Kính gửi quí cơ quan truyền thông báo chí,
Ở
nước ngoài, một người uống rượu lạc tay lái ủi vào bộ hành gây tử vong
cho 2 người là một chuyện lớn. Ở VN vượt đèn đỏ gây tử vong cho 2 người
là chuyện thường ngày ở huyện, vì hàng chục xe đều vượt đèn đỏ nhưng chỉ
có 2 xe gây ra tai nạn!
Người mình vẫn tin vào cái số, trời kêu ai nấy
dạ nên mọi người thoải mái vi phạm, thậm chí có người không biết đó là
vi phạm. Một độc giả viết: Khu vực nơi tôi đang sinh sống là trung tâm
của TP.HCM, mỗi khi có việc đi bộ ngang qua cầu Lê Văn Sĩ, tôi đã không
ít lần chứng kiến cảnh những anh xe ôm hoặc khách đi đường dừng xe, đứng
trên cầu ngang nhiên “xả nước”. Mùi xú uế luôn bốc lên nồng nặc. Ở đâu
có người ngồi buôn bán, nơi chờ xe buýt là nơi đó rác vứt bừa bãi, khạc
nhổ tự do…
Những chuyện như thế phản ánh lên ý thức công dân của cả một dân tộc. “Nhỏ hay không nhỏ”
là những suy tư, bức xúc của khá nhiều những trí thức trong nước. Kính
mời quí vị cùng chia sẻ với tác giả Phan Kiến Quốc và kính mong được
tiếp tay phổ biến.
Trân trọng,
Mai Hương
Trưởng Ban Liên Lạc Truyền Thông Việt Ngữ
===========================================
Nhỏ hay không nhỏ?
Phan Kiến Quốc - Ngày
27/3/2006, báo Thanh Niên đã phát động một diễn đàn mang tên “Nước Việt
Nam ta nhỏ hay không nhỏ?”, người khởi xướng là ông Dương Trung Quốc,
một nhà nghiên cứu sử và đồng thời là đại biểu quốc hội tỉnh Ðồng Nai.
Cho đến nay, diễn đàn đã nhận dược hàng ngàn thư từ, bài vở bạn đọc từ
khắp nơi trong lẫn ngoài nước và vẫn còn tiếp tục. Mỗi ngày Thanh Niên
trích ra một lá thư tiêu biểu hoặc những nhận xét của độc giả. Tính ra
cho đến nay cũng vào khoảng 150 ý kiến đóng góp đã được đăng báo.
Vậy những lá thư, những ý kiến của độc giả đã nói lên những gì?
Ðiều
trước tiên cần phải được nêu lên là “Nước Việt Nam ta nhỏ hay không
nhỏ?” là diễn đàn kéo dài lâu nhất và dĩ nhiên nhiều người đóng góp nhất
từ trước đến nay. Trong bài phỏng vấn trên đài RFI trong tháng 5/2006,
ông Dương Trung Quốc cũng thú nhận rất ngạc nhiên về sự đóng góp sôi nổi
của độc giả, mặt khác, những đóng góp này xoay quanh những việc rất
“đời thường”, liên quan đến đại đa số quần chúng, vì thế chúng ta có thể
nói diễn đàn này đã thu hút được sự quan tâm của không ít độc giả
trong, ngoài nước (1).
Xét về nội
dung của gần 150 ý kiến được chọn đăng trong hai tháng qua, chúng ta có
thể khẳng định ngay rằng hầu như 100% câu trả lời cho câu hỏi “Nước Việt
Nam ta nhỏ hay không nhỏ?” là NHỎ, thậm chí còn rất nhỏ. Ðọc qua những
bài đã đăng, người ta cảm nhận được ngay tức thì những lo lắng, những
bức xúc, những ưu tư về tương lai của đất nước. Một điều khá tích cực là
đề tài này là một đề tài tương đối “dễ viết, dễ bày tỏ”. Chữ “dễ” ở đây
có thể được hiểu theo nghĩa đen là không khó, nhưng cũng có thể được
hiểu là không bị kiểm soát, không bị trả thù khi đề cập đến những điều
“tế nhị”, hoặc những phê bình gay gắt. Ðiều này cũng dễ hiểu trong khung
cảnh dư luận còn chưa hết rúng động về những tiêu cực mang tầm vóc vô
tiền khoáng hậu như vụ PMU18.
