Wednesday, September 28, 2011

Giáo sư Hoàng Tụy buồn...



Ngày 22/9, một số mạng thông tin của giới khoa học chia sẻ tin vui, GS Hoàng Tụy được nhận giải thưởng đầu tiên của Đại hội Toán học quốc tế về tối ưu toàn cục. Gặp ông vào chiều ngày sau đó, vị Giáo sư nổi tiếng với công trình kinh điển "lát cắt Tụy" bộc bạch, ông thấy mình buồn nhiều hơn.

Nỗi buồn của người từng tạo ra “kinh thánh”

Vừa trở về nhà lúc 5h chiều, sau 2 buổi dự hội thảo về giáo dục, GS Hoàng Tụy nói: “Hôm qua, có một số báo gọi đến hỏi, nhưng tôi bảo không có gì cả, rất bình thường, bình thường lắm, làm ầm ĩ lên thì không đáng”.

“Nhận giải thưởng, tôi vui ở chỗ, đây là một xác nhận chính thức về cống hiến của mình, mà thực ra, lâu nay phần lớn mọi người đều thừa nhận cả rồi. Nhưng tôi không vui hoàn toàn là bởi tương lai tối ưu toàn cục ở Việt Nam không sáng sủa, vai trò của Việt Nam trong ngành khoa học này trên thế giới không có tương lai”.

Giải thưởng Constantin Caratheodory, đã được Đại hội thông báo với ông từ 2 tháng trước.

Đại hội tối ưu toàn cục năm nay tổ chức lần 2, ở Hy Lạp, đã chọn ông – người đầu tiên để tôn vinh. Lần thứ nhất, Đại hội tổ chức ở Thượng Hải, Trung Quốc vào năm 2009.

Sau khi giải thích một chút với tôi về nguồn cơn ra đời của Hiệp hội tối ưu toàn cục và những động thái mạnh mẽ mà Trung Quốc gầy dựng để vươn lên vai trò dẫn đầu ở lĩnh vực này, giọng ông chùng xuống, khác với vẻ say sưa, nhiệt huyết mỗi lần đến gặp ông để hỏi chuyện về những vấn đề dư luận quan tâm:

“Ở Việt Nam, khó xây dựng tập thể khoa học mạnh. Lẽ ra, tối ưu toàn cục có thể trở thành một trường phái ở Việt Nam. Tôi đã cố gắng xây dựng, nhưng thất bại”.

Trong cuộc đời làm khoa học và giáo dục của mình, ông đã hoàn thành nhiều việc lớn. 26 tuổi, chủ trì biên soạn sách giáo khoa phổ thông. 37 tuổi, khai sơn phá thạch lĩnh vực mới của toán học; đóng vai trò không nhỏ cho việc ra đời các chương trình, chính sách phát triển đội ngũ làm khoa học về toán của Việt Nam. Nhưng cũng có việc bất thành, mà ông không muốn nhắc lại.

“Gần đây, tình hình có khá hơn, sau chuyện anh Ngô Bảo Châu có giải thưởng Fields. Nhưng chưa giải quyết được vấn đề cơ bản đâu. Những người giỏi đi ra nước ngoài hết cả” – giọng ông buồn buồn.

Hướng về giáo dục

2011 cũng là năm GS Hoàng Tụy đón nhận những niềm vui nho nhỏ. Đó là giải thưởng của những tổ chức uy tín trong và cả ngoài nước dành cho sự nghiệp khoa học, giáo dục của ông – nhà toán học nay đã ở tuổi 84.

Và cũng như ở địa hạt khoa học, ở giáo dục, ông có niềm vui khi nhận được sự thừa nhận từ cộng đồng tiến bộ; nhưng không khỏi nỗi buồn bởi những nguyện ý còn dở dang...

Tháng 3 vừa qua, ông vừa được tôn vinh với giải thưởng Phan Châu Trinh. Không phải giải thưởng hay huân chương trong hệ thống hành chính Nhà nước, giải thưởng này được khởi xướng từ một tổ chức xã hội dân sự, với ý nghĩa cao quý thúc đẩy sự nghiệp văn hoá giáo dục của nước nhà theo tinh thần khai sáng của nhà ái quốc vĩ đại. Ở lĩnh vực giáo dục, sau GS Hồ Ngọc Đại, GS Hoàng Tụy là người thứ 2 nhận giải.

