sau 1975, khi Nhà Triển lãm Chứng tích Chiến tranh trên đường Võ Văn Tần còn mang tên Nhà Trưng bày Tội ác Mỹ-Ngụy, nhiều chủ nhật, từng đoàn người xếp hàng vào xem, ngoài súng ống, nhà tù, bom mìn, máy bay, xe tăng, còn những kệ trưng bày những hũ đựng thai nhi dị dạng vì chất độc khai hoang, theo như lời chú thích. Trong dòng người ấy không chỉ có những người đã trưởng thành. Người ta dễ dàng bắt gặp những thiếu nhi khăn quàng đỏ, hay nhi đồng mẫu giáo. Nhân danh tố cáo tội ác, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, người ta cho trẻ con xem những thứ chỉ có thể gây chấn thương tâm hồn trước những hình ảnh ghê sợ. 

1989, tôi viết bài thơ “Thư gửi các thiên thần”: 

Chào những thiên thần bé nhỏ 
Tôi gặp sáng nay trên con đường mát hàng me xanh ngắt 
Những hàng me đã đi vào vô số nhạc và thơ 
Tôi xin tự giới thiệu 
Tôi – một người đã lớn 
Kẻ suốt đời đi tìm tuổi thơ đã mất... 
........................................... 
Thưa các thiên thần bé nhỏ 
Đang đuổi theo những chiếc lá me lăn tăn đầu phố 
Khăn quàng các em bay như màu lửa 
À không! 
Tôi xin lỗi 
Khăn quàng đẹp như đuôi những chú cá phướn trong chiếc lọ thủy tinh ở nhà 
Sau những trò nghịch ngợm lại xếp hàng đôi, hàng ba 
Đi vào xem máy chém. 
Đi vào xem những chiếc lọ thủy tinh không có con cá phướn 
Chỉ bềnh bồng trôi nổi những xác người 
Những xác người ghê rợn 
Nhăn nhúm... 
Co quắp... 
Thưa những người lớn đang làm nhà dìu dắt 
Đang hào hứng thuyết minh 
Đố quí vị đêm nay có bao nhiêu đứa trẻ giật mình 
Trong giấc mơ ôm mặt khóc? 
............................................................ 
Hãy giật mình khi trẻ thơ thắc mắc 
Cái chết là gì? 
Chiến tranh là gì? 
Máy chém. 
Để làm chi? 
[Sài gòn 1989] 


Cũng hàng chục năm qua,, cứ vào ngày kỷ niệm Thương binh liệt sĩ 27 tháng 7, nhiều nơi tổ chức những cuộc ca hát, giao lưu. Những bà mẹ liệt sĩ được mời đến. Khăn rằn quấn cổ, áo vải nâu hay một chiếc áo dài đơn sơ của mọi bà mẹ quê Việt Nam. Ở đấy nỗi đau thương của các mẹ lại được khơi dậy bằng những câu hỏi: Con của mẹ hy sinh năm nào, ở đâu? Trên những gương mặt già nua, những giọt nước mắt không còn để lăn xuống nữa. Nỗi đau thấu trời khi lần lượt đặt lên bàn thờ toàn bộ tài sản của mình: những đứa con trai, con gái... Gương mặt những bà mẹ ấy đã thành đá núi câm lặng. 

Nếu tôn trong nỗi mất mát, đau đớn đến kinh hoàng kia, lẽ ra hãy để các mẹ yên lặng. Nỗi đau vùi xuống còn chưa hết, sao lại cứ moi lên? 

Con cái chết hết, các mẹ cần gì vào tuổi già cô quạnh. Các mẹ cần được chăm sóc chia sẻ, an ủi.Các mẹ cần cơm ăn áo mặc như mọi người. Tượng đài hàng trăm tỉ trong lúc đất nước còn khốn đốn đủ thứ, thật sự có cần không? Hãy thử làm một cuộc trưng cầu từ người dân và chính các mẹ hôm nay. Câu trả lời chắc chắn sẽ khác hẳn cái câu cửa miệng quen thuộc “Theo nguyện vọng của nhân dân...” 

Bộ phim “Giải cứu binh nhì Ryan” chỉ đọng lại một vấn đề duy nhất . Khi người mẹ đã mất hai người con trai, người cuối cùng bằng mọi giá phải được mang trở về, phải được sống sót để chăm sóc, xoa dịu nỗi đau người mẹ. Nghĩa vụ cao cả chiến đấu cho đất nước những người khác sẽ gánh thay anh. Anh xứng đáng sống để trở về. 

Tượng đài đâu chỉ dành cho những nỗi chết. Nó còn dành cho những gì vinh danh quyền sống của con người. Mà những tượng đài vinh danh quyền sống ấy thường vĩnh cửu ở trong lòng người. 

Không thể khác.

No comments:

Post a Comment