Tóm lại những ưu tư của độc giả có thể được xoay quanh những chủ đề sau:
1.
Việt Nam sẽ chẳng bao giờ lớn khi không vượt qua được những chuyện nhỏ.
Và những chuyện nhỏ đó là: giao thông, ý thức công dân.
“Từ
mấy chục năm nay, sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bức
tranh giao thông (đi lại) của hơn 80 triệu người Việt Nam chẳng có gì
thay đổi cả. Cái cách đi lại trên đường cho ta thấy văn hóa, lối sống và
đạo đức kém cỏi của người Việt Nam ta, đồng thời là sự yếu kém của bộ
máy quản lý và điều hành đất nước. (…). Chỉ cần qua đây cũng thấy được ý
thức, văn hóa và lối sống của người Việt Nam chúng ta ảnh tưởng đến lối
đi lên của đất nước thế nào: Hình như mỗi con người Việt Nam chúng ta
đều là một chủ thể riêng biệt, không gắn kết, giống như các khối nhà của
các cơ quan đoàn thể ở Việt Nam đều có hàng rào ngăn cách, ai cũng chỉ
biết mình mà thôi, bon chen và lẻ loi. Như thế làm sao chúng ta có thể
hợp vào làm một khối thống nhất để xây dựng đất nước ta trở thành lớn?
(Lê Quang Hưng)
Theo một cuộc hội
thảo về an toàn giao thông tại Sàigòn tháng 4/2002 có sự tham gia của
các nước ASEAN và Nhật, Úc, Ba Lan và New Zealand, thì tình trạng giao
thông đô thị ở Việt Nam là “hết thuốc chữa” và có chăng là phải “đợi một
thế hệ mới”. Con số tử vong chính thức vào khoảng 10.000/năm (2) so với
một vài nước có “thành tích” về giao thông này thực ra không lột tả
được thực trạng u tối của vấn đề. Ở các nước khác, tai nạn giao thông
gây ra là do một thiểu số vi phạm như uống rượu, chạy nhanh, ngủ gật,
nhưng ở Việt Nam tai nạn xảy ra là do cả một tập thể cùng nhau vi phạm. Ở
nước ngoài một người uống rượu lạc tay lái gây ủi vào bộ hành gây tử
vong 2 người là một chuyện “lớn”, nhưng ở Việt Nam, vượt đèn đỏ gây tử
vong cho 2 người là một chuyện “thường ngày ở huyện” vì hàng chục xe đều
vượt đèn đỏ nhưng chỉ 2 xe gây ra tai nạn. Người mình vẫn tin vào cái
số, “trời kêu ai nấy dạ” nên mọi người thoải mái vi phạm, thậm chí có
người không biết đó là vi phạm ! Một khía cạnh khác, ở nước ngoài tìm ra
một ông tây chở 3 hoặc đi ngược chiều vốn “xưa nay hiếm”, nhưng sau khi
ở Việt Nam một thời gian, chính ông tây ấy cũng có thể ung dung vi phạm
vào những chuyện “tày đình” trên. Gần mực thì đen có khác, câu chuyện
Án Anh xưa 20 thế kỷ hóa ra có thật.
Những
“chuyện nhỏ” không chỉ giới hạn quanh vấn đề giao thông, nhưng nói rộng
ra là ý thức công dân. Ngày nay không một người nào trong xã hội phủ
nhận vấn nạn này (dĩ nhiên trừ những người không biết thế nào là ý thức
công dân, và đó không phải là con số nhỏ). Một độc giả đã viết: “Khu vực
nơi tôi đang sinh sống là trung tâm của TP.HCM. Mỗi khi có việc đi bộ
ngang qua cầu Lê Văn Sĩ, tôi đã không ít lần chứng kiến cảnh những anh
xe ôm hoặc khách đi đường dừng xe, đứng trên cầu ngang nhiên “xả nước”.