Trong diễn từ đọc ở lễ trao giải, ông giải thích “duyên nợ với giáo dục” của một người làm khoa học ở một đất nước nghèo khó:

“Bắt đầu dạy học ở tuổi 20, đến nay đã ngoài 80, suốt hơn 60 năm đó, tôi chưa lúc nào xa rời nghề dạy học, tuy học trò của tôi thì tuổi tác, tính chất, trình độ và cả quốc tịch cũng ngày càng đa dạng. Được may mắn học phổ thông ở nhà trường thời thực dân, ra đời cũng được đi đây đi đó học, dạy, làm việc trong những môi trường đại học khoáng đạt hiện đại từ Tây sang Đông trên thế giới nên tôi thường có dịp suy ngẫm về nghề nghiệp của mình.

Suy ngẫm từ vị trí công dân một nước nghèo, lạc hậu, khát khao mau chóng đuổi kịp một nhân loại đang rộn rịp chuyển lên nền văn minh trí tuệ đầy thách thức. Điều đó tự nhiên dẫn đến mối quan tâm trăn trở gần như thường trực đối với nền giáo dục của nước nhà....”

Nhận thức từ rất sớm một hiện thực hiển nhiên “chỗ nghẽn lớn nhất của xã hội là giáo dục”, trong khoảng hơn chục năm gần đây, ông đã khởi xướng và dẫn đầu nhiều xeminar để kiên trì cất một tiếng nói: Chấn hưng giáo dục: Mệnh lệnh của cuộc sống!

Seminar “hướng về giáo dục” khởi xướng năm 2004, tập hợp 23 nhà khoa học, giáo dục và văn hóa, hầu hết là Việt kiều ở Mỹ, Pháp, Nhật, Bỉ, Úc… nhằm đề xuất một cải cách giáo dục mạnh mẽ.

Song song với seminar “hướng về giáo dục” là bản kiến nghị “chấn hưng giáo dục” gây xôn xao xã hội lúc bấy giờ. Đồng cảm với khát vọng có được một nền giáo dục hiện đại, tôn trọng các nguyên tắc “trung thực, tự do và sáng tạo”, nhiều tiếng nói đã cất lên đồng hành cùng nhóm trí thức ấy. Nhiều tờ báo lớn mở diễn đàn và chạy bài ngót cả năm.

5 năm sau, một bản kiến nghị tương tự với tinh thần canh tân tiếp tục được gửi tới Quốc hội, Chính phủ.

“Giáo dục và giáo dục, không có gì quan trọng hơn. Vì vậy, cải cách giáo dục mạnh mẽ, toàn diện và triệt để là mệnh lệnh cuộc sống. Càng chần chừ, càng trì hoãn càng trả giá đắt, và không loại trừ đến một lúc nào đó sẽ là quá trễ như đã từng xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới” – ông nhắc lại.

Nhưng lúc này, sự phổ biến của bản kiến nghị đã bớt rộng rãi hơn, dù ông “chỉ nói những sự thật hiển nhiên, ai cũng biết”.

Làm sao để nhà giáo sống được bằng lương là điều hiển nhiên mà GS Hoàng Tụy kiên trì kiến nghị.
‘Lát cắt Tụy’

Lát cắt tụy là tên gọi từ công trình mang lại giá trị khoa học cho ông, người đã tìm ra cách giải một trong những bài toán cơ bản nhất của tối ưu toàn cục: Bài toán tìm cực tiểu một hàm lõm trên một tập đa diện lồi giới nội. Công trình đưa ra lát cắt độc đáo có khả năng ứng dụng rộng, không chỉ đối với nhiều bài toán tối ưu toàn cục mà còn đối với những bài toán quy hoạch tổ hợp.

