Vũ Cao Đàm - Tôi nảy ý định viết ra ý tưởng này từ lúc đọc lại bài khai bút đầu năm của anh Bút Chẳng Tà, trong đó có nhắc đến ngày Trung Cộng khởi chiến, tấn công quân đội Việt Nam Cộng hòa để xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa.
Bài viết đưa lên mặt báo Bauxite Việt Namtrong khi trên trang mạng của Trung Cộng vẫn còn nhan nhản những bài chửi bới với giọng điệu của một kẻ cả vô giáo dục nhằm vào “Bọn Việt Nam vong ân bội nghĩa”, và kêu gào phải giết bọn “Việt Nam lòng lang dạ sói”, lấy máu “giặc Việt” để làm lễ tế thần cho trận chiến thu hồi Nam Sa.
Trong khi đó
thì chúng ta lại vẫn thường nghe một số quan chức, và cả bạn bè, cố gắng
phân trần, rằng nhân dân Việt Nam “Không bao giờ quên ơn Đảng Cộng sản
và Nhà nước Trung Cộng”, làm như đây là món nợ truyền kiếp, mà người
Việt chúng ta phải đời đời khắc cốt ghi xương.
Tôi
được đọc khá nhiều bài viết, với lập luận rất hay rằng, với việc lợi
dụng chiến tranh Việt Nam, đục nước béo cò thôn tính Hoàng Sa, rồi phát
động đại quân tấn công ào ạt toàn tuyến biên giới phía bắc, Trung Cộng
đã xóa xong món nợ ân nghĩa đã giúp Việt Nam trong hai cuộc chiến chống
Pháp và chống Mỹ. Đọc xong, thú thật tôi vẫn cứ phân vân,... phải chăng
là Trung Quốc đã giúp Việt Nam thật sự với tinh thần nghĩa hiệp của anh
hàng xóm mang nặng trong lòng mối tình láng giềng “môi hở răng lạnh”,
“tắt lửa tối đèn có nhau”... Có vị thuộc thế hệ đàn anh khả kính còn đưa
thêm cứ liệu lịch sử để nói rằng Việt Nam cũng đã đưa quân sang để đánh
quân đội Tưởng Giới Thạch, mở một mặt trận từ phía Nam để hỗ trợ Mao
Trạch Đông trong cuộc chiến Quốc – Cộng . Và như thế cũng góp phần xóa
xong cái món nợ mà Trung Cộng đã dành cho Việt Nam.
Về
một mặt nào đó, tôi đôi lúc có ý tán thành quan điểm của các vị đã nêu
lên những sự kiện này. Tuy nhiên, tôi lại suy nghĩ theo một hướng khác.
Đúng, đã đến lúc người Việt Nam chúng ta phải nhìn nhận lại, phải thanh
toán món nợ ân oán giang hồ này, xem thử chúng ta phải ôm trong lòng cái
“công ơn trời biển” mà bọn đế quốc Trung Cộng đã “ban phát” cho dân
Việt Nam “lòng lang dạ sói”, hay là phải nhìn thẳng vào cái bộ mặt lòng
lang dạ sói của chính bọn đế quốc Trung Cộng, để từ đó chọn một con
đường hành xử cho phù hợp lợi ích của dân tộc ta.
Không
cần tra cứu nhiều, chẳng cần ghi cụ thể các trích dẫn như một tiểu luận
khoa học, chúng tôi cho rằng, người Việt chỉ cần ở thế hệ thiếu niên
trong cuộc chiến tranh Việt Nam 1954-1975, cũng đã được nghe ngày ngày
những lời tuyên bố mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông, như, Việt Nam là tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa
(XHCN). Không những vậy, thơ ca Việt Nam hồi đó cũng đã được biết đến
bài thơ của Tố Hữu nhận định cái sứ mệnh cao cả của dân tộc ta là chiến
đấu cho việc thực hiện lý tưởng cộng sản của Marx trên toàn thế giới:
Trong bài thơ Miền Nam đưa lên mặt báo ngày 14/12/1963, Tố Hữu viết: “Ta vì ta ba chục triệu người /Cũng vì ba ngàn triệu trên đời /... và rồi... /Vui gì hơn làm người lính đi đầu /Trong đêm tối ta làm ngọn lửa”.