Mùi xú uế luôn bốc lên nồng nặc. (…) Ở đâu có người ngồi buôn bán, nơi
chờ xe buýt là nơi đó rác vứt bừa bãi, khạc nhổ tự do. Hầu hết những sự
việc như thế chỉ xử lý từ ngọn, chặt đứt ngọn này liền mọc nhiều nhánh
khác và cuối cùng là bỏ lửng ! Tôi cảm thấy những hiện tượng ấy kéo dài
từ thế hệ này qua thế hệ khác. Biết rằng thế hệ sau được tiếp cận nhiều
hơn với nền văn minh của nhân loại nhưng không lẽ cứ tiếp nối mãi
“truyền thống” của thế hệ trước để lại như vậy sao? Kề cận với ta là
Thái Lan, Singapore, Malaysia… trước khi mở rộng ngành du lịch là họ đã
giáo dục nhân dân trước nhiều năm với nhiều hình thức: học sinh ở trường
học, người dân buôn bán ở chợ, danh lam thắng cảnh, đền chùa… Còn ở
nước ta dường như chuyện đó bị bỏ ngỏ. Ai biết ngượng thì tự sửa đổi,
còn đại đa số sống theo bản năng. Chúng ta hay nói phải có lòng tự
trọng, riêng tôi thì gọi là “văn hóa biết ngượng” để đánh thức mọi nguời
biết xấu hổ với chính mình về những hành vi xấu xí đó. Dù muộn vẫn còn
hơn là không bao giờ”. (Quỳnh Chiêu)
Một
nhà sư phạm đã nói: “Nếu người dân vượt quá lằn vôi ở đèn đỏ 3cm, ý
thức công dân dân tộc đó đã chậm tiến 13 năm”. Tôi mong rằng đây chỉ là
câu nói ví von hoặc ngẫu hứng, chứ nếu mà có thật như thế thì mức tụt
hậu của chúng ta sẽ là một cái gì cực kỳ vĩ đại và không thể tưởng tượng
nổi.
2. Không nên vin vào quá khứ để biện minh cho những yếu kém hiện tại.
Khi
gặp những vấn nạn, một trong những điều chế độ thường hay ra rả là đổ
lỗi tất cả cho chiến tranh, cho cấm vận, cho cái nghèo. Nhưng ngược lại,
khi bị phê bình là vi phạm nhân quyền thì đảng cộng sản lại không ngần
ngại nhắc lại công trạng của mình trong hai cuộc chiến vừa qua, công
trạng đưa đất nước từ đói nghèo sang phát triển, làm như nếu không có
đảng là miền Nam trở thành tiểu bang thứ 52 của Mỹ và không có đảng thì
người dân miền Nam chỉ có bo bo và khoai mì để cầm hơi ! Thế nghĩa là
làm sao? Một đàng thì quỵ lụy, tự ti, một đàng là kiêu ngạo coi Trời
bằng vung. Về vấn đề này một độc giả có nickname didaudo viết:”Chúng ta
nên quan tâm xem xét đến tương lai của chúng ta chứ không chỉ tự hào,
hãnh diện hoặc ngại, xấu hổ khi nói về quá khứ và tình trạng hiện tại.
Chúng ta chỉ có thể tự hào về quá khứ chứ không thể sống và phát triển
bằng quá khứ. Chưa nói đến chuyện dù quá khứ đó có như thế nào đi chăng
nữa cũng chỉ là một giai đoạn trong lịch sử của dân tộc ta. Vấn đề sẽ rõ
ràng và công bằng khi nhìn lại toàn bộ lịch sử của dân tộc. Việt Nam sẽ
như thế nào, nhỏ hay lớn phụ thuộc chủ yếu vào thái độ dám nhìn thẳng
vào sự thật, biết rõ khả năng, vị trí hiện nay và quyết tâm vươn lên
mạnh mẽ của chúng ta từ việc ý thức rõ về một quốc gia nhược tiểu.”
Sự
kiêu ngạo đôi khi đến mức lố lăng. Trong thời gian qua những biến động
chính trị tại miền Nam Thái Lan cộng với hậu quả của các thiên tai tại
Phu Ket, tại Sumatra nên một số du khách đã đổi tour đi sang Việt Nam,
thế là báo chí rộ lên là Thái Lan đang “rét” lên vì sợ nước mình, ngay
cả ngài Thủ tướng Phan Văn Khải đã hứng chí tuyên bố:”Việt Nam sẽ (chỉ)
bắt kịp Thái Lan về GDP trong vòng 15 năm nữa, đây là một điều không thể
chấp nhận được”. Trong khi mọi người đều biết rằng với tất cả các dữ
kiện hiện tại hai nước thì chúng ta chỉ đuổi kịp họ trong vòng nửa thế
kỷ nữa. Sự ngạo mạn này đã làm không ít người lạc quan một cách lệch
lạc, còn những người hiểu biết hơn thì lắc đầu chán nản.
Trở
lại với giọng điệu “lưỡi không xương”, một cán bộ nhà nước hưu trí đã
viết: “Phải chăng chính vì từ những chủ quan tự mãn sau ngày giải phóng
miền Nam, hay những biểu hiện mặc cảm tự ti khi ra trước thế giới như
hiện nay? (…)Không thể mang mặc cảm tự ti của nước nghèo khi đi đàm phán
với thế giới để đòi hỏi sự công bằng trong thương mại. Dân tộc Việt Nam
có quá khứ oai hùng, nhưng không thể dựa vào vầng hào quang này để sử
dụng trong quan hệ ngoại giao, quốc tế mà cần phải có một nền kinh tế
vững mạnh, một đồng tiền có giá trị lớn để giao lưu.”
3. Hai mặt trái ngược của xã hội.
“Trong
cuộc sống, khá nhiều bạn trẻ già đi rất sớm. Một số ra vẻ nhanh nhảu
chớp lấy thời cơ để kiếm tiền và tưởng rằng bằng cách đó sớm in dấu ấn
của mình trước xã hội, sau đó lao vào cuộc sống ăn chơi thực dụng. Một
số khác lại sống đờ đẫn, mộng du hay rơi vào một tình trạng vô cảm, một
sự chết mòn về tâm lý”.(Vương Trí Nhàn).
“Một
người thì trên cao, chỉ biết phát biểu. Còn một người ở dưới thấp thì
chỉ biết sống theo kiểu hằng ngày đi làm tàn tàn rồi ăn uống nhậu nhẹt
mà chẳng màng quan tâm gì đến đất nước ngày hôm nay ra sao”. (Nhật
Thanh)
Ðóng góp của hai bạn đọc
(trong đó Vương Trí Nhàn là một nhà nghiên cứu) đã nói lên rất thật sự
phân hóa sâu sắc trong xã hội, nhất là trong giới thanh niên, và đó cũng
làm cho đất nước không thể “lớn” nổi.
Thực
ra tình trạng này hiện hữu ở khắp mọi nơi. Ở nước ngoài, nhất là ở các
nước phát triển, chuyện “quan tâm gì đến đất nước ngày hôm nay ra sao”
chỉ có ở một thiểu số cán bộ trong các chính đảng hoặc một số người yêu
thích thời sự, thích chính trị. Nhưng cái khác biệt căn bản giữa họ và
ta là họ có quyền chọn lựa thích hay không thích, còn ở ta cũng có quyền
chọn lựa nhưng chỉ là chọn lựa quyền thích (chế độ) hoặc không làm gì
hết. Và trong hoàn cảnh Việt Nam bây giờ thì đại đa số người dân nói
chung và thanh niên nói riêng đều chọn “không làm gì hết”. Họ chấp nhận
thái độ mũ ni che tai trước mọi vấn đề của xã hội, của đất nước. Nhìn từ
nước ngoài, cái hình ảnh “hằng ngày đi làm tàn tàn rồi ăn uống nhậu
nhẹt ” hoặc hình ảnh bia bọt chảy lan tràn trong các quán nhậu mọc lên
như nấm sau mưa là hình ảnh của một đất nước thanh bình, hiền hòa, trái
ngược với những chật vật thường ngày, trái ngược với các hình ảnh đình
công, biểu tình, xung đột chính kiến nơi xứ họ; và nhìn từ bên trong
người ta gọi đó là “ổn định chính trị”.
Khốn
thay, cái “ổn định” ấy ngày càng đẩy đất nước chúng ta vào tình trạng
tụt hậu so với các nước trong khu vực, vì nó nuôi dưỡng tham nhũng, tạo
ra sự cách biệt giầu nghèo, tạo sự “vô cảm” của người dân trước mọi vấn
đề đất nước. “Ðúng là đất nước chúng ta đang rất nghèo nàn và lạc hậu.
Nhưng có phải ai cũng nhận ra điều đó, hay chỉ lo kiếm tiền cho vào túi
mình. Chứ chẳng hề quan tâm đến xã hội như thế nào. Không phải kiếm tiền
là sai, cái đó rõ ràng ai cũng biết. Nhưng tôi thấy một số thế hệ thanh
niên bây giờ cứ lo kiếm tiền bằng cách chạy chọt lo lót hết cái này cái
khác, lo lót, nịnh nọt để được lên chức mà không hề muốn chứng tỏ bản
thân mình. Như thế là làm ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển cho đất
nước. (Nguyễn Văn Nam). Và hậu quả đương nhiên là những vụ PMU, những vụ
thất thoát làm thiệt hại cho ngân quỹ quốc gia hàng trăm triệu USD mỗi
năm trong lúc chỉ cần xấp xỉ 500 USD là có thể xây được một mái nhà che
mưa che nắng cho người nghèo. Hậu quả đương nhiên là có “những người lấn
chiếm, được đền bù hàng trăm triệu, có tiền và ông ta đi… lấn chiếm
tiếp” (trandinhlytd), trong khi ngay tại Thủ Ðức có nhiều gia đình với
đồng lương chỉ xấp xỉ 700.000/tháng, nhưng vì không có nước sinh hoạt
phải đi mua nước với giá cắt cổ 100.000 đồng/ mét khối !
4. Sự mất định hướng và khủng hoảng niềm tin ở thanh niên.
“Tôi
thấy các bạn trẻ bây giờ khá bơ vơ. Họ gặp nhiều khó khăn lắm, thậm chí
còn khó khăn hơn chúng tôi nữa. Chúng tôi cực khổ nhưng có niềm tin,
còn sự khủng hoảng niềm tin thì đang thấy ở nhiều bạn trẻ hôm nay. Thế
hệ chúng tôi chỉ lo đối mặt với kẻ thù và cuối cùng đã góp phần làm nên
chiến thắng. Thế hệ các bạn bây giờ đang đối mặt với nỗi đau đớn của đất
nước tụt hậu, và trong thâm tâm nhiều người tự hỏi không biết bao giờ
chúng ta mới thực sự giải quyết được điều đó. (…).
Hoàn
cảnh xã hội ngày hôm nay không giúp cho người thanh niên sống tốt sống
đúng đắn. Nhìn ra xã hội bây giờ, chúng ta không tránh khỏi xấu hổ: quan
chức tham nhũng thuộc vào hàng nhất nhì châu Á; cơ sở vật chất hạ tầng
yếu kém, môi trường ô nhiễm, đường đầy bụi bặm, rác rưởi; công nhân đi
lao động nước ngoài bị trả về; giáo dục thì nhồi nhét, chạy thành tích,
chạy điểm, đủ thứ “cò, phe vé” ; hầu như ở đâu cũng thấy gian lận… ”
(Vương Trí Nhàn)
Qua nhận xét trên có
lẽ chúng ta không cần phải nói gì thêm, chỉ có điều là bây giờ người ta
mới hiểu tại sao trong thời gian gần đây nhà nước đã liên tục “lên giây
cót” tầng lớp thanh niên bằng các loạt bài như “Mãi mãi tuổi hai mươi
“, “Nhật ký Ðặng Thùy Trâm”. Nhưng liệu việc động viên tinh thần của
thanh niên thế hệ 8X, 9X bằng những nhân vật chiến tranh này sẽ kéo dài
được bao lâu nữa khi tình trạng tụt hậu càng lúc càng trầm trọng? Khi
thanh niên thôn quê đổ xô ra thành thị với biết bao hệ lụy xã hội vốn
đang ở mức báo động.
Cuối năm 2005,
Bộ Giáo Dục vừa trình Chính phủ đề án học phí mới, theo đó, sinh viên
trong các trường ÐH công lập có thể sẽ phải trả học phí tới 900.000
đồng/tháng, gấp 5 lần mức hiện hành. Ðây là một gánh nặng ngoài sức chịu
đựng của nhiều gia đình. Nên nhớ sự phân hóa giàu nghèo ở Việt Nam là
13,5 lần (theo số liệu điều tra công bố năm 2005). Một SV từ nông thôn
vào thành phố phải tiêu tốn ước tính 8 triệu – 16 triệu đồng/ năm. Trong
khi có vùng, ngày công lao động chỉ 1.000 đồng, nông dân phải bán ruộng
hay trả ruộng để đi làm thuê. Việc tăng học phí như thế sẽ làm con em
người nghèo không đi học được. Trong khi đó cũng theo thống kê của Bộ,
từ nhiều năm gần đây, học sinh tiểu học liên tục giảm. Năm 2004 giảm
600.000 em ! Vậy Nhà nước lấy cái gì để “lên giây cót” các em khi việc
in sách giáo khoa hàng năm đem lại 200 triệu USD cho Bộ? lấy cái gì để
“lên giây cót” cho sinh viên nghèo khi báo chí mới đây Vietnam Airline
đã rút hàng chục ngàn USD tài trợ cho các con quan đi du học?
* * *
Nói
cho cùng, diễn đàn “Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?” trong hai
tháng qua đã là một nơi “xả stress” cho mọi người quan tâm đến đất nước.
Như đã nói ở trên, hầu như tất cả các bài được chọn đăng đều có câu trả
lời, có những nhận xét bi quan, tuy nhiên cái bi quan hơn cả là người
viết cũng chỉ loay hoay với những giải pháp xử lý rất mơ hồ, đại khái
là:
- quyết tâm hành động chống tham nhũng.
- phát huy tối đa nguồn lực và khắc phục trở ngại của mình
- thay đổi chính mình về tư tưởng, lối sống đạo đức.
- tạo sức mạnh đoàn kết
- phát huy lòng tự trọng, ý thức dân tộc.
-…
Càng
đọc các đóng góp của độc giả Thanh Niên càng thấy bi quan, nhưng đọc
đến những giải pháp lại càng thấy tù mù, bế tắc hơn, vì tất cả những
điều trên nhà nước đã gào lên từ 4 Ðại hội Ðảng gần đây nhưng chẳng thấy
điều gì lay chuyển. Cả 83 triệu người đều thấy đó là những việc cần
làm, nhưng cụ thể là thế nào thì chẳng ai nói. Tạo sức mạnh đoàn kết dân
tộc thì tôi phải làm gì? (trong khi xã hội đầy rẫy những phân biệt, kỳ
thị); nói phát huy ý thức công dân nhưng dừng xe ở đèn đỏ lại bị chửi là
hâm; nói quyết tâm chống tham nhũng nhưng chỉ cái việc kê khai tài sản
nói 4 năm nay chẳng thấy nhúc nhích (mặc dù đây cũng chỉ là hình thức)…
Rõ là rối càng rối hơn.
Trong cuộc
phỏng vấn trên đài RFI, ông Dương Trung Quốc đã nói về nhu cầu tất yếu
là dân chủ hóa chế độ, nhưng ông ta cũng khéo léo gài thêm những điều
kiện là dân chủ theo kiểu nào, trong hoàn cảnh nào. Vị thế đảng viên và
đại biểu Quốc hội của ông ta không cho phép nói xa hơn. Hoàn toàn thông
cảm.
Tôi thiết nghĩ đó không chỉ là
tâm tư của 150 ý kiến đã đăng và hàng ngàn bài viết khác không được chọn
mà đó còn là nguyện vọng của rất nhiều người Việt trong và ngoài nước:
Muốn Việt Nam lớn, đất nước phải có dân chủ,.
Sàigòn, 4/6/2006
Phan Kiến Quốc
Phan Kiến Quốc
http://baotoquoc.com/2011/08/31/nh%E1%BB%8F-hay-khong-nh%E1%BB%8F/#more-32596
No comments:
Post a Comment