Cuộc sống của ông từng trải qua những “lát cắt đặc biệt”. Lần bị liệt hồi bé và sau đó may mắn được chữa khỏi là quãng thời gian giúp ông tiếp cận được với nhiều giá trị quan trọng.

“Cái và cách” (chữ dùng của Hồ Ngọc Đại) mà GS Tụy “cắt” giáo dục không phải lúc nào cũng dễ nghe.

Năm 2003, sau đợt xét công nhận GS với một bước tiến lớn (chuyển từ học hàm sang chức danh và đưa hoạt động này vào nề nếp hàng năm, sau gần 20 năm bỏ ngỏ), nhận định “1/3 GS xứng đáng bị miễn nhiệm chức danh” của ông gây xôn xao giáo giới đại học. Còn các công trình nghiên cứu khoa học rởm để tính thành tích cộng vào cho cái danh GS hão được ông gọi tên là “mớ giấy lộn”.

Năm 2004, tại một hội thảo, ông đã gọi những vấn nạn ảnh hưởng tới cơ thể khỏe mạnh của nền giáo dục là “ba khối u dị dạng” và chẳng ngại ngần gọi đó là “giáo dục bệnh hoạn”.

Ông cũng tỏ bày sự thất vọng mau chóng khi giáo dục “chạy theo thành tích dễ dãi được quảng cáo ầm ĩ thiếu trung thực lại ngốn nhiều công sức, tiền của mà hiệu quả thấp”.

Mặc cho những nhìn nhận “tại sao lại chỉ trích mà không đưa giải pháp”, hay “có phần thiếu thực tế”, ông vẫn kiên trì với “mệnh lệnh cuộc sống”. Giáo dục phải đổi mới thi cử, xây dựng đại học theo tinh thần khai sáng, đào tạo theo nhu cầu xã hội và then chốt nhất là cải tổ chính sách với giáo chức.

Bởi “hơn ba mươi năm qua đã cho thấy, hầu hết mọi căn bệnh tàn phá giáo dục đều có nguồn gốc ít nhiều ở cái chính sách bỏ mặc rồi khuyến khich thầy giáo tự bươn chải để kiếm sống mà làm nghề, trong một môi trường đòi hỏi họ phải toàn tâm toàn ý mới làm tốt được nhiệm vụ”.

 

Hiện nay, GS Hoàng Tụy sống cùng vợ tại ngôi nhà ở phố Đội Cấn. 
Ông vẫn tham gia biên tập các bài báo khoa học, hội thảo về khoa học, giáo dục.

Trong một buổi làm việc hơn hai giờ vào khoảng giữa tháng 11/2010, ông đã cố gắng thuyết phục Bộ trưởng GD-ĐT đương nhiệm “hãy nhân cơ hội này nhận nhiệm vụ lịch sử khởi động công cuộc cải cách giáo dục đã được đề ra trong các nghị quyết lớn của trung ương”. Trước hết, là có một cách tiếp cận mới đối với một số vấn đề nhức nhối nhất hiện nay như thi cử, tổ chức trung học phổ thông và dạy nghề, tuyển chọn GS, PGS, xây dựng đại học đảng cấp quốc tế, v.v.

“Tuy nhiên, gần nửa năm trời sau tuyên bố mạnh mẽ của Thủ tướng, tình hình vẫn im ắng. Cỗ máy giáo dục già nua cổ lỗ vẫn tiếp tục vận hành ì ạch mà chưa thấy tín hiệu gì sẽ có thay đổi” – ông ưu tư.

GS Hoàng Tụy có viết chung cuốn sách toán tiếng Anh với một người Đức "Global Optimization-Deterministic Approches" (Tối ưu toàn cục – tiếp cận tất định) và được một GS người Nhật Bản, nhận xét: Cuốn sách ấy được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là cuốn Kinh Thánh của chuyên ngành tối ­ưu toàn cục và trên thực tế, nhiều người bắt đầu các công trình nghiên cứu nghiêm túc của mình về tối ưu toàn cục là nhờ “được cuốn sách mở đường ấy cổ vũ”.
(Nhà báo Hàm Châu)

H. A. (Vietnamnet)
Nguồn: bee.net.vn

No comments:

Post a Comment