Điều đó đã khơi dậy lòng tự hào cao cả của cả một thế hệ, bởi sự hy
sinh này là vì “cuộc chiến đấu cho mục tiêu giải phóng nhân loại của
phong trào cộng sản quốc tế”.
Cũng chính trong
thời gian này, chúng ta không khó khăn tìm lại trên báo chí Trung Cộng,
là họ đã liên tục phát động các phong trào rầm rộ chi viện Việt Nam
chống Mỹ, tâng bốc Việt Nam là người lính xung kích anh hùng thời đại,
với những tuyên bố rung động lòng người: “Đụng đến Việt Nam là đụng đến
Trung Quốc”, và sẵn sàng đưa quân vào “kề vai sát cánh” chiến đấu bên
cạnh các “đồng chí” Việt Nam… Cho đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh “cảm ơn”
các “đồng chí” Quân Giải phóng Trung Cộng đã hoàn thành sứ mệnh “quốc tế
vô sản cao cả”, và mời các đồng chí về nước, thì người dân Việt Nam mới
tá hỏa ra, được chứng kiến, các “đồng chí” đập phá tan hoang đồ dùng mà
dân Việt Nam chu cấp cho các “đồng chí” trong thời gian lưu trú. Dân
Quảng Ninh, dân Hà Bắc (Bắc Ninh và Bắc Giang ngày nay) còn chứng kiến,
cái gì không đập phá được, chẳng hạn, bể nước xi măng, chum vại,… của
dân, thì các “đồng chí” đã xả hết của quý từ cái bụng “lòng lang dạ sói”
của cả đoàn quân Tàu Ô cộng sản vào đó. Khi các “đồng chí” đi khỏi thôn
bản rồi, thì cái của quý kia mới lan tỏa cái mùi “khai hóa cộng sản
kiểu Tầu”... thối um khắp nơi. Thế mà không thấy các “đồng chí” lãnh đạo
của cái hội “Bốn tốt” và “Mười sáu chữ vàng” bốc thơm cái “công ơn” ấy.
Còn dân Việt Nam ở Hà Bắc thì đến nay vẫn còn nhớ, đã được thưởng thức
tư cách... bốc mùi... của đạo quân Tàu Ô của giai cấp vô sản “đàn anh”,
“Mười sáu chữ vàng” như thế nào!
Đã đến lúc, người
“đồng chí quốc tế vô sản” Việt Nam phải tính sổ ân oán giang hồ với cái
đảng “quốc tế vô sản” Đại Hán. Chính báo chí và các nhà lãnh đạo Trung
Cộng đã nói rất nhiều lần, rằng người Việt Nam cầm súng chiến đấu là để
bảo vệ phe XHCN và bảo vệ chính đất nước Trung Hoa và các nước thuộc
“phe XHCN”, nhằm giam chân người Mỹ không cho vượt biên giới phía Nam để
tấn công Trung Quốc và khối XHCN,... để Trung Quốc được sống trong an
bình, phục hưng Trung Hoa thành một đế quốc cộng sản hùng mạnh, đủ sức
đối đầu với Mỹ trong vai trò bá chủ thế giới.
Mấy
tuần vừa qua, nhân kỷ niệm các ngày 19/8 và 2/9, chúng ta bồi hồi xem
lại trên các đài VTV không khí đầy sôi động của những ngày mùa thu năm
1945. Tôi nhớ lại, khi đó bố tôi đang là một nhà giáo, ăn lương của Nhà
nước Pháp, nhưng ông đã từ giã cuộc sống êm đềm và đầy tiện nghi của
thành phố, nhà trường và học sinh của mình để đi vào với cuộc kháng
chiến trường kỳ của dân tộc với tất cả bầu nhiệt huyết của thanh niên
Việt Nam thời đó. Tôi may mắn có cơ hội được chứng kiến một lớp người
như bố tôi, cùng với bạn bè giáo giới và học trò của ông, với tư cách là
những trí thức thời đó, đã hăm hở đi vào công cuộc chiến tranh giải
phóng dân tộc ra sao...
Nhưng rồi, cũng chính tôi
đã chứng kiến, bắt đầu từ năm 1950, sau Chiến thắng biên giới với trận
đánh lịch sử công phá cứ điểm Đông Khê (Cao Bằng), Việt Nam đã mở thông
với một hậu phương lớn là Trung Hoa và thế giới XHCN. Kế sau đó là lúc
Đảng Cộng sản Việt Nam xuất hiện trở lại với tên gọi là Đảng Lao động
Việt Nam, và những tuyên bố công khai về con đường đi lên chủ nghĩa xã
hội.
Cuộc chiến trên đất Việt Nam từ
đây chính thức mang màu sắc một cuộc chiến tranh ý thức hệ, vì một cuộc
đấu tranh cho “lý tưởng vĩ đại Ai thắng Ai” trên quy mô toàn thế giới.
Dân
tộc Việt Nam bị chia rẽ cũng chính từ đây. Hàng loạt người bỏ chiến khu
trở về thành phố cộng tác với Chính phủ Bảo Đại. Họ nói công khai là
trở về xây dựng thể chế chính trị “quốc gia” do Cựu hoàng Bảo Đại chủ
xướng. Những người kháng chiến xem Chính phủ Bảo Đại là bù nhìn của
Pháp, nhưng trên thực tế, ngọn cờ chủ nghĩa quốc gia của ông đã có sức
lôi kéo mạnh mẽ đối với một tầng lớp đông đảo những người không ưa chính
thể cộng sản, chứ không chỉ những người có ân oán với cộng sản và mang
lòng hận thù chống cộng. Lịch sử đã chứng kiến, bên cạnh những vị nhân
sĩ trí thức ra chiến khu đi theo Chính phủ Hồ Chí Minh kháng chiến, cũng
có rất nhiều nhân sĩ nổi tiếng không nhận lời cộng tác với Chính phủ Hồ
Chí Minh. Nhiều bạn bè của bố tôi nhắn lời khuyên bố tôi về cộng tác
với Chính phủ Bảo Đại, nhưng bố tôi “kiên định lập trường cách mạng”, đi
với kháng chiến đến cùng. Bởi vì, bố tôi cũng thuộc về phía những người
không muốn từ bỏ kháng chiến quay về thành phố để bị mang tiếng là “cầu
an, hưởng lạc” và “bán nước cho Pháp”. Sự chia rẽ dân tộc càng mạnh mẽ
với phong trào cải cách ruộng đất, và sau đó là công cuộc cải tạo công
thương nghiệp theo kiểu phi nhân tính của các nước “XHCN đàn anh”, mà
đại biểu gần gũi nhất, là chính thể cộng sản Trung Hoa.
Hệ
thống XHCN đã sụp đổ. Các quốc gia XHCN còn lại cũng đã từ bỏ thể chế
kinh tế của Lênin, quay trở lại với hệ thống kinh tế thì trường. Nước
XHCN “đàn anh” Trung Cộng đang ngày càng lộ mặt một tên đế quốc hung hãn
nhất thời đại, đang ngày càng lún sâu vào con đường phát xít hóa.
Hệ thống XHCN đã tan rã, sứ mệnh Việt Nam trong vai trò “tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa” đã lùi vào lịch sử.
Chúng
ta không thể nói “giá mà” với lịch sử, nhưng ta có thể lựa chọn con
đường cho tương lai. Lịch sử là lịch sử, vai trò “tiền đồn” đi vào lịch
sử cũng có nghĩa, những “món nợ” vì thực hiện nghĩa vụ “tiền đồn” cũng
đi vào lịch sử. Tôi vừa viết bài trên Bauxite Việt Nam: Còn níu kéo gì, khi tên đế quốc cộng sản Đại Hán đã trút bỏ cái mặt nạ “anh em”, “đồng chí”? Tiếp đó là một bài viết họa theo câu ngạn ngữ Pháp Dis moi qui tu fréquentes et je te dirai qui tu es (Hãy nói cho tôi biết, anh hay qua lại với ai, tôi sẽ nói cho anh biết, anh là người thế nào).
Các
bạn đừng hiểu là tôi đả kích lịch sử. Không, tôi nâng niu lịch sử của
đất nước tôi, như với mọi người thân của chúng ta, chúng ta yêu cả cái
dễ thương và cả cái dễ ghét của họ. Lịch sử có thể có cái sai lầm của
lịch sử. Khi người ta nói Lênin đã mắc những sai lầm lịch sử, thì cũng
nên nhớ rằng, một mình Lênin không thể làm nên lịch sử, mà có cả một bộ
phận của xã hội bị cuốn theo Lênin... Cả một trào lưu của xã hội. Mỗi
người chúng ta vừa là nạn nhân, song cũng vừa là một tội đồ của cả một
trào lưu lịch sử. Chỉ có điều, chúng ta phải nhìn ra những sai lầm ấy.
Một
bộ phận dân tộc Việt Nam đã lựa chọn và tự hào làm “tiền đồn” của phe
XHCN. Nay hệ thống XHCN đã đi vào lịch sử, chỉ còn lại những kẻ hiếu
chiến, như kiểu Trung Cộng, muốn tiếp tục sự nghiệp bành trướng của cha
ông họ. Chúng ta không thể níu kéo tiếp tục cái đã đi vào lịch sử.
Hãy
tỉnh táo, không mộng mị quẩn quanh với cái “tình cảm tri ân” của lịch
sử. Nếu cứ nhắc nhở người Việt Nam chúng ta phải tri ân kẻ đã viện trợ
cho Việt Nam để thực hiện vai trò “tiền đồn” của phe XHCN... Vậy ai sẽ
đền ơn cho dân tộc Việt Nam đã đổ một núi xương biển máu để làm “tiền
đồn” bảo vệ cho cái hệ thống XHCN đã vĩnh viễn đi vào lịch sử ấy?
Nói
đến đây, chúng ta không thể không nói đến một nửa phía bên kia của đất
nước Việt Nam. Phía ấy là Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Phía ấy lại là một
tiền đồn nữa: Tiền đồn của phe chống Cộng thế giới. Phe ấy mong muốn
ngăn chặn con bài đô-mi-nô cộng sản tràn xuống Đông Nam Á, thực hiện ý
đồ nhuộm đỏ phần còn lại của thế giới này. Những anh em cùng huyết thống
Việt Nam trấn hai “tiền đồn” của hai bên đối địch nhau trên quy mô toàn
thế giới. Tôi chưa đọc được tài liệu nào của Mỹ kể ơn đã chi viện VNCH,
như Trung Quốc đã kể ơn với những người cộng sản Việt Nam. Nhưng giả dụ
người Mỹ kể ơn, thì câu chuyện sẽ lại là: Vậy ai đền cho xương máu của
người Việt đã đổ xuống mảnh đất “tiền đồn” cho cả hai phe?
Không. Trong Cựu ước Kinh có ghi lời Chúa: “Oeil pour oeil, dent pour dent”! Đúng, “Mắt đã được trả bằng Mắt, Răng đã được trả bằng Răng”. Thế là đủ lắm rồi. Dân tộc Việt Nam không còn nợ nần ai hết cả.
Cái gì đã là lịch sử hãy trả cho nó về với lịch sử.
V.C.Đ.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
No comments:
Post a